Tuesday, July 16, 2019

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA THẦY HOÀNG TỤY (tổng hợp)





Phần lớn các bài viết trên báo chính thống ca ngợi giáo sư Hoàng Tuỵ với tư cách nhà toán học lỗi lạc và một người hết lòng vì sự nghiệp khoa học và giáo dục, vì đất nước. Trừ tờ Tuổi trẻ nhắc đến ông là thành viên sáng lập và chủ tịch Hội đồng của IDS, chưa thấy tờ nào nói đến hoạt động “nhạy cảm” của ông trong XHDS.

Một viện nghiên cứu độc lập, tức là không phải của công ty tư nhân hay của nhà nước, là một tổ chức XHDS. Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) là một tổ chức độc lập như vậy. Gs. Hoàng Tuỵ là một thành viên sáng lập của IDS và ông đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội đồng, cơ quan quyết định cao nhất, của IDS.


Khi Quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ sắp có hiệu lực (phải được và đã được công bố công khai 6 tháng trước khi được Thủ tướng ký và có hiệu lực) giữa IDS và Chính phủ đã có một đợt “đối thoại” mạnh mẽ. Gs. Chu Hảo, một thành viên sáng lập của IDS, được chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời để “bàn” về IDS. Bà Phạm Chi Lan, một thành viên sáng lập và phó Viện trưởng của IDS, được 4-5 tướng tá an ninh “mời” ăn cơm cả mấy tiếng đồng hồ. Ông Thủ tướng mời Gs. Hoàng Tuỵ 2 lần lên phủ thủ tướng trao đổi. Ông Thủ tướng biết Gs. Hoàng Tuỵ và Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc (đương kim Thủ tướng) là đồng hương với nhau. Ông Phúc đã đến thăm Gs. Tuỵ và đưa ra lời mời của Thủ tướng.

Cuộc làm việc đầu tiên với Thủ tướng rất hoành tráng: xe đưa đón long trọng, tặng hoa và quà rất trọng thị. Gs. Hoàng Tuỵ yêu cầu Thủ tướng không ký và bỏ QĐ 97. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói những điều tốt đẹp nhưng không trực tiếp đáp ứng yêu cầu của IDS.

Và đến lời mời lần thứ hai. Vẫn rất lịch thiệp như lần trước, nhưng chắc “vì bận” Thủ tướng uỷ quyền cho ông Phúc làm việc với Gs. Rất chân tình và trọng thị. Xe đưa Gs về đến tận nhà, lúc đó Gs. phát hiện ra một tập hồ sơ để cho Gs trên xe. Về đến nhà xem hồ sơ mới thấy ý kiến của Thủ tướng thúc Bộ Khoa học và Công nghệ nghiêm túc chuẩn bị thực hiện QĐ 97 sau khi được ký.

Tất nhiên, tất cả các thành viên IDS chúng tôi nóng lòng chờ đợi kết quả làm việc của Chủ tịch Viện và Thủ Tướng. Cái hồ sơ để trên xe thực sự là gọt nước tràn ly đối với Gs. Hoàng Tuỵ và tất cả chúng tôi. Và trước khi QĐ97 có hiệu lực mấy tiếng đồng hồ IDS đã thống nhất ra một tuyên bố kịch liệt lên án quyết định phản khoa học, phản dân chủ của Thủ tướng Chính phủ và IDS quyết định ngưng hoạt động.

Viện IDS là tổ chức nghiên cứu độc lập có đăng ký theo Luật Khoa học và Công nghệ, tức là một tổ chức XHDS chính thức (formal), tuy nhiên với QĐ97 IDS không thể còn hoạt động độc lập như cũ. Chúng tôi cho rằng hình thức (viện, tổ chức có tư cách pháp nhân,…) là quan trọng, song cũng chỉ như chiếc áo mà ta có thể thay mấy lần một ngày.

Tất cả các thành viên IDS mời thêm các thành viên khác lập ra nhóm 23 (gặp nhau bàn bạc, thảo luận những vấn đề như IDS đã làm vào mỗi ngày 23 hàng tháng). Nhóm 23 đầu tiên gặp nhau tại nhà của nhà thơ Việt Phương, rồi tại nhà của anh Trần Đức Nguyên (2 thành viên sáng lập của IDS), rồi sau đó tại chính nhà của Gs. Hoàng Tuỵ (và sau đó tại nhà Chị Phạm Chi Lan).

Nhóm 23 là một tổ chức XHDS phi chính thức (informal, tức là không có tư cách pháp nhân như IDS). Từ hoạt động đó của nhóm 23 đã phát sinh nhiều phong trào và kiến nghị (mà điển hình là Kiến Nghị 72 thu hút thêm được 72 chữ ký ban đầu vào Kiến Nghị sửa đổi Hiến pháp với tổng cộng trên 15 ngàn chữ ký).

Phần hoạt động này của Gs. Hoàng Tuỵ, báo chí chính thống không dám nói tới hay chỉ nhắc đến qua loa. Nhắc sơ đến hoạt động XHDS của Gs Hoàng Tuỵ, của một người con vĩ đại của đất nước, một con người cương trực và luôn làm hết sức mình trên mọi lĩnh vực cho một Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, như một nén hương tưởng nhớ đến Ông. Gs. Hoàng Tuỵ để lại cho chúng ta những di sản vô giá và một tấm gương sáng để tất cả chúng ta noi theo.


---------------------------------------

Nguyên Ngọc 
16/07/2019

Hồi trẻ tôi tưởng đến tuổi này là nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hạnh phúc, thế mà hóa ra khó khăn quá chừng. Nhưng tôi nghĩ có khó mới thật giá trị, chứ như dễ quá thì ai cũng làm được. Cho nên tôi vẫn không thất vọng, vẫn hy vọng một tương lai tươi sáng cho đất nước.

Ngày mồng 7 tháng 6 năm 2019, ba anh em chúng tôi, Phạm Duy Hiển, Chu Hảo và tôi, đến thăm Thầy Hoàng Tụy ở nhà Thầy tại ngõ 260 Đội Cấn Hà Nội. Thầy Hoàng Tụy ốm nặng đã nhiều tháng, những dịp ba anh em cùng có mặt ở Hà Nội thế nào cũng rủ nhau sắp xếp cùng đến thăm Thầy. Tôi là học trò của Thầy Tụy hồi năm 1947 khi học Chuyên khoa Toán ở trường Lê Khiết, Quảng Ngãi; anh Phạm Duy Hiển là học trò Thầy Tụy khi Thầy dạy môn Thiên văn ở Đại học, một điều ít ai biết; anh Chu Hảo tuy không học trực tiếp với Thầy Tụy nhưng cũng luôn tự coi mình là học trò của Thầy.

Hôm chúng tôi đến thăm, Thầy Tụy vừa ở bệnh viện Việt Pháp về nhà. Trước đó, Thầy đã trở bệnh rất nặng, có lúc hầu như không còn biết gì, phải vào viện ngay. Chị giúp việc vẫn theo sát chăm sóc Thầy kể: Ở viện mấy hôm, lúc tỉnh lại Thầy hỏi: “Trí tuệ của tôi nó đi đâu mất rồi?”.

Khi chúng tôi đến nhà, Thầy đang nằm trên ghế đi-văng, đã khá tỉnh táo hơn, Thầy nhận ra tất cả anh em chúng tôi, gọi tên từng người. Chúng tôi lưu luyến ngồi lại với Thầy gần một tiếng đồng hồ. Thầy nói vẫn khó nhọc, chậm rãi, ngắt quãng, nhưng nói nhiều. Các anh chị con Thầy trong nhà bảo từ khi ốm nặng chưa bao giờ Thầy nói nhiều thế, và sau đó cho đến khi mất vào ngày 14 tháng 7, Thầy cũng không nói như thế nữa. Chúng tôi ngồi nghe, hết sức cảm động, có cảm giác Thầy Hoàng Tụy kính yêu của chúng tôi, của chúng ta, đã nói với chúng tôi những lời trăng trối, những lời nhắn nhủ tâm huyết cuối cùng, Thầy cũng nhìn lại vắn tắt mà khái quát sâu sắc cuộc đời mình, cho đến những ngày cuối đời vẫn trằn trọc lo cho vận mệnh đất nước.

Tôi may mắn ghi lại được một clip về những giây phút quý giá bên Thầy. Tôi xin chép lại sau đây, vì nghĩ đây là những lời cuối cùng của một nhà trí thức lớn, vị sĩ phu cao quý thời nay của đất nước gửi lại cho tất cả chúng ta.

Từ trái qua: Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Hoàng Tụy, GS Chu Hảo, GS Phạm Duy Hiển. Ảnh: Nguyên Ngọc

LỜI THẦY HOÀNG TỤY

“… Tôi bây giờ không còn sức quan tâm đến chuyện nước nữa rồi… Bây giờ công danh sự nghiệp chỉ là chuyện phù vân… Nhưng kể ra hạnh phúc ở đời cũng khó lắm thay… Nhưng kể ra sống mà trọn được một kiếp cũng thật là khó…

Các anh cùng tuổi cho nên những ngày này vẫn gặp nhau thường xuyên, đó cũng là điều an ủi, còn tôi một mình buồn lắm các anh ơi. Cô độc hết sức.

[Thầy gọi tên từng người] Anh Chu Hảo, anh Nguyên Ngọc, anh Phạm Duy Hiển…

Mọi chuyện ở đời đều là phù vân, nhưng cuộc đời không phải là phù vân. Sống cho phải cuộc đời cũng khó lắm chứ. Tôi nay 92, mọi chuyện hình như đến đây là chấm dứt, nhưng chưa chết. Cuộc đời lắm nháo nhăng, chẳng lẽ đi qua mà chả có ý kiến gì, nhưng mà có ý kiến thì mất lòng nhiều người, tôi cũng đã làm mất lòng nhiều người. Tôi rất buồn nhưng biết làm sao.

Các anh gần nhau có chuyện trò được, còn tôi cô độc một mình buồn lắm các anh ơi, tôi buồn vô cùng… Khi trẻ thì tưởng đến lúc già sẽ khác mà chẳng khác bao nhiêu. Buồn quá, biết làm sao…

Cám ơn các anh.

Người ta nói cuộc đời… cuộc đời là phù vân, không phải đâu… Lỡ biết bao nhiêu việc muốn làm mà không làm được, cho nên rời khỏi cuộc đời này là một nỗi tiếc… cho nên tất nhiên là cũng mong tất cả các bạn tiếp tục con đường…

Hồi trẻ tôi lạc quan, bây giờ không phải bi quan nhưng mà cũng hết lạc quan rồi. Có thật sống để mà làm trọn mọi nhiệm vụ trong mọi kiếp thấy cũng không dễ, được cái này thì mất cái kia. Ông Trời cũng đa đoan. Cứ như lẽ tự nhiên thì có lẽ cuộc đời sướng hơn. Tôi bây giờ 92, muốn chết nhưng mà nào có chết được đâu. Nhưng chắc là tôi đi trước các anh. Dẫu sao tình bạn mấy chục năm cũng đáng cho chúng ta ghi lại và trung thành với nó.

Người ta cứ nói công danh sự nghiệp, nhưng tất cả đều là phù vân, còn lại ở đời chỉ là một chút tình thân. Dù sao thì cũng chào các anh trước khi đi.

Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, dù cho lời nói làm bất bình bất cứ ai, có lẽ đó là ưu điểm của tôi, còn khuyết điểm thì chắc nhiều lắm.

Hồi trẻ tôi tưởng đến tuổi này là nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hạnh phúc, thế mà hóa ra khó khăn quá chừng. Nhưng tôi nghĩ có khó mới thật giá trị, chứ như dễ quá thì ai cũng làm được. Cho nên tôi vẫn không thất vọng, vẫn hy vọng một tương lai tươi sáng cho đất nước.

Nguyên Ngọc ghi

---------------------------------------

Nguyễn Khắc Mai   16/07/2019
.
Hoàng Xuân Phú[1]  - 15/07/2019
.
Nguyễn Đăng Hưng  - 15/07/2019





No comments:

Post a Comment