Wednesday, July 31, 2019

BẢN TIN NGÀY 31/07/2019 (Báo Tiếng Dân)




31/07/2019

Bài Mới

31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019
31/07/2019

*
*

Tin Biển Đông

Theo bản tin tiếng Trung, ngày 26/7/2019 của Tân Hoa Xã, cho biết, Cảnh sát biển hai nước Trung – Việt đã gặp nhau lần thứ ba, tại Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, từ ngày 22 đến 26/7. Trong cuộc gặp này, “hai bên đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi trong việc xác định phương hướng hợp tác tiếp theo“.

Bản tin có đoạn: “Hai bên nhất trí rằng, trong những năm gần đây, cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam đã tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, và hợp tác an ninh thực thi pháp luật trên biển đã được tăng cường và mở rộng, và mức độ hợp tác đã được cải thiện đáng kể.

Hai bên khẳng định đầy đủ những kết quả tích cực đã đạt được mọi mặt trong thời gian qua, như cùng kiểm tra khu vực đánh bắt cá chung ở Vịnh Bắc Bộ, các chuyến tàu thăm viếng, giao lưu của các sĩ quan cảnh sát biển và đường dây nóng giữa hai bên. Tại hội nghị, Cảnh sát biển Trung – Việt đã giao lưu, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Hai bên cần tăng cường báo tin cho nhau về các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, xử lý thỏa đáng đối với các sự cố nghề cá trên biển“.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ clip do ngư dân huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận cung cấp. Clip quay lại tại khu vực gần bãi Tư Chính và Đá Lát hôm 22.7: “Hai tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc! Và, tàu Hải cảnh mang số hiệu 3901 nặng 12K tấn – một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, vẫn hoạt động ở bãi Tư Chính (28.7)”: https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/videos/10212169079976923/

Bà Trà lưu ý thêm: Vào ngày 30.7, tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động gần bãi Tư Chính, với hơn 10 tàu Hải cảnh và Dân quân biển hộ vệ!

Chiều 30/7/2019, Hội Nghề cá kịch liệt phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, cản trở ngư dân Việt Nam, theo báo Thanh Niên. Trong văn bản gửi đến các cơ quan ban ngành, Chủ tịch Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông, gây cản trở cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trong vùng biển này.

Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ hơn nữa đối với hành động của phía Trung Quốc; có biện pháp đấu tranh với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ Mỹ kêu gọi ông Mike Pompeo lên tiếng về Biển Đông, VOV đưa tin. Các Thượng nghị sỹ Mỹ Robert Memendez, Edward Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz cùng gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, “đảm bảo vấn đề về những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 2/8 ở Bangkok, Thái Lan”.

Bên cạnh các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải mà hải quân Mỹ thường tiến hành ở Biển Đông, “các thượng nghị sỹ cho rằng Mỹ cần hành động nhiều hơn trước những hoạt động gây hấn và ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc”.

Báo Một Thế Giới có bài: Tranh chấp Biển Đông sẽ làm nóng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Theo hãng tin AP, điều lo ngại lớn nhất hiện nay của 10 nước ASEAN là vấn đề Bắc Kinh đòi chủ quyền Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Vụ tranh chấp chủ quyền này đã kéo dài, nay lại bùng lên khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ bằng cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực Nam Biển Đông từ tháng 5 đến nay.

AP nhận định, “ASEAN sẽ khó có sự nhất trí về bất kỳ tuyên bố nào phản đối Trung Quốc, do ASEAN hoạt động theo tinh thần đồng thuận, có nghĩa là một nước thành viên có thể dùng quyền phủ quyết các quyết định và các tuyên bố của khối”. Trong khi Trung Quốc đã mua chuộc được một số nước ASEAN làm đồng minh của mình như Campuchia và Lào, vài nước khác trong khối ngại ngần thách đố quyền lực của Trung Quốc.



Đài Loan bắn 117 tên lửa, đáp trả Trung Quốc

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đài Loan đáp trả mạnh Trung Quốc: tập trận bắn 117 tên lửa. Dù chỉ quản lý một hòn đảo khá nhỏ so với Hoa lục, nhưng nữ Tổng thống Thái Anh Văn đã không ngán Bắc Kinh. Sau khi Trung Quốc thông báo tiến hành 2 cuộc tập trận lần lượt ở phía Bắc và phía Nam eo biển Đài Loan, Đài Loan đã tiến hành tập trận quân sự bắn đạn thật, triển khai máy bay chiến đấu và bắn 117 quả tên lửa tầm trung và tầm xa trong hai ngày 29 và 30/7.

Cuộc tập trận quân sự của Đài Loan “có sự tham gia của 5 loại hình đào tạo chiến đấu của lực lượng quân sự, trong đó có 2 chiến đấu cơ F-16 được trang bị tên lửa AGM-84 Harpoon diễn tập cho tình huống mô phỏng chống lại cuộc tấn công nhắm vào bờ biển đông nam của hòn đảo”, còn 117 quả tên lửa tầm trung và tầm xa với tầm bắn 250 km đã được phóng đi từ căn cứ quân sự Jiupeng.


Người Trung Quốc trên đất Việt

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sào huyệt đánh bạc do người Trung Quốc điều hành: Quận không có thẩm quyền quản lý? Khu đô thị Our City được chọn làm “đại bản doanh” của đường dây đánh bạc qua mạng, được xây dựng cách đây gần 10 năm, thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hồng Kông đầu tư và chỉ có người Trung Quốc đến ở. UBND quận Dương Kinh thừa nhận, chủ đầu tư khu đô thị Our City là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được quản lý ở cấp TP.

Bộ Công an cho biết, sau khi nhập cảnh vào VN, chỉ một số đối tượng người TQ khai báo tạm trú, “số còn lại thường khai báo tạm trú tại khách sạn rồi chuyển về địa điểm hoạt động và không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương”.

Zing dẫn lời Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Cần truy ai tiếp tay người Trung Quốc mở ổ bạc 10.000 tỷ ở Hải Phòng”. Ông Cương lưu ý: “Chúng ta phải xem về phía người Việt Nam có ai tiếp tay cho hoạt động này không để giải quyết triệt để. Nếu chỉ có người Trung Quốc hoạt động phạm pháp là chuyện khác, nhưng biết đâu đằng sau đó có người Việt bao che, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm nước ngoài lộng hành”.

Tướng Cương đưa ra đề xuất khá nhạy cảm: “Chúng ta phải soát xét lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, Việt Nam và các nước khác nói chung trong hợp tác phòng chống tội phạm, dẫn độ tội phạm, trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia”.

Báo Đầu Tư đưa tin: Nối gót Alibaba, Wahaha, Aokang, Wanxiang, các doanh nghiệp Chiết Giang ồ ạt đưa hàng vào Việt Nam. Tổng cục Hải quan Việt Nam thừa nhận, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa VN – TQ đạt 52,4 tỉ Mỹ kim. Trong đó, xuất khẩu đạt 16,7 tỉ Mỹ kim, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhập khẩu đạt 35,7 tỉ Mỹ kim, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Bài báo lưu ý: VN là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Chiết Giang trong khu vực ASEAN. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang tăng 18.4%, đạt 9,39 tỉ Mỹ kim. Trong đó, xuất khẩu tăng 20,1%, đạt 7,22 tỉ Mỹ kim, nhập khẩu tăng 13,1%, đạt 2,18 tỉ Mỹ kim. Nghĩa là VN ngày càng chi nhiều tiền hơn để hàng TQ tiến vào và “bức tử” các mặt hàng Việt.


Cập nhật tin Asanzo

VTC đưa tin: Ngày 30/8 sẽ có kết luận chính thức vụ Asanzo. Ban Chỉ đạo 389 đã giao cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN xác định, làm rõ những hành vi sai phạm của Công ty Asanzo. “Đến nay, các lực lượng chức năng đang tập hợp thông tin, tài liệu. Kết quả về vụ việc sẽ được thông báo rộng rãi với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện” vào ngày 30/8/2019.

Liên quan đến vụ Asanzo, ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thuộc Bộ Công thương cho biết, bộ này đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam” tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8/2019.

Nhà báo Bạch Hoàn đưa tin, ngay sau khi những bài báo đánh Asanzo được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, thì có những tin nhắn gửi tới điện thoại ông Phạm Văn Tam, chủ tịch hội động quản trị Asanzo, đề nghị tư vấn cách xử lý khủng hoảng truyền thông này, đến từ số điện thoại của chính trưởng nhóm thực hiện loạt bài điều tra. Trong một stt khác, bà Hoàn xác nhận, những tin nhắn đó là của nhà báo Vân Trường, báo Tuổi Trẻ.

Bà Hoàn viết: “Trên mặt báo anh đánh đập doanh nghiệp đến mức thiếu điều quỳ lạy, sau bài báo, anh đề nghị hợp tác với doanh nghiệp xử lý khủng hoảng mà mình vừa gây ra. Đó không phải là thứ đạo đức yêu nước đánh hàng Tàu, lại càng không phải là phụng sự bạn đọc“.


Cựu Phó TBT, phóng viên và CTV tống tiền doanh nghiệp

Báo Người Lao Động đưa tin: Khởi tố cựu phó tổng biên tập 1 tạp chí cùng 2 tòng phạm cưỡng đoạt tài sản hơn 20 doanh nghiệp (NLĐ). Theo Công an TP Hà Nội, cựu Phó TBT tên là Ngô Văn Hạ, từng làm Phó TBT một tạp chí chuyên ngành nhưng đã bị miễn nhiệm và không có việc làm. Hai nhân vật kia là Nguyễn Xuân Phong, là nhân viên hợp đồng của một tạp chí và Hoa Anh Tuấn, từng là cộng tác viên của tờ Tạp chí Nghiên cứu khoa học về kiểm toán.

Ba nghi can tại cơ quan Công an. Nguồn: ANTĐ/ NLĐ

Ba nhân vật này đã “giả danh là phóng viên của một tạp chí ngành đóng trên địa bàn Hà Nội và gây ra gần 20 vụ cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, nhóm đối tượng này chuyên đi cưỡng đoạt tài sản của cơ sở kinh doanh cát sỏi dọc bờ sông Hồng, Hà Nội“. Ngoài ra, các nhân vật này còn thực hiện một số vụ cưỡng đoạt tài sản khác ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh…


Thương gia sàm sỡ

Báo Thanh Niên đưa tin: Khách thương gia bị tố ‘sàm sỡ’ không đến làm việc theo yêu cầu. Theo đó, ông Vũ Anh Cường, “vị khách thương gia đang bị tố sàm sỡ với nữ hành khách cùng chuyến và tiếp viên trưởng, đã không đến làm việc với Cảng vụ Hàng không miền Bắc” theo giấy mời hẹn lịch chiều 30/7/2019. Cảng vụ Hàng không miền Bắc thông báo sẽ gửi giấy mời lần 2 tới ông Vũ Anh Cường, thời hạn cuối cùng ông Cường phải có mặt tại cơ quan Cảng vụ hàng không để trao đổi, làm rõ vụ việc là chiều 31/7.

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Tổng Giám đốc ngồi ghế thương gia nghi sàm sỡ khách nữ được xử lý không đúng quy trình! Cục Hàng không chỉ ra, quá trình xử lý hành khách Vũ Anh Cường “đã không tuân thủ theo quy trình xử lý hành khách gây rối quy định tại Thông tư của Bộ GTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam”.

Sai quy trình ở chỗ: Ông Cường chỉ bị từ chối cho đi chuyến bay đó mà không bị bất kỳ hình thức xử lý nào của cơ quan có thẩm quyền. “Đây là việc không tuân thủ pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến bay ưu tiên, từ khâu kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị mất khả năng làm chủ hành vi”.


Chấm phúc khảo: 58 bài thi từ 0 tăng gần 9 điểm

Chuyện không bình thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2019: 58 bài thi điểm 0 được tăng điểm sau khi phúc khảo, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Trong quá trình đối soát dữ liệu điểm thi từ các địa phương gửi về, Bộ GD&ĐT phát hiện một số bất thường trong điểm thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh và chỉ đạo Ban Chấm thi trắc nghiệm và Sở GD&ĐT tỉnh này báo cáo Bộ và chấm phúc khảo các bài thi.

Kết quả sau khi phúc khảo: 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh ở Tây Ninh đều thoát điểm 0. Nguyên nhân 58 bài thi này bị điểm 0 là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Bài tăng điểm nhiều nhất là 0 lên 8,75. Bài tăng điểm ít nhất từ 0 lên 2. Có rất nhiều bài thi tăng điểm từ 0 lên 7.

Báo Thanh  Niên đặt câu hỏi về vụ phúc khảo từ 0 lên gần 9 điểm: Bộ GD- ĐT nói gì? Ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh”. Một số độc giả bày tỏ sự hoài nghi trước lời biện minh này, khi có tới 58 bài thi bị điểm 0 oan ức chỉ vì “tô sai mã đề, nhầm số báo danh và mờ đáp án”.


Tin môi trường

Vụ nước ở đập Ngàn Trươi xuất hiện màu đỏ đục bất thường, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tìm nguyên nhân ô nhiễm, xả kiệt nước đập dâng Ngàn Trươi. Theo đó, để tìm nguyên nhân ô nhiễm nước tại đập dâng Ngàn Trươi, “chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cho xả nước 3 ngày. Chưa tìm ra được nguyên nhân nhưng các dòng sông hạ lưu đã nhuốm một màu đỏ đục”.

Bài báo lưu ý: Từ đầu tháng 5/2019 đến nay, “nguồn nước tại cống xả chảy theo kênh Ngàn Trươi về hạ lưu đổi màu đỏ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang và nước tưới tiêu cho 6 huyện bắc Hà Tĩnh”.

Hạ du sông Ngàn Trươi đỏ đục một màu – Ảnh: Văn Định/TT

Infonet có bài: Cuộc sống ngột ngạt, nơm nớp lo bệnh vì “con mương chết” giữa trung tâm Thủ đô. Sau khi dự án mở đường và cống hóa mương tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, được triển khai, đoạn mương H2C đã trở thành một “đoạn mương chết”. Lý do: “Nó đã bị chặn hai đầu không thể thoát nước đi đâu được”, nên con mương này còn trở thành một “bãi rác bất đắc dĩ”.

Một người dân sống ở đây cho biết: “Mỗi khi trời mưa to, nước bẩn từ đoạn mương chết tràn vào nhà. Để ngăn nước bẩn, tôi chuẩn bị sẵn các bao tải cát ở sân sau nhà để khi cần tạo ‘một con đê nhỏ’ ngăn nước”.


***








No comments:

Post a Comment