Tuesday, July 16, 2019

THỔ NHĨ KỲ : VÁN CỜ NGUY HIỂM CỦA ERDOGAN (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 15-07-2019

Ankara theo Nga thách thức NATO, Eo biển Ormuz lò thuốc súng, Quân đội Pháp thành lập bộ tư lệnh không gian… Những thông tin phản ánh tình hình thế giới không được bình yên, bên cạnh những tấm gương bảo vệ môi trường sống của từng công dân, là những chủ đề được bình luận nhiều trên báo Pháp hôm nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sotchi, Nga ngày 17/09/2018. Alexander Zemlianichenko/Pool via REUTERS

Erdogan mơ làm người hùng
Đúng vào ngày này năm 2016, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thoát được một âm mưu đảo chính. Trong ba năm qua, Erdogan không ngừng củng cố chế độ bàn tay sắt trong nước và công khai theo Nga thách thức đồng minh NATO.

Trong bài phóng sự dài, nhật báo Công giáo La Croix tìm hiểu vì sao giấc mơ làm anh hùng dân tộc của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã làm Thổ Nhĩ Kỳ mất đi hình ảnh của một chế độ tân tiến. Chỉ mới 8 năm trước thôi, trong bối cảnh Mùa Xuân Ả Rập và chính sách đàn áp dân chúng của nhà độc tài Syria Bachar Al Assad, thì nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thu hút được niềm tin của công luận khu vực và quốc tế, khi ông chọn thái độ ủng hộ các phong trào dân chủ.

Thế nhưng, năm 2013, tổng thống Erdogan lại đứng theo phe nhóm đại gia muốn chiếm công viên Gazi ở Istanbul, cho nên đã bị 2,5 triệu dân liên tục xuống đường trong ba tuần lễ, yêu cầu ông từ chức. Ba năm sau, ngày 15/07/2016, một bộ phận quân đội đảo chính, nhưng bất thành. Được Putin giúp đỡ diệt đảo chính trong khi Tây phương thờ ơ, Erdogan đổi trục theo Nga, dùng tên lửa Nga thách thức NATO có dám làm gì không ? Trong bài « Khúc quanh chiến lược của Erdogan », Le Monde cho là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vì căm giận các đồng minh Tây phương nên chạy theo Putin, mà việc nhận tên lửa phòng không S-400 là bước cụ thể đầu tiên.

Mưu lược nhưng coi chừng ác mộng
Erdogan biết rõ nhược điểm của NATO là không có điều lệ trừng phạt đồng minh. Nhưng cái giá phải trả sẽ rất nặng cho hai bên và cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nguy cơ thứ nhất là « đồng minh tan vỡ » và « xung khắc lâu dài ». S-400 được bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm cho các chiến dịch quân sự của NATO phức tạp hơn, nếu Ankara vẫn nằm trong liên minh và sử dụng các loại vũ khí Mỹ và Nga không tương hợp.

Washington đã kỳ hạn cho Ankara chậm lắm là đến ngày 31/07 phải quyết định không trang bị S-400 nếu không, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đang lung lay, sẽ bị Mỹ trừng phạt thêm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị loại ra khỏi chương trình chế tạo chiến đấu cơ F-35. Chưa gì mà chương trình huấn luyện phi công Thổ Nhĩ kỳ đã ngưng lại. Cho dù NATO không có quy chế trục xuất hay « treo giò » một thành viên, nhưng Hoa Kỳ đã chỉ đạo đường hướng.

Trong khi đó, các đồng minh khác mà Erdogan gọi là có âm mưu « ma quỷ » phá hoại ước mơ làm đại cường cấp vùng của Ankara, được ngang hàng với Mỹ- Nga-Trung Quốc, đang đánh cược vào một giải pháp khác. Theo Le Monde, sau khi đảng AKP của tổng thống Erdogan thua to trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Ankara, nhất là hai lần ở Istanbul, Châu Âu hy vọng là đối lập sẽ đánh bại Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2023.

Điều chắc chắn là Liên minh NATO đang cô lập Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì trong bối cảnh chiến dịch thanh trừng quân đội từ sau cuộc đảo chính 2016, quân đội quốc gia trở thành một vỏ rỗng, hàng chục ngàn quân nhân tướng tá ngồi tù hoặc đào thóat. Trong vụ S-400, số phận Thổ Nhĩ Kỳ do chính Thổ Nhĩ Kỳ định đoạt : theo Nga tức là quay lưng lại với những giá trị Tây phương, với hệ thống phòng thủ chung và thị trường tài chính. Ankara phải sáng suốt lựa chọn, bởi vì lập trường « bắt cá hai tay » sẽ không thể kéo dài.

Đòn ngầm tại eo biển Ormuz
Hành lang hàng hải nhạy cảm nhất thế giới cũng là nơi mà Iran và đồng minh của Ả Rập Xê Út đang dùng đòn ngầm đánh nhau ác liệt.

Trong một bài phân tích dài, Le Monde liệt kê lại những cuộc xung đột trong quá khứ, từ thời chiến tranh Iran-Irak cho đến xung khắc Mỹ-Iran. Hành lang chiến lược này là nơi xảy ra nhiều trận thư hùng. Saddam Hussein đã từng « gài độ » cho chế độ giáo quyền Iran thả mìn trên biển để bị quốc tế trả đũa. Tuy nhiên, cho đến nay, Teheran luôn có chiến pháp chừng mực với kinh tế là ưu tiên số một. Hoa Kỳ của Donald Trump cũng thận trọng.

Phản ứng của thị trường dầu hỏa cũng nằm trong biên độ tỉnh táo này. Giới thương thuyền cũng thận trọng nhưng không lo sợ thái quá. Le Monde dẫn chứng : Vụ máy bay gián điệp tự hành của Mỹ bị bắn hạ là điều có thể tiên liệu trước, vì theo Teheran, chiếc drone Mỹ xâm nhập không phận Iran. Teheran cũng cho biết thêm là trong lúc đó có một chiếc máy bay gián điệp khác của Mỹ, với 35 quân nhân bay gần chiếc drone, nhưng được « tha » để không gây thiệt hại nhân mạng vô ích. Không rõ quyết định của Donald Trump không oanh kích trả đũa có phải là để đáp lại thái độ chừng mực này hay không nhưng theo chuyên gia Pierre Razou, Iran biết mình không đủ sức phong tỏa eo biển Ormuz nên chỉ gây áp lực để Mỹ bỏ cấm vận kinh tế.

Trong chiều hướng này, trong tháng 5 và tháng 6, vụ sáu chiếc tàu chở dầu hỏa bị tấn công nhưng chỉ hư hại nhẹ và không thiệt hại nhân mạng cũng là một thông điệp khuyến cáo : nếu Mỹ chận Iran xuất khẩu dầu khí thì thế giới cùng trả giá. Tình hình chưa đến nỗi tuyệt vọng qua các trận đòn ngầm này. Các thương thuyền được chỉ thị chung : tăng tốc độ khi qua eo biển để đi qua càng nhanh càng tốt, theo dõi bằng ra-đa và ống dòm mọi dấu hiệu bất thường, qua được rồi thì ép sát vào bờ biển Các Tiểu Vương Quốc.

Pháp không đùa với an ninh
Trong lĩnh vực quốc phòng và viễn thông, nước Pháp không để bị ai qua mặt: tăng cường đội tàu ngầm đa năng, xây dựng lực lượng phòng thủ không gian và chạy đua phát triển hệ thống viễn thông 5G.

Trong số các thông báo quan trọng trong diễn văn chào mừng quốc khánh 14/07 của tổng thống Pháp, báo chí chú ý nhất là về quốc phòng. Nước Pháp tấn công trong lãnh vực không trung, thành lập bộ tư lệnh không gian đặt tại Toulouse, thủ đô của công nghệ hàng không, phi thuyền và vệ tinh châu Âu. Nhật báo thiên hữu Le Figaro bình luận thêm: thông báo của tổng thống được đưa ra trong bối cảnh trỗi dậy xung khắc giữa các đại cường trong mọi lãnh vực, kể cả không gian mạng và thượng tầng khí quyển, nơi mà có đến 1.500 vệ tinh đang chuyển động chung quanh trái đất và con số này sẽ lên đến 7.000 trong 10 năm tới đây.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cho là Pháp theo chiến lược của nhiều đại cường khác. Cách đây một năm, Washington đã thông báo thành lập binh chủng không gian, độc lập với không quân kể từ năm 2020. Les Echos cũng cho biết thêm trên trang nhất “Nước Pháp khởi động chương trình hệ thống điện thoại 5G ”. Cùng đề tài, nhật báo kinh tế loan báo Hoa Vi sắp hủy bỏ hơn 800 việc làm tại Mỹ.

Dân Balkan chống thủy điện rừng rú
Trong không khí căng thẳng của tình hình quốc tế, Le Monde, Le Figaro, và Libération chọn ba sự kện liên quan đến môi trường cần phải suy gẫm và hành động.

Không có gì đẹp bằng một khu rừng nguyên sinh. Le Monde giới thiệu bài phỏng vấn nhà thực vật học Francis Hallé nhân cuộc triển lãm « Chúng ta, loài thảo mộc ». Tuy cỏ cây không biết đi, biết nói, nhưng sự hiện hữu của thảo mộc và người bổ khuyết cho nhau để sinh tồn. Do vậy, phá rừng đồng nghĩa với tiêu diệt con người.

Le Figaro đưa độc giả qua vùng Balkan và đặc biệt tại Serbia nơi mà dân chúng phẫn nộ chống các đập thủy điện. Trên một hệ thống sông ngòi ở Serbia dài 937 km mà có đến 856 đập thủy điện loại nhỏ. Những kẻ đầu tư, móc ngoặc với một số chính quyền địa phương thiếu lương tâm, viện lý lẽ chống khí thải CO2. Trong số 2.700 dự án trên khắp vùng Balkan, 1.000 đập đã hoạt động. Nhưng trước phản ứng mạnh của dân chúng, nhất là ở Bosnia và Albani, nhiều dự án bị hủy bỏ. Ngân Hàng Tái Thiết Châu Âu BERD quyết định bỏ các dự án ở Croatia và Macedonia. Phong trào chống đập thủy điện rừng rú lên tinh thần. Chiến dịch phản công được phát động với khẩu hiệu : « Cùng nhau cứu trái tim xanh châu Âu »

Trong khi đó, Libération cho biết một cách ý nhị là Công ty xe lửa Pháp được nhiệm vụ bài trừ nạn tiểu bậy và mùi hôi bốc lên tận óc trong các nhà vệ sinh đang làm khách hàng than phiền từ bao nhiêu năm nay. Nhiệm vụ bất khả, vì trong số 394 nhà ga của hệ thống xe hỏa công cộng phục vụ Paris và ngoại ô, chỉ có 200 nhà ga là có nhà vệ sinh, cho 3 triệu hành khách.

Greta Thunberg : Không tiếp nhà báo đi máy bay
Libération hôm nay có dịp giới thiệu lại hai phụ nữ, đúng hơn là một nữ sinh 16 tuổi và một mệnh phụ phu nhân mà cả thế giới biết tiếng. Người thứ nhất là Greta Thunberg, ngọn đuốc bảo vệ sinh thái được Quốc hội Pháp mời phát biểu vào ngày 23/07 này. Người thứ hai là Asma Al Assad, phu nhân của nhà độc tài Syria, vừa bị báo chí Anh gọi là « phù thủy ».

Được Libération xin phỏng vấn, Gruta Thunberg đặt điều kiện là nhà báo Pháp phải đi xe lửa, chứ không đi máy bay, sang Thụy Điển. Nữ ký giả Auda Massiot phải đồng ý với « yêu sách » bảo vệ môi trường của cô bé 16 tuổi. Bài phỏng vấn dài nhưng có hai tuyên bố đáng nhớ : Không một nước nào làm đầy đủ bổn phận bảo vệ khí hậu. Người tranh đấu cần một khẩu hiệu đơn giản để thu hút báo chí và công luận quan tâm đến một vấn nạn phức tạp.

Asma Al Assad : Killing and shopping
Còn phu nhân tổng thống Syria , bà Asma Al Assad, là nhân vật từng được nhiều người thương mến vì hôn nhân « sắp đặt » như trường hợp công nương Anh Diana. Trên thực tế, người ta nghĩ rằng bà đã theo lập trường ông chồng độc tài, tham gia tuyên truyền cho chế độ. Trong một năm gần đây bà mất tích trước khi xuất hiện lại với tấm ảnh chụp đang được điều trị ung thư. Những bức ảnh này được mạng lưới dư luận viên Syria sử dụng để ca ngợi lòng can đảm và nhân ái của đệ nhất phu nhân, ốm đau nhưng vẫn đi thăm nạn nhân chiến cuộc và thương binh. Hình ảnh do một nhiếp ảnh gia chính thức lúc nào cũng theo sát đệ nhất phu nhân Asma Al Assad thực hiện.

Trên thực tế, các hình ảnh do đối lập chụp được cho thấy bà đang đặt mua hàng tá đồ gốm quý giá để trang hoàng cho dinh thự riêng ở Lattaquié, lãnh địa của dòng tộc Al Assad, theo tường thuật của nhật báo thiên tả Pháp trong bài « Từ tiên nữ đến phù thủy ». Trong khi chiến tranh tiếp diễn, dân chúng bị không quân Syria và Nga dội bom hàng ngày, vợ tổng thống tiêu tiền như nước. « Killing and Shoping », vừa giết vừa mua sắm, là biệt hiệu mới của đệ nhất phu nhân Syria.





No comments:

Post a Comment