Friday, September 6, 2019

ĐÃ ĐẾN LÚC VIỆT NAM CHẤM DỨT ĐỐI SÁCH ;ĐI DÂY' GIỮA TRUNG QUỐC & HOA KỲ (Thiện Ý)





Thiện Ý 
05/09/2019

- Đối sách đi dây của Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là gì?
- Vì sao Việt Nam đã đến lúc cần chấm dứt đối sách đi dây?
- Trong bối cảnh hiện nay, đối sách nào thích dụng cho Việt Nam?

Đó là nội dung chúng tôi lần lượt trình bày trong bài viết này.

I - ĐỐI SÁCH ĐI DÂY CỦA VIỆT NAM GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ LÀ GÌ?

1 - Đối sách đi dây
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, “Đi dây” là hình ảnh một nghệ nhân đi dây trong một gánh xiệc, tay cẩm một xào ngang hay tay không dang ngang đi trên một dây căng thẳng, cố giữ thăng bằng không nghiêng về phía nào để khỏi té. Có lẽ hình ảnh này đã được người ta gọi có tính hình tượng của chính sách đối ngoại của một quốc gia cùng lúc có mối quan hệ song phương với hai quốc gia khác, cố gắng giữ thăng bằng trong cách ứng xử, để không bị coi là thiên lệch bên nay hay bên kia. Để thực hiện chính sách đối ngoại đi dây này với Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên nguyên tắc Việt Nam đưa ra một chính sách đối ngoại đa phương trung lập, với chủ trương cụ thể “ba không” (Không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không về phe nước nào chống lại một nước khác).

Thế nhưng thực tế trong quan hệ song phương, Việt Nam vẫn phải theo đuổi chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nghĩa là trên nguyên tắc đều muốn thể hiện sự quân bình trong đối sách với Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ trên mọi lãnh vực. Nhưng thực tế trong cách ứng xử, đôi khi Việt Nam vẫn tỏ ra thiên lệch nhiều hơn về phía Trung Quốc. dè dặt hơn về phía Hoa Kỳ, như muốn chứng tỏ với “đồng chí xấu bụng và nhiều tham vọng Trung Quốc”, rằng Việt Nam lúc nào cũng coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ.Với chủ trương “3 không” về quân sự an ninh quốc phòng, như một lời cam kết làm an lòng Trung Quốc, rằng Việt Nam sẽ không liên minh với Hoa Kỳ và bất cứ nước nào để chống lại Trung Quốc.

2 - Vì sao Việt Nam phải đi dây?
Vì bắt nguồn từ sự ràng buộc của quá khứ chiến tranh xa gần đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ có khác biệt.

Đối với Trung Quốc từng là “đồng chí anh em”, Việt-Trung có cùng quá khứ và vận mệnh tương lai, như lãnh tụ Cộng đảng đương thời Trung quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhắc nhở với cộng đảng Việt Nam mỗi khi có dịp.

Do đó, trên thực tế, đối xử với cựu thù Hoa Kỳ trong chiến tranh phải có khác, để không phật ý và bị nghi ngờ về lòng trung thành cố hữu của Việt Nam với Trung Quốc. Chẳng thế mà, trước khi làm điều gì liên quan đến Hoa Kỳ, Hà Nội luôn tham khảo trước với Bắc kinh cách này cách khác. Tỷ dụ, trong các chuyến công du Hoa Kỳ của các lãnh đạo hàng đầu đảng và nhà nước CSVN trước đây, thường là họ phải ghé qua Bắc Kinh trước khi đến Washington.Không biết trong chuyến Mỹ du dự trù vào tháng 10-2019 tới đây của Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng có ghé Bắc Kinh trước khi đến Washington hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra?

Vì thế, trong quan hệ song phương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn nêu cao và cố gắng thực hiện khẩu hiệu “4 Tốt và 16 Chữ vàng” có từ thời chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954-1975) do các lãnh tụ hàng đầu của hai đảng, hai nhà nước Việt (Hồ Chí Minh) và Trung (Mao Trạch Đông) xác lập như một định ước có giá trị cưỡng hành mặc nhiên không thể tranh cãi.

Vì trong bối cảnh quá khứ này, Việt cộng đã lệ thuộc nặng nề vào hai đế quốc cộng sản Nga-Tàu đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Do phải thực hiện cuộc chiến tranh xâm chiếm cộng sản hóa Miền Nam của bên Việt quốc, để làm tròn “nghĩa vụ quốc tế cộng sản”, Việt cộng ở Miền Bắc đã nhận sự chi viện toàn diện “sức người sức của”, như vũ khí, đạn dược, lương thực, tài lực, nhân lực của “phe xã hội chủ nghĩa” chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc. Trong đó nhiều nhất là Trung cộng chiếm đến 3/4 chiến phí như tổng kết sau chiến tranh để làm căn cứ cho Bắc Kinh đòi nợ khẩn cấp, chỉ vài năm sau kết thúc chiến tranh Việt Nam. Là vì khi đó, đảng CSVN thời cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã (dại dột?) dứt khoát chọn Liên Xô là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của mình. Sự lựa chọn dứt khoát này đã khiến Bắc kinh nổi giận “kẻ bạc tình, tham phú phụ bần”, nên không chỉ đòi nợ khẩn cấp (khiến cả nước không đủ lương thực phải ăn độn ngô khoai và bo- bo vốn là đồ ăn dành cho súc vật được Liên Xô viện trợ cứu đói…); mà còn dùng công cụ Khmer Đỏ Pon Pot, Ieng Sari quấy phá biên giới phía Tây Nam, gài thế cho cộng sản Việt Nam ngã sấp mặt và sa lầy hơn 10 năm vào chiến trường Kampuchia (1978-1989). Hệ quả là đã gây nhiều tổn thất nhân mạng, tài lực và tạo thêm nhiều khó khăn thời hậu chiến về đối nội (toàn diện về chính trị,quân sự, kinh tế, xã hội…) cũng như đối ngoại cho cộng sản Hà Nội ( Mỹ gia tăng và lôi kéo nhiều nước tham gia cấm vận, bị thế giới lên án Việt cộng xâm lăng Kamphuchia…).Sự thể này đã làm Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Duẩn lúc đó uất ức phải thốt lên với các đống chí và nhân dân rằng “Chúng Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc…” ( nay sao lại đòi nợ là thế nào?-Đây có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm để CSVN phải thực hiện chính sách đi dây sau này vì sợ Trung cộng “dạy cho Việt Nam một bài học” kiểu năm 1979 chăng?)

Nhớ lại, trong thời khoảng này, Liên Xô cũng đang gặp nhiều khó khăn nội bộ, nên không thể giúp Việt Nam vượt thoát những khó khăn toàn diện. Do đó, Việt cộng đã phải một mình chịu đựng, loay hoay tự giải quyết mọi khó khăn cho đến khi nhìn thấy dấu hiệu tiền sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô (Cải tổ Glasnost và cởi mở Perestroika (1986-1989) để cứu nguy chế độ XHCN đều thất bại sau phải chuyển đổi qua dân chủ tư bản chủ nghĩa từ 1991đến nay); trong khi công cuộc “Đổi mới” tại Việt Nam theo gương Liên Xô cũng không thành, Việt cộng phải muối mặt vội tìm cách bám trở lại trụ cột Trung Cộng qua “Mật nghị Thành Đô” (1990),nghe đâu phải chấp nhận nhiều thua thiệt, để được Trung cộng nối lại bang giao. Từ đó, đảng và chế độ CSVN tiếp tục nêu cao và cố gắng thực hiện khẩu hiệu “4 Tốt và 16 Chữ vàng” như nền tảng quan hệ ngoại giao Việt –Trung. Đồng thời từng bước đi theo con đường “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là mèo đó bắt được chuột” của Trung quốc.

- Đối với Hoa Kỳ, quá khứ từng là là cựu thù trong chiến tranh, đối tác làm ăn trong hiện tại, Việt- Mỹ không có cùng quá khứ, nhưng vận mệnh tương lai có thể gắn bó đôi bên cùng có lợi.

Vận mệnh tương lai đó là , sau khi Trung Quốc “mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài, “phe xã hội chủ nghĩa đã rãy chết”, Việt Nam mới dám nối bước đàn anh tìm cơ hội “mở cửa” làm ăn với các nước “tư bản chủ nghĩa không rãy chết” như lý luận của chủ nghĩa Mác-Lenin. Cơ hội đó là vào năm 1995 khi được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó, sau đó và nhờ đó Việt Nam đã từng bước phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế, để có bộ mặt “Phồn vinh” như hôm nay. Mặc dầu người dân ai cũng biết “bộ mặt phồn vinh” hôm nay là kết quả của con đường làm ăn “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” (trừ các dư luận viên của nhà đương quyền” ăn cơm Đảng múa tối ngày”). Nhưng vì sĩ diện, Cộng đảng Việt Nam vẫn phải chơi trò gian thương “treo đầu dê bán thịt chó”, rằng đó là nhờ con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, như chúng tôi đã vạch trần trong nhiều bài viết trước đây trên diễn đàn này.Đúng vậy không, thưa các “đồng chí dư luận viên” đang làm công tác “Đặt tình truyền thông” cho “Đảng và nhà nước” của mình?

Thế nhưng cũng từ đó và sau đó cho đến gần lúc này, trong chính sách đối ngoại của Việt cộng, tổng quát trên nguyên tắc là đa phương, nhưng thực tế trong quan hệ song phương Việt Nam, bên ngoài vẫn chẳng đặng đừng phải thực hiện “chính sách đi dây giữa Trung quốc và Hoa Kỳ”.Nhưng bên trong đã không ngừng củng cố mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ,nỗ lực từng bước theo hướng “thoát Trung xoay trục về phía Mỹ”. Vì nói gì thì nói, cả nhà cầm quyền cũng như nhân dân Việt Nam trong thâm tâm đều hiểu ngầm rằng thành quả phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế hôm nay, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ yếu và tương lai đối tác Hoa Kỳ tốt hơn nhiều “đồng chí Trung Quốc”, sẽ là chỗ dựa đối trọng vững chắc cho Việt Nam, vừa phát triển đến tự cường, vừa ngăn chặn được tham vọng lấn chiếm đất liền,biển đảo và áp chế nô dịch Việt Nam của Trung Quốc.

II - VÌ SAO ĐÃ ĐẾN LÚC VIỆT NAM CẦN CHẤM DỨT CHÍNH SÁCH ĐI DÂY ?

Theo nhận định của chúng tôi, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là vì:

1 - Vì chính sách đi dây này không có hiệu quả trên thực tế,đang tiến dần đến nhiều nguy cơ, dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng theo đuổi hàng thập niên qua.

Không hiệu quả, vì mục tiêu và lợi ích của chính sách đối ngoại “đi dây” này không đạt được trên thực tế. Vì trong quan hệ song phương với Trung Quốc,Việt Nam đã luôn tỏ ra cố gắng duy trì tình hữu hảo, muốn được đối xử bình đẳng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích của hai nước Việt-Trung. Nhất là chính sách đi dây này là để tránh không bị nước láng giềng Trung Quốc có lý do thực hiện tham vọng bá quyền và lấn chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam, cũng như gây khó khăn nhiều mặt cho Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã luôn thực hiện chính sách ngoại giao “lá mặt lá trái” với Việt Nam. Miệng thì nói “hữu hảo”, hành động thì “bất hảo”, luôn ỷ thế mạnh lấn áp Việt Nam đủ điều. Nghiêm trọng nhất là Trung Quốc trong nhiều năm qua đã ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo của Việt Nam. Cụ thể gần nhất, nhưng vẫn chưa phải là hành động cuối cùng, là vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Chính thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp. Đây là một vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển.Có phải như “Một giọt nước làm tràn ly” chăng?

2 - Vì đến lúc này, Việt Nam đã có đủ các yếu tố chủ quan cũng như khách quan thuận lợi để chấm dứt chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Về chủ quan, Việt Nam đã chứng tỏ làm hết sức mình, đi từ tránh né,nhún nhường, nhượng bộ đến thái độ và hành động kiên quyết đối với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ Quốc hiện nay. Tự thân, Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện các bước cần thiết cải tiến, tăng cường trang bị vũ khí, sức mạnh an ninh quốc phòng tự chủ, không phải để tự mình đương đầu để chiến thắng trong một cuộc xung đột quân sự không cân sức với Trung Quốc; song chỉ muốn nói lên ý chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sáng đương đầu với tham vọng xâm lăng Việt Nam của Trung Quốc.Đồng thời có thêm yếu tố để được sự quan tâm, hổ trợ tích cực, toàn diện của quốc tế để ngăn chặn kịp thời bất cứ hành động “ỷ mạnh hiếp yếu” và chặn đứng tham vọng xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.(theo ý nghĩa một châm ngôn Phương Tây “hãy tự giúp ta, rồi trời sẽ giúp”?)

Mặt khác, về phía nhân dân, chính thái độ và hành động cương quyết, dứt khoát này của nhà cầm quyền Việt Nam dường như đã được sự tán dồng và hậu thuẫn âm thầm và mạnh mẽ của hầu hết nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại.Đồng thời người dân Việt Nam hầu như đang hướng lòng về phía Hoa Kỳ và quốc tế như những cứu tinh. Thể hiện điển hình cụ thể mới nhất, khi hay tin Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tới Biển Đông, đã và đang được công luận Việt Nam hưởng ứng và chào đón nhiệt tình giữa bối cảnh căng thẳng trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam và các nước trong khu vực kiềm chế những hành động hung hăng của Bắc Kinh và “sớm lập lại trật tự ở Biển Đông”.

Về mặt khách quan, sau khi Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Hoa Kỳ là nước đầu tiên đã mau mắn lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ỷ thế mạnh bắt nạt Việt Nam của Trung Quốc; tiếp theo sau là sự lên tiếng của các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản….Tất cả đều kết án và bày tỏ sẵn sàng tham gia một liên minh dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ để bảo vệ các quốc gia yếu thế trong khu vực, mà còn là vì quyền lợi quốc gia của họ, cần bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Riêng Hoa Kỳ, trong vai trò một cường quốc đứng đầu một liên minh đang hình thành nhằm chống tham vọng bá quyền Trung Quốc, người ta ghi nhận nhiều dấu hiệu tịch cực có lợi cho Việt Nam. Khác với chủ trương đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông từng được đưa ra,từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đến Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Bolton, đều đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc “bắt nạt” các nước khác trên Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì vụ Bãi Tư Chính.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 nêu rõ việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Trong trường hợp Bãi Tư Chính, thông cáo nhấn mạnh, Trung Quốc đang áp lực Việt Nam về sự hợp tác giữa Hà Nội với một công ty năng lượng Nga và những đối tác quốc tế khác.

Thông cáo nói các công ty Mỹ đứng đầu trên thế giới trong việc thăm dò và khai thác các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông. Do đó Hoa Kỳ mạnh mẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc đe dọa hay cưỡng bách các quốc gia đối tác rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.

Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ cam kết đẩy mạnh an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đảm bảo việc sản xuất dầu khí cho thị trường toàn cầu không bị gián đoạn.

Thông cáo của. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 nêu rõ hết sức quan ngại trước các nỗ lực tiếp diễn của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, mà qua đó, các nước lớn nhỏ được đảm bảo an toàn chủ quyền, không bị uy hiếp, và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các luật lệ cũng như chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác để đảm bảo quyền tự do hàng hải và cơ hội kinh tế xuyên suốt cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đồng thời Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton viết trên Twitter hôm 20/8 ám chỉ rằng Washington ủng hộ Việt Nam đứng lên “chống lại hành vi cưỡng ép” của Bắc Kinh. Ông viết “Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại”.Và tằng. “Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó”.

Ngoài những lên tiếng mạnh mẽ của các viên chức lãnh đạo An ninh, Ngoại giao, Quốc phòng ngành hành pháp, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Quốc Hội Hoa Kỳ Dân biểu Eliot L. Engel, hôm 26/7 ra tuyên bố về việc Trung Quốc “can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát”, trong đó ông “lên án Trung Quốc” và bày tỏ ủng hộ Việt Nam.

Vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định là chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc “cấu thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”.

Bên cạnh đó, ông Engel cũng lưu ý rằng điều quan trọng không kém là hành vi của Trung Quốc “đe dọa lợi ích của các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực”.

Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực của chúng ta để lên án sự hung hăng này ... Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này…”

Mặt khác, đi kèm với những lời lên lên án tố cáo Trung Quốc, lên tiếng ủy hô mạnh mẽ Việt Nam của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ, là những hành động cụ thể trên thực tế trong tương quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để hổ trợ, tăng cường an ninh quốc phòng cho Việt Nam. Cụ thể như:

(1) Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng mạnh hơn với Việt Nam, theo tin VOA ngày 4-4-2019, thì Lý do để tăng cường mối quan hệ quốc phòng, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Schriver cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam có cùng lợi ích chung “trong việc thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền hợp pháp riêng của các quốc gia, bất kể quy mô hay có lo ngại về một sự xói mòn tiềm ẩn trong trật tự dựa trên quy tắc mà từ trước đến nay đã cho phép tất cả các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trỗi vậy và thịnh vượng”.

(2) Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 1/6 đã gặp người đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, “nêu bật tiến bộ lịch sử trong mối quan hệ quốc phòng song phương”.

Phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết rằng “hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam”.

(3) Mỹ đào tạo phi công quân sự Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh theo tin VOA hôm 3-6-2019. Theo tìm hiểu của VOA qua phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, phi công quân sự của Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện của Không lực Hoa Kỳ từ năm 2016…

(4) Mỹ ‘phối hợp đa phương’ ở Biển Đông , rằng “Chúng tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó [Biển Đông]. [Chúng tôi] phối hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc”, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, bà nói hôm 13/8 trong một cuộc họp báo.

(5) Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh 20/08/2019 Theo VOA Đại tướng David L. Goldfein đã trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Trong chuyến thăm 2 ngày đến Hà Nội, ông đã giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

(6) VN tuyên bố tham gia cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN 22/08/2019, theo VOA sự khẳng định của Việt Nam được đưa ra thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 22/8, giữa lúc tình hình ở Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo thông tin chúng tôi được biết, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6-9-2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, Tuổi Trẻ dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/8.

III - TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY, ĐÂU LÀ ĐỐI SÁCH THÍCH DỤNG CHO VIỆT NAM?

Như lời kết, chúng tôi nghĩ rằng, vào thờI điểm hiện nay, qua vụ Bãi Tư Chính, Trung Quốc một lần nữa đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự thể này đã buộc Việt Nam không còn tránh né như bao lâu nay mà đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cách hành xử này đã được sự tán đồng của quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước, sức hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là cường quốc Hoa Kỳ; không chỉ bằng lời nói mà đi kèm với những hành động song phương cũng như đa phương ủng hộ Việt Nam, mà còn có nhiều hành động thể hiện quyết tâm chung là chặn đứng tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, vì quyền lợi chung.

Vì vậy đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt chính sách ngoại giao “Đi dây” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, dứt khoát xoay trục về phía Hoa Kỳ. Vì Việt Nam đã hội đủ các yếu tố thuận lợi chủ quan cũng như khách quan để “thoát Trung”,đứg đánh mất cơ hội này.Về khách quan, ai cũng thấy, chỉ có Hoa Kỳ một cường quốc có đủ thế lực đối trọng với Trung Quốc và có tư thế lãnh đạo một liên minh chống và đập tan được tham vọng bá quyền, ỷ mạnh lấn yếu, bắt nạt các quốc gia nhỏ bé trong vùng, trong đó Việt Nam là một nạn nhân bị đe dọa nhiều nhất do có biên giới cận kề trên đất liền cũng như tại Biển Đông.

Chúng tôi đề nghị nhà đương quyền Việt Nam cần dứt khoát, mạnh dạn, dựa vào dân, chấm dứt mối quan hệ “hữu hảo hão huyền” với Trung Quốc. Đồng thời, thiết lập quan hệ có thực chất với Hoa Kỳ dựa trên lợi ích chung của hai nước và quốc tế. Một cách cụ thể, tổng quát Việt Nam cần từ giai đoạn “Đối tác toàn diện” có tính chung chung, bước qua giai đoạn “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ, từ bỏ chủ trương “Ba Không”, tiến tới ký kết một “Hiệp ước hổ tương an ninh quốc phòng” với Hoa Kỳ là thượng sách. Đừng lo Trung Quốc gây nhiều khó khăn, vì một khi xoay trục đối ngoại về phía Hoa kỳ và đồng minh, mọi khó khăn cách mấy cũng sẽ được giải quyết.Liệu Ông Tổng –Tịch Nguyễn Phú Trọng có dám thể hiện đối sách xoay trục này trong chuyến đi Hoa Kỳ dự trù vào Tháng 10 tới đây không, để không bị mang tiếng là người thân Trung Quốc hay là người được Trung Quốc tấn phong, theo sự đồn đoán bao lâu nay?

Thiện Ý
Houston, ngày 1-9-2019






No comments:

Post a Comment