Sunday, July 21, 2019

QUÊ HƯƠNG CỦA ÔNG NỘI TỔNG THỐNG TRUMP (Lê Phan)




Lê Phan
July 21, 2019

Hồi năm 2016, khi rõ ràng là ông Donald Trump sẽ trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ngôi làng Kallstad đột nhiên trở thành nơi được các nhà báo và du khách tò mò đến tìm nguồn gốc khác thường của ứng cử viên.

Ngôi làng Kallstadt nay nổi tiếng với những vườn nho và các lò nấu rượu, đồng thời lôi cuốn du khách về đâu thăm quê nội của Tổng Thống Trump. (Hình: Getty Images)

Ông nội của tổng thống tương lai sinh ra ở làng này và di dân sang Hoa Kỳ để tìm cơ hội. Đa số 1,200 cư dân của thị trấn không mấy thích thú vì được chú ý cũng như các luận điệu dân túy của ứng cử viên Trump, họ ước gì rồi tổng thống Hoa Kỳ sẽ quên đi luôn cõi riêng yên tĩnh của họ trong nước Đức an lành.

Nay, sau vụ Tổng Thống Trump yêu cầu bốn nữ dân biểu Dân Chủ hãy “trở về” “những chỗ nhiễm đầy tội ác mà từ đó họ đến,” một số người trong ngôi thị trấn mà đã có lúc kinh tế suy sụp này đang khuyên tổng thống Hoa Kỳ hãy nhớ nguồn gốc nơi gia đình ông phát xuất.

Ông Thomas Jaworek, vị thị trưởng bảo thủ của Kallstad, nơi ông nội của tổng thống, ông Friedrich Trump, đã sinh ra và rời bỏ khi còn ở tuổi vị thành niên, nói “Nhìn những căn nhà không mấy đồ sộ của tổ tiên ông ta có thể sẽ cho ông quay trở lại thực tế.”

Ông Jaworek nói nhiều người trong địa phận ông chia sẻ lập trường của những người Đức khác nghĩ rằng Tổng Thống Donald Trump là một đe dọa. Trong khi ông không có mấy muốn mời tổng thống Hoa Kỳ đến thăm – dẫn cảnh điên cuồng khi giới truyền thông kéo tới, và nỗi nhức đầu vì việc bảo vệ an ninh do chuyến viếng thăm tạo ra – ông thị trưởng nói nếu ông Trump có về chơi, ông hy vọng tổng thống ít nhất khi rời Kallstadt ông sẽ thay đổi lập trường về các di dân, công dân và nơi nào là nơi chốn của mình.

Bởi sau cùng, ông nội Friedrich Trump là một di dân và là một di dân vì lý do kinh tế nữa.
Bà Beatrix Riede, năm nay 61 tuổi, hội trưởng hội phụ nữ trong làng, giải thích “Bất cứ ai cũng có nguồn gốc của mình từ một nơi nào đó – và đòi hỏi người khác phải rời nước đi thì thật là trái khoáy lắm.” Bà Riede còn than thở, “Tôi ước gì người Mỹ sẽ bầu lên một người mà, trước khi nói ra điều gì, có suy nghĩ trong đầu.”

Sinh ra năm 1869 trong một gia đình không mấy sung túc sống bằng lợi tức một vườn trồng nho nhỏ, lúc đầu ông Friederic Trump làm thợ phụ cho một tiệm hớt tóc ở thị trấn kế cận. Nhưng mở một tiệm hớt tóc đàn ông ở Kallstadt sẽ khó khăn. Đã có một tiệm hớt tóc trong làng rồi. Ông Freidrich Trump, theo luật lệ thời đó lại sắp phải đi quân dịch, ở lính trong một thời gian.

Theo tác giả Gwenda Blair viết trong cuốn sách năm 2001 mang cái tên The Trumps: Three Generations That Build an Empire viết “Cảnh thiếu cơ hội thăng tiến đến ngộp thở trong làng có lẽ đã làm ông cảm thấy bị bó chặt. Không có bất cứ một cơ hội nào để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tất cả những gì trước mắt ông là khó khăn, buồn tẻ và nghèo đói. Ông có vẻ không còn có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đường ra đi.”

Anh chàng thanh niên 16 tuổi này đã thoát thân bằng cách di cư sang Mỹ vào năm 1885. Sau này ông trở về và lấy một cô gái trong làng Kallstadt, cô Elizabeth Christ, nhưng sau đó lại quay trở về Hoa Kỳ. Nghe đâu bà Elizabeth đã có lúc nhớ nhà muốn về quê cũ.

Bốn nữ dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ. Từ trái qua: Rashida Tlaib, Ilhan Omar, Alexandria Ocasio-Cortez, và Ayanna Pressley. (Hình: AP Photo/J. Scott)

Hơn một thế kỷ sau, một trong những đứa cháu nội của ông đang theo đuổi một chính sách di dân cứng rắn mà -nếu áp dụng trong thập niên 1880- nhiều phần sẽ không cho phép ông Friedrich được ở lại Hoa Kỳ.

Tính chất mỉa mai đó dân làng đều thấy. Bà Cornelia Seidl, 67 tuổi, đại diện cho đảng Dân Chủ Xã Hội trong hội đồng thị trấn Kallsbadt trong nhiều thập niên, nói di dân từng là động lực tạo sức mạnh cho Hoa Kỳ.

Bà nói “Cũng như ở nước Đức vậy – chúng tôi cần công nhân ngoại quốc.” Bà Seidl vạch ra là trước đây ông Trump đã tìm cách che giấu nguồn gốc di sản Đức của gia đình mình. Gần đây, ông đã tự hào nói là cha ông đến “từ nước Đức,” mặc dầu thật ra người đó là ông nội của ông.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tổng thống nói đúng vì ông nội của ông không phải là thần dân của nước Đức mà là của vương quốc Bavaria.

Hồi năm 2016, nhật báo Der Bild, tờ báo lá cải bán chạy nhất ở Đức, tìm ra được một văn kiện hồi Tháng Hai năm 1905 theo đó ông Friedrich Trump được lệnh rời khỏi vương quốc Bavaria trong vòng tám tuần lễ, lý do là để trừng phạt ông trốn nghĩa vụ quân dịch, và khi ông bắt đầu di cư năm 1885 qua Hoa Kỳ ông không báo cho nhà cầm quyền biết ngày ông đi.

Giáo Sư Roland Paul, một sử gia, người đã tìm thấy văn kiện này, giải thích với Der Bild “Friedrich Trump di cư khỏi Đức sang Hoa Kỳ vào năm 1885. Tuy nhiên, ông không thông báo rút tên khỏi danh sách dân số ở quê nhà mình và không thi hành nghĩa vụ quân sự, đó là những lý do khiến nhà chức trách bác không cho phép ông hồi hương.”

Sắc lệnh buộc “công dân Hoa Kỳ và một người đã về hưu Friedrich Trump” hãy rời khỏi nước Đức “trễ nhất là vào 1 Tháng Năm… nếu không sẽ bị trục xuất.” Der Bild gọi văn kiện này là “một mảnh giấy chả có gì đặc biệt,” nhưng vẫn “thay đổi lịch sử thế giới” vì cháu nội của ông Friedrich sau này lên làm tổng thống Mỹ.

Tội nghiệp cho ông cụ, nhất là bà cụ, vì đến lúc về già bà muốn về quê cũ nhưng không được tiếp nhận.

Ngoài liên hệ với tổng thống, Kallstadt nay nổi tiếng cho những vườn nho và các lò nấu rượu, lôi cuốn du khách và đã mang lại cho thị trấn và cư dân một cuộc sống khá giả. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nhiều người đã bỏ Kallstadt ra đi vào cuối thế kỷ thứ 19, bà Seidl giải thích, bởi “mọi sự không tốt đẹp về kinh tế vào lúc đó.”

Vào cuối năm ngoái, dân chúng cuống quýt khi tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đưa ra chỉ dấu là tổng thống có ý muốn viếng thăm thị trấn. Tuy dân làng nói chung chống lại lập trường cứng rắn của Tổng Thống Trump về di dân, đa số sẽ chào đón ông.

Nay sau khi những tweets kỳ thị chống lại bốn dân biểu thiểu số chỉ trích ông, một số dân làng nói ông sẽ không được chào đón nữa và rằng ngay cả đến liên hệ xa xôi của ông với làng cũng là một điều đáng xấu hổ.

Chủ nhân của một nhà cho du khách thuê, yêu cầu ẩn danh vì bà sợ ảnh hưởng đến du khách, nói bà không chờ đợi ông Trump sẽ đến Kallstadt. Bà nói “Thật đáng buồn là người này có nguồn gốc ở đây.

Nó hầu như làm tôi cảm thấy xấu hổ. (Lê Phan)






No comments:

Post a Comment