Saturday, August 3, 2019

LƯỢC THUẬT ĐÁM TANG NHÀ TRANH ĐẤU NGUYỄN THANH GIANG (Đào Tiến Thi)




Đào Tiến Thi
03/08/2019

Mỗi lần sắp đi viếng một anh em trong đội ngũ đấu tranh (chống Tàu Cộng xâm lược và bảo vệ quyền dân) từ giã cõi trần, hoặc chỉ viếng thân nhân của họ thôi, là chúng tôi bồn chồn lo lắng không yên.

Chúng tôi phải tính toán một “quy trình” hợp lý để dải băng tang được bí mật, đúng thời điểm mới cài vào vòng hoa. Có khi phải làm riêng ở một chỗ khác (nhưng nếu người ta bắt cài dải băng rồi mới được đem qua cổng thì cách này cũng chịu). Có khi phải làm đến 2 – 3 dải băng để bị giật cái này có cái khác thay. Có khi làm một cái giả để che mắt và một cái thật phút cuối mới cài vào. Lại phải ước tính xem sao cho “anh em đằng mình” không đến nỗi quá ít, để nếu cần còn giằng nhau với những kẻ giật băng tang chuyên nghiệp. Có những đám vì quá ít, lại là mấy ông già, thì chúng tôi đành không nghĩ đến vòng hoa có băng tang ghi tên hội nhóm nữa.

Đi viếng anh em thân hữu cũng căng thẳng chẳng kém đi biểu tình chống xâm lược Trung Cộng. Đi biểu tình nếu vào hôm nhà cầm quyền chủ trương “làm rắn” thì cũng đến mức bị đánh, bị bắt đưa về “trại phục hồi nhân phẩm” (Trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà, Đông Anh) là cùng. Chứ đi đám tang còn mối lo cho tang chủ bị phiền hà rắc rối nữa. Bản thân chúng tôi cũng chẳng ai muốn trong không khí thành kính thiêng liêng mà phải cãi cọ.

TS. Nguyễn Thanh Giang là nhà địa vật lý thuộc đẳng cấp quốc tế. Ông cũng là nhân vật tranh đấu gần ba chục năm qua, có ảnh hưởng lớn ở trong nước lẫn thế giới. Cho nên chắc chắn đám tang ông sẽ được người nhà nước “săn sóc”.

Tuy nhiên trong lúc “khủng hoảng bãi Tư Chính” đang căng thẳng và dân Việt Nam không còn ý chí biểu tình nữa mà có ý xem “Đảng và Nhà nước lo” nó ra sao, thì đến lượt Đảng và Nhà nước có vẻ hơi bối rối trước quân xâm lược (khác trước kia, bối rối chủ yếu vì đối phó với dân biểu tình). Có thể vì thế họ cũng không dễ dám mạnh tay đàn áp những người “ghét Trung Quốc”?  Ấy là chúng tôi đoán thế. Sự thể thế nào thì phải đến lúc nó diễn ra.

Chúng tôi theo dõi “động tĩnh” hằng ngày, Mấy hôm vừa rồi không có dấu hiệu dọa dẫm, ngăn chặn. Chiều tối hôm trước, tôi gọi bác Mai (người bạn đời thân thiết của bác Nguyễn Thanh Giang), bà xác nhận “hoàn toàn yên tĩnh”. Tôi ngỏ ý: “Nếu tình hình êm xuôi, gia đình có thể dành ít phút để anh em quen biết, ban bè chú Giang chia sẻ cảm tưởng được không? Có ngại gì không ạ?” Bà bảo: “Chả ngại gì nhưng không có thời gian đâu. Nhà tang lễ ngày mai những 6 đám” (6 nhưng có tới 3 nhà viếng). Tôi không dám đề nghị gì hơn.
Sáng 2-8, tôi và chị Nguyên Bình đến sớm đặt 2 vòng hoa, một cho CLB Lê Hiếu Đằng, một cho Văn Việt (Văn đoàn Độc lập Việt Nam). Không thấy ai đến hỏi han hay ngăn trở, chúng tôi tạm mừng.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn cẩn trọng, đề phòng trên đường đi vào có thể bị giật trộm, cho nên không để dịch vụ họ cài băng tang mà gấp dải băng cho vào túi. Vào nhà đợi, thấy anh em mình đã đến kha khá – toàn những gương mặt xuống đường chống Tàu quen thuộc. Ngoài ra có một số bà con có vẻ là dân oan, biết hoặc do cảm tình với bác Thanh Giang mà đến viếng.

Có một số thanh niên trẻ vừa quen vừa lạ, chẳng thuộc nhóm nào, đứng xen vào chúng tôi. Chúng tôi đoán ngay là mật vụ. Tuy nhiên nét mặt các cậu này hôm nay không bặm trợn như các dịp tương tự, cho nên ít phút sau chúng tôi cũng quên họ luôn, không để ý. Lúc chụp ảnh, tôi và anh Vũ Ngọc Tiến tìm kiếm người nhờ, nhưng nhìn vào cậu nào là cậu ấy lảng rất nhanh. Tuy vậy tôi vẫn cố vẫy được một cậu. Cậu ta lắp bắp: “Dạ… dạ… Không được, không được ạ”, vừa nói cậu ta vừa đi lùi và giơ cả hai tay lên. Tôi cười bảo: “Chú hiểu rồi!”.

Tôi vào đăng ký cho cả Văn Việt và CLB Lê Hiếu Đằng. Không ai cản trở. Loa gọi Văn Việt vào viếng ngay.

Tuy nhiên, sau đó ban tổ chức không gọi CLB Lê Hiếu Đằng tiếp theo. Qua vài lượt khách vẫn không thấy gọi, tôi vào thắc mắc, họ nhìn nhau, hỏi nhau, rồi bảo cứ ra đi rồi sẽ gọi. Rồi họ gọi thật. Tôi đoán tình huống này thực ra cũng có hai khả năng: 1. Ban tổ chức thấy anh em còn chụp ảnh nên gọi nhóm khác đang đợi; 2. Ban tổ chức còn chờ “ý kiến bên công an”. Vì dòng chữ “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” nặng đô hơn dòng “Văn Việt” (chữ Văn Việt, thậm chí có người tưởng một ông nào đó tên là Văn Việt).

Việc viếng cả hai nhóm đều êm xuôi. Chúng tôi ra nhà chờ để chờ đến giờ truy điệu. Người đọc điếu văn là chú ruột của bác Thanh Giang, tuy kém bác Thanh Giang 2 tuổi. Người viết điếu văn là anh Phạm Ngọc Luật, người em cọc chèo của ông, nguyên Phó GĐ Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin, một người rất hiểu, rất kính phục bác Thanh Giang và cũng có khả năng viết tốt, nhưng trong bối cảnh này anh phải chấp nhận một nội dung rất “vừa phải”. Anh tránh phần tiểu sử, vì nếu thuật lại tiểu sử thì sẽ phải kể đến 30 năm làm “địch” của người quá cố với những hoạt động dấn thân mạnh mẽ cùng với những sự bắt bớ và sách nhiễu tùy tiện của nhà cầm quyền. Phần chốt lại công nghiệp của người quá cố, anh dùng câu chữ một cách kín đáo, sao cho “bên kia” khó bắt bẻ, nhưng nếu để ý, ta vẫn thấy đó là sự khẳng định mạnh mẽ. Anh viết: “Có thể nói, điều an ủi lớn nhất với ông Nguyễn Thanh Giang, cả đến lúc ông đã xuôi tay gác bút là hình ảnh ông, tên tuổi ông luôn là niềm kính trọng của gia đình, vợ con, anh em, cháu chắt, và đặc biệt là đông đảo bạn bè cùng tâm tư, cùng chí hướng. Sự kính trọng và ngưỡng mộ ấy là xứng đáng bởi những hiểu biết sâu rộng đông tây kim cổ, ông đã khéo vận dụng đưa vào trong bài viết. Xứng đáng vì qua từng con chữ của ông, lừng lững một trái tim, một tấm lòng tất cả, tất cả vì nhân dân, đất nước, vì tổ quốc, giang sơn, vì tự do dân chủ”.

Có một chi tiết quan trọng trong đám tang mà lúc về nhà tôi mới biết: ngay khi viếng xong, họ chuyển các vòng hoa lên xe. Và khi ấy, có người nhìn thấy, họ đã ngang nhiên lột dải băng vòng hoa của Văn Việt với dòng chữ “Văn Việt vô cùng thương tiếc Anh”. Chắc chắn vòng hoa của CLB Lê Hiếu Đằng cũng bị số phận như vậy.

Một chi tiết khác cũng đáng chú ý, là một vòng hoa, có lẽ của một nhóm dân oan, đã xong lễ viếng vẫn để ở nhà chờ. Trên vòng hoa có một câu đối. Hỏi ra thì ra chủ nhân của vòng hoa này đăng ký tên nhóm vào viếng là “Những người bạn thân và hiểu ông Nguyễn Thanh Giang”. Ban tổ chức bắt bỏ chữ “hiểu”, chủ nhân dứt khoát không nghe và do đó cũng không vào viếng và vòng hoa cứ để đấy. Không biết kết cục ra sao.

Như thế là vẻ ngoài không cấm đoán, không sỗ sàng giật băng tang trước mặt nhưng giật vẫn sau lưng. Nghĩa là trong cảnh bối rối “tứ bề thọ địch” của đất nước và của chính “họ”, thế mà “họ” vẫn ghét bác Nguyễn Thanh Giang và những người bạn của bác – toàn những người nhiệt huyết yêu nước, quyết tâm chống Trung Cộng xâm lược và phấn đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và thịnh vượng.

Tầm vóc của nhà tranh đấu Nguyễn Thanh Giang thật lớn lao. Chúng tôi muốn có tương đối đủ tài liệu mới dám viết bài đánh giá công nghiệp của ông.


Một số hình ảnh tác giả Đào Tiến Thi gửi tới:







  Một vòng hoa có lẽ của dân oan, sau lễ viếng vẫn ở nhà chờ


--------------------------------









No comments:

Post a Comment