Wednesday, August 21, 2019

THÀNH NGỮ MỚI : TƯ BẢN GIÃY CHẾT (Nguyễn Thông)





Gọi là mới, nhưng thực ra cụm từ này xuất hiện từ thời cách mạng vô sản. Cũng có thể nó được khơi mào từ những ông tổ râu xồm K.Marx – F.Engels của phong trào vô sản nửa cuối thế kỷ 19, mà cũng có khi bắt đầu trong cuộc nổi dậy tháng 11.1917 ở Nga (theo lịch Nga thì là cách mạng tháng 10), lập nên nhà nước xô viết. Nhưng thôi, chả hơi đâu tìm căn nguyên, khởi thủy của nó làm gì.

Theo lý luận của những nhà lãnh đạo cách mạng vô sản, giai cấp công nhân vốn làm thuê cho chủ tư bản tự thấy mình bị thiệt thòi, bị bóc lột đã đứng lên đòi lập lại trật tự, đánh đổ giai cấp tư sản, để xây dựng một chế độ và phương thức sản xuất mới, ai cũng làm chủ, “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Ông Marx còn xúi “giai cấp vô sản làm cách mạng, nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới”. Rất kinh. Nói đơn giản, muốn sung sướng phải đi làm cách mạng, phải đánh nhau, hạ bệ, đổ máu. Mấy ông thầy dùi này còn thừa giấy vẽ ma, rằng “giai cấp tư sản để đạt được 300% lợi nhuận thì dù tự treo cổ, nó cũng làm”, thân nó, nó còn chả tiếc thì nó thương ai. Nói chung, phe tư bản, giai cấp tư sản là rất xấu. Giàu là xấu.

Một thời gian khá dài, khoảng 7 chục năm, thế giới chia làm hai phe: tư sản và vô sản, tư bản và xã hội chủ nghĩa. Đấu nhau kịch liệt, cả võ mồm và súng đạn. Liên Xô, từ sau cách mạng tháng 10 tự xưng là thành trì của cách mạng thế giới, lôi cuốn được hơn chục nước vào vòng binh đao chống tư bản đế quốc. Cả bộ máy tuyên truyền suốt ngày ra rả nhét vào tai dân chúng rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu”, “chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại”. Đồng thời với bức tranh rực rỡ ấy thì “bọn tư bản giãy chết”, “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, và dĩ nhiên, “giai cấp vô sản là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”. Với bộ máy tuyên truyền độc quyền một chiều có sự bảo kê của súng đạn, dân chúng nghe và tin sái cổ. Cũng có thể lúc đầu không tin, nhưng nó nói mãi thì cũng tin. Hăng hái làm nhiệm vụ vác thánh giá đi thánh chiến, đi đào mồ chôn bọn giãy chết, bọn nhà giàu. Bao giờ thế giới đại đồng/Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân.

Trong tiếng Việt, “giãy” và “giẫy” có chung một nghĩa, vì vậy nói rằng “tư bản giãy chết” hoặc “tư bản giẫy chết” đều được. Nó bắt đầu từ việc dùng vần “ay” và “ây” cùng nội hàm, tạo nên chảy/chẩy, nhảy/nhẩy, bảy/bẩy, cả thảy/cả thẩy, hết sảy/hết sẩy, dấu phảy/dấu phẩy, thày giáo/thầy giáo… Khi cả nước có ngày thứ bảy trong tuần thì ở quê tôi (một làng quê vùng Hải Phòng) người ta chỉ biết thứ bẩy. Ôi giời, tiếng Việt rắc rối và giàu có, bàn bạc trao đổi có mà cả ngày.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, đẻ sau khi “miền Bắc hoàn toàn giải phóng” hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên từ bé tí đã nghe tuyên truyền về tư bản giãy chết. Vừa căm thù vừa thương hại chúng, tức là bọn tư bản. Khi đi học, ăn sâu vào đầu là những bài về đấu tranh giai cấp. “Dù quần đẹp áo lành/Anh vẫn là người xấu”. Mặc nhiên hiểu giai cấp tư sản rất ác, nhất là bọn tư sản mại bản. Chúng làm giàu trên mồ hôi nước mắt công nhân. Ngay cả nhưng tư sản có tinh thần dân tộc, biết giúp đỡ cách mạng và kháng chiến như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, những chủ hãng Cự Doanh (dệt), Vạn Vân (mắm)… cũng cần phải cải tạo để trở thành người… lao động.

Cách cải tạo phổ biến nhất là tịch thu tài sản, ban đầu núp dưới hình thức công tư hợp doanh, giao cho nhà tư sản chút chức vụ, sau khi nhà nước đã thâu tóm được hoàn toàn thì gạt họ khỏi bộ máy điều hành không thương tiếc. Rất nhiều nhà tư sản đã trở nên trắng tay bởi mưu mẹo mánh lới này của người cộng sản. Tôi nhớ, từng đọc đâu đó lời chua chát của một người trong cuộc sau khi toàn bộ tài sản phải “tự nguyện hiến” hết cho nhà nước, rằng mấy ông bà cách mạng kháng chiến, sau khi giành được tự do, độc lập cho đất nước và dân tộc thì đã tiến hành cuộc cướp bóc vĩ đại, cào bằng xã hội, căm ghét người giàu, biến cách mạng thành công cuộc ăn cướp.

Công bằng mà nói, lúc ban đầu mục đích tiêu diệt của người cộng sản xứ này không có chủ nghĩa tư bản, đối tượng bị thù hằn không có nhà tư sản. Điều đó được chứng minh bằng khẩu hiệu cương lĩnh của họ: “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Cũng dễ cắt nghĩa bởi xứ ta tới khi cộng sản vùng dậy vẫn chỉ là nước thuần nông, nhà giàu chủ yếu là địa chủ, phú nông. Tới tận thập niên 1950, tiến hành cải cách ruộng đất, mà họ gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn chỉ tập trung vào địa chủ – kẻ thù của cách mạng, chưa thấy bóng dáng nhà tư sản trong danh sách đen. Chỉ có điều, với người cộng sản Việt Nam, lòng căm thù phe “tư bản giãy chết” đã ngấm vào máu từ khi được Marx – Lênin giác ngộ, chỉ chờ dịp là bùng phát thành những cơn cuồng nộ.  (còn tiếp)


-------------------------------

XEM THÊM


Ông cha của phần đông chúng ta đã theo Đảng Cộng sản , tôn sùng Chủ nghĩa Mác Lênin ( CNML ), làm CM để giành độc lập, mang tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân. Nhiều người đã hy sinh xương máu. Thế mà giờ đây có một số người phê phán và đòi từ bỏ CNML, đòi xóa hoặc đổi tên đảng Cộng sản. Những người như vậy liệu có phản bội lại sự hy sinh của thế hệ ông cha, liệu có vi phạm vào đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là vấn đề được nhiều bạn trẻ đặt ra yêu cầu giải đáp. Tôi viết để trả lời câu hỏi đó.

Tôi đọc sách “ Chủ nghĩa Lê nin” vào khoảng đầu năm 1945, lúc 9 tuổi, khi cán bộ Việt Minh Nguyễn Văn Đồng ( nay là trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đến vận động và giác ngộ cha tôi làm CM. Anh Đồng đã đem quyển sách đó cho cha tôi nghiên cứu, tôi vì tò mò mà đọc trộm và chỉ hiểu lơ mơ. Lớn lên tôi được học tập CNML khá nhiều, không những ở trong nước mà còn ở Liên xô.

Quá trình nhận thức về CNML của tôi được chia thành 4 giai đoạn :

1- Từ 10 đến khoảng 30 tuổi là lúc chỉ biết tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ, cho rằng CNML là hoàn toàn đúng.

2- Từ khoảng 30 đến 50 tuổi ( 1966-1986) là giai đoạn có những nghi ngờ và suy nghĩ trước thực trạng có sự sai khác nhiều giữa lý thuyết và thực tế.

3-Từ khoảng 50 đến 70 tuổi ( 1986-2006 ) tôi để tâm nghiên cứu, tìm cách giải thích thực trạng của xã hội. Qua nghiên cứu tôi nhận ra sự sai lầm từ gốc của CNML, thấy rằng nó là tai họa cho cho nhân loại nói chung và cho dân tộc VN. Vì sợ bị quy kết, bị đàn áp mà tôi không dám công khai các ý kiến, chỉ thỉnh thoảng thì thầm trao đổi giữa những người bạn thân tín.

4- Từ trên 70 tuổi (từ năm 2006 trở đi ) tôi bớt dần và từ năm 2013 trở đi đã vượt qua được sự sợ hãi nên mới công khai viết một số bài phê phán và vận động từ bỏ CNML. Cũng là nhờ vào Internet.( tóm tắt 4 giai đoạn là : tin, nghi, sợ, vượt ).

Tiêu chuẩn để đánh giá một học thuyết chính trị là thực tế thu được khi áp dụng nó vào cuộc sống chứ không phải do suy luận. Giá trị thực của học thuyết nằm ở bản chất của nó, được xây dựng nên từ những luận cứ và luận chứng đầy đủ, minh bạch, chính xác, trung thực chứ không phải nó đúng vì đã có bao nhiêu người hy sinh xương máu cho nó, không phải dựa vào sự tuyên truyền dối trá, ngụy biện. Trong lịch sử có nhiều dẫn chứng về việc hàng triệu, hàng chục triệu người hy sinh để bảo vệ sự độc tài tàn bạo mà kẻ thống trị đưa ra sự vinh quang hão huyền để lừa bịp, thí dụ Tần Thủy Hoàng, Napôlêông, phát xít Hitle, Muxôlini ….

Đã có đầy đủ các chứng minh rằng CNML là sai lầm, chứa nhiều độc hại. Nó tồn tại được, mê hoặc được một số khá đông người trong một thời gian là dựa vào sự tuyên truyền dối trá, sự ngụy biện, sự hứa hẹn hão huyền. Và khi các đảng theo CNML đã nắm được chính quyền thì còn dùng thủ đoạn đàn áp của nền thống trị độc tài với lực lượng công an hùng hậu. Sự khủng bố, đàn áp nhân dân ở Campuchia, ở Trung quốc dưới chế độ cộng sản, sự sụp đổ của Liên xô và các nước XHCN Đông Âu là bằng chứng hùng hồn về sai lầm và tác hại của CNML.

Đảng CSVN được Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1930, tuy có liên quan đến CNML nhưng thực sự là dựa trên lòng yêu nước của nhân dân mà chủ yếu là của những người ưu tú để đánh đuổi thực dân, giành độc lập, chống áp bức chứ không phải để thực thi CNML bằng đấu tranh giai cấp và làm chuyên chính vô sản, càng không phải để xây dựng chế độ độc tài . Tiêu đề Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập Tự do Hạnh phúc do Hồ Chí Minh nêu ra là một minh chứng.

Ông bà, cha mẹ, anh chị chúng ta hy sinh xương máu là vì lòng yêu nước, vì độc lập, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, chứ không phải vì CNML, không phải để bảo vệ CNML. Kể cả nhiều đảng viên cộng sản, họ hy sinh, họ bất khuất cũng chính vì lòng yêu nước chứ không phải vì CNML. Khác với một số nước cộng sản khác, ở Việt nam CNML tồn tại được , ban đầu là nhờ bám vào lòng yêu nước của các thành phần ưu tú của dân tộc. Đảng CSVN phát triển được là dựa vào lòng yêu nước của phần đông nhân dân. Nhưng đến khi đã nắm được chính quyền thì ĐCS lại vì bảo vệ và thực thi ý thức hệ cộng sản mà đề cao chuyên chính vô sản, thâu tóm quyền lực, hình thành nên giai cấp thống trị mới với các nhóm lợi ích, với tệ tham nhũng, mua quan bán tước.

ĐCSVN quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất, tạo điều kiện cho quan chức chiếm đoạt để làm giàu, tạo nên vô số dân oan, đàn áp các phong trào dân chủ, vu cáo để bỏ tù hàng ngàn, hàng vạn người bất đồng chính kiến, vay nợ nước ngoài, sử dụng tiền thuế của dân và tài sản quốc gia, chỉ dùng một phần để phát triển kinh tế và quản lý xã hội , còn phần lớn để làm những công trình xa hoa, lãng phí (có một số đắt nhất và mau hỏng nhất thế giới), tổ chức liên hoan tiệc tùng và tiêu xài lãng phí, một phần không nhỏ được chia nhau bỏ túi, tạo nên những nhà tư bản đỏ. Quan chức của Đảng to mồm rao giảng “ Nhà nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng đời sống dân chủ, tự do, hạnh phúc…”, nhưng đó chỉ là khẩu hiệu, là lời nói suông, còn thực tế như thế nào thì mọi người đã biết rõ.

Như vậy có thể kết luận một cách chắc chắn : Những kẻ tham nhũng đang cầm quyền, đang mua quan bán chức, đang đàn áp dân chủ và tạo nên những oan trái cho dân, những kẻ đang thần phục, chịu lệ thuộc vào Trung Cộng, dâng đất đai, biển đảo cho chúng chính là bọn phản lại sự hy sinh xương máu của ông cha, phản lại mục tiêu cao đẹp của CM là tự do , hạnh phúc của toàn dân. Chúng nó luôn mồm cao giọng tuyên bố là kế tục sự nghiệp CM cứu nước của các bậc tiền bối, nhưng thực tế chúng nó đã phản bội lại lý tưởng ban đầu của các chiến sĩ cộng sản , chúng nó chiếm đoạt thành quả của dân tộc để làm giàu riêng. ĐCSVN hiện nay và ĐCSVN lúc thành lập là cùng tên nhưng bản chất không giống nhau, là hai đảng khác nhau xa. Ông cha chúng ta theo ĐCS là theo đảng trước đây chứ không theo đảng bây giờ.

Ông cha chúng ta vì lòng yêu nước, khi biết ĐCS được thành lập để làm CM giành độc lập, lại có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì vội tin, đi theo và sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa. Khi đã đi cùng ĐCS, họ bị tuyên truyền, bị nhồi sọ, bị lừa dối nên tin theo một chiều mà không thể biết được những độc hại của CNML, không biết được mặt trái và sự thâm độc của ĐCS. Nếu họ biết rõ , khi ĐCS nắm được chính quyền sẽ trở thành độc tài chuyên chính vô sản, rồi toàn bộ ruộng đất của tổ tiên để lại sẽ bị sung công, rồi con cháu của họ sẽ bị đảng khép vào vòng ý thức hệ thì chưa chắc họ đã tin và theo như thế. Như vậy phần đông trong số họ đã bị lừa dối, bị nhầm lẫn, phạm vào sai lầm “ đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”.

Khi biết ông cha đã nhầm đường, không lẽ chúng ta lại tiếp tục đi theo một cách mù quáng. Xin đừng ngộ nhận là ông cha đã hy sinh xương máu là nhằm tạo nên một chế độ độc tài như hiện nay. Làm con cháu mà không sửa được cái sai, cái nhầm của ông cha là loại ngu đần, tưởng là có hiếu nhưng thật ra là bất hiếu. Không sớm thì muộn, cách gì rồi dân tộc VN cũng giác ngộ ra chân lý và từ bỏ CNML, cách gì rồi chế độ cộng sản cũng sụp đổ hoàn toàn, càng kéo dài nó ngày nào là có tội với dân tộc, có tội với ông cha ngày đó.

Như vậy những người phê phán và vận động từ bỏ CNML mới là người yêu nước, yêu dân thật sự, họ chống lại những giáo điều lạc hậu, chống lại sự toàn trị chuyên chính vô sản, chống lại bất công, tàn bạo và áp bức do ĐCS gây ra, họ thật sự vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy họ mới chính là những người tiếp bước sự nghiệp và nguyện vọng của ông cha. Còn về việc uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây thì đó là lòng chúng ta biết ơn, tưởng nhớ, kính cẩn thờ phụng ông cha và các liệt sĩ chứ không phải là việc nối tiếp và phát triển những sai lầm, không thể là việc tôn thờ những điều dối trá, những tội ác của những kẻ đã lừa dối họ và đang tiếp tục lừa dối chúng ta.

Mong các bạn trẻ tỉnh táo, tự suy nghĩ bằng đầu óc của mình, dùng thực tế để kiểm chứng, đừng bị mắc vào vòng tuyên truyền lừa dối.

.
Chóp bu CS không phản bội mà con đường của họ đi là tất yếu. Họ là hậu duệ chính tông của phương pháp mà ông Hồ đã áp dụng.
.
TRẢ LỜI VÀI CÂU HỎI
Sau khi đọc bài về CM T8 của tôi, một số bạn có vài thắc mắc. Nhận thấy rằng trả lời chúng có thể giúp không những các bạn đặt câu hỏi mà còn để nhiều bạn khác hiểu rõ thêm vài điều nên tôi viết bài này.
Bạn Chính Bauer hỏi 5 câu....
.
ĐĂNG LẠI BÀI CŨ
Ngày 17/8/2016 tôi dã đăng bài về CMT8. Nay xin đăng lại để bạn nào chưa xem có thể tham khảo cho biết.
VÀI ĐÁNH GIÁ NHẦM TRONG CM THÁNG 8
.
PHẢN BIỆN MỘT BÀI BÁO
Bài " Khát vọng & Giá trị từ Cách mạng Tháng Tám", đăng trên Văn hóa Nghệ An, ngày 14/8/2019.
. Bài viết bắt đầu bằng câu : “Trong nhiều khát vọng do Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mang lại, có thể khẳng định, các khát vọng Độclập -Tựdo - Hạnhphúc là chuỗi giá trị lâu bền và nhất quán, mang lại nguồn cảm hứng lớn lao cho công cuộc giữ nước và dựng nước một khi chúng ta bước vào thời đại mới” ,
Bài kết thúc bởi : “ Tự do và Lòng yêu Tổ quốc mãi mã...





No comments:

Post a Comment