Thursday, June 6, 2019

SÀI GÒN BIỂU TÌNH NGÀY 10/6/2018 : KHOẢNG KHẮC HẠNH PHÚC NHẤT CỦA TUỔI 24 (Trương Thị Hà)




Trương Thị Hà (Facebook Trương Thị Hà)
June 6, 2019

Một năm trước, vào những ngày này, đêm nào tôi cũng ngồi ở Hồ Con Rùa hoặc Nhà thờ Đức Bà hóng gió, và ăn bánh tráng nướng. Đêm Sài Gòn những ngày tháng ấy sao đông vui vậy. Hình như tụi “phản động” kéo về Sài Gòn ngày một đông hơn. Biểu tình đã nổ ra khắp nơi trên trang cá nhân của các nhà hoạt động nhân quyền, người cầm biểu ngữ, người viết bài, người gửi tin nhắn kêu gọi biểu tình.

Những ngày ấy, đất nước tôi như muốn bùng cháy vì dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.

Ngày 12 Tháng Sáu, 2018, 86,86% đại biểu Quốc Hội thông qua Luật An Ninh Mạng. Cảm nhận được nguy cơ xâm lấn từ ngoại bang, quyền tự do ngôn luận bị vi phạm, và Hiến pháp-luật cao nhất của quốc gia bị chính quyền Việt Nam ngồi xổm lên và chà đạp một cách trắng trợn. Tôi, cũng như bao bạn trẻ khác trên mảnh đất hình chữ S này luôn đau đáu không yên vì những chuyện không hay đang diễn ra và những ngày tháng đen tối sắp ập đến trên đất nước thân thương của chúng tôi.

Tôi muốn làm gì đó, không cần gì là to tát. Tôi chỉ muốn sử dụng kiến thức luật của mình để phổ biến quyền biểu tình và tư vấn pháp lý miễn phí cho những người dân thấp cổ bé họng. Hoặc đơn giản, chỉ là động viên và củng cố tinh thần tham gia biểu tình cho người dân. Những người muốn xuống đường bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết nhưng lý trí của họ lại tính toán giữa rủi ro bị bắt bớ, đánh đập và sự an toàn về công việc, sự nghiệp và gia đình.

“[…] Xin nhắc lại, biểu tình ôn hoà là không vi phạm pháp luật. Biểu tình ôn hòa là hợp hiến và hợp pháp, do đó, biểu tình ôn hoà cần được khuyến khích để người dân biểu đạt ý kiến của mình trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Kẻ nào cấm, ngăn chặn và/ hoặc đàn áp biểu tình thì kẻ đó là người vi hiến, vi phạm pháp luật.

Người yêu nước sẽ xuống đường để thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp. Kẻ nào ngăn cản người dân thực hiện quyền theo Hiến pháp không phải là người yêu nước [….]”

Trương Thị Hà: “Tôi luôn nhắc đến hai chữ ‘biểu tình’ với niềm tự hào không chút sợ sệt.” (Hình: Facebook Trương Thị Hà)

Đi đến đâu, tôi cũng nhắc đến hai chữ “biểu tình” với niềm tự hào không chút sợ sệt, đi làm ở công ty, đi học tiếng Anh, đi học Luật, và đi phượt. Tôi phổ biến quyền biểu tình cho bạn cùng phòng, hàng xóm, thậm chí cả anh Grab, cô bán cơm tấm, và chú bán hủ tiếu. “Biểu tình” là hai từ bị chính quyền quy chụp là “gây rối trật tự công cộng,” nó trở nên khô khan và khó được chấp nhận, do đó, người dân ai cũng ngại và sợ hai từ này.

Trước ngày 10 Tháng Sáu, tôi cố gắng post những status vui để khuyến khích người dân đi biểu tình: “Tuyển thành viên treckking cung Sài Gòn-Sài Gòn. Bao đông, bao vui, bao nguy hiểm. Xuất phát lúc 8h am ngày 10/06/2018 tại Nhà thờ Đức Bà. Đồ dùng mang theo: Niềm tin và ý chí!”

Tối ngày 9 Tháng Sáu, 2018, lòng tôi háo hức vì ngày mai tôi có cơ hội xuống đường biểu tình. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến vậy, hạnh phúc hơn cả những chuyến đi trekking ba ngày trên Tà Năng, Phan Dũng, hạnh phúc hơn cả cảm giác được nằm cả ngày trên Đà Lạt và thưởng thức món lẩu bò, hạnh phúc hơn cả buổi sáng được đón ánh bình minh ở Mũi Dinh và hạnh phúc hơn cả cảm giác bào xe máy trên cung đường Mộc Châu. Bởi vì những ngày qua, tôi và bao nhiêu người yêu nước đã bày tỏ chính kiến trên Phây-búc nhưng quan chẳng ai nghe, dân cũng chẳng ai thấu. Ngày mai, tôi sẽ được xuống đường cùng hàng ngàn người dân Sài Gòn yêu nước. Đây là lần đầu tiên tôi xuống đường biểu tình, cảm giác hồi hộp lắm, cứ như cảm giác lần đầu yêu vậy.

Nhiều anh chị nói rằng: “Đi biểu tình sẽ nghiện đó.” Tôi không tin vì tôi biết rằng, xuống đường rất nguy hiểm, có thể bị công an bắt, đánh đập, bỏ tù bất cứ lúc nào. Nhưng tôi cũng như bao người dân yêu nước khác. Tôi không sợ gì cả. Vì tôi hiểu rằng, chẳng có tự do nào là miễn phí cả: “freedom is not free.”

Tối ngày 9 Tháng Sáu, 2018, tôi phi xe lượn quanh các khu phố ở quận 1 để khảo sát tình hình. Dù ngày mai có bao nhiêu hiểm nguy ập đến, thì vẫn luôn có gia đình dõi theo và ủng hộ. Khát khao được thốt lên hai tiếng “tự do” sẽ xua tan đi nỗi sợ hãi của tuổi trẻ.

Mẹ: “Alo! Con đang ở đâu vậy?”

Hà: “Dạ. Con đang ở ngoài đường ạ.”

Mẹ: “Mai đi biểu tình cẩn thận nhé. Mẹ cũng muốn đi nhưng không được.”

Hà: “Dạ. Con yêu mẹ.”

Đến ngày hôm nay, mẹ thỉnh thoảng vẫn day dứt vì đã ủng hộ tôi đi biểu tình: “Không hiểu sao, ngày đó mẹ không khuyên ngăn con. Nếu mẹ ngăn con đi biểu tình thì có lẽ con sẽ không bị an ninh bắt và bị đánh đập như vậy.” Tôi biết mẹ thương tôi nên mẹ nói vậy thôi. Chứ mẹ là người duy nhất luôn ủng hộ những việc tôi làm.

Tự do là niềm khao khát sục sôi. (Hình: Internet)

Đêm ngày 9 Tháng Sáu, 2018, tôi không thể ngủ được. Tôi đã thức để nghiên cứu Dự thảo Luật An Ninh Mạng. Chỉ đọc vài điều luật đầu tiên, tôi đã thấy Quốc hội Việt Nam đang chứng minh mình là bù nhìn của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đang đặt quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do biểu đạt và các quyền con người khác xuống lợi ích chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tôi là người hành nghề luật và lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bị xúc phạm, bị coi thường và cảm thấy mình như một con cừu ngốc ngếch khi đọc từng câu chữ của Dự thảo Luật An Ninh Mạng. Có lẽ, dân mình quá nhu mì nên mới để Quốc hội soạn thảo ra những Dự thảo Luật phi lý, viển vông và chà đạp trắng trợn quyền con người đến như vậy. Đêm đó, tôi đã viết lên áo sơ mi trắng của mình dòng chữ: “No Cyber Security Law”. Tôi phẫn nộ và muốn khóc vì cái Luật bịt miệng người dân đó!

Rạng sáng ngày 10 Tháng Sáu, 2018, tôi bật dậy thật sớm mà không cần chuông báo thức. Chưa lúc nào tôi cảm thấy hào hứng và đầy nhiệt huyết như vậy. Tôi vội tắm rửa sạch sẽ, mặc áo sơ mi trắng, váy công sở và đi bốt màu đỏ. Đây là bộ quần áo khiến tôi trẻ trung, cao ráo, tự tin nhưng cũng vô cùng nghiêm túc. Trong mắt chính quyền, những người đi biểu tình là xấu “xấu người, xấu nết”. Họ thường thuê một nhóm mật vụ đeo nhẫn xanh, đi giầy đen trà trộn vào đoàn biểu tình để chụp ảnh, quay clip, cắt ghép để post lên các trang Tôi yêu quân đội nhân dân Việt Nam, cùng troll phản động… Họ chỉ chọn những ảnh của người đi biểu tình nhìn xấu nhất, dìm hàng nhất để đăng lên kèm theo những dòng stt quy chụp thiếu suy nghĩ mang tính chửi bới, xúc phạm người khác. Do đó, tôi muốn chuẩn bị thật tinh tươm. Tôi muốn mình thật chỉnh chu về ngoại hình khi đi biểu tình. Để nếu có bị an ninh chụp hình, quay phim thì cũng được gọi là “hot girl phản động.” Hi.

Tôi lấy giấy A4 và bút lông viết một loạt khẩu hiệu: “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày!” “Cho Trung Quốc thuê đặc khu là bán nước, tôi phản đối!”, “Phản đối đặc khu! Phản đối luật an ninh mạng!” Tôi viết thật nắn nót và rõ ràng bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Sau đó, tôi chạy xe máy từ Quận 7 đến hồ Con Rùa để chuẩn bị đi biểu tình.

Tôi hẹn gặp chị gái tôi ở miền Tây lên Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên chị đi biểu tình. Chị nói rằng, chị không hiểu nhiều về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Nhưng nhắc đến việc Trung Quốc sẽ có cơ hội thuê đặc khu, lòng chị không yên nên chị đã đi tàu từ miền Tây lên Sài Gòn biểu tình. Chị vẫn lo lắng: “Biểu tình có bị công an đánh không em?”

Tôi động viên chị: “Không sao đâu chị gái. Biểu tình là quyền được quy định trong Hiến pháp nên chị yên tâm.” Lúc đó, tôi không giải thích cho chị rõ rằng, công an có dùng Luật đâu vì ở Việt Nam chính quyền là luật, luật là chính quyền mà.

9h sáng ngày 10 Tháng Sáu, 2018: Các quán café gần nhà thờ Đức Bà đông kín người. Chẳng ai nói về Luật Đặc Khu hay Luật An Ninh Mạng. Nhưng ai nấy cũng kết nối với nhau thông qua ánh mắt, nụ cười, những cái vẫy tay và những cái gật đầu nhẹ. Chẳng biết từ đâu, có vài người ra chào tôi: “Em có phải Trương Thị Hà không?” Rất vui khi xuống đường gặp bạn bè trên Phây-búc. Thế mới thấy mạng là ảo nhưng đến một ngày bạn bè trên Phây-búc sẽ hội ngộ và xuống đường cùng nhau.

Lúc đó, ở Diamond Plaza, gần nhà thờ Đức Bà chỉ có khoảng 100 người dân cầm khẩu hiểu, biểu ngữ phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Tôi nghĩ trong đầu: “Lúc này tụi an ninh mà ra úp sọt đám người dân này thì coi như xong.” Sợ điều đó xảy ra nên tôi chen lên đứng đầu đám đông, miệng hô vang liên tục:

“Phản đối Đặc Khu! Phản đối Luật An Ninh Mạng!” Tôi cố vươn người ra ngoài ngã tư để thu hút những người tham gia giao thông. Càng ngày, càng có nhiều người đứng lại xem, thậm chí là tham gia vào đám đông biểu tình. Vốn là một người sốt sắng, tôi nhanh chóng thay đổi chiến thuật. Tôi bàn với mấy người phụ nữ “gào to” rằng:

“Các bác và cháu sẽ dẫn đoàn biểu tình đi. Chúng ta phải di chuyển ngay thì mới thu hút người dân tham gia. Chứ cứ đứng gào khản cổ cũng không thu hút được thêm người đâu ạ.”
Các bác gái hoàn toàn đồng ý. Tôi đã xung phong dẫn đoàn bước về phía Dinh Độc lập. Các anh chị dân phòng cũng dẹp đường cho chúng tôi đi. Nhưng sau đó, một số bạn trai khuyên tôi quay trở lại, vì làm như vậy quá nguy hiểm. Tôi đã đồng ý quay trở lại vị trí ban đầu và tiếp tục hô vang khẩu hiệu cùng người dân.

10h30: Phép màu như hiện đến, chẳng hiểu từ đâu, một nhóm biểu tình từ đường Lê Duẩn kéo ra và nhập đoàn với nhóm tôi. Rồi từ các ngã, đoàn biểu tình lên đến hàng ngàn người. Vậy là đoàn lớn biểu tình bắt đầu di chuyển về phía dinh Độc lập, người hai bên đường từ đâu không biết hòa vào dòng người biểu tình như một dòng sông lớn bất tận, người phía trước đi bộ, người phía sau đi xe máy, người phía trước thì hô khẩu hiệu, phía sau hô theo và cùng nhấn kèn xe máy inh ỏi để hưởng ứng.

Lúc này chẳng cần lãnh đạo, chẳng cần chỉ huy, người dân bước xuống đường một cách trật tự và ôn hòa. Không ai bầu, không ai bàn bạc trước, tất cả người dân như đều đồng thuận ngầm với nhau sẽ hô theo sự hướng dẫn của một anh cầm cái loa và nhóm bạn trẻ giăng biểu ngữ lớn: “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày.” Tôi cũng không biết anh bạn đó hiện giờ ra sao. Tôi nhớ như in trong đầu, ngoài những câu khẩu ngữ như: “Phản đối Đặc Khu! Phản đối Luật An Ninh Mạng!” Anh ấy còn hô mấy khẩu ngữ như: “Giải tán Quốc Hội! Giải tán Đảng Cộng Sản!” Điều lạ thay là người dân cũng hô theo mấy khẩu hiệu đó, thậm chí họ còn hô to và hào hứng hơn. Thế mới biết tâm tư, tình cảm của người dân dành cho Quốc hội và Đảng ta như thế nào.

Xe phát loa tuyên truyền được đưa tới, phát lên ra rả điệp khúc: “Quốc Hội đã hoãn thi hành Luật Đặc Khu….Đề nghị người dân không gây rối trật tự công cộng… Mọi người đang vi phạm pháp luật… Hãy trở về nhà.” Càng tuyên truyền, người dân lại càng hét to hơn. Lần đầu, tôi chứng kiến sự gan lỳ, và bất tuân một cách cương quyết của người dân đối với chính quyền như vậy.

Dọc đường các nhân viên cửa hàng và người đi bộ đều vỗ tay khích lệ tinh thần đám đông biểu tình. Tôi nhớ như in hình ảnh ba bạn trẻ đứng trên tầng nhìn xuống đám đông vẫy tay mọi người. Ở dưới, chúng tôi cười hoan hỉ, đồng loạt giơ nắm đấm lên trời thể niệm niềm tin chiến thắng.

Tầm trưa, lúc tiến về phía Đại Sứ Quán Trung Quốc, hàng rào sắt và lực lượng an ninh đã cản đoàn biểu tình. Lúc đó, tôi rất sợ, tôi chen lên đứng sát hàng rào kẽm gai. Tôi có cảm giác như là chỉ cần một cái ẩn vào lưng, người tôi sẽ ngã nhào vào kẽm gai. Tôi khóc vì tôi chẳng làm gì được, trước một bên là công an được trang bị vũ khí và luôn sẵn sàng bảo vệ Đại Sứ Quán Trung Quốc. Một bên là người biểu tình không có ai lãnh đạo. Tất cả người dân nhìn vào các anh công an và hô to: “Hèn với giặc, ác với dân!” Mấy anh công an mặt ngơ ngác và cúi xuống. Một số người dân (hoặc kẻ xấu?) phẫn nộ nên đã ném 1 số chai nước đã uống hết về phía công an. Tất cả người dân nhanh chóng giơ hai tay chéo nhau (biểu thị là xin đừng ném chai nước về phía công an) và đồng thanh hô to: “Biểu tình ôn hoà! Biểu tình ôn hoà!”

Các anh công an ra sức bảo vệ Đại sứ quán Trung Quốc đã thấy chưa? Trong khi các anh dùng hàng rào sắt để chặn những thân thể yếu đuối của chúng tôi, thì người dân chúng tôi vẫn phải ra sức bảo vệ các anh. Bởi vì, dù sao đi chăng nữa, các anh vẫn là những con dân của Việt Nam. Các anh và chúng tôi là người Việt Nam. Xin hãy ghi nhớ điều đó, xin đừng đánh đồng bào của mình để ra sức bảo vệ kẻ thù của nhân dân Việt Nam.

Tôi cũng thấy một thnh niên cầm gậy gây gổ với đám đông. Nhưng may thay, một số bác lớn tuổi đã đuổi thẳng cổ thanh niên đó ra khỏi đoàn biểu tình mà không cần giải thích. Đó là hành động nhanh trí và khôn ngoan vì trong đám đông biểu tình, chỉ cần một sự kích động nhỏ sẽ dễ dẫn đến bạo động. Lúc đó, biểu tình ôn hòa sẽ bị chính quyền quy chụp là gây rối trật tự công cộng. Chưa bao giờ, tôi chứng kiến người dân kiên trì như thế, nhẫn lại như thế, và hiểu nhau như thế.

Trời nắng như đổ lửa trên đầu, bị đánh, bị chặn nhưng sao đoàn người vẫn cứ đi? Có lẽ, hàng ngàn người dân Sài Gòn khi ấy tuy khác nhau về độ tuổi, ngành nghề, địa vị xã hội, nhưng họ đều có chung một ước mong là muốn cất lên tiếng nói tự do mà bấy lâu nay họ không được thốt ra.

Sài Gòn, ngày 5 Tháng Sáu, 2019
Trương Thị Hà






No comments:

Post a Comment