Monday, June 24, 2019

TÒA ÁN VÀNH ĐAI - CON ĐƯỜNG : CHỈ DÙNG NGƯỜI TRUNG, TIẾNG TRUNG (Phùng Anh Khương - Luật Khoa)




25/06/2019
Tờ The Economist ra ngày 7/6/2019 vừa có một phóng sự chi tiết về một thiết chế tư pháp mới đầy tham vọng do Trung Quốc thành lập: một tòa án quốc tế dành riêng cho Sáng kiến Vành đai – Con đường.

Các thẩm phán thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, kiêm nhiệm chức danh thẩm phán của Tòa thương mại quốc tế Trung Quốc, cũng chỉ là những đảng viên Đảng Cộng sản trong bàn cờ chính trị của Chủ tịch Tập. Ảnh: Reuters

Phiên xử công khai đầu tiên của Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc (China International Commercial Court) đã diễn ra vào ngày 29/5/2019 tại trụ sở của tòa này ở thành phố Tây An. 

Phiên xử được tổ chức khá trang nghiêm, nhưng cũng không kém phần rầm rộ, phô trương “lực lượng” với sự có mặt của nhiều nhà ngoại giao và giới báo chí quốc tế. Vụ việc ngày hôm đó có liên quan đến một tranh chấp giữa các cổ đông và có can hệ với một công ty nước ngoài là công ty nước uống tăng lực Red Bull của Thái Lan. 

Luật thương mại quốc tế mang màu sắc Trung Quốc  

Tuy Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc được thành lập ban đầu để xử riêng các tranh chấp liên quan đến Sáng kiến Vành đai – Con đường, hiện tòa này đã được mở rộng thêm phạm vi thẩm quyền để xử nhiều vụ tranh chấp khác có liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài. 

Tòa án này do các thẩm phán người Trung Quốc chủ trì. Tòa xử bằng tiếng Hoa và các bên phải dùng luật sư người Trung Quốc. Tòa có cho phép dùng bằng chứng tiếng Anh. Tòa này có hai trụ sở: trụ sở chính ở Tây An trong khi trụ sở phụ ở thành phố Thâm Quyến, chuyên phụ trách các tranh chấp hàng hải. 

Tàu hỏa tốc Trung – Âu nối Trung Quốc với Châu Âu là một trong những cấu thành quan trọng củ Vành đai – Con đường mà Bắc Kinh muốn dốc lực chính trị bảo vệ. Ảnh: AP

The Economist bình luận rằng Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc thể hiện một tham vọng ngấm ngầm của Trung Quốc, vốn đi kèm theo những tham vọng bên trong Sáng kiến Vành đai – Con đường mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013, đó là khẳng định một quan điểm riêng biệt của Trung Quốc về cách điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế trong thời buổi toàn cầu hóa –  một dạng “luật thương mại quốc tế mang màu sắc Trung Quốc”.

Tòa án quốc tế trong một thể chế không có tư pháp độc lập

Qua nhiều năm mở cửa và nhiều lần cải tổ kinh tế, Trung Quốc đang có một hệ thống tư pháp phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù hệ thống đó có mạnh đến đâu thì nó vẫn không thể vùng thoát khỏi bàn tay kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trên phù hiệu của Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc gắn ba từ tiếng Anh – có thể xem là tôn chỉ của tòa này: Công bằng (Fairness), Chuyên nghiệp (Professionalism), Tiện lợi (Convenience). 

Theo The Economist, lẽ ra phải có thêm một từ tiếng Anh khác: Control (Kiểm soát). Có thể hiểu ngay ngụ ý này của tờ tạp chí ngay từ trước khi đọc những gì họ viết tiếp theo đó.

Bởi vì thực tế là dù Bắc Kinh cho phép tự do kinh tế được thực thi (một cách cũng khá giới hạn), họ không hề có ý định thả lỏng tự do chính trị. Và một trong những cách giúp bóp nghẹt tự do chính trị cổ điển nhất là bảo đảm nền tư pháp trong nước luôn phải chịu kiểm soát trực tiếp của đảng cầm quyền. 

Riêng trường hợp Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc, nhiều đặc trưng của tòa có thể minh chứng cho sự kiểm soát tư pháp chặt chẽ của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với một tòa mang tính quốc tế như thế này.

Các chế định tài phán thương mại quốc tế nhưng mang tính chất quốc gia không phải là hiếm: Anh Quốc đi đầu với Tòa thương mại quốc gia nhưng đã có kinh nghiệm hơn 100 năm giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, Singapore xây dựng Tòa Thương mại quốc tế của riêng mình từ năm 2013, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có tòa án trực thuộc Trung tâm Tài chính Dubai từ năm 2006, Hà Lan cũng mới mở Tòa thương mại quốc tế năm 2018.

Đặc điểm chung của các tòa nói trên: hoạt động tại các quốc gia có truyền thống tư pháp độc lập (chí ít là trên phương diện dân sự, thương mại).

Ngân hàng Thế giới (The World Bank) định nghĩa tư pháp độc lập (judicial independence) tức làhệ thống tư pháp không bị ảnh hưởng/điều khiển bởi các thành viên chính phủ, công dân và các doanh nghiệp. Các tòa cứ dựa vào luật và bằng chứng mà xử, không nghe gió đoán hướng, không lén lút thiên vị cho ai. 

Mặt khác, theo thang điểm đánh giá tư pháp độc lập quốc tế của Ngân hàng Thế giới (tính từ 1 đến 7), Hà Lan được 6.45, Anh được 6.30, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất được 5.78, Singapore được 5.68. Trung Quốc chỉ được 4.49 (con số này vẫn cao hơn Việt Nam: 3.60 – dưới chuẩn trung bình thế giới). 

Quan trọng hơn, như The Economist phân tích, quy định tổ chức của Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc rất là… Trung Quốc, không giống với bất kỳ định chế tài phán quốc tế nào trước đây. 

Các tòa án thương mại quốc tế tại Hà Lan, Singapore và Dubai có chính sách sử dụng các thẩm phán đến từ nhiều nước khác nhau, đơn giản là để bảo đảm các phiên xét xử có tính độc lập và được các chủ thể thương mại quốc tế dễ đón nhận hơn, một lời khẳng định rằng chúng tôi không thiên vị nước nào.

Riêng với Bắc Kinh, đi ngược lại đề xuất của nhiều chuyên gia luật quốc tế, từ chối cho phép các thẩm phán nước ngoài tham gia xét xử án tại tòa này. 

Tuy tòa có một “ủy ban chuyên gia” gồm 32 người với phần lớn người nước ngoài, nhiệm vụ của ủy ban này chỉ là tư vấn cho tòa và tham gia hòa giải khi các bên không muốn tiếp tục kiện tụng. 

Song, bằng chứng của tính kiểm soát không chỉ dừng lại ở đây. 

Các thẩm phán của tòa “quốc tế” này thật ra cũng do các thẩm phán của Tòa án Tối cao Trung Quốc kiêm nhiệm. 

Những người mà, theo The Economist, vẫn phải trình bày báo cáo hàng năm trước Quốc hội Trung Quốc và chịu trách nhiệm trước các cơ quan đảng cấp trên. 

Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. Ảnh: Yahoo News

Đặc biệt, trong báo cáo hồi tháng 3/2019 của Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, bản thân ông này cũng cam kết rằng đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế “lãnh đạo tuyệt đối” (absolute leadership) với các tòa án Trung Quốc. Tư pháp độc lập đối với họ là một lý tưởng sai lầm đến từ phương Tây.

Vị Chánh án cũng không ngượng ngùng khi kêu gọi phải áp dụng khắt khe các quy định mềm trong đảng, bắt buộc thẩm phán phải xin hướng dẫn của lãnh đạo đảng trong các vụ án có ảnh hưởng đến những “vấn đề trọng yếu” (major matters).

Các phát ngôn nói trên đã buộc một chuyên gia người nước ngoài trong ủy ban chuyên gia của Tòa án Thương mại Trung Quốc phải bày tỏ lo ngại về vị trí của tòa này trên một blog nghiên cứu chuyên sâu về Tòa án Tối cao Trung Quốc. Một thành viên khác của ủy ban cũng bình luận là tòa này “bị ghìm lại bằng rất nhiều cách”.

Các lo ngại thực tế cho giới luật sư quốc tế

Lo ngại trước tiên mà The Economist kết luận về Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc là khả năng giới cầm quyền Trung Nam Hải  dùng tòa này để xuất khẩu ra thế giới quan điểm luật quốc tế “bất cần luân lý” (cynical) trước nay của họ (cứ có quyền lực chính trị là có thể kiểm soát được luật lệ, theo kiểu mình có súng là mình đúng). 

Tuy nhiên, lo ngại này có vẻ quan trọng với giới luật học và chính trị quốc tế hơn là cho các luật sư quốc tế. 

Các luật sư có thể lo ngại hơn về các cách mà quyền lực chính trị có thể bóp méo và làm mất cân bằng mối quan hệ thương mại quốc tế.

Với khả năng chịu kiểm soát trực tiếp từ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc có vẻ là một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh các hợp đồng thương mại trong khu vực của Sáng kiến Vành đai – Con đường. 

Nhiều hợp đồng trong dự án này đã mang sẵn bản chất là những hợp đồng không minh bạch (secretive), không bình đẳng (unequal) và có khuynh hướng tưởng thưởng cho những kẻ môi giới quyền lực (power brokers) theo những cách mờ ám. 

Những ai hưởng lợi từ các dạng hợp đồng như thế này rõ ràng không mong muốn phải ra các tòa án quốc tế thực sự minh bạch, độc lập để giải quyết tranh chấp khi cần thiết. Họ khó “đi đường tà” với những tòa án mà họ không thể kiểm soát. 

Giới luật sư quốc tế tham gia vào các thương vụ trong khu vực Vành đai – Con đường sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: xử lý tranh chấp bằng Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc hay bằng một tòa án khác thực sự độc lập.

Khi các công ty Trung Quốc làm ăn với các đối tác nước ngoài trong khu vực Vành đai – Con đường, họ có thể dùng vị thế thương lượng để đòi cả hai bên phải chọn Tòa Trung Quốc để giải quyết tranh chấp mặc nhiên thể theo hợp đồng (vốn phải có trong điều khoản quy định tòa án có thẩm quyền – forum selection clause). 

Các luật sư quốc tế được The Economist phỏng vấn cho rằng tạm thời thì các thân chủ là doanh nghiệp đến từ những nước giàu có đang có khả năng chọn lựa đỡ xấu hơn. Cho dù có buộc phải chọn trước một tòa án xử lý tranh chấp để làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, họ vẫn có thể chọn các tòa Hong Kong. 

Trước mắt thì hệ thống tư pháp Hong Kong vẫn riêng biệt với hệ thống tư pháp Trung Quốc và tòa Hong Kong vẫn có các thẩm phán người nước ngoài. 

Và các chủ doanh nghiệp từ những nước giàu hoàn toàn có thể đơn giản là chọn đầu tư chỗ khác, ngoài khu vực Vành đai – Con đường.

Rủi ro lớn hơn là cho các doanh nghiệp đến từ những nước nghèo trong khu vực đó: họ ít lựa chọn. Các công ty đến từ những nước nghèo vốn đã sẵn cần tiền đầu tư Trung Quốc có thể sẽ phải chấp nhận dùng Tòa Trung Quốc. 

Một luật sư có nhiều năm làm việc tại Trung Quốc nói: “Việc đi đâu để xử lý tranh chấp là một vấn đề dù ít dù nhiều đều tùy thuộc vào quyền mặc cả của bạn”.

Từ khoá:
Tòa án Thương mại Quốc tế Trung Quốc: China International Commercial Court (np)
Tòa án Tối cao Trung Quốc: China Supreme Court (np)
Sáng kiến Vành đai – Con đường: Belt and Road Initiative – BRI (np)
tư pháp độc lập: judicial independence (np)
luật thương mại quốc tế: international commercial law (np)
điều khoản quy định tòa án có thẩm quyền: forum selection clause (np)






No comments:

Post a Comment