Wednesday, August 21, 2019

MỸ - ANH LIÊN HỆ ĐẶC BIỆT? (Lê Phan)




Lê Phan
August 18, 2019

Tuần vừa qua ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Donald Trump đến thăm Luân Đôn.

Thời gian trước đây, một chuyến viếng thăm Luân Đôn của một cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ xảy ra không được mấy ai để ý tới. Vị sứ giả của Tòa Bạch Ốc sẽ đến thăm Bộ Ngoại Giao rồi vào thăm văn phòng của thủ tướng để gửi lời chào của tổng thống Hoa Kỳ trước khi về Washington, không kèn không trống.

Thật khác hẳn khi phó thủ tướng của Thủ Tướng Boris Johnson và các bộ phủ của ông tiếp đón ông John Bolton. Sự tiếp đón trọng thể ông Bolton ở các bộ phủ của chính phủ Anh đã cho thấy rõ sự phân chia quyền hành mới trong liên hệ Mỹ-Anh.

Cả ông Boris Johnson lẫn ông Donald Trump có vẻ đang xây dựng một điều mà có người bảo là một liên hệ đặc biệt. Mặc dầu đi theo hai con đường khác nhau, cả thủ tướng Anh lẫn tổng thống Hoa Kỳ đã lên được vị thế quyền lực chóp bu qua việc mời chào những chủ thuyết dân tộc, dân túy bài di dân vốn hiện đang tạo bất ổn cho các nền dân chủ Tây phương. Cả hai lãnh tụ có thể nói là họ không có bao nhiêu bạn bè ở lục địa Âu Châu. Cả hai ông còn rất cẩu thả với dữ kiện và sự thật.

Cái khái niệm một liên hệ đặc biệt giữa Anh Quốc với Hoa Kỳ, dĩ nhiên, không có gì mới mẻ. Nó đã là niềm tự hào của hầu hết mỗi thủ tướng Anh từ khi ông Winston Churchill nghĩ ra cái câu này trong thập niên 1930. Trên thực tế, Anh quốc, kể từ khi Hoa Kỳ lên thay thế trở thành cường quốc, đã luôn luôn là một đàn em, tuy thỉnh thoảng đã tự cho là mình là một partner yếu thế nhưng khôn ngoan hơn – đóng vai Hy Lạp cho thành Rome của Hoa Kỳ như cố Thủ Tướng Harold Macmillan đã từng diễn tả.

Ông Johnson tuy vậy cần rất nhiều từ liên hệ đó hơn là những nhân vật tiền nhiệm. Sự ra đi không có cả một mảnh giấy ly dị mà ông đề nghị sẽ phá hủy cái cột trụ Âu Châu của chính sách ngoại giao của Anh Quốc. Ông đã bị ghét cay ghét đắng ở Berlin và Paris. Nếu ông nhất quyết thực hiện đe dọa của ông là chia tay Liên Hiệp Âu Châu, có hay không có thỏa thuận, vào ngày 31 Tháng Mười, cái cột trụ Hoa Kỳ cho chính sách của vương quốc thống nhất sẽ còn phải chịu thêm rất nhiều gánh nặng nữa.

Chính phủ Hoa Kỳ hiểu rõ sự việc này có lẽ hơn ai khác. Những ai nhạy bén sẽ thấy ngay là sự đạo diễn của chuyến công du của ông Bolton đã định nghĩa những điều kiện mới mà Washingon dự định sẽ là cách làm ăn với Anh. Cuộc gặp gỡ của ông với ông Johnson giống như là một cuộc gặp gỡ ngang hàng hơn là giữa một thủ tướng và một đặc sứ của một tổng thống. Dân chúng Anh đã thấy ảnh hưởng của sự lệ thuộc của Anh quốc trong giai đoạn hậu Brexit.

Ông Bolton đã trình bày một sự nhắc nhở là chính phủ Trump đã vứt bỏ chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương vốn đã có thời khiến Hoa Kỳ đóng vai cheerleader cho, và người bảo lãnh của, sự kết hợp của Âu Châu.

Bình thường khi Âu Châu nói đến những nhà sáng lập cho Liên Hiệp Âu Châu, họ thường kể đến các ông Robert Schuman, Jean Monnet và Paul-Henri Spaak. Nhưng các cố Tổng thống Harry S. Truman, Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy cũng đã có mặt và tích cực hỗ trợ ngay từ khi kế hoạch liên hiệp còn trong trứng nước. Đối với các vị lãnh tụ này của Hoa Kỳ, một Âu Châu ổn định, phồn thịnh, kết hợp với nhau trong một cộng đồng kinh tế cũng như trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, là những cột trụ cần thiết cho sự lãnh đạo quốc tế của Hoa Kỳ.

Cũng chính những vị tổng thống đó đã thúc đẩy Anh Quốc tham gia những dự án này. Cựu Ngoại Trưởng Dean Acheson của Hoa Kỳ, vẫn thường được nhớ đến ở Anh cho những lời lẽ gây thương tổn cho lòng tự ái người Anh về sự thất bại của Anh quốc trong việc tìm một vị thế hậu đế quốc. Nhưng không mấy ai nhớ là ngay câu sau, ông Acheson đã chào đón chính phủ Macmillan cho quyết định nộp đơn xin tham gia vào tổ chức lúc đó còn mới chỉ là Cộng đồng chung Âu Châu. Trong sự suy nghĩ của ông Acheson, vốn là ngoại trưởng cho Tổng thống Truman, Anh Quốc, Âu Châu và Hoa Kỳ đều là những kẻ thắng từ sự nới rộng của một hệ thống hậu chiến đa phương dựa trên pháp luật.

Tổng Thống Trump đang tính chuyện lật đổ những trật tự này đến tận gốc rễ. Như ông Bolton giải thích “Chúng tôi coi một Brexit thành công là nằm trong quyền lợi của chúng tôi.” Rồi ông còn nói thêm cho rõ “Sự thành công của Anh Quốc trong việc rút ra khỏi Âu Châu là một tuyên bố khẳng định chế độ dân chủ… Chiều hướng ở Âu Châu là khi người dân bỏ phiếu không đúng đường lối giới cầm quyền muốn, người ta sẽ bắt nông dân bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại cho đến khi họ bỏ phiếu đúng.”

Có gần một nửa dân Anh không đồng ý với ông cố vấn nhưng điều đó đâu làm ông cố vấn coi đó là chuyện quan trọng. Chia để trị là một chính sách thích hợp với một chính phủ Hoa Kỳ vốn đã từ bỏ sự lãnh đạo quốc tế để đổi lấy chủ nghĩa đơn phương Hoa Kỳ trên hết. Điều làm Tổng thống Trump bực mình nhất về Âu Châu là nó có đủ sức mạnh kinh tế để đối chọi với Hoa Kỳ. Nếu không thì làm sao họ bất chấp ông về thỏa thuận hạt nhân Iran và từ chối cấm Tập đoàn Hoa Vi của Trung Cộng tham dự vào các dự án cho thế hệ thứ năm về điện thoại di động. Brexit được hoan hô vì nó sẽ làm cho Brussels yếu đi.

Cũng với lý luận đó thì một Anh Quốc yếu đi sẽ là một đồng minh dễ bảo hơn. Ông Bolton vì vậy rất muốn tỏ ra rộng rãi.

Ông nói, ông Trump nóng lòng chờ đợi để ký vào một thỏa thuận mậu dịch với ông Johnson. Và để cho mọi sự dễ dàng hơn, ông sẵn sàng để những thứ khó khăn -mở cửa thị trường Ạnh cho gà nhúng chlorine và thịt bò được nuôi với hormone của Hoa Kỳ, cũng như vai trò của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hệ thống Dịch vụ y tế quốc gia – National Health Service – cho đến một thời gian sau khi Anh Quốc đã rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu.

Cũng trong luận điệu mềm mỏng đó, ông Bolton nói, chính phủ đã hoãn bất cứ một cố gắng nào nhằm gây áp lực lên ông Johnson hãy từ bỏ chính sách của Âu châu về thỏa thuận hạt nhân Iran và lập trường mềm mỏng của Anh với Hoa Vi. Ông nói là tổng thống có thể chờ đến khi thủ tướng đã cắt đứt hết mọi liên hệ. Một số người có thể nghĩ lập trường này là rộng rãi quá. Nhưng các nhà làm chính sách ở Anh thừa biết là tổng thống sẽ không chờ lâu để đòi ông Johnson phải chứng tỏ biết ơn.

Anh Quốc và Hoa Kỳ có một những cái nhìn về thế giới qua những lăng kính khác hẳn nhau. Hoa Kỳ là một quốc gia lục địa và do đó luôn có một truyền thống cô lập vì nghĩ là Hoa Kỳ không cần tham gia vào thế giới bên ngoài. Anh Quốc, một đảo quốc nhỏ bé, bao giờ cũng thấy quyền lợi của mình đòi hỏi một sự tiếp cận đa phương mà nay đang bị chê bai ở Washington. Nhưng những viên chức cao cấp của Anh cũng hiểu khó đến chừng nào cho ông Johson để từ chối và nói không với ông bạn mới trong Tòa Bạch Ốc.

Khi Thủ Tướng Macmillian nộp đơn đầu tiên xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, đó là vì ông hiểu là dầu ông có mặn mà đến đâu chăng nữa với liên hệ đặc biệt với Hoa Kỳ, Anh Quốc cần một lực đối trọng vốn có được qua việc cắm neo vào với Âu Châu. Rồi thì ông Johnson cũng phải học bài học đó. Hay là ông đã bắt đầu rồi qua việc để cho Gibraltar đưa ra cử chỉ đầu tiên khi trả con tàu dầu về cho Iran. (Lê Phan)





No comments:

Post a Comment