Tuesday, June 4, 2019

QUAN HỆ MẬT THIẾT GIỮA BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG HOA KỲ & TRUNG QUỐC (Mai V. Phạm)




Mai V. Phạm
04/06/2019

“Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Câu nói này đúng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt chính trị. Bài viết sau đây được chuyển dịch và tổng hợp từ các tờ báo uy tín của Hoa Kỳ, bao gồm New York TimesNew York PostThe Nation, và Pro Publica. Bài viết sẽ chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa bàn tay ngầm, đầy thế lực của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc với các quan chức hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Donald J. Trump.

Elaine Chao là ai?

Elaine Chao sinh năm 1953 tại Đài Bắc (Đài Loan) và định cư ở Hoa Kỳ cùng gia đình năm 8 tuổi. Năm 1993, bà Elaine Chao kết hôn với Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, hiện là Lãnh đạo Khối đa số Cộng Hòa tại Thượng viện.

Cặp đôi quyền lực lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell và Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao. Nguồn: AP Photo/Ed Reinke

Cha của bà Chao là ông James Chao – là người sáng lập hãng tàu vận chuyển hàng Foremost tại Hoa Kỳ vào năm 1964. Bà Elanie Chao làm việc cho công ty của cha mình vào thập niên 70. Hiện tại, mặc dù bà Chao không có cổ phần trong tập đoàn Foremost, nhưng bà và chồng, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã nhận được hàng triệu Mỹ kim quà tặng từ ông James Chao.

Từ trái qua: Thượng nghị sĩ Mitch McConell, bà Elaine Chao, cha James Chao, và em gái Angela Chao. Photo Courtesy

Theo các tài liệu công khai, tính từ năm 1989 đến 2018, tổng cộng 13 thành viên của đại gia đình họ Chao, bao gồm em gái Angela Chao (hiện là Tổng Giám Đốc điều hành của Foremost), đã tặng 1,66 triệu Mỹ kim cho các ứng cử viên và ủy ban của đảng Cộng hòa, gồm 1,1 triệu Mỹ kim cho ông Mitch McConnell và các ủy ban chính trị của ông.

Hồ sơ công khai cho thấy bà Elaine Chao đã được hưởng lợi từ thành công của tập đoàn Foremost. Một món quà ước tính từ khoảng 5 triệu đến 25 triệu Mỹ kim từ cha, ông James Chao, cho vợ chồng McConnell năm 2008 đã giúp ông McConnell trở thành một trong những Thượng nghị sĩ giàu nhất tại Thượng viện. Gần ba thập niên tài trợ đã giúp gia đình họ Chao trở thành nhóm đóng góp hàng đầu cho Thượng nghị sĩ Mitch McConnell.

Kể từ khi bà Elaine Chao trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 1/2017, hồ sơ cho thấy, ngân sách của bộ đã liên tục kêu gọi cắt giảm các chương trình nhằm ổn định ngành hàng hải đang gặp khó khăn về tài chính ở Hoa Kỳ, cũng như chuẩn bị cắt giảm tài trợ  cho các nhà máy đóng tàu nhỏ và các khoản vay liên bang đến các công ty đóng tàu tại Hoa Kỳ. Chi tiêu ngân sách của Bộ Giao thông cũng đã tìm cách cắt giảm tài trợ cho một chương trình trợ giúp 60 chiếc tàu của Mỹ và giảm kế hoạch mua tàu mới, kèm theo chương trình đào tạo thuyền viên. Lạ thay, ở Trung Quốc, gia đình bà Chao đã trả tiền học bổng và một chương trình mô phỏng lái tàu để đào tạo thủy thủ Trung Quốc.

Mối quan hệ mật thiết giữa tập đoàn Foremost và chính phủ Trung Quốc

Theo tiểu sử của ông James Chao, người sáng lập tập đoàn Foremost, công ty của ông phụ trách vận chuyển gạo đến Việt Nam vào cuối thập niên 1960. Nhưng hiện tại, tập đoàn Foremost gần như không còn dấu tích hoạt động ở Hoa Kỳ. Trong khi Foremost có một văn phòng đại diện tại Manhattan, phần lớn các hoạt động kinh doanh của công ty tập trung ở Trung Quốc.

Theo thống kê của VesselsValue, một công ty có trụ sở tại London chuyên phân tích dữ liệu vận chuyển toàn cầu, khoảng 72% nguyên liệu thô mà Foremost vận chuyển từ đầu năm 2018 đã đến Trung Quốc. Foremost đăng ký những chiếc tàu của mình ở Liberia và Hồng Kông, và nắm quyền sở hữu thông qua các công ty ở Quần đảo Marshall. Năm 2014, các nhà chức năng Columbia đã thu giữ 90 pounds cocaine từ một chiếc tàu của tập đoàn Foremost, đang vận chuyển than đá đến châu Âu. Điều này đặt một dấu chấm hỏi rất lớn với các hoạt động kinh doanh, cũng như ông chủ thực sự của tập đoàn Foremost.

Mỗi năm, các tàu của Foremost vận chuyển hàng trăm triệu tấn quặng sắt, than và bauxite đến Trung Quốc từ các cảng trên toàn cầu. Sự phát triển của Foremost phụ thuộc rất lớn vào Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank), vốn đã tài trợ cho ít nhất bốn chiếc tàu của Foremost trong thập kỷ qua. Tính đến năm 2015, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho Foremost vay ít nhất 300 triệu Mỹ kim.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc mừng ngày kí khoản cho vay với Foremost, với sự tham dự của bà Elaine Chao.

Hoạt động chính của Foremost là cung cấp quặng và than của Trung Quốc đến nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù là một công ty tương đối nhỏ trong lĩnh vực vận chuyển, nhưng tập đoàn Foremost chuyên nhận được các đơn đặt hàng từ những nhà máy đóng tàu lớn nhất Trung Quốc. Doanh thu của Foremost cũng được bảo đảm qua việc hợp tác với một nhà sản xuất thép của chính phủ Trung Quốc.

Bà Angela Chao (em gái của Elaine Chao) và ông James Chao đã từng nắm giữ vị trí trong Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần đóng tàu Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước sản xuất tàu cho quân đội Trung Quốc. Bà Angela Chao cũng có mặt trong hội đồng quản trị tại Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Trung Quốc, một tổ chức do chính phủ Trung Quốc thành lập.

Mối quan hệ mật thiết giữa gia đình họ Chao và nhà cầm quyền Trung Quốc

Kể từ năm 2001, mối quan hệ của gia đình họ Chao với nhà cầm quyền Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đáng kể từ dư luận. Khi bà Elaine Chao được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm chức Bộ trưởng Lao động (2001 – 2009), một số nhà bất đồng chính kiến cảm thấy rất bất ngờ. Ông Hongda Henry Wu, từng bị nhà cầm quyền Trung Quốc giam cầm 19 năm tù, phát biểu năm 2011: “Tôi rất bất ngờ khi Bush đề cử bà Elaine Chao vào chức Bộ trưởng Lao động… Tôi lo lắng về quan hệ kinh doanh của gia đình bà Chao với cộng sản Trung Quốc”.

Khi bà Elaine Chao được Donald J. Trump đề cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải hồi tháng 12/2016, tờ ProPublica và nhiều tờ báo uy tín khác đã phân tích, nêu ra các xung đột lợi ích của bà Chao. Tác giả nổi tiếng Peter Schweizer, một người theo khuynh hướng bảo thủ, cho rằng, gia đình bà Elaine Chao đã mang đến cho nhà cầm quyền Trung Quốc những ảnh hưởng lớn.

Báo New York Times tìm thấy nhiều tài liệu chứng minh gia đình bà Elaine Chao có một mối quan hệ vô cùng gần gũi với giới các quan chức cấp cao Trung Quốc. Điều này được chứng minh không chỉ bởi các vị trí cao trong các công ty nhà nước Trung Quốc, mà còn từ nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc.

Khi nội chiến nổ ra ở Trung Quốc vào thập niên 1940, ông James Chao đã theo học tại đại học ở Thượng Hải. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân là bạn học của ông James Chao.

Trong nhiều thập kỷ qua, ông James Chao đã củng cố mối quan hệ thân thiết với Giang Trạch Dân. Vào thập niên 1980, ông James Chao đã làm ăn với một công ty radar có quan hệ chặt chẽ với Giang Trạch Dân, chuyên bán các thiết bị cho quân đội Trung Quốc.

Tháng 8/1989, ông James Chao đã có cuộc họp hàng giờ với Giang Trạch Dân bên trong khu tập thể lãnh đạo ở Tử Cấm Thành, cùng với người đứng đầu công ty đóng tàu nhà nước. Theo các tài liệu công khai của Trung Quốc, hai ông Giang Trạch Dân và James Chao đã gặp nhau ít nhất 5 lần nữa trong suốt nhiệm kỳ Tổng bí thư Đảng của Giang Trạch Dân.

Theo các tài liệu tại một bảo tàng ở Thượng Hải, năm 1984, ông James Chao được mời đến Bắc Kinh tham dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và gặp gỡ lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Cũng trong năm 1984, vợ của ông James Chao là bà Ruth Chao đã mua cổ phần của một công ty Trung Quốc sản xuất thiết bị hàng hải và radar, hợp tác với Raytheon, một nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Mặc dù báo cáo công khai tài chính của bà Chao cho thấy, bà không nhận được thu nhập từ tập đoàn Foremost, nhưng bà đã thực hiện ít nhất bốn chuyến đi đến Trung Quốc cùng với tập đoàn Foremost. Ông James Chao cũng có mặt trong chuyến viếng thăm Trung Quốc khi bà Elanie Chao giữ chức Bộ trưởng Lao động vào năm 2008, cùng tham gia cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, gồm thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Theo các trang web Trung Quốc và các tài liệu công khai, sau khi thôi nắm chức Bộ trưởng Lao động từ năm 2008 đến 2016, bà Elaine Chao đã mở rộng mối quan hệ của mình ở Trung Quốc. Ví dụ, vào năm 2009, bà được bổ nhiệm vị trí cố vấn thành phố Vũ Hán. Cùng năm 2009, bà đã được trao danh hiệu giáo sư danh dự tại Đại học Phục Đán (Fudan) và năm 2010, bà được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Giao Thông (Jiao Tong).

Trong phiên điều trần tại Thượng viện cho chức Bộ trưởng Giao thông vào tháng 1/2017, bà đã không nêu ra các mối quan hệ rộng rãi của gia đình mình với ngành hàng hải Trung Quốc và cũng không tiết lộ nhiều vị trí danh dự khác nhau mà bà được phía Trung Quốc trao. Mặc dù theo bảng câu hỏi của Thượng viện, các ứng cử viên cần liệt kê tất cả các vị trí danh dự.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, một phóng viên nổi tiếng Trung Quốc, Tian Wei, đã mô tả bà Elanie Chao là “một cầu nối” giữa Bắc Kinh và chính quyền Trump.

Lịch làm việc chính thức của bà Elanie Chao cho thấy, bà đã có ít nhất 21 cuộc phỏng vấn hoặc gặp gỡ với các tổ chức tin tức tiếng Trung Quốc trong năm đầu tiên làm Bộ trưởng Giao thông. Vào tháng 11/2017, bà Elaine Chao đã ăn trưa cùng bà Ma Jing (quan chức hàng đầu của CGTN – Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ở Hoa Kỳ) tại văn phòng riêng.

Khi bà Elanie Chao đến Trung Quốc vào tháng 4/2017, bà đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu, bao gồm cả thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong thời gian ở Trung Quốc, bà đã tham gia một cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc. Bà nói: “Nước Mỹ là một quốc gia rất trẻ – nó rất năng động, không có lịch sử lâu dài. Vì vậy, Hoa Kỳ không có quá nhiều quy tắc và quy định về hành vi, trong khi một số quốc gia khác có lịch sử lâu dài, có thể khác hơn một chút. Chúng ta phải hiểu người Trung Quốc và cách họ nhìn nhận mọi thứ, và tôi nghĩ rằng người Trung Quốc cần hiểu cách nước Mỹ nhìn nhận vấn đề“.

Khi giữ chức Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống George W. Bush, cơ quan của bà đã từ chối lên án chính phủ Trung Quốc về các hành vi bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi một bản kiến nghị được đệ trình chống lại Trung Quốc về vấn đề quyền của người lao động dựa trên Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, bà Elanie Chao đã phản đối bản kiến nghị đó.

Năm 2000, bà Elanie Chao đã chỉ trích báo cáo của Quốc hội, tố cáo các hoạt động của gián điệp Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ, nói rõ rằng bà không đồng ý với kết quả của bản báo cáo và “bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ“.

Trong cuốn sách “Secret Empires” vạch trần sự giàu có bất chính của các chính trị gia Mỹ, tác giả Peter Schweizer cho biết, sự thành công của Foremost phần lớn nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC). Mục tiêu chính của tập đoàn CSSC là tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc. Cả ông James Chao (cha của bà Elanie Chao) và bà Angela Chao (em gái của bà Elaine Chao) đều ngồi ở vị trí lãnh đạo trong một nhánh của CSSC. Ông Peter Schweizer còn cho biết, phần lớn các tàu của Foremost được đóng bởi các nhà máy đóng tàu của chính phủ Trung Quốc và các thuyền viên của họ phần lớn là người Trung Quốc.

Trước khi kết hôn với bà Elanie Chao, Thượng nghị sĩ McConnell luôn tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của ông Mitch McConnel đã thay đổi hoàn toàn. Thông qua lời mời của ông James Chao, đại diện Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, ông McConnell đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc vào năm 1994. Ông McConnell còn gặp Tổng Bí thư, kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Phó Thủ tướng Lý Lan Thanh. Sau cuộc họp này, McConnell ngày càng tránh công khai chỉ trích Trung Quốc.

Trong những năm sau đó, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã lớn tiếng bảo vệ Trung Quốc, chống lại Hồng Kông và Đài Loan. Năm 1999, Thượng nghị sĩ Jesse Helms đã giới thiệu Đạo luật tăng cường an ninh Đài Loan, cam kết ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Đạo luật này đã có sự ủng hộ mạnh mẽ của phần lớn thành viên đảng Cộng hòa, nhưng McConnell không có trong danh sách ủng hộ.

Suy ngẫm

Có thể nói quyền lực của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao là khá lớn. Quyết định ngầm của vợ chồng Mitch McConnell có thể tạo ảnh hưởng tích cực cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Nên nhớ, một dự luật muốn được bỏ phiếu tại Thượng viện phải được sự chấp thuận của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell. Một dự luật lên án hoặc trừng phạt Trung Quốc dù có ý nghĩa cách mấy cũng có thể sẽ không bao giờ trở thành đạo luật nếu Thượng nghị sĩ Mitch McConnell không cho phép bỏ phiếu tại Thượng viện.

Câu thành ngữ “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” luôn đúng ở mọi thời đại. Hưởng lợi ích của ai thì phải làm việc cho người đó. Tập đoàn Foremost của gia đình Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao nhận được quá nhiều lợi ích từ nhà cầm quyền Trung Quốc, thì chuyện họ phải phải phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc là dễ hiểu. Tương tự, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nhận quá nhiều lợi ích vật chất từ gia đình họ Chao, thì việc ưu ái cho các hoạt động kinh doanh của tập đoàn Foremost, cũng như ông chủ thực sự của Foremost – nhà cầm quyền Trung Quốc, là lẽ đương nhiên.

Cứu cánh của chính trị là đạo đức và tự do. Một chính trị gia phải là một người đạo đức và chính trực. Một chính trị gia đặt lợi ích cá nhân, gia đình, hoặc đảng phái lên trên lợi ích quốc gia thì sẽ luôn là tai họa với quốc dân và đất nước đó. Mối quan hệ mật thiết của gia đình họ Chao cũng như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell với nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến những nhà bất đồng chính kiến và nhiều cử tri Mỹ lo lắng và phẫn nộ. Bất kỳ chính trị gia nào để đồng tiền và lợi ích chi phối các quyết định chính trị, gây hại đến nền dân chủ, phải bị tố cáo và lên án mạnh mẽ.

Tác giả: Mai V. Phạm là cựu quân nhân Hoa Kỳ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Washington DC.







No comments:

Post a Comment