Friday, July 19, 2019

NGƯỜI GỐC VIỆT KỶ NIỆM '40 NĂM NGÀY QUỐC TẾ GIẢI CỨU THUYỀN NHÂN' (tổng hợp)




19/07/2019

Cộng đồng người Việt tại bang California sẽ họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày quốc tế giải cứu thuyền nhân Việt Nam, tri ân những tấm lòng nhân ái của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng những cá nhân năm xưa đã cứu giúp người tị nạn Việt Nam.

Poster cho sự kiện 40 năm Quốc tế Cứu Thuyền nhân

Sự kiện “Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân” do Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức ở thành phố Westminster, bang California vào tối Thứ Bảy 20/7/2019.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức, cho VOA biết ý nghĩa của sự kiện này:

“40 năm trước, đúng vào ngày 20/7/1979, có 65 quốc gia đã họp tại thành phố Geneva nước Thụy Sĩ, bàn tìm cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh biển cả và khốn khó trong các trại tị nạn Đông Nam Á.
“Nước Malaysia và Thái Lan đã xua đuổi các thuyền tị nạn Việt Nam ra khơi, không cho cập bến bờ của họ vì các trại tị nạn đã quá đông đúc và thiếu mọi phương tiện.
“Chính cái chết của bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam trên đại dương khoảng từ năm 1978 đến mùa hè năm 1979 đã làm xúc động lương tâm thế giới và một hội nghị quốc tế về thuyền nhân Việt Nam mở ra vào ngày 20/7/1979.
“Kết quả là nhiều quốc gia tự do đã đồng ý nhận định cư số lượng lớn thuyền nhân tị nạn Việt Nam và đóng góp thêm tài chánh cho các trại tị nạn; các trại tị nạn ở Đông Nam Á đã mở rộng vòng tay đón tiếp thuyền nhân Việt Nam, không còn cảnh xua đuổi hoặc kéo thuyền tị nạn ra khơi như hải quân Mã Lai đã làm.
“Kết quả là đã có khoảng 800 ngàn thuyền nhân Việt Nam được định cư khắp nơi tạo nên một cộng đồng hải ngoại lớn mạnh như hôm nay.”

Một Mộ Bia Tập Thể Của Người Việt Trên Đất Mã Lai.

Bản thân từng là một thuyền nhân vượt biển tị nạn tại trại Kotabaru, Malaysia, vào cuối năm 1978, nhạc sĩ Trần Chí Phúc cho biết nhiều người Việt đã gặp nạn khi tới gần bờ biển Kotabaru nhưng đã bị chính quyền sở tại từ chối không cho lên bờ, trong đó có người thân của bạn ông là nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Sự việc khiến vợ và con trai của ông Ngạn, cùng hàng chục thuyền nhân vô tội khác, đã thiệt mạng trên Biển Đông.

Ông Trần Chí Phúc nói thêm:

“Trong hoàn cảnh quốc tế hiện nay khi thế giới ngoảnh mặt với dân tị nạn thì chúng ta càng trân quí, càng biết ơn tấm lòng nhân ái của các quốc gia, các tổ chức cùng những cá nhân năm xưa đã cứu giúp thuyền nhân Việt Nam. Đó là lý do mà chúng tôi đứng ra tổ chức kỷ niệm này, đặc biệt là tròn 40 năm trôi qua.”

Biểu tình cho thuyền nhân Việt Nam tại Sproul Plaza năm 1979. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ông Phúc cho biết trong chương trình lễ kỷ niệm có những ca khúc hát về chủ đề vượt biển và tị nạn, và sẽ có hai thuyền nhân kể chuyện vượt biển.

“Đặc biệt sẽ có hai thuyền nhân kể lại những câu chuyện vượt biển rất ly kỳ.”
‘Lịch sử thuyền nhân Việt Nam- thế giới gọi là boat people, ghi dấu một thời bi hùng biển cả, sự cai trị độc ác của CSVN đã khiến hàng triệu người liều chết vượt biển, bỏ nước ra đi,” Hội Văn hóa Việt Nam cho biết trong một thông cáo.

“CSVN đã áp lực Mã Lai và Nam Dương (Indonesia) đập bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam vì Hà Nội không muốn khơi lại quá khứ đen tối của họ. Nhưng chúng ta, những thuyền nhân Việt Nam mãi không quên sự cai trị tàn ác của họ.”
“Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là dịp để bày tỏ sự biết ơn tấm lòng nhân ái thế giới, để những thuyền nhân năm xưa hội ngộ ôn lại chuyện vượt biển và nhắc nhở con cháu biết gốc gác, biết chuyện gian nan của cha anh chúng thuở ban đầu tị nạn,” thông cáo viết.

Trong ca khúc Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới, nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã viết: “Xin cám ơn tấm lòng thế giới, đã cho tôi một cuộc sống mới, xin cám ơn những người nhân ái, đã cho tôi có một ngày mai.”


------------------------------------------

Tâm An/Người Việt  
July 17, 2019

WESTMINSTER, California (NV) – Vào lúc 8 giờ tối Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy, 2019, sẽ diễn ra “Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân” tại hội trường nhật báo Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức, đồng thời là thuyền nhân vượt biển 40 năm về trước tại trại tị nạn Kotabaru ở Malaysia, cùng thời điểm với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức, cho hay: “Đúng 40 năm về trước, vào ngày 20 Tháng Bảy, 1979, cộng đồng quốc tế gồm 65 nước đã tổ chức một hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ, về việc cứu thuyền nhân vượt biển (boat people). Lý do là vì vào năm 1978-1979, số lượng thuyền nhân vượt biển sang các đảo hoặc bờ biển ở Thái Lan, Malaysia lên tới đỉnh điểm, khiến các nước này bị quá sức chứa và không muốn tiếp nhận thêm. Các ghe của thuyền nhân sau nhiều ngày lênh đênh vượt biển, đã gặp bao sóng gió, nay tới được bờ nhưng đã bị giới chức địa phương ngăn cản không cho lên bờ. Thậm chí họ còn kéo ghe thuyền nhân ra biển khơi và bỏ lại ở đó, khiến biết bao thuyền nhân tiếp tục bỏ mạng vì đói khát, cướp biển và bị lật thuyền.”

Từng là thuyền nhân vượt biển tị nạn cùng thời với nhà văn-người dẫn chương trình nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn tại trại tị nạn Kotabaru, Malaysia, vào cuối năm 1978, nhạc sĩ Trần Chí Phúc cho biết thêm: “Tôi vượt biên vào Tháng Mười Hai, 1978, sau gia đình anh Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ vài tuần. Chúng tôi đã gặp nhau tại trại tị nạn ở thị trấn Kotabaru, Malaysia, giáp với biên giới Thái Lan. Tôi được anh Ngạn kể lại rằng, chiếc ghe chở gia đình anh và nhiều thuyền nhân khác, mặc dù đã tới được bờ biển Kotabaru nhưng đã bị chính quyền từ chối không cho lên bờ. Ghe của họ phải neo đậu ngoài biển để chờ đợi. Ngay đêm đó, chiếc ghe của họ không may bị một cơn sóng lớn lật đổ, khiến vợ và con trai của anh Ngạn, cùng hàng chục thuyền nhân vô tội khác, đã thiệt mạng một cách oan uổng trên Biển Đông.”

“Chính hàng ngàn thuyền nhân vượt biển đã chết thương tâm như vậy, khiến thế giới xúc động và khơi dậy lương tri của nhân loại. Sau hai ngày nhóm họp tại Hội Nghị Quốc Tế ở Geneva, quốc tế đã quyết định hỗ trợ để các nước Thái Lan, Malaysia mở cửa, lập thêm trại tị nạn cứu vớt thuyền nhân. Đồng thời, các quốc gia khác đã mở cửa để đón các thuyền nhân được định cư theo diện tị nạn trên lãnh thổ của họ,” ông Phúc nói.

“Trong bối cảnh hiện tại mà thế giới đang quay lưng lại với người tị nạn, kể cả những người ‘boat people’ từ Syria, thì chúng ta càng biết ơn quốc tế đã mở rộng vòng tay cứu vớt hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam chúng ta. Đó là lý do mà chúng tôi đứng ra tổ chức kỷ niệm này, đặc biệt là tròn 40 năm trôi qua,” ông nói tiếp.

Các thuyền nhân năm xưa. (Hình: Trần Chí Phúc cung cấp)

Nói về mục đích của đêm nhạc, ông Phúc cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm tại San Jose vào năm 2009. Chúng tôi muốn nói với cả thế giới rằng dù 40 năm đã trôi qua nhưng những thuyền nhân năm xưa vẫn không bao giờ quên về ký ức đó với lòng biết ơn sâu sắc tới nhân dân các nước. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn các thế hệ con cháu biết về cha ông của chúng đã trải qua một thời đau thương khốn khó như thế nào để có ngày hôm nay.”

Đêm nhạc sẽ diễn ra trong không khí ấm cúng, thân tình với các ca khúc về thuyền nhân vượt biển do chính các nhạc sĩ từng là thuyền nhân sáng tác với sự tham dự của các ca sĩ Phượng Mai, Ngọc Trọng, Hương Thơ, Đồng Thảo…

Đặc biệt, có hai khách mời, từng là thuyền nhân, sẽ kể hai câu chuyện xúc động về hành trình thoát chết một cách hi hữu của chính họ, trong cuộc vượt biên 1978-1979. Câu chuyện này chưa từng được kể ra trên các phương tiện truyền thông, vô cùng ly kỳ, tưởng như chỉ có trong phim ảnh hoặc trong truyện cổ tích.

Với con số ước tính khoảng 800,000 thuyền nhân đã được định cư trên khắp thế giới, cùng với hàng trăm ngàn người anh em, cha mẹ được bảo lãnh từ Việt Nam qua sau đó, đã tạo nên một cộng đồng người Việt hải ngoại rộng khắp. Từ sau Hội Nghị Quốc Tế ngày 20 Tháng Bảy, 1979, dường như thế giới có thêm một từ mới “Boat People.” Nhân dân khắp nơi đã cảm thông, trợ giúp, bao bọc cho các “boat people’ gây dựng lại cuộc sống trên những đất nước của họ.

“Đây là một sự kiện lớn đối với cộng đồng người Việt tị nạn của chúng ta. Chính vì vậy, chúng tôi có mời các vị dân cử, các nghị viên gốc Việt ở Little Saigon tới dự để cùng chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn của cộng đồng ‘boat people’ đối với thế giới,” ông Phúc cho hay.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc từng định cư theo diện tị nạn ở Canada vào Tháng Tư, 1979, sau đó ông sang Mỹ định cư tại San Jose, California, hiện nay ông chuyển về sinh sống tại Little Saigon.

Là một trong những người tị nạn, ông sáng tác nhiều ca khúc về thuyền nhân, trong đó có nhiều ca khúc gây xúc động cho khán giả như bài “Xác Em Nay Ở Nơi Nào.” Các sáng tác mới của ông là “Cám Ơn Hải Âu,” “Vượt Biển Tình Người” sẽ được trình diễn vào đêm nhạc tới đây.

Muốn biết thêm chi tiết, mời quý vị liên lạc nhạc sĩ Trần Chí Phúc qua email: chiphuctran@yahoo.com , điện thoại (408) 646-1954. (Tâm An)
—-
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com

----------------------------------------


19/07/2019

Quận Cam- Minh Tâm- Tối Thứ Bảy 20-7-2019 tại Hội trường Việt Báo 14841 Moran St, Westmister, CA 92683 lúc 8 giờ tối sẽ diễn ra Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân  với những ca khúc vượt biển tị nạn tha hương do các tiếng hát Phượng Mai, Hương Thơ, Ngọc Trọng, Đồng Thảo, Thanh Vũ, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên,  Mai Phi Long, Huy Hoàng, Minh Tâm, Xuân Thanh Lan Hương. Âm thanh do Quang Tuyền, nhạc đệm Trần Chí Phúc và Phạm Tú.


Giới thiệu chương trình là Nhã Lan và Thanh Vũ.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện Ban Tổ Chức cho biết mục đích của đêm này là bày tỏ lòng biết ơn đối với thế giới đã cứu giúp thuyền nhân năm xưa.

Từ trái, nhà thơ Phan Tấn Hải, nhạc sĩ Trần Chí Phúc và nhiếp ảnh gia Đoàn Cẩn tại hội trường Việt Báo.

Ngày 20-7-1979, 65 quốc gia đã họp tại thảnh phố Geneva, Thụy Sĩ để bàn cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh biển cả , bị Thái Lan và Mã Lai xua đuổi và khốn khó tại trại tị nạn. Kết quả của hội nghị là nhiều quốc gia đồng ý nhận thêm định cư người tị nạn, các trại tị nạn mở rộng vòng tay đón tiếp thuyền nhân và kết quả là có khoảng 800 ngàn người tị nạn VN được định cư khắp thế giới tạo thành cộng đồng hải ngoại như hôm nay.

Đêm này cũng là dịp để các thuyền nhân năm xưa hội ngộ ôn lại kỷ niệm vượt biển và trại tị nạn năm xưa, cũng để nhắc nhở con cháu biết thêm về lịch sử thuyền nhân VN của bậc cha anh của chúng ngày trước khốn khó tị nạn ra sao.

Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Ái Liên , Trần Chí Phúc đàn tam ca Mai Em Đi

Có một số ca khúc trình bày hợp ca như Mai Em Đi tam ca nữ gồm Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên điệu Valse. Ca khúc này Trần Chí Phúc viết năm 1980 diễn tả mối tình trại tị nạn. Dù quen nhau yêu nhau nhưng hai người định cư hai nước khác nhau. Ngày mai người con gái lên đường đi quốc gia khác, đêm chia tay buồn da diết, người con trai ôm đàn hát tặng bài ca tiễn biệt. Lời ca như sau:

“ Thôi chia tay, nhưng em ơi, xin em hãy nhớ rằng nơi đó đâu là quê hương ta hằng thương mến. Đau thương xin em nén khóc, gian nan xin em hãy vững niềm tin yêu , niềm tin Việt Nam. Mai em đi người yêu dấu, ta lang thang đời mất xứ, Xuân quê hương mùa nắng ấm; vẫn mong ngày gặp lại nhau.”

Bản Mai Em Đi , tam ca nữ là một trong những tiết mục hay của đêm văn nghệ này.

Bản hợp ca Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới mà Trần Chí Phúc viết 10 năm trước sẽ mở đầu chương trình  “ Xin cám ơn tấm lòng thế giới, đã cho tôi một cuộc sống mới, xin cám ơn những người nhân ái đã cho tôi có một ngày mai. Xin tôn kính cám ơn Đất Trời, xin tưởng nhớ đến những người đã mất trên Biển Đông giúp tôi đến nơi đất lành.”

Tiếng đàn ghi ta của Trần Chí Phúc và Phạm Tú sẽ gợi nhớ không khí sinh hoạt ca nhạc lửa trại nồng nàn.

Chúc Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 20-7-2019 đầy ắp cảm xúc tình người tị nạn ấm áp. VÀO CỬA TỰ DO




No comments:

Post a Comment