Friday, August 30, 2019

NGUỒN CƠN NÀO KHIẾN NHÀ MÁY IN TIỀN QUỐC GIA VN PHẢI LỖ LỚN? (Phạm Chí Dũng)




30/08/2019

Khi năm 2019 đã bước sang nửa cuối, thị trường tiền tệ và ngành ‘in tiền’ Việt Nam nhận được một tin tức có vẻ đáng lo ngại: Nhà máy In tiền Quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lỗ đến 11,2 tỉ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, còn những năm trước chỉ toàn lãi và lãi…

Từ ‘lỗ đột biến’…

Nhà máy In tiền Quốc gia có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ năm 2010, nhà máy này được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty TNHH một thành viên với 100% vốn điều lệ được Ngân hàng Nhà nước nắm giữ.

Ngành nghề kinh doanh chính của Nhà máy In tiền Quốc gia là in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá. Số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của Nhà máy In tiền Quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo kế hoạch do Thống đốc Ngân hàng nhà nước giao.

Số lỗ hơn 11 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 là đáng thất vọng đối với cơ sở độc quyền về in tiền và được xem là không bao giờ lỗ. Bởi cùng kỳ năm 2018, Nhà máy In tiền Quốc gia thu lợi nhuận sau thuế tới 60 tỷ. Còn vào năm 2017, nhà máy này đã đạt lãi ròng 44 tỷ đồng.

Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Nhà máy In tiền Quốc gia, có thể cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ sau 6 tháng đầu năm 2019 là do chi phí hoạt động tăng cao trong khi doanh thu từ việc sản xuất giảm sút so với những năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu tài chính của Nhà máy In tiền Quốc gia thấp hơn cùng kỳ 7 tỷ, giảm còn 10 tỷ đồng.

Nhưng vì sao doanh thu năm 2019 của Nhà máy In tiền Quốc gia bị sụt giảm?

Phải chăng do số lượng và doanh thu in tiền của Nhà máy In tiền Quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế nên doanh thu sụt giảm là do nền kinh tế ‘bội thực’ với tiền mặt?

Giả thiết trên là hoàn toàn có cơ sở khi ‘trải nghiệm’ chiều dài dĩ vãng in tiền và in tiền bạt mạng của Nhà máy In tiền Quốc gia, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự lãnh đạo của ít nhất hai đời thủ tướng chính phủ từ Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Xuân Phúc.

Đến ‘lãi lạm phát’

Dù đến nay chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyệt nhiên không chịu đả động, hoặc cố tình giấu kín động thái in tiền thông qua công cụ Nhà máy In tiền Quốc gia, nhưng bản thân những con số dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng đã phản ánh cơ bản nguồn cơn “vì sao tiền đồng tràn ngập thừa mứa trong ngân hàng”.

Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2018 đã lên đến 7,6 triệu tỷ đồng, tức lượng tiền mặt hiện diện trên thị trường cho đến cuối năm 2018 đã gấp gần 3,5 lần của 10 năm trước. Hẳn nhiên và tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10-15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây.

Cũng còn một cơ sở khác để đối chiếu: theo chính các số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán hàng năm ở Việt Nam luôn tăng đến 14 - 16% mỗi năm.

(Tổng phương tiện thanh toán, còn gọi là M2, bao gồm tổng lượng tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng, tiền gửi bằng nội tệ và ngoại tệ của dân cư, doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại).

Tính đến tháng 5/2019, số dư tổng phương tiện thanh toán đã đạt đến quy mô 9.706.888 tỷ đồng (tăng 5,37% so với cuối năm 2018). Quay ngược về tháng 12/2013, quy mô này chỉ ở mức 4.400.692 tỷ đồng. Tức sau 5 năm, số dư tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 2 lần.

Đáng chú ý là tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam gần như không mấy thay đổi trong nhiều năm qua, phổ biến chỉ xoay quanh mức 11,5%. Hiện tượng này đồng nghĩa với quy mô tăng đều theo tổng phương tiện thanh toán hàng năm, tức khi tổng phương tiện thanh toán tăng thì lượng tiền mặt trong lưu thông cũng tăng theo.

Cũng có nghĩa là sau 5 năm, khi số dư tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 2 lần thì lượng tiền mặt trong lưu thông cũng tăng gấp hơn 2 lần.

Tiền mặt trong lưu thông tăng lại dẫn đến lạm phát. Chỉ xét theo số liệu về tổng phương tiện thanh toán trong giai đoạn 2013 - 2018 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã lên đến khoảng 15%. Con số này là hoàn toàn trái ngược với các báo cáo mắt nhắm mắt mở và tô hồng vô liêm sỉ của Chính phủ về số liệu lạm phát chỉ dưới 5% hoặc dưới 4% hàng năm.

Hẳn đó là nguyên do khiến trong khi Nhà máy In tiền Quốc gia đột biến lợi nhuận trong những năm trước, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.

Không chỉ giới hưu trí và công chức, những người thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng rất thường chứng kiến cảnh nhiều xe chở tiền mới cứng được đưa tới các ngân hàng.

Còn tại nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện hay tăng giá đô la…, tạo nên một nghịch lý rất lớn hiện hình trong nội tình ngân sách và hệ thống ngân hàng Việt Nam: tiền đồng thừa ứ và đang “kiến tạo” lạm phát dần phi mã đã góp thêm một kích thích tố đẩy lạm phát tăng vọt khiến dân tình càng thêm xác xơ.

“Tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế” (!?)

Vào năm 2019, có một vụ việc mà đã suýt chút nữa khiến Việt Nam lọt vào ‘danh sách các nước thao túng tiền tệ’ của Hoa Kỳ: do nóng ruột muốn gia tăng Quỹ dự trữ ngoại hối để có ngoại tệ trả nợ nước ngoài cùng khoe khoang thành tích chính trị nhằm chạy đua đến đại hội 13, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ồ ạt tung tiền Việt để thu gom USD trôi nổi trên thị trường. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, núi tiền lên đến hơn 200 ngàn tỷ đồng được tung ra lưu thông đã thu lại khoảng 8,5 tỷ USD, tạo nên thành tích chưa từng có của Quỹ dự trữ ngoại hối là có đến hơn 65 tỷ USD. Thế nhưng số ngoại tệ 8,5 tỷ USD gom được lại vượt hơn hẳn điều kiện không được vượt quá 2% GDP (một trong 3 tiêu chí của Hoa Kỳ về thao túng tiền tệ), khiến Việt Nam tuy chưa nằm trong ‘Danh sách các nước thao túng tiền tệ’ nhưng vẫn bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách theo dõi đặc biệt.

(Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP).

Rốt cuộc, giới chuyên gia thân chính phủ đã phải bao biện rằng hiện tượng Nhà máy In tiền Quốc gia sụt giảm về doanh thu là “tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế, cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo chính sách hạn chế cung tiền ra thị trường”.

Nhưng nhìn thẳng vào thực chất vấn đề, không hạn chế cung tiền thì sẽ khiến bóng ma lạm phát đội mồ sống dậy.

Bởi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và đằng sau những cơ quan này là ‘đảng chỉ tay năm ngón’ không còn có thể in tiền và tung xả láng tiền ra thị trường như cái thời Nguyễn Tấn Dũng ‘tiền nhiều như nước sông Đà’, đưa nhiều quan chức cộng sản mấp mé danh sách tỷ phú đô la của Tạp chí nhà giàu Forbes. Nếu không kềm chế hoạt động in tiền thì bất cứ một trạng thái kích động lạm phát đủ nghiêm trọng nào cũng đều có thể làm rung chuyển chân đứng của chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vốn đã rệu mục từ lâu bởi các núi nợ công quốc gia và nợ xấu ngân hàng.

Đó là nguồn cơn khiến số đơn hàng in tiền của Ngân hàng Nhà nước đã ít hẳn lại vào năm 2019 và làm cho Nhà máy In tiền Quốc gia bị sụt giảm doanh thu và phải chịu lỗ lớn mà không thể mở miệng than van.




No comments:

Post a Comment