Saturday, July 6, 2019

CÀNG 'NGHIÊM', CÀNG ĐÁNG. . .THẸN! (Trân Văn)




06/07/2019

Việt Nam đang tổ chức chấm các bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019. Tuy tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành giáo dục nhưng trên thực tế, có nhiều ngành (như công an), nhiều cấp khác nhau thuộc hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương cùng… chia sẻ trách nhiệm. So với thiên hạ thì rõ ràng là rất… “nghiêm”!

Một hình ảnh tại cuộc thi THPT ở Sơn La. (Hình: Báo Lao Động)

Việt Nam “nghiêm” như thế từ lâu. Chỉ có điều “nghiêm” nhưng không ngăn được gian lận thi cử! Scandal sửa bài thi – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 là một trong những ví dụ minh họa. Nhiều ngành, nhiều cấp tham gia bảo vệ - giám sát và thực tế cho thấy, các ngành, các cấp đã thông đồng với nhau để gian lận có thể thi cử có thể thành công trên… diện rộng.

Chắc là không quá đáng khi nói: Càng nghiêm, càng đáng… thẹn!

Thứ tư vừa rồi, tờ Lao Động cho biết, năm nay, Sơn La – một trong những tỉnh năm ngoái bị lộ, khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ê chề vì gian lận thi cử hóa ra là có hệ thống, có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa các viên chức ngành giáo dục và ngành công an - thiết lập tới ba lớp “hàng rào”, kèm các hệ thống như camera giám sát, hệ thống làm nhiễu sóng di động để cách ly khu vực chấm thi, giám khảo với bên ngoài trong thời gian chấm các bài thi.

Lao Động cũng đã công bố hai tấm ảnh, chụp cảnh hai nữ giám khảo phải giơ tay qua khỏi đầu cho công an dùng thiết bị tìm kim loại rà… khắp người! Đây có lẽ là chuyện chỉ có ở… Việt Nam! Cứ theo tờ Lao Động thì còn có một Đoàn công tác do một Thứ trưởng Giáo dục làm Trưởng đoàn, đến tận Sơn La thị sát. Không thấy tờ Lao Động tường thuật nên có thể phán đoán, từ ông Thứ trưởng đến các thành viên trong đoàn của ông, chẳng có ai phản đối cách thức giám sát giám khảo “nghiêm” đến như thế.

Điều đó cho thấy, cả các viên chức ngành giáo dục lẫn các viên chức hữu trách ở Sơn La cùng muốn chứng tỏ họ rất… “nghiêm”! Không may là chẳng ai thấy “nghiêm” như vậy chứng tỏ không ai tin ai. Ngành giáo dục không tin các giám khảo – những thành viên cùng ngành, không tin chính quyền địa phương, vô tư, trong sáng. Chính quyền địa phương không tin các thầy, cô giáo – những giám khảo được giao giữ vai trò thẩm định chất lượng giáo dục thông qua việc quyết định điểm của từng bài thi. Chẳng lẽ điều này không đáng… thẹn!

Trong khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tìm đủ cách để rửa mặt, kể cả những cách hết sức phi nhân - xúc phạm tất cả những thầy cô giáo được giao giữ vai trò giám khảo, phi chính trị - mặc nhiên xác nhận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, ngành nào - kể cả giáo dục, giới nào - không loại trừ cả giáo viên, cũng trong tình trạng “gian” nhiều hơn “ngay”, phải phòng ngừa kỹ càng, song “nghiêm” đến thế vẫn không làm ai tin.

Có dựng ba lớp “hàng rào”, thiết lập hệ thống camera giám sát, triển khai thiết bị làm nhiễu sóng di động, cách ly khu vực chấm thi, giám khảo với bên ngoài trong thời gian chấm các bài thi, dùng thiết bị tìm kim loại rà… khắp người từng giám khảo cũng không thế gọi làm “nghiêm”. “Nghiêm” thế nào được khi trong kết luận cuộc điều tra vụ gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, Công an Hà Giang khẳng định, không có bị can nào vụ lợi, chuyện tổ chức sửa bài thi – nâng điểm thuần túy là… giúp đỡ! Ai tin là “nghiêm” khi Viện Kiểm sát Hà Giang… nhất trí, không thắc mắc (2)!

Nếu “nghiêm” tại sao lúc đầu, xác định có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm nhưng khi Công an Hà Giang kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát lập cáo trạng chỉ còn 107 thí sinh, bảy thí sinh biến mất? Nếu “nghiêm”, sao chỉ đề cập đến một phụ huynh (Phạm Văn Khuông – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) hiện là một bị cáo và lờ đi danh tính của hơn 100 phụ huynh khác (3). Nếu “nghiêm” tại sao từ Công an Hà Giang đến Viện Kiểm sát Hà Giang chỉ chú trọng, nhấn mạnh các “tình tiết giảm nhẹ” hình phạt cho cả năm bị cáo. Khai thác tối đa các “tình tiết giảm nhẹ” này có tương quan thế nào đến sự nhất quán giữa các bị cáo, Công an Hà Giang, Viện Kiểm sát Hà Giang về việc gian lận chỉ thuần túy là giúp đỡ.

Có lẽ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên ngừng biểu diễn “nghiêm” và “buồn”. Càng “nghiêm” theo hướng này càng bị nhiều người cười.

-------------------------

Chú thích









No comments:

Post a Comment