Thursday, August 22, 2019

TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 22/08/2019 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
22/08/2019

Facebooker Đặng Sơn Duân cho biết: “Trang Wionnews ở Ấn Độ đưa tin trong lần xâm nhập EZZ của Việt Nam lần thứ hai từ ngày 13.8 có 6 tàu hải cảnh, 10 tàu cá và 2 tàu dịch vụ. Oanh tạc cơ H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu cũng được nhìn thấy. Trang này không dẫn nguồn cho thông tin oanh tạc cơ, nhưng trong bài họ dẫn nguồn tin ngoại giao Việt Nam”. Ông Duân nói rằng, theo nguồn tin này, lãnh đạo VN cũng đang cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. 

BBC đặt câu hỏi về tình hình Biển Đông: Ý kiến cho rằng Việt Nam có ‘đồng minh’ mới? Về khả năng Nga giúp đỡ Việt Nam đối đầu Trung Quốc, đã có người chỉ ra: Nếu so về mức độ rủi ro với chủ quyền quốc gia, vụ Trung Quốc tấn công miền Bắc Việt Nam năm 1979 nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ Bãi Tư Chính, dù Liên Xô lúc đó có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam hơn bây giờ nhiều, nhưng Liên Xô không hề động binh giúp đỡ Việt Nam, vậy thì có gì để hy vọng lần này Nga sẽ giúp Việt Nam, trong tình hình Nga – Trung đang liên kết đối đầu với phương Tây?

Hiện Việt Nam chỉ có thể trông cậy Mỹ, các nước châu Âu và một số nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, bởi họ cũng lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc như Nhật, Úc. Nhưng sự giúp đỡ của nước ngoài cũng không thể sánh bằng nội lực dân tộc Việt Nam, vốn đã bị chia rẽ từ năm 1975 đến nay.

RFA đưa tin: Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ của Australia trong căng thẳng Biển Đông. GS Carl Thayer nhận định, vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật được đề cập đến trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam và Australia trong tuần này: “Biển Đông hiển nhiên sẽ được nói tới trong các thảo luận. Cả hai lãnh đạo sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc ủng hộ luật quốc tế và Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển, và chỉ trích việc xâm lấn và đe dọa dùng vũ lực”.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/08/H7-7.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp TT Úc Scott Morrison tại Hội nghị G20 ở Nhật vừa qua. Photo Courtesy

Báo Tuổi Trẻ có bài: Học giả Mỹ bác bỏ ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc. Về khái niệm “đường lưỡi bò” thường được Trung Quốc viện dẫn khi xâm phạm lãnh hải nước khác, chuyên gia James Kraska, thuộc Trung tâm luật quốc tế Stockton, trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, bình luận, yêu sách này là một tuyên bố mơ hồ, không có bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ.

TS Kraska chỉ ra, “Trung Quốc đã sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận, sử dụng ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ và tạo ra những điều huyền hoặc về quốc gia nhằm cố biện minh một cách hợp pháp hành động của mình”.

RFA có bài: Nếu Trung Quốc lập được B.O.T ở Bãi Tư Chính, VN sẽ mất tất cả! Vụ Trung Quốc ngày càng lấn tới ở Bãi Tư Chính, có ý kiến cho rằng, nếu cứ để yên cho Trung Quốc, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc thu tóm được khu vực này, như đã làm với toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa, rồi lập “trạm BOT” trên biển tại đây.
Bài viết chỉ ra, lần này Việt Nam cứng rắn vì “VN cũng đang hết dần đất lùi. Nếu lần này để TQ lập được một ‘Trạm thu phí’ (B.O.T) ở Bãi Tư Chính, nhà nước VN sẽ mất tất cả! Quan trọng nhất là mất tính chính danh trước người dân trong nước và trước các đối tác quốc tế. Sau đó là đến các thiệt hại ở trên đất liền”.

VOA có clip: Truyền hình VOA 21/8/19: Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm VN thời hậu chiến”. Trong clip có một thông tin không chính xác: “Đại tướng David L. Goldfein trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam“. Đại tướng David L.Goldfein là Tham mưu trưởng Không quân (Chief of Staff of the Air Force). Còn Đại tướng Charles Q. Brown Jr. mới là Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (Commander of Pacific Air Forces).

VOV viết: Khai thác tận diệt ở Biển Đông và tham vọng phi lý của Trung Quốc. Bài báo nói về cách ngư dân Trung Quốc hủy diệt hệ sinh thái ở Biển Đông: “Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ và ngư dân Trung Quốc phải phá nát cả rạn san hô rộng lớn nhưng lợi nhuận mà công việc này mang lại khiến họ bất chấp tất cả”.

_____







No comments:

Post a Comment