Thursday, August 22, 2019

HỒNG KÔNG : NHỮNG TẤM KÍNH VỠ BIẾT NÓI (Nancy Nguyễn)




Nancy Nguyễn
August 21, 2019

Ngày 1 Tháng Bảy, 2019, một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử đấu tranh của mảnh đất Hương Cảng, một sự kiện đã khiến người dân Hồng Kông ngỡ ngàng, và thế giới ít nhiều thất vọng: Vào lúc 5 giờ chiều, người biểu tình tháo dỡ dãy băng kết bao xung quanh toà nhà lập pháp và bắt đầu đập kiếng xông vào.

Phản ứng đầu tiên của tất cả bạn bè Hồng Kông mà tôi có dịp gặp, và cả chính bản thân tôi, là không thể nào tin được. Khi những hình ảnh đầu tiên được Reuter công bố, tất cả chúng tôi đều rất bàng hoàng. Tôi sau đó được mời phỏng vấn trên đài VNA, một đài địa phương tại Mỹ, người phỏng vấn tôi nhiều lần đề cập rằng anh ta nghi ngờ đây là trò phá bĩnh của Trung Cộng. Cá nhân tôi cũng đã từng gần như chắc chắn thế, một số bạn bè người Việt của tôi cũng cùng suy nghĩ. Cho đến ngày hôm nay, khi tôi viết những dòng này, một số lớn vẫn bảo lưu ý kiến trên, dù rằng, không có người Hồng Kông nào mà tôi quen biết vẫn còn nghĩ vậy.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/08/di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-Hongkong-Nhung-Tam-Kinh-Vo-Biet-Noi-696x522.jpg
Tác giả Nancy Nguyễn (áo T-Shirt trắng, bên phải) cùng các bạn Hongkong trong cuộc biểu tình cuối Tháng Sáu 2019. (Hình: Tư liệu của Nancy)

Có 3 điều tôi nghe được từ những mảnh kiếng vụn của tòa nhà lập pháp Legco:

Thứ 1: Cao hơn mọi chính nghĩa là SỰ THẬT, và mạnh hơn mọi ý chí, vẫn là SỰ THẬT.

Nếu một sự việc tương tự xảy ra ở Việt Nam, có lẽ hầu như phần đông trong chúng ta sẽ tin chắc chẳng chút nghi ngờ đó là “bàn tay” của an ninh, hay phe đảng trà trộn để phá hoại. Ngay lúc ấy tôi nghe những lập luận sao cảnh sát rút đi hết để phóng viên tường thuật thoải mái, đưa tin thoải mái, rồi một số người khởi xướng không ai biết là ai, đất Hồng Kông này không ai làm như thế bao giờ, v.v…

Thật dễ dàng để đổ những điều không hay lên “phe kia,” nó trút cho ta cái gánh nặng “phiền lòng,” tăng trong ta cái sự “hận thù” và lòng quyết tâm chống lại “cái ác,” cái gian, cái xấu xa đê hèn. Và quan trọng hơn hết, chúng ta không làm gì sai, không làm gì đáng hổ thẹn cả! Cái cảm giác ấy dễ chịu đến mức có thể khiến nhiều người trong chúng ta không dám nghi ngờ, nghi ngờ rằng… có thể nào… có thể nào… thực sự là người biểu tình đã gây chuyện tày trời khó tin này?

Việc họ dám nghi ngờ, và quyết tâm tìm hiểu, cũng đã đủ khiến cái đứa tôi ngẩn ngơ. Tôi trả lời anh phỏng vấn đài VNA đại ý: Anh ạ, đổ cho người khác, quả quyết là người khác làm chứ không phải phe mình, là điều rất dễ, gần như là bản năng nên ta thường thấy trẻ con làm vậy. Nhưng chẳng ai từ chối trực diện thử thách mà có thể lớn lên.

Chỉ riêng việc dám nghi ngờ, tìm hiểu, và sau cùng là thừa nhận sự việc đáng tiếc là do người biểu tình gây ra, họ đã trưởng thành hơn nhiều người trong số chúng ta.

Thứ 2: Nguồn gốc của nhiều đổ vỡ là bất đồng – Và phương thuốc để chữa những đổ vỡ ấy là sự thấu cảm.

Lại nếu rằng, sự việc tương tự xảy ra ở Việt Nam, và bằng cách này cách khác, chúng ta biết là do “phe ta” gây nên chứ không phải “phe họ,” tôi đã nghe rất nhiều “chiếc mũ” như “phá hoại” được chụp lên đầu nhiều người đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, khi họ gây ảnh hưởng xấu đến phong trào.

Nhân danh phong trào dân chủ, tôi đã từng nghe chúng ta gọi nhau là “an ninh,” là “nằm vùng” là kẻ “nhiệt tình + ngu dốt” hay nói chung là phá hoại.

Bạn Hồng Kông lại một lần nữa khiến tôi ngỡ ngàng, khi họ bày tỏ sự bất đồng sâu sắc với hành động đập phá tòa nhà lập pháp, nhưng hoàn toàn không hề lên án. Tôi nghe trong câu chữ tỏ sự tiếc nuối vô cùng khi điều đáng tiếc không ngờ xảy ra, nhưng họ thay vì lên án “những kẻ phá hoại phong trào” thì lại hết sức cầu xin lòng cảm thông của bạn bè quốc tế. “Chúng tôi rất đau lòng vì sự việc đáng buồn này, nhưng xin hiểu rằng đối với các bạn ấy, họ đã tuyệt vọng khi mọi cách thức khác tỏ ra không có kết quả. Chúng tôi đã ký thỉnh nguyện, đã gởi kiến nghị, đã xuống đường biểu tình, và thậm chí đã hy sinh mạng sống, chúng tôi đã làm tất cả, tất cả những gì chúng tôi có thể, nên xin hãy thông cảm nếu như một số nhỏ trong chúng tôi cảm thấy không còn cách nào khác ngoài bạo động. Chúng tôi không đồng ý với điều ấy, chúng tôi lên án bạo động, nhưng chúng tôi không thể trách họ được!”

Khi phong trào biểu tình làm tê liệt sân bay Hồng Kông trong 2 ngày liền, rất nhiều người đã lớn tiếng chỉ trích, họ đặt vấn đề cuộc biểu tình đã đi quá xa và trở thành phá hoại trên diện rộng khi mà hàng trăm chuyến bay đi khắp thế giới bị hủy chưa biết khi nào phục hồi. Một lần nữa, người Hồng Kông không hề đòi hỏi sự đồng tình, nhưng luôn luôn chân thành kêu gọi sự thấu hiểu “chúng tôi xin lỗi đã gây nên sự phiền hà này, nhưng xin hiểu là chúng tôi đang đấu tranh cho tương lai của chúng tôi, tương lai của Hồng Kông.”

Soi bóng mình vào đó, tôi thấy chúng ta có thể giỏi nhẫn nhịn hơn họ, chúng ta nhịn nhau vì phong trào, nhịn nhau vì sợ ảnh hưởng đến công cuộc chung, nhưng chúng ta có lẽ không giỏi thấu hiểu như họ, không giỏi cảm thông như bạn bè Hồng Kông của chúng ta.

Thứ 3: Sai lầm không làm nên bản ngã – Bản ngã là cái cách chúng ta chọn đứng dậy sau mỗi sai lầm.

Lại nếu, thêm một lần này nữa, rằng sự việc tương tự xảy ra ở Việt Nam, tôi không biết chúng ta có bị lung lạc? Có cảm thấy cuộc biểu tình đã đi quá xa khi bắt đầu nhận chỉ trích từ bạn bè quốc tế? Chúng ta có đang xa dần chính nghĩa khi thế giới bắt đầu biểu lộ những ánh nhìn thiếu thiện cảm đầu tiên? Trước khi quốc tế kịp nói gì nặng nề với “phe ta,” liệu ta sẽ dành lời nào cho nhau? Và hơn tất cả, chúng ta sẽ tiếp tục những ngày sau đó thế nào?
Khi tôi bị bắt năm 2016, trong phòng lấy cung, tôi nhớ người nhân viên an ninh đã hỏi tôi một câu: “Anh biết các em chủ trương ôn hòa, ừ thì cứ cho là các em muốn ôn hòa, nhưng các em có đảm bảo được ôn hòa không? Rủi bạo động xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Em kêu gọi người ta biểu tình, nhưng nếu xảy ra bạo loạn thì em có gánh được không?!”

Bạn Hồng Kông tất nhiên nhận trọn các đòn này, và nhân lên nhiều lần, vì thế lực mà họ đối mặt không phải là nhà nước Việt Nam, mà là một chế độ độc tài và gian manh hơn gấp bội. Tôi từng nghe nhiều lời cáo buộc Mỹ kích động, Mỹ giật dây, Mỹ chi tiền. Rồi thì các thành phần nước ngoài xúi giục… Và họ chọn cứ nẻo chính đường ngay mà đi. Mặc chó cứ sủa, những cuộc biểu tình không những không bị tan rã, mà còn mạnh mẽ hơn, quyết liệt, và nhân văn hơn. Không những không đoạn tuyệt với quốc tế vì lời ong tiếng ve, họ còn đem thẳng “đặc sản” biểu tình ra “trưng bày” ngay tại phi trường nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Tôi trả lời với người an ninh điều tra tôi: “Việc giữ gìn trật tự, không để bạo động xảy ra không phải là nhiệm vụ của người biểu tình. Đó chính xác là nhiệm vụ của các anh. Các anh nhận thuế của người dân để bảo vệ an toàn cho họ khi họ thực hiện các quyền công dân hợp hiến. Việc của họ chỉ là lên tiếng cho những gì họ cảm thấy quan trọng với cuộc sống của họ, để họ có thể sống đúng cái cuộc đời mà họ xứng đáng.”

Người ngoài xúi giục, nếu có, thì đã sao? Nếu như sự giục giã đó là hợp với nguyện vọng của người dân, lẽ phải, công bằng, và tiến bộ của nhân loại? Nhận sự trợ giúp từ bên ngoài, về nhân lực, tài chánh, hay tri thức, nếu có, thì đã sao? Nếu như sự trợ giúp ấy không đi ngược lại các công ước quốc tế, và để mưu cầu các quyền chính đáng cho người dân trong nước?

Một chính phủ không vị dân sinh luôn giăng cái bẫy bần tiện hóa, bẩn thỉu hóa những điều bình thường, thậm chí cao đẹp của những mối tương quan giữa người với người, vì chia thì bao giờ cũng dễ trị hơn. Còn có rơi vào cái bẫy ấy hay không là chọn lựa của mỗi một chúng ta.

Chỉ cần biết đích nhắm đến, còn những điều khác trên đường đi đều là nhiễu âm. Tôi đôi khi thấy mình ngẩn ngơ ngắm nhìn những mảnh kính vỡ vương vãi trên đường, thấy chúng đẹp vô cùng, những vết cắt lấp lánh của lịch sử, của thời gian…





No comments:

Post a Comment