Friday, August 23, 2019

4T : TƯ, TA, TÀU & TRUMP (Jackhammer Nguyễn)





Jackhammer Nguyễn
23/08/2019

Tư là Bãi Tư Chính, Ta là Việt Nam Ta, Tàu là Trung Quốc, còn Trump là Tổng thống Mỹ.

Suốt mùa hè năm nay bốn chữ ấy quyện vào nhau, lắp đầy những tranh luận của người Việt khắp năm châu.

Chuyện là người Tàu cho tàu đi khảo sát địa chất biển ở Tư Chính, tàu chiến Ta ra ngăn chận quyết liệt, Bộ Ngoại giao của tổng thống Trump lên án hành động của người Tàu. Tàu sân bay Ronald Reagan vào thăm Philippines. Người Tàu rút đi!

Người ta thấy trong tuyên bố ngoại giao của bà Thu Hằng như có ẩn chứa một sự nhẹ nhõm, thở phào.

Nhóm người Việt mong muốn ông Trump đánh Tàu giúp dân Việt ở Biển Đông, tưng bừng hoan ngênh ông, và tàu sân bay. Họ cho là đúng như vậy đấy, tổng thống Trump “đầy mưu lược”, đẩy mạnh tấn công trên khắp mặt trận, vừa kinh tế, vừa quân sự, rất ư là mưu lược!
Đùng một cái người Tàu quay trở lại Tư Chính.

Ta vẫn tiếp tục ở lại Tư Chính. Theo thông tin của ông Chu Vĩnh Hải, từng là nhà báo viết về dầu khí, sống ở Vũng Tàu, thì trong lúc căng thẳng do người Tàu gây ra, Ta không những vẫn ở lại Tư Chính, mà còn lắp đặt thành công một giàn khoan biển nữa. Một số người thạo tin còn đưa ra hình ảnh tàu chiến mang tên Quang Trung đã đến Tư Chính. Nếu tất cả những thông tin này là đúng thì cũng không có gì ngạc nhiên, vì Tư Chính, theo một số thông tin chiếm đến 10% năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam, nên dù sống dù chết cũng phải bám lấy.

Người Tàu quậy phá như vậy nhưng lại không có tàu chiến lớn nào tham gia. Có lẽ vì thế có nhà quan sát là ông Derek Grossman cho rằng, chuyện Tư Chính là người Tàu tung ra để xem quan hệ quân sự Việt Mỹ sâu sắc bền chặt tới mức nào.

Cũng có những người cho là người Tàu thèm dầu Biển Đông, vì họ cho tàu khảo sát địa chất biển vào Tư Chính cơ mà.

Tôi thì tôi đồng ý với ông Bill Hayton, ký giả của BBC đưa ra nhận định cách đây khá lâu, rằng dầu khí Biển Đông không là gì với người Tàu cả, mà là con đường biển chiến lược đi ngang biển Đông.

Ông Hayton đưa ra nhận định này trước khi người Tàu tung ra cái gọi là con đường tơ lụa trên biển của họ nữa. Đại dự án này mơ mộng xây dựng lại đế chế Trung Hoa vĩ đai thời trung cổ với những thương thuyền đi từ Quảng Châu Thượng Hải đến Hồng Hải Ba Tư La Mã.

Tôi cũng có phần đồng ý với ông Grossman là người Tàu muốn xem người anh em ý thức hệ nhưng đồng thời là kẻ thù dân tộc truyền kiếp là Ta, đang đi lại với người Mỹ như thế nào.

Nhưng tôi cho rằng, trên hết vụ Tư Chính là một mũi đột phá trên đại dự án con đường tơ lụa trên biển của người Tàu. Nhất là sau khi tổng thống Trump tuyên bố về không gian Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở cách đây hai năm ở Đà Nẵng.

Đâu phải họ chỉ quậy phá ở Tư Chính, họ còn quấy rối cả người Phi và người Mã Lai nữa, cùng một lúc. Hai nước này, trên góc nhìn nào đó cũng là phe theo phương Tây chống lại họ.

Tôi hình dung rằng Tư Chính là một cuộc diễn tập cơ bắp của người Tàu trên bước đường lập nên một trật tự riêng cho họ, bước đầu là Biển Đông, sau đó là Ấn Độ Thái Bình Dương, và xa hơn nữa là cả thiên hạ.

Tất cả họ làm rất đồng điệu với nhau. Những khoản đầu tư hậu hĩnh vào Philippines làm cho ông Duterte quay quắt với Mỹ, không nói gì đến phán quyết thắng lợi của Manila về đường lưỡi bò trước đó. Đây là một thắng lợi của người Tàu khi vất bỏ qua một bên một thứ trật tự mà họ không thích.

Những khoản đầu tư, viện trợ lớn vào Campuchia, cho họ căn cứ Sihanoukville sát nách Việt Nam, mặc dù họ và nước chủ nhà thi nhau phủ nhận việc này.

Có người còn nói rằng, chuyện ông Lý Hiển Long bên Singapore “vô tình” nói lại vụ Việt Nam đưa quân vào Campuchia là cũng do ảnh hưởng của người Tàu mà ra. Ông Lý gốc Tàu, có máu buôn bán lâu đời ở một xứ sống nhờ vào buôn bán, nay thấy người Tàu nhiều tiền, kinh tế xứ ông đứng trước nguy cơ suy thoái, tổng thống Trump thì mãi tweet hỉ nộ ái ố bên trời Tây, thì ông phải tìm cách nào đó cho người Tàu hài lòng chứ!

Trong suốt vụ Tư Chính, tổng thống Trump không nói gì. Nhưng chúng ta hãy đặt mình vào vị trí ông ấy, chuyện Tư Chính thì là cái gì trong bao nỗi lo bề bộn của ông ấy lúc này? Ông đang lo tranh cử, mà lo nhất là bóng ma của suy thoái kinh tế đang kéo đến làm chứng khoán cứ chao đảo không ngớt, mà ngân khố thì không đủ tiền trả nợ công.

Ông lại có những thú vui khác như là lên tiếng mua Greenland của Đan Mạch, hay là xưng mình là Vua Israel chẳng hạn. Tư Chính xa xôi quá, nào biết nó ở đâu, mà “bọn Tàu bọn Việt” nó cãi nhau thì kệ nó chứ!

Cách đây vài tháng Bộ Quốc phòng của ông Trump đưa ra một báo cáo chiến lược về Ấn Độ – Thái Bình Dương khá chi tiết. Một số người cho rằng báo cáo này là sự cam kết rõ ràng của người Mỹ vào khu vực.

Tôi và một số người khác như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng tại Virginia, ông Vuving ở Hawaii, lại thấy báo cáo này như một sự bối rối của nước Mỹ, một mặt giới quốc phòng ở Lầu Năm Góc hiểu rõ, phải chận người Tàu ở châu Á, mặt khác họ không làm gì được vì ông Trump cứ bận tweet bên Tây bán cầu. Rốt cuộc, như một nhà báo nhận định, bản báo cáo giống như báo cáo của Mặt trận Tổ quốc của những người Cộng sản Việt Nam, tức là cái gì cũng có một chút, nhưng không ra cái gì cả.

Như vậy nếu ông Trump không nói gì về Tư Chính, và tàu sân bay Ronald Reagan vào vịnh Subic ngao du một chốc rồi đi về thì cũng không có gì lạ.

Sự kiện Tư Chính làm tôi nhớ bài viết của nhà báo David Ignatius của báo Washington Post, viết hồi năm 2016, trước khi ông Trump lên cầm quyền, rằng không khéo ông Trump giao cả thế giới này cho người Tàu.

Tôi thì tôi không bi quan đến mức như David. Chẳng phải là trong chiến tranh lạnh nước Mỹ thua Liên Xô trắng mắt trong các vụ gián điệp hay sao? Chẳng phải mới cách đây 30-40 năm phe cộng sản đã làm rúng động cả thế giới tự do khi người cộng sản tiến vào Sài Gòn và Kabul?

Thế mà cuối cùng chúng ta cũng thắng. Chúng ta đây là thế giới tự do, chứ không phải là Ta nước Việt hiện nay. Thế giới tự do thắng vì hệ thống của nó tốt hơn hệ thống xếp hàng chờ khẩu phần bánh mì của Liên Xô.

Nay để thắng người Tàu có phần khó hơn vì họ cũng làm ăn buôn bán như thế giới tự do, khó coi họ là kẻ thù (có khi nào ông Trump mắng ông Tập là kẻ thù đâu), rồi khó hơn nữa là tâm trí tổng thống chúng ta lại vướng bận chuyện tweet nhiều hơn những tính toán địa chiến lược (kể cũng khó cho ông, một người sành về mua bán nhà cửa hơn là quan hệ giữa các quốc gia.)

Nhưng tôi nghĩ người Tàu cũng không thắng được đâu. Với Ta, nước Việt Nam, thì dân chúng ngày càng bị ảnh hưởng của phương Tây, nên thiển nghĩ một ngày nào đó Hà Nội đặt bút ký hiệp định đồng minh với phương Tây chắc cũng không xa. Và rồi những cái tweet cũng sẽ chấm dứt, nói như nhà bình luận người Việt ở Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng: Ông ấy chỉ là cái ngoặc đơn của lịch sử thôi mà!

Jackhammer Nguyễn
San Francisco





No comments:

Post a Comment