Thursday, July 18, 2019

DI DÂN VIỆT CÓ GIÚP MỸ TĂNG LỢI THẾ CẠNH TRANH (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
19/07/2019

Di dân các nước, trong đó có di dân Việt Nam, giúp cho Mỹ có lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc về tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, một chuyên gia Mỹ nhận định trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc có lập trường ‘bài di dân’ và ‘phân biệt chủng tộc’.

Chính quyền của ông Donald Trump có những sự điều chỉnh về chính sách di trú theo hướng hà khắc hơn, bao gồm đẩy mạnh việc tống xuất những di dân đã bị lệnh trục xuất, trong đó có di dân gốc Việt. Mới đây, ông Trump còn bị lên án là ‘phân biệt chủng tộc’ khi yêu cầu bốn nữ dân biểu Dân chủ có nguồn gốc di dân ‘hãy về lại đất nước quý vị mà phục vụ’ sau khi bốn nghị sĩ này chỉ trích chính sách của ông.

‘Chìa khóa quyết định’

Trong bài phân tích có tiêu đề ‘Di dân giúp các công ty Mỹ có lợi thế mạnh mẽ trước các đối thủ Trung Quốc như thế nào?’ trên trang Conversation, ông Benjamin AT Graham tại Đại học Nam California nhận định rằng di dân là một trong những chiếc chìa khóa quyết định giúp Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

“Hóa ra, người nhập cư - nhóm dân cư mà Tổng thống Donald Trump thường xuyên miệt thị - đem đế cho Mỹ một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ đáng kinh ngạc,” tác giả viết trong bài báo và cho rằng chính sách sách nhập cư, cũng như thuế quan và thỏa thuận thương mại, sẽ là ‘yếu tố quyết định quốc gia nào sẽ thắng thế’.

“Đó là bởi vì khả năng cạnh tranh của Mỹ ở thị trường nước ngoài là một chiến trường quan trọng trong cuộc đấu này mà trên mặt trận này Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ ngày càng quả quyết,” ông giải thích và nêu lên việc Bắc Kinh đang sử dụng đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình trên khắp Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin.

Trên vấn đề di dân, tác giả chỉ ra, Mỹ có lợi thế rõ ràng so với Trung Quốc.

Ông cho rằng trong khi Mỹ là một quốc gia của di dân, Trung Quốc thì không. Các công ty Trung Quốc có ít người nhập cư để thuê, và điều này làm họ bị thiệt hại.

Số liệu ông đưa ra để chứng minh là ‘chỉ có một triệu cư dân Trung Quốc là sinh ra ở nước ngoài, so với con số 50 triệu ở Mỹ, mặc dù dân số Trung Quốc nhiều gấp bốn lần’.

“Cho dù một công ty Mỹ muốn đầu tư vào Ấn Độ, Nigeria, Armenia hay Guatemala, vẫn có cộng đồng các sắc dân này phát triển mạnh mẽ ở Mỹ mà các doanh nghiệp có thể khai thác để giúp họ lèo lái trong những môi trường chính trị và xã hội đầy thách thức. Rất ít công ty Trung Quốc có thể làm như vậy,” ông viết.

Tác giả bài báo giải thích rằng mối quan hệ xã hội và chính trị của di dân với đất nước của họ, cộng với các mối liên hệ nghề nghiệp mà họ có ở Hoa Kỳ, cho phép di dân giúp kết nối các công ty Mỹ và các mạng lưới hỗ trợ quý giá ở các nước mà Mỹ muốn làm ăn.

“Ở nhiều nước đang phát triển, các thể chế chính thức như tòa án rất yếu và các mối quan hệ cá nhân đóng vai trò lớn trong cả kinh doanh lẫn chính trị,” ông viết.

Ông đưa ra ví dụ là nếu một nhà đầu tư Mỹ muốn xin giấy phép một cách nhanh chóng, họ cần ‘có một người anh rể làm việc ở cơ quan cấp phép hoặc một người bạn thời thơ ấu hiện là một chính trị gia’.

“Nhiều công ty tìm kiếm người địa phương thông thuộc tình hình để giúp đỡ nhưng để có niềm tin với một người vừa mới biết là rất khó,” ông nói thêm.

“Đây là chỗ phải cần di dân. Di dân thường có nhiều mối liên hệ với quê hương của họ - vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với bạn bè tuổi thơ và dòng họ của họ ở quê nhà. Đồng thời, họ cũng xây dựng mối quan hệ bền chặt, đáng tin cậy với đồng nghiệp và bạn bè ở đất nước mà họ đang định cư.”

Ông dẫn ra trường hợp Georgia và Philippines là những nước mà ông đã nghiên cứu về số liệu. Theo ông mô tả thì ở hai nước này ‘cơ hội kiếm lợi nhuận rất nhiều, nhưng rủi ro cũng cao, bao gồm tham nhũng, thủ tục rườm rà và môi trường chính sách khó đoán định’.

Các dữ liệu mà ông thu thập được cho thấy rằng các công ty do di dân sở hữu hoặc quản lý - bất kể quốc tịch hiện nay của di dân đó là gì - có kết nối tốt so hơn các doanh nghiệp nước ngoài khác và những mối quan hệ này đã giúp họ tồn tại trong môi trường đầy thách thức.

Chẳng hạn, các công ty có vai trò của di dân có khả năng giải quyết tranh chấp kinh doanh bên ngoài tòa án cao hơn gấp năm lần, có khả năng cao gấp bốn lần có một quan chức chính phủ hiện tại hoặc trước đây nằm trong ban giám đốc của họ và có khả năng cao hơn gấp đôi trong việc sử dụng các mối quan hệ cá nhân để xử lý các quan hệ với chính quyền sở tại.

Kết quả là các công ty có vai trò của di dân có khả năng thành công trong việc tác động đến chính sách của chính phủ ở nước sở tại gần gấp đôi, nghiên cứu của ông chỉ ra.

“Di dân chỉ có thể nắm giữ chìa khóa để Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành thế thượng phong về tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu - miễn là những lời lẽ nảy lửa của ông Trump không chặn lại dòng chảy này,” ông kết luận trong bài báo.

“Bất cứ chính sách nào giới hạn số lượng người nhập cư có thể đến Hoa Kỳ có thể gây tổn hại cho khả năng cạnh tranh của Mỹ về lâu dài.”

‘Điểm son của người Việt’

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy chương trình MBA tại Trường sau đại học Keller về Quản lý và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ, nói rằng ‘chắc chắn các tập đoàn Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam phải tìm đến sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt đông đảo ở Mỹ’.

“Những chỗ họ thiếu là hiểu về văn hóa, luật lệ, và cái quan trọng nhất là các mối quan hệ như thế nào để có thể vượt qua những thủ tục hành chính để xin được giấy tờ các thứ,” ông Lộc nói.

Tiến sĩ Lộc cho rằng thị trường Việt Nam hấp dẫn với các công ty Mỹ vì ‘thuế má đơn giản, luật lệ đơn giản, điều kiện môi trường không khắt khe như các nước, có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và tỷ lệ kỹ sư trên số dân cao hơn các nước xung quanh’.

Tuy nhiên, vẫn theo Tiến sĩ Lộc, thị trường lao động Việt Nam chưa có nhân sự ở cấp cao mà chỉ có chuyên gia ở mức trung cấp mà thôi. Những nhân sự cấp cao này ‘họ có thể đưa từ Mỹ qua’.

Ông Phát Bùi, Chủ tịch cộng đồng người Việt tại California, cho rằng khác với các cộng đồng sắc dân châu Á khác như Nhật, Hàn hay Đài vốn ‘có sự yểm trợ rất lớn của chính phủ của họ’, cộng đồng Việt Nam đến Mỹ ‘chỉ với hai bàn tay trắng, không có được sự trợ giúp nào’ đã có động lực vươn lên và ‘thành đạt đáng kể về mặt kinh tế’.

“Chẳng hạn kỹ nghệ làm móng nhìn có vẻ khiêm tốn nhưng nhờ sự cần cù làm việc của người Việt mà đã có sự đóng góp không chỉ đơn giản là những tiệm nail trên khắp nước Mỹ mà còn kéo theo nền kinh tế phụ trợ để cung ứng các sản phẩm về làm móng,” ông nói và cho biết có những công ty người Việt áp đảo trong lĩnh vực cung ứng này.

“Từ những doanh nghiệp trung bình, có những người Việt đã lớn mạnh thành tỷ phú,” ông Phát nói thêm. “Nhiều chính trị gia dòng chính và thương gia Hoa Kỳ đã nhìn ra điểm son đó của cộng đồng người Việt.”

“Nếu không có người Việt thì ngành nail của Mỹ không thể phát triển mạnh mẽ như vậy được.”

Còn về các doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam làm ăn, ông cho biết họ ‘đã mướn rất nhiều chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế người Việt ở Mỹ vì nếu không họ sẽ rất lúng túng nếu có sự va chạm chính trị hay kinh tế’.

Ông Phát cũng chỉ ra rằng Mỹ cũng cần ‘có nhiều sỹ quan gốc Việt từ cấp thấp đến cấp cao phục vụ trong quân đội Mỹ để có thể nói chuyện với nhà cầm quyền Việt Cộng’ trong bối cảnh Mỹ cần sự hợp tác của Việt Nam để kiềm chân Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ông cũng khuyên những người Việt ở Mỹ ‘thận trọng khi về Việt Nam làm ăn’ vì ‘môi trường tranh tối tranh sáng có nhiều tham nhũng’ và ‘hoàn toàn trong thế bị động’.

Về dòng Tweet mới đây của ông Trump đối với bốn dân biểu có nguồn gốc di dân là ‘hãy về cố quốc mà phục vụ’, ông Phát Bùi cho rằng ‘không đúng tinh thần Hiến pháp Mỹ và mang tính kỳ thị’. Ông nói ‘chắc chắn không hợp lý’ khi bảo một di dân sinh ra ở Mỹ và sống ở Mỹ từ lâu về lại cố quốc.

Tuy nhiên, theo ông, do Tổng thống Trump ‘hay bộc phát, nghĩ thế nào thì nói như thế’ nên trong cách nhìn của ông ‘ông Trump không có ý kỳ thị nhưng lại tạo ra hiểu lầm với người nghe’.





No comments:

Post a Comment