Monday, August 26, 2019

G7 : NGHỆ THUẬT NGOẠI GIAO TÁO BẠO & KHÔN KHÉO CỦA TỔNG THỐNG PHÁP (Tú Anh - RFI)




Tú AnhRFI
Đăng ngày 26-08-2019

Hội nghị G7 kết thúc vào hôm nay 26/08/2019 sau ba ngày họp tại Biarritz đã đưa đến một số kết quả cụ thể, đặc biệt trên hồ sơ Iran, môi trường và công nghệ số.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tại hội nghị G7 ở Biarritz, ngày 25/08/2019.Andrew Harnik/Pool via REUTERS

Trước một Donald Trump phản ứng khó lường, nghệ thuật ngoại giao dàn cảnh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hóa giải những tranh cãi tiêu cực. Một đạo diễn kỳ tài, theo nhận định của giới phân tích.

Tiếp Vladimir Putin hồi giữa tháng 8, mời Donald Trump ăn trưa trước giờ G7 khai mạc hay sẽ hội kiến với Tập Cận Bình vào tháng 11, cho thấy tổng thống Emmanuel Macron, tin vào quan hệ cá nhân, không xem ai là đối thủ.

Đối thoại với tất cả, nếu có thể sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong mọi xung khắc, đặt nước Pháp vào trung tâm bàn cờ thế giới. Đó là phương châm ngoại giao mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron áp dụng triệt để trong ba ngày thượng đỉnh G7 gồm các nước công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới.

Ý thức vị thế áp đảo của phe Tây phương ngày càng yếu đi do chia rẽ nội bộ hay bị các nước đang lên tranh giành ảnh hưởng, tổng thống Pháp muốn chuyển đổi G7 thành một câu lạc bộ bán chính thức giữa các đại cường, muốn mở rộng đến Nam Phi, Úc và Ấn Độ.

Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump, với phản xạ và văn hóa của một doanh nhân, lúc nào cũng nhắm vào những « hợp đồng vĩ đại » thì tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy sao cho đả thông bế tắc, đạt được tiến triển nào đó trên các hồ sơ nóng đe dọa hòa bình hay tương lai sống còn của nhân loại.

Được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng, thượng đỉnh G7 được dự kiến sẽ gay go, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo hoặc bị suy yếu như thủ tướng Đức, hoặc phân tâm vì chính trị đối nội như tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, Ý. Trong bối cảnh này, Le Monde, nhật báo khó tính nhất của Pháp, cũng nhìn nhận tổng thống Macron đã thành công khi tất cả các hồ sơ nóng hiện nay đều được đưa ra thảo luận. Đó là thương chiến Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, có nên mở cửa cho Nga tái hội nhập G7 hay không, cháy rừng Amazon, khí hậu, đại dương ô nhiễm, khủng hoảng Iran và thuế GAFA đánh lên các tập đoàn kỹ thuật số Hoa Kỳ.

Điều tiến bộ cụ thể không ai phủ nhận là cuộc khủng hoảng Iran. Sự kiện ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bất ngờ đến Biarritz trong 5 tiếng đồng hồ, không được mời tham gia hội nghị nhưng được hội kiến với tổng thống và ngoại trưởng Pháp, đã đặt hồ sơ hạt nhân vào trung tâm thượng đỉnh. Nếu không có quyết định chung nhân « bữa ăn trưa » ngày hôm trước, có lẽ tổng thống Donald Trump đã không giữ thái độ thản nhiên, thậm chí còn tuyên bố chính ông « khuyến khích » tổng thống Macron mời ngoại trưởng Iran. Theo Reuters, chủ nhân Nhà Trắng dường như chấp nhận cho ngoại giao cơ hội giải quyết khủng hoảng khi tuyên bố thêm sau đó : G7 thống nhất lập trường.

Một hồ sơ nóng khác đang gây xung khắc Mỹ- Pháp và có châu Âu đứng sau, là chuyện đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, (thường được gọi một cách không chính xác là thuế GAFA, bao gồm 4 tập đoàn Mỹ Google, Apple, Facebook và Amazon). Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ trả đũa trên rượu vang của Pháp. Theo tin mới nhất, trước cuộc họp báo chung kết thúc G7 dự kiến vào 15 giờ 30 giờ Pháp, Donald Trump tuyên bố hai bên sắp đạt được thỏa thuận.

Bình luận về G7, nhật báo cánh tả Libération cũng nhìn nhận Emmanuel Macron với cao vọng, với nỗ lực đối thoại không ngừng nghỉ và khôn khéo thuyết phục, nên tránh cho thế giới một cuộc chiến tại Trung Đông.

Tuy với tổng thống Donald Trump, tương lai sẽ còn nhiều bất trắc nhưng rõ ràng là với thiện chí và nghị lực của Emmanuel Macron, một khung thỏa thuận mới giữa Washington và Teheran đã được phác họa.Theo nhận định của Robert Malley, nhà phân tích của International Crisis Group ICG, nếu thành công thì đó là một chiến thắng to lớn, còn nếu thất bại thì có ai nỡ trách tổng thống Pháp làm chi.

Dù sao thì cũng không nên lạc quan thái quá. Trên Le Figaro, nhà bình luận Guillaume Tabard cảnh giác : Giữa thành quả một hội nghị và hiệu quả thực tế bao giờ cũng có sự khác biệt. Ván bài thấu cáy của Macron liệu có tác động gì lên tình hình căng thẳng tại Trung Đông, ngọn lửa thiêu đốt rừng Brazil và chiến tranh thương mại đe dọa hàng xuất khẩu của Pháp ?

---------------------------

CÙNG CHỦ ĐỀ
.
Thượng đỉnh G7 kết thúc vào hôm nay 26/08/2019. Tại Biarritz, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính ông đồng ý để ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Pháp, bên lề thượng đỉnh G7.
.
Trong chương trình nghị sự của ngày cuối thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp, vào hôm nay, 26/08/2019, lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã dành một phần chương trình nghị sự cho chủ đề bảo vệ đại dương, vốn đã được Quỹ Surfrider Châu Âu, tổ chức đấu tranh bảo vệ đại dương nêu bật trong một kiến nghị.
.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/08/2019 tuyên bố trong buổi họp báo rằng các nước trong khối G7 đã nhất trí « nhanh chóng giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng » bởi vụ cháy rừng Amazon.
.
Việc Paris lên tuyến đầu cuộc chiến bảo vệ rừng Amazon, đang bị thần lửa đe dọa, khiến quan hệ Pháp - Brazil chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Nguyên thủ Pháp nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trên nhiều mặt trận tại thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp, trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, nguy cơ bùng phát xung đột tại Trung Đông. Trên đây là một số chủ đề chính của báo Pháp hôm nay.

--------------------------

Viễn Đông Daily
26/08/2019

BIARRITZ - Hôm thứ Hai, trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron sau hội nghị G7, Tổng Thống Donald Trump nói ông tin rằng Trung Quốc thật sự muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, vì nước này đã bị thiệt hại nặng trong những tháng gần đây. 

Ông Trump cũng ca ngợi Chủ Tịch Tập Cận Bình là “một lãnh đạo tốt,” và tin rằng ông Tập sẽ không muốn quốc gia bị mất khoảng 3 triệu việc làm trong một thời gian ngắn. Tổng Thống Trump nói ông sẽ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nếu đây là một thỏa thuận tốt và công bằng. 

Ông Trump cho biết ông tin là Trung Quốc đang rất muốn đạt được thỏa thuận, sau khi Bắc Kinh liên lạc với viên chức Hoa Kỳ trong đêm để thông báo rằng nước này muốn quay lại bàn đàm phán. 

Về vấn đề Iran, Tổng Thống Trump nói một cuộc gặp với Tổng Thống Iran Hassan Rouhani là điều có thể xảy ra, và khẳng định Hoa Kỳ không có ý định muốn tìm cách thay đổi chế độ tại Iran. Tuy nhiên, lãnh đạo Hoa Kỳ cũng khuyến cáo Iran sẽ phải đối mặt với các lực lượng mạnh mẽ, nếu nước này tiếp tục gia tăng căng thẳng giữa hai bên. 

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng Thống Donald Trump đang bắt tay trong cuộc họp báo chung tại Biarritz, tây nam nước Pháp ngày thứ Hai, trước khi kết thúc hội nghị G7 gồm bảy quốc gia dân chủ giàu mạnh nhất thế giới là Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, và Ý. (Ludovic Marin/AFP/Getty Images)

Một ngày trước đó, Tổng Thống Macron đã gây bất ngờ cho các lãnh đạo khác khi mời Ngoại Trưởng Iran Mohammad Zarif đến thành phố Biarritz để thảo luận về vụ đối đầu giữa Washington và Tehran. Tổng Thống Trump không gặp ông Zarif, nói rằng việc gặp mặt hiện nay vẫn là quá sớm, tuy nhiên, ông không phản đối hành động của tổng thống Pháp.

Trong khi đó, các vị nguyên thủ của bảy quốc gia dân chủ giàu mạnh nhất thế giới, gồm Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, và Ý, đã đồng ý với ngân sách $22 triệu Mỹ kim, để hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nỗ lực chống cháy rừng Amazon, trong cuộc họp hôm thứ Hai. Các lãnh đạo G7 cũng đồng ý với một kế hoạch nhằm phục hồi rừng Amazon, dự án này sẽ được công bố tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc vào tháng 9. Tổng Thống Donald Trump vắng mặt trong cuộc họp hôm thứ Hai về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, bên lề hội nghị G7. Tuy nhiên, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo Hoa Kỳ phải dự những cuộc họp song phương.

"Ông ấy không tham gia, nhưng các phụ tá của ông ấy có ở đây. Không nên suy diễn về sự vắng mặt của Tổng Thống Hoa Kỳ. Nước Mỹ đồng ý với chúng ta trong vấn đề đa dạng sinh học và sáng kiến đối phó với vụ cháy rừng Amazon,” Tổng Thống Macron nói trong cuộc họp báo sau sự kiện.

Tổng thống Pháp biến cháy rừng Amazon thành nội dung được quan tâm nhất trong chương trình nghị sự sau khi tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khởi động các cuộc thảo luận về thảm họa này tại bữa tối tiếp đón các lãnh đạo G7 hôm 24 tháng 8.

Rừng mưa Amazon ở Brazil đang trải qua trận cháy rừng kỷ lục với 73,000 vụ hỏa hoạn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 83% so với cùng thời kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013. Lãnh đạo thế giới liên tục bày tỏ lo ngại về tình trạng cháy rừng Amazon, nơi được coi là "lá phổi" quan trọng của thế giới chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Brazil đã điều 44,000 binh sĩ và 2 vận tải cơ C-130 chở nước để chữa cháy. Quốc gia láng giềng Bolivia cũng đã thuê "siêu máy bay chữa cháy" Boeing 747-400 SuperTanker của Mỹ tham gia dập lửa.


----------------------------------------

Nguyễn Đạt Thịnh
26/08/2019

'Đả đả, đàm đàm' -viết tắt ĐĐĐĐ- là một trong nhiều chiến thuật của chiến lược du kích, thực hiện bằng cách vừa đánh, vừa hòa đàm; Việt Cộng sử dụng chiến thuật đó -đánh lớn với quân Mỹ tại Cồn Thiên, tại Bồng Sơn, Khe Sanh, trong lúc vẫn hòa đàm với Mỹ tại Ba Lê, khiến Mỹ lạng quạng, không biết kẻ đang đánh mình là ai - Việt Cộng hay đơn vị chính quy Bắc Việt- tự dưng thấy chóng mặt, hoa mắt, rồi bỏ chạy.

Trong lúc đó tại Ba Lê, Kissinger ngồi đối diện với Lê đức Thọ, tưởng Thọ không biết tiếng Anh, miệng cứ lốp bốp nói hòa bình, trong lúc ngón tay vẫn lia lịa bóp cò ... súng. Năm Vẹm sử dụng chiến thuật đó đánh Mỹ là năm 1972.

Mặc dù Vẹm sử dụng chiến thuật đả đả, đàm đàm đánh thắng Mỹ, nhưng sư tổ của chiến thuật đó lại là chệt Mao Trạch Đông.

Năm nay -47 năm sau trận đại bại mùa Đông tại Việt Nam- cháu của ông ngoại Kissinger, ông Tờ Rum Trump, cầm nhầm quyển 'đả đả, đàm đàm' của Mao Xếnh Xáng, rồi cứ theo bí kíp võ thuật đó mà đánh Xi Jinping-Tập Cận Bình- tối mặt, tối mày.

Ngày Chủ Nhật, 25 tháng Tám, 2019 cũng tại Pháp, nhân hội nghị Thất Cường -bảy cường quốc kinh tế- Trump bảo đại biểu sáu quốc gia kia, và vô số đại diện các nước nhỏ hơn, chỉ tham dự với tư cách dự thính viên, là, “bạn thân của tôi -ông Xí- là một nhà lãnh đạo tối hẩu (great leader ), đang thương thuyết với nước Mỹ vĩ đại của tôi- để thực hiện tình tương thân, tương ái, đồng lao rồi tận hưởng một nền thịnh vượng chung của lưỡng vĩ đại cuốc.”

Ông quên là mới hai hôm trước, ông tuyên bố, “Tôi có hai kẻ tử thù: Xí JinPing và Jerome H. Powell, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Mỹ; điều làm tôi khó chịu là tôi không biết phải thù ông nào hơn ông nào.”

Diễn Đàn Thất Cường mang tầm vóc quốc tế, và 6 tỉ thính giả, khán giả toàn cầu khoái lỗ nhĩ với những sự thật giờ đó, hôm đó, tại đó, mặc dù sự thật hôm nay không phải là sự thật hôm qua hay ngày mai.

Dị nhân không thích những chuyện nhân hậu, đạo đức, ông không tham dự cuộc hội thảo vận động gây quỹ giúp nạn nhân cháy rừng tại Amazon; ông cũng bỏ không dự cuộc thảo luận về khí hậu quá nóng của quả địa cầu.

Tuy nhiên, hội thảo viên Thất Cường vẫn khoan khoái, và cảm thấy mát mẻ khi ông giảm nhiệt bầu không khí kinh tế đang đe dọa một cuộc suy thoái toàn cầu; 'phép lạ' được thực hiện bằng cái lưỡi lẻo lự, gọi 'kẻ tử thù' Xí Jinping bằng 'my good friend'.

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về sự có mặt của ngoại trưởng Iran tại Hội Nghị; Trump nói ông biết Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã mời ông Mohammad Javad Zarif, nhưng cho đó là quyền chủ nhà của ông Macron, và bất cứ nhân vật nào cũng không tránh được vai trò 'cái đinh' của dư luận quốc tế- vai trò dành riêng cho Trump.

Phóng viên Mỹ 'quay' ông về câu ông tuyên bố sẽ ra lệnh cho các doanh nhân Mỹ đem doanh nghiệp của họ ra khỏi nước Tầu; họ hỏi ông có quyền quyết định như vậy trong địa hạt tự do doanh thương hay không.

Ông bảo họ là nếu ông tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp' là ông sẽ có nhiều thứ quyền lắm, như ông đã có quyền lấy $4 tỉ mỹ kim trong ngân sách quốc phòng để xây trường thành biên giới.

Trump còn tuyên bố người có công hạ nhiệt trong cuộc chiến tranh kinh tế là người Tầu, chứ không phải ông. Họ có công điện thoại xin tái thương lượng, vì hàng trăm ngàn thùng containers hàng hóa đang nằm la liệt trên nhiều bến tầu Trung Quốc chờ xuất cảng.

Trump chỉ ca tụng công lao của ông bạn thân Xí Jinping, chứ không vạch ra thế yếu của Trung Quốc: nhu cầu 'xuất cảng hay đói'.

Hàng trăm ngàn thùng containers hàng hóa đang nằm la liệt trên nhiều bến tầu Trung Quốc chờ xuất cảng. (Getty Images)

Trump 'kín đáo' khoe thế thượng phong của ông trong trận giặc kinh tế trong lúc ông đang tiếp Tổng Thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi; người nêu câu hỏi là một cô phóng viên Nhật; ông trả lời, “Người Tầu gọi điện thoại xin tái tục thương thuyết, chúng tôi đáp ứng nhanh chóng; lúc nào chúng tôi cũng đầy thiện chí, hy vọng lần này sẽ giải quyết được những bất đồng.”

Chắc chắn người Tầu sẽ phải nhượng bộ, vì thị trường Mỹ là chỗ giúp họ tiêu thụ 50% sản phẩm; không đem hàng vào Mỹ được là đóng cửa một nửa xí nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc.

Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hi tuyên bố, "Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề qua đường lối bình tĩnh thương thuyết, và chống chủ trương leo thang chiến tranh kinh tế. Leo thang chiến tranh chỉ tác hại cho Trung Quốc, cho cả Hoa Kỳ và cho toàn thế giới nữa."

Đó là điều tối thiểu ông Lưu Hi có thể nói, và ông Trump để cho ông nói. Phần ông Trump, thì chiến thắng kinh tế không chỉ giúp ông tạo thêm thịnh vượng cho Hoa Kỳ, gia tăng jobs cho công nhân, mà còn bảo đảm cho ông thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa.

Trump đã công bố cuộc đại hội Thất Cường sang năm sẽ được tổ chức tại Florida trong một lữ quán mà ông làm chủ, và sẽ mang tên là Đại Hội Bát Cường (G8 -Group of Eight ) với sự tham dự của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, khách mời của tổng thống Mỹ.

Không ai đủ mạnh để ngăn cản ông nữa. Ông đang thắng lớn, như Việt Cộng đã thắng lớn 44 năm trước với chiến thuật đả đả, đàm đàm.













No comments:

Post a Comment