Tuesday, June 18, 2019

LỜI CẢNH BÁO TỪ HỒNG KÔNG (Tương Lai)




Tương Lai
19/06/2019

Một quốc gia, hai chế độ” từng được xem là một hình mẫu sinh động và độc đáo trong một thế giới của những biến động đầy bất ngờ. Nhất quốc lưỡng chế (一國兩制) phải chăng là một đột phá trong dòng mạch tư duy của những người mê đắm vào tính “ưu việt tất thắng của chủ nghĩa xã hội”, được Đặng Tiểu Bình đưa ra vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hướng đến một tiến trình tái thống nhất Trung Quốc diễn ra một cách ôn hoà. Với ý tưởng trên, Đặng hy vọng thành lập một Trung Quốc duy nhất, nhưng các phần lãnh thổ độc lập như Hồng Kông, Ma Cao có thể duy trì hệ thống kinh tế - chính trị của chế độ tư bản song hành với phần còn lại của đại lục thì nằm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo sáng kiến của Đặng, mỗi khu vực có thể tiếp tục hệ thống chính trị riêng, các vấn đề pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gồm cả các hiệp định thương mại và văn hóa với nước ngoài sẽ được hưởng một số quy chế khác nhau.

Hồng Kông dân số gần 7 triệu 4 trăm ngàn người sống trên một vùng lãnh thổ có diện tích 275503 km2, gồm hơn 260 hòn đảo nằm về phía Đông của đồng bằng châu thổ sông Châu Giang giáp với thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông về phía Bắc và nhìn ra biển Đông. Đây là vùng lãnh thổ Trung Quốc phải nhượng lại cho Anh năm 1841; bán đảo Kowloon nhượng lại năm 1860; và các vùng lãnh thổ mới, các khu vực bổ sung của lục địa đã được cho thuê 99 năm vào năm 1898. Tất cả đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, kết thúc nỗi nhục của đế chế Trung Hoa mà mỗi người dân Trung Quốc có lòng tự trọng đều ê chề ngậm đắng nuốt cay kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất.

Tưởng cũng nên có đôi dòng về nỗi nhục ê chề này. Năm 1839, nước Anh xâm lược Trung Quốc. Một trong những hành động đầu tiên của người Anh trong chiến tranh là đánh chiếm Hồng Kông. Thua trận, năm 1841 Trung Quốc buộc phải nhượng Hồng Kông cho người Anh bằng việc ký Hiệp định Xuyên Tị (Convention of Chuenpi – nghĩa đen là “hiệp định xỏ mũi”), và đến năm 1812 Hiệp ước Nam Kinh được ký chính thức. Lý do được đưa ra cho cuộc chiến đó là chính phủ Anh đòi quyền tự do buôn bán thuốc phiện từ Ấn Độ thuộc Anh sang Trung Quốc, nhưng nhà Mãn Thanh lại có lệnh nghiêm cấm.

Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong hai cuộc chiến với hậu quả phải công nhận thương quyền buôn thuốc phiện của ngoại quốc. Và rồi triều đình Mãn Thanh phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, buộc phải mở nhiều cảng cho các nước ngoài vào thông thương. Hồng Kông trở thành nhượng địa thuộc đế quốc Anh. Nhiều đế quốc (Đức, Pháp, Nhật, Nga...) khác theo chân nước Anh và đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất Trung Quốc. Mối nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các cường quốc Tây phương là ngòi lửa góp phần cho cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864), rồi Nghĩa Hoà Đoàn (1899 - 1901) và cuối cùng là cuộc Cách mạng Tân Hợi kết thúc thời đại phong kiến Mãn Thanh (1911).

Thuộc địa mới của Anh đã phát triển thành một trung tâm thương mại Đông-Tây và là cửa ngõ và trung tâm phân phối thương mại cho miền Nam Trung Quốc. Hồng Kông đã trở thành một trong những trung tâm tài chính và sản xuất lớn của thế giới. Năm 1898, nước Anh được cấp thêm 99 năm cai trị Hồng Kông theo Điều ước Bắc Kinh lần thứ hai. Tháng 9 năm 1984, sau nhiều năm đàm phán, Anh và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận chính thức, theo đó Anh chấp thuận việc trao trả hòn đảo này vào năm 1997, và để đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa ở Hồng Kông. Không dễ gì để nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thuận theo sáng kiến “một quốc gia hai chế độ” mà tạm dẹp bỏ chiến lược biển người để giành lại Hồng Kông bằng vũ lực, mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt để Hồng Kông, cái tủ kính choáng lộn trưng bày cái “chủ nghĩa tư bản” thối nát ngày ngày nhử gọi dân Tàu! Với một chủ nghĩa thực dụng khôn ngoan và xảo trá với truyền thống “Câu Tiễn nếm phân” xưa kia được Đặng vận dụng để xây dựng một chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc khoác bộ cánh xã hội chủ nghĩa mà những kẻ ngu xuẩn và lú lẫn óc đất sét cho đến tận hôm nay vẫn quyết trung thành với “người đồng chí cùng ý thức hệ” để “kiên định” đường lối xã hội chủ nghĩa lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm “kim chỉ nam” để dẫn đất nước đi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, với sự thức thời thực dụng của Đặng quả là Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ vị thế độc đáo của Hồng Kông. Đó là một thành phố bị tách biệt khỏi đại lục nhưng lại kết nối chặt chẽ với nó, một lãnh thổ hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại thuộc quyền kiểm soát cuối cùng của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh để có được một chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp mới đang thao túng bộ máy quyền lực thống trị một quốc gia với gần một tỷ rưỡi dân. Mà cũng vì vậy đương nhiên, cán cân quyền lực trong mối quan hệ của Hồng Kông với Trung Quốc vẫn luôn nghiêng về phía đại lục.

Chẳng hạn như, khoảng một nửa giá trị xuất khẩu của Hồng Kông là chuyển về Trung Quốc; một phần năm tài sản ngân hàng của Hồng Kông là các khoản vay cho khách hàng Trung Quốc; chi tiêu du lịch và bán lẻ cũng chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm 10% GDP của Hồng Kông.

Cho nên, đúng như tác giả của cuốn sách China’s Crony Capitalism, giáo sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna Collegenhận xét: Trên thực tế, mô hình này có lẽ đã thất bại từ trong trứng nước, do một số sai sót chết người vốn nằm sâu trong cấu trúc của nóXin dẫn ra vài ý chính của Minxin Pei trong One Country, One System viết năm 2017:

Thứ nhất, văn bản cam kết Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền dân chủ của người dân Hồng Kông đã cố tình bị thể hiện một cách mơ hồ. Ngay cả tuyên bố chung mà chính phủ Anh và chính phủ Trung Quốc ký năm 1984, mở màn cho cuộc trao trả năm 1997, cũng đưa ra một hứa hẹn có phần không rõ ràng rằng Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được Trung Quốc bổ nhiệm “trên cơ sở kết quả bầu cử hoặc tham vấn tổ chức ở địa phương.

Hơn nữa, bên duy nhất có quyền thi hành các điều khoản của tuyên bố chung, chưa nói đến Luật Cơ bản, tức tiểu hiến pháp của Hồng Kông, là chính quyền trung ương Bắc Kinh. Kết quả là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không tôn trọng tinh thần hoặc thậm chí các điều khoản rõ ràng về cam kết của mình mà không bị trừng phạt. Sự cực đoan hóa của người Hồng Kông hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, phản ánh mong muốn thay đổi điều đó và bắt Trung Quốc trả giá vì đã từ bỏ lời hứa về “quyền tự trị” và đáp trả bất đồng bằng đàn áp.

Còn một đặc điểm nữa trong mô hình “một đất nước, hai chế độ” khiến nó thất bại: quyết định có chủ ý của Trung Quốc nhằm cai trị Hồng Kông thông qua các nhà tư bản thân hữu. Dù có vẻ trớ trêu, cái gọi là những người cộng sản của Trung Quốc lại có vẻ tin tưởng các nhà tài phiệt của Hồng Kông hơn là tin người dân của mình (có lẽ vì mua chuộc các nhà tài phiệt thì ít tốn kém hơn nhiều).

Nhưng vì lòng trung thành của họ nằm ở những người chống lưng ở Bắc Kinh mà không phải là ở người dân của thành phố mà họ quản lý nên các nhà tư bản thân hữu của Hồng Kông lại là các chính trị gia tồi. Dưới trướng của Đảng Cộng sản, họ có được quyền lực và những đặc quyền mà dưới chế độ Anh họ không thể có. Nhưng điều đó khiến họ không đáp ứng được cử tri của mình khi cử tri ngày càng trở nên xa lánh họ. Kết quả là các đại diện ủy nhiệm của Trung Quốc đã không đảm bảo được tính chính danh đối với dân chúng.

Những nhận định sâu sắc này đã được thể hiện rõ trong dự luật dẫn độ đang được thảo luận để ban hành. Dự luật này, đúng như Martin Lee, một nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu và sáng lập viên của Đảng Dân chủ đã chỉ ra đây là cuộc chiến cuối cùng đối với Hồng Kông vì “Dự luật là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với tự do và nhân quyền của chúng tôi kể từ khi bàn giao chủ quyền” mà tờ Wall Street Journalngày 9.6 2019 vừa đăng tải. Như giọt nước tràn ly, dự luật dẫn độ khiến giới trẻ Hong Kong phải xuống đường như lời thề năm xưa: “Chúng tôi sẽ trở lại” (We'll be back).

Hơn một triệu người Hồng Kông, đông nhất là giới trẻ, đã xuống đường. Cuộc biểu tình đã làm hồi sinh phong trào đối lập từng bị suy yếu sau các cuộc biểu tình hồi năm 2014 làm tê liệt một phần của Hồng Kông trong 79 ngày mà chưa đạt được mục tiêu. Mà vì thế, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông đã tăng lên kể từ khi chính phủ bỏ tù những người biểu tình, tuyên bố chính đảng ủng hộ độc lập là bất hợp pháp, và trục xuất một nhà báo nước ngoài.

Chính vì thế cuộc đọ sức lần này thật quyết liệt với nhận thức rằng “Chúng tôi cần bảo vệ ngôi nhà của mình cho thế hệ tiếp theo”. Những người kế tục và phát huy ý chí của những người đi tiên phong 5 năm trước đây, “thế hệ dù vàng”, đã rút được bài học kinh nghiệm để giành thắng lợi trước một cuộc chiến mà họ hiểu được tính chất tàn khốc của bộ máy độc quyền toàn trị thời Tập Cận Bình và những kẻ đã bị mua chuộc, dụ dỗ và ban phát lợi ích để thần phục chúng, quay lại đàn áp nhân dân Hồng Kông, nhất là sinh viên, học sinh, bộ phận giàu sinh lực và ý chí đấu tranh. Trước làn sóng phẫn nộ dâng trào, mấy chục ngàn người biểu tình phong tỏa nhiều đại lộ chính ở trung tâm thành phố, những vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra ở khu vực xung quanh Quốc hội từ sau 15 giờ, thời hạn mà những người phản kháng đưa ra cho chính phủ để rút lại dự luật. Hơi cay, vòi rồng và dùi cui được sử dụng để đối phó với người biểu tình, hầu hết là thanh niên, sinh viên. Cảnh sát chống bạo động trang bị đầy đủ vũ khí dàn hàng tiến lên, nhưng nhanh chóng bị đám đông người biểu tình áp đảo. Một số người đã xâm nhập được vào khuôn viên nghị viện ngày 12/06/2019. Chính quyền Hồng Kông buộc phải hoãn lại việc thảo luận dự luật cho phép dẫn độ các nghi can sang Trung Quốc.

Đặc phái viên Stéphane Lagarde của RFI tại Hồng Kông tường thuật: “Cũng là một rừng dù của những người phản kháng, cũng là những rào cản bằng kim loại trên đại lộ Harcourt và Long Hòa (Lung Wo) kết nối với nhau để cố gắng ngăn trở các dân biểu đến khu Kim Chung (Admiralty).

Tiếp theo đợt thủy triều áo trắng hôm Chủ nhật, là một đám đông thanh niên mặc áo đen, xuất hiện tại trung tâm Hồng Kông từ sáng sớm nay, phong tỏa lối vào Quốc hội. Một số người đã ngủ qua đêm trong công viên bên cạnh, với các vật dụng đủ để tọa kháng: thức ăn, nước uống, khăn, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và nilon để bao cánh tay trong trường hợp phải đối đầu với cảnh sát chống bạo động trang bị khiên, nón sắt.

Một lớp trẻ đầy quyết tâm, có sự hỗ trợ của những tín đồ Công giáo đến cầu nguyện ngay trước mặt lực lượng an ninh tối qua. Giáo dân hưởng ứng thông cáo của giám mục Hồng Kông kêu gọi chính quyền hoãn lại, thậm chí từ bỏ dự luật dẫn độ đang gây lo ngại cho cả giới kinh doanh.

Trên 100 tiệm buôn đóng cửa hôm nay để các nhân viên có thể đi biểu tình. Những văn phòng kiểm toán lớn như Deloitte, KPMG…, các cơ quan tư vấn và ba ngân hàng lớn của Hồng Kông (Standard Chartred, HSBC, Hang Seng) cũng cho phép các nhân viên muốn phản đối dự luật dẫn độ được làm việc từ xa”.

Đài BBC ngày 13.6.2019 đưa ra bình luận: Mọi người đều nhận ra được điều gì đó về giới trẻ Hong Kong: thái độ kiên định của họ về sự toàn vẹn chính trị của Hong Kong không phải là thứ có thể đánh giá thấp. Họ cũng cho thấy họ có thể tổ chức rất nhanh và sẵn sàng thực hiện các biện pháp triệt để hơn thế hệ Dù Vàng tiên phong cho các cuộc biểu tình năm năm trước. Cuộc đấu tranh cho tự do, nhằm “bảo vệ ngôi nhà của mình cho thế hệ tiếp theo” của người dân Hồng Kông đang đối diện với những thách đố mới với bạo quyền và sự ngoan cố nham hiểm của chế độ toàn trị phản dân chủ.

Tuy nhiên, đúng như RFI đã dẫn lời của Eric Sautedé, nhà nghiên cứu và là quan sát viên tại chỗ đưa ra thẩm định: một triệu người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.

Chính vì thế mà theo AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn “tối cao” Bernard Chan của Chủ tịch hành pháp cũng đã lên tiếng kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ. Đương nhiên Bắc Kinh lại sẽ có những thủ đoạn vừa mua chuộc, vừa đe doạ những người yếu bóng vía hám lợi trong “cung đình” ấy.

Những người thân Bắc Kinh hiện đang chiếm đa số trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông – 43 trên 70 ghế – so với năm 2003. Lực lượng của họ hiện nay chủ yếu là các chính trị gia chuyên nghiệp. Một số trong bọn họ là những người không giàu có và phụ thuộc nhiều vào mức lương 151.600 đô la của chính quyền và các khoản phí hào phóng. “Tất cả bọn họ đều là nghị gật mà thôi” như Michael Tien nhận định. “Nguyên nhân của việc tất cả bọn họ đều là nghị gật là vì trong 15 năm qua họ đã nghiêng dần sang phía ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục”. Mức lương và các khoản phí hào phóng kia chắc có góp phần đáng kể trong các “nghị gật” đó. Vừa mua chuộc vừa đe doạ là chiêu cổ truyền của “thiên triều” được vận dụng không chỉ ở Hồng Kông.

Món võ cổ truyền được tung ra như đã và đang gặt hái những kết quả tại Việt Nam mà bản lai diện mục của những tên chư hầu đã nhẵn như chùi trước đôi mắt tỉnh táo của nhân dân đang ngày ngày phơi ra một cách vô sỉ cùng với những diện mạo mới đang được âm thầm chuẩn bị sẽ được tung ra vào một lúc nào đó cần cho một nước cờ mới nham hiểm hơn. Những gì đang diễn ra tại Hồng Kông cho thấy rõ điều đó. Nhưng những thủ đoạn ấy làm sao che đậy được đôi mắt tinh tường của công luận và của giới trẻ Hồng Kông! Một giới trẻ “vì bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vứt bỏ thứ tương lai áp đặt”.

Cái “tương lai áp đặt” đó thì đã rõ như ban ngày.

Khi phải nhẫn nhục cam chịu giải pháp “nhất quốc lưỡng chế”, Đặng cũng tiên liệu được sức hút của “chủ nghĩa tư bản” qua cái tủ kính bóng bẩy của Hồng Kông là mối hiểm hoạ lớn cho chế độ toàn trị phản dân chủ khoác tấm áo “xã hội chủ nghĩa” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để che đậy mục tiêu thực dụng nhằm giữ chặt chiếc ghế thống trị trong cuộc giành giật đẫm máu và cực kỳ man rợ suốt hơn nửa thế kỷ.

Bắc Kinh hiểu quá rõ vai trò của một Hồng Kông và đã khai thác tối đa để tranh thủ kết nối với những mối quan hệ đã có của vùng lãnh thổ từng là “nhượng địa” này mà thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của họ, đặc biệt là dưới thời Tập Cận Bình. Chính vì lo sợ trước sức hút của Hồng Kông không chỉ về kinh tế, về tài chính, mà đáng sợ hơn cho chế độ toàn trị của Tập, là những giá trị của tự do và quyền con người mà giới trẻ Hồng Kông khao khát và đang nuôi dưỡng. Thêm một lần nữa người Hồng Kông phải đương đầu với đại lục nhằm cứu vớt những gì còn lại của một quy chế tự trị ở Hồng Kông, vốn đã bị Bắc Kinh làm xói mòn và rỗng dần về nội dung để dần dần tước đi các quyền cơ bản đã có của họ bằng cách thao túng chính quyền sở tại, từng bước cắt xén các điều luật, quy định mà chính quyền đặc khu đã sửa đổi theo ý muốn của Bắc Kinh. Chính vì thế, 12 năm qua, Hồng Kông luôn là vùng đất đầy biến động chính trị, xã hội.

Cội nguồn của những biến động triền miên đó chính là những thủ đoạn của Bắc Kinh quyết bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, đưa dần Hồng Kông vào khuôn phép của một chế độ toàn trị phản dân chủ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một chính quyền độc tài phản dân chủ làm điều đó. “Hàm răng của quyền lực luôn luôn mở rộng để nhai nuốt, và cánh tay nó luôn vươn ra, nếu có thể, để phá hủy tự do tư duy, ngôn luận và viết lách” mà “người khổng lồ của nền độc lập” John Adams, Tổng thống thứ hai của Mỹ, từng cảnh báo.
Tìm mọi cách để dập tắt khát vọng tự do, dân chủ và quyền con người là điều mà Bắc Kinh đang làm tại Hồng Kông. Vừa ỡm ờ vừa doạ dẫm, Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh đổ lỗi cho các thế lực đối lập cực đoan” và các thế lực phương Tây đứng đằng sau, chính trị hóa và thổi phồng dự luật dẫn độ”. Tờ báo viết: Đùa giỡn với chính trị đường phố không kiểm soát sẽ khiến Hồng Kông trở nên lạc hậu và bất ổn”,  “đây không phải hướng đi khôn ngoan cho Hồng Kông”.

Vậy thì “khôn ngoan” sẽ là gì nếu không phải là cúi đầu thần phục Bắc Kinh, chấp nhận sự hoà đồng giữa những giá trị nhân bản và văn minh mà “nhượng địa” Hồng Kông với một thể chế pháp quyền mà người Hồng Kông nhất là giới trẻ quyết níu giữ, với chế độ toàn trị phản dân chủ, “nơi không có Nhà nước pháp quyền, luật pháp được cắt gọt theo nhu cầu của Đảng Cộng Sản…. Chỉ cần một chút không hài lòng, người ta có thể chế ra các cáo buộc đủ loại để bẫy người khác và phục vụ kế hoạch của chế độ như tờ Libération trích dẫn lời của một nhà tài phiệt trên lĩnh vực báo chí của Hồng Kông (RFI. 11.6.2019). Liệu có phải vì vậy mà một Dự luật được trình ra Thượng viện Mỹ do một số thượng nghị sĩ kỳ cựu bảo trợ, đòi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải xác nhận về sự tự trị của Hồng Kông để biện minh cho quy chế đối xử đặc biệt căn cứ theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 của Mỹ. Và không chỉ có phản ứng quyết liệt từ Nghị viện Mỹ.

Hai chữ Hồng Kông chiếm trọn trang bìa màu đỏ tuần báo Anh The Economist ra ngày 13.6.2019. Tuần báo L'Obs đăng bức ảnh Hồng Kông chìm trong một biển người bên cạnh hàng chữ Cuộc tuần hành khổng lồ”. Courrier International trích lại một bài báo của South China Morning Post cho thấy hành pháp Hồng Kông trong thế trên đe dưới búa.

Nối liền với tình hình Hồng Kông, báo chí châu Âu gợi lại tội ác của Bắc Kinh trong sự kiện Thiên An Môn. Tuần san Le Point thu hút độc giả với hàng tựa: “1989-2019, 30 năm thế giới nhầm to về Trung Quốc. Vụ thảm sát Thiên An Môn không là một tai nạn”, mà là ngọn đuốc soi rọi vào thế giới của chúng ta ngày nay. Trong rất nhiều nghị quyết lên án nhân quyền ở Trung Quốc, lần đầu tiên sau nhiều năm, Nghị viện châu Âu đề cập tới việc cấm vận và ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một động thái mạnh mẽ, nằm trong một bối cảnh chung trên thế giới, khi hàng loạt quốc gia công khai gây áp lực tới chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trước thực trạng nhân quyền của nước này, đặc biệt là với sự kiện Hồng Kông.

Châu Âu không phải là nơi duy nhất đang cân nhắc tới lệnh cấm vận đối với quan chức Trung Quốc. Tại Canada, nhiều chuyên gia cũng đang tác động tới chính phủ của mình nhằm cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky được ban hành hơn 18 tháng trước. Và rồi Australia và Liên minh châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà những gì đang diễn ra ở Hồng Kông đã hối thúc. Điều này hàm chứa rằng việc cấm vận đối với chính quyền Bắc Kinh sẽ có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Người dân Hồng Kông, giới trẻ Hồng Kông không đơn độc. Những giá trị của tự do và dân chủ không tự nhiên có mà phải đấu tranh để giành lấy. Giới trẻ, sinh viên, học sinh Hồng Kông hiểu rõ điều đó. Và họ đang hành động. Họ không thể chấp nhận trở thành thần dân của một nhà nước toàn trị đang đối lập với những giá trị của tự do, dân chủ và tôn trọng quyền con người mà rồi những giá trị đó sẽ bị nhà nước ấy chôn vùi. Bài học của Thiên An Môn ba mươi năm trước đang dạy cho họ phải biết làm gì. Nhiều khẩu hiệu được giương cao trong những cuộc xuống đuòng của sinh viên, học sinh Hồng Kông “Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng đến”. “Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có gì cho tương lai chúng tôi?”. Tương lai chúng tôi là quyền lợi của chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu”.

Không chỉ có họ. Giới trẻ Việt Nam đang nhìn về họ và cũng đang hiểu rõ cần phải làm gì. Vì thế những gì đang diễn ra tại Hồng Kông, khi người dân nhất là giới trẻ quyết liệt đấu tranh để giữ lại chút thành tựu của văn minh mà nhân loại đã đạt được. Những giá trị ấy đang có nguy cơ bị cướp mất. Khi nghĩ về điều ấy, không thể không nghĩ về cái “thảm trạng những bản án bỏ túi” của nhà nước gọi là “pháp quyền” có cái đuôi xã hội chủ nghĩa của tổng Trọng, nơi mà pháp luật như rừng nhưng người ta chỉ vận dụng luật rừng để vận hành guồng máy xã hội. Việt Nam hôm nay.

Chỉ cần dẫn ra đây một hiện tượng nóng hổi rất ngẫu nhiên đang minh hoạ rõ nét cho thực trạng tồi tệ nói trên khi các báo nhà nước giật tít đậm “Nữ trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị tạm giữ vì nhận hối lộ”. Thật hài hước khi bà Trưởng đoàn này lại là Phó trưởng phòng Chống tham nhũng của Bộ, và vì thế mà bà ta đã rất thông thạo nghiệp vụ, ngang nhiên vòi hàng chục tỷ đồng khi “thi hành công vụ”. Chính vì những chuyến “công vụ” bẩn thỉu béo bở này mà có những doanh nghiệp phải than với báo chí rằng một năm mà họ “được” thanh kiểm tra đến 138 lần!

Sẽ tốn giấy mực và thời gian khi liệt kê ra đây những trang nóng hổi trên các tờ báo nhà nước đưa tin và bình luận về cái trò mèo thanh kiểm tra nhơ nhớp này mà không ngại động chạm đến oai tín của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ra đời cách nay sáu năm do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Có điều đó vì có một sự thật là càng chống thì tham nhũng càng tăng, tăng một cách lộ liễu, và trắng trợn từ trung ương đến địa phương.Tất cả đều “tranh thủ ngoạm một miếng rồi chuồn” như Lênin đã phải cảnh báo ngay từ năm 1918. Ngày nay thì cái miếng có thể ngoạm ấy càng to lên, tỷ lệ thuận với vị thế quyền lực có khả năng câu kết với các đại gia ăn đất, các công ty sân sau, của những quan lớn đang ngày ngày rao giảng đạo đức, kết thành những nhóm lợi ích hoạt động như các mafia thao túng bộ máy quyền lực từ chóp bu đến tận thôn cùng xóm vắng.

Ấy vậy mà Einstein đã từng lưu ý “quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức. Càng đáng lưu ý hơn nữa khi “Người tầm thường mà nắm quyền lực phi thường mới là mối nguy hiểm chính cho nhân loại chứ không phải là kẻ ác ôn hay tàn bạo” như Erich Fromm, nhà xã hội học và tâm lý học xã hội người Đức đã đúc kết. Phải lưu ý hơn vì chúng ta đang đối diện với sự thật phũ phàng đó nhất là khi ta nghiệm ra rằng những gì đang diễn ra đã cho thấy chẳng có ai với dục vọng quyền lực sục sôi trong lòng mà khi nắm lấy quyền lực với mục đích sẽ buông bỏ nó!

Thì chẳng phải trước những bung bét trên mọi lĩnh vực mà người phải chịu trách nhiệm trước nhất lại vẫn trâng tráo mà rằng đất nước có bao giờ được như hôm nay không. Phải bằng sự trâng tráo đó để tiếp tục bám lấy cái ghế quyền lực cho dù sức tàn lực kiệt. Chắc rằng sự trâng tráo đó không biết hoặc không hiểu nổi lời cảnh báo của cụ Khổng từ mấy ngàn năm trước: Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân, tắc viễn oán hĩ (Người tự biết nhận lấy trách nhiệm về mình mà ít trách người, thì sẽ tránh xa được điều oán hận). Để làm rõ thêm ý này, xin kể lại một câu chuyện về một nhân vật đã giận dữ hạch sách khi tôi trình bày một báo cáo về “Phân tầng xã hội và Cơ cấu xã hội” trước Bộ Chính trị và Tiểu ban soạn thảo Chiến lược Kinh tế xã hội trình Đại hội 7 mà tôi đã có dịp viết trong “Cảm nhận và Suy tư trang 378.

Đó là câu chuyện nhiều người trong cuộc đều biết rất rõ về một ông đại tướng quyết dấu nhẹm căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối và ra lệnh cho những người phụ trách quân y viện dưới quyền ông ta phải bịt bằng được những kết luận về bệnh tình của mình. Để gì? Để may ra có thể ngồi được vào cái ghế cao ngất ngưỡng mà nghe đâu đã có “quy hoạch” dù chỉ vài ngày! Quyền lực, dù chỉ còn là cái danh hão, có sức hút mãnh liệt đến thế cho hạng người mà Khổng Tử liệt vào hạng tiểu nhân.

Nhưng lại cũng có một vị tướng từng có mặt trên chiến trường nơi ác liệt nhất ngay từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối năm 1945, qua cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, rồi cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu của Trung Quốc mà suốt đời không hề đeo lên ngực một tấm huân chương nào trong nhiều huân chương vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Khi kết thúc chiến tranh từ tổng hành dinh về nhà để thanh thản nằm trên chiếc ghế dài phòng khách “Thế là đã xong nhiệm vụ, bây giờ để cho người khác đánh nhau”, rồi ngủ thiếp đi! Câu chuyện này thì mới đây đã in thành một tác phẩm dày gần 700 trang khổ lớn do NXB Tri thức ấn hành nhưng rất khó tìm thấy trên các nhà hàng sách có thương hiệu!

Phải chăng đó là sự tương phản của hai nhân cách minh hoạ một cách sống động mà Luận ngữ đã diễn giải “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt (Người quân tử hướng đến những điều cao cả, kẻ tiểu nhân lại hướng đến những điều thấp hèn). Nhưng nếu so với ngài đại tướng bất hạnh với số phận hẩm hiu kia với những người có tham vọng quyền lực tương tự khác cũng được liệt vào hạng “tiểu nhân”, thì tham vọng của họ còn thua xa ai đó. Thật hài hước khi người ta đánh bóng mạ kền cho người được tung hô là “minh chủ” đang noi theo hành vi Câu Tiễn để tránh đụng độ, âm thầm thực hiện mưu lược trước đây của thầy Đặng “thao quang dưỡng hối” để rồi tìm cách xoay chuyển cục diện để được tụng ca là một chính nhân quân tử đó sao? Thậm chí những ngòi bút hùng hổ kia còn tạo dựng một mộng mị mới về con ếch tự thổi mình to lên thành con bò trong truyện ngụ ngôn La Fontaine, để dám cả gan nói rằng sẽ có “một Trường Chinh của Đại hội 6 năm xưa” trong Đại hội 13 sắp tới. Điều này thì trong Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 69 cũng đã dẫn ngụ ngôn La Fontaine về chuột nhắt ranh mãnh cứu được sư tử nhưng chuột nhắt vẫn chỉ là chuột nhắt, sư tử vẫn là sư tử. Chuột nhắt không thể “tự diễn biến” thành sư tử được cũng như không thể đánh lộn sòng kẻ tiểu nhân với người quân tử rồi biến kẻ tiểu nhân thành quân tử một cách lố bịch!

Điều ấy chẳng có gì mới. Ông cha ta đã từng vạch rõ sự khác biệt này để răn dạy đạo làm người: “Quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ”. Đây là lời của Nguyễn Trực thế kỷ XV, người được ghi danh đầu tiên trên bia đá đề danh Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám, và là một “lưỡng quốc Trạng nguyên”, đã viết trong bài Văn sách thi Đình của ông.

Phải chăng thực trạng xã hội ta đang sống cần một lý giải thật tường minh về lẽ thịnh suy để hiểu sâu lời răn dạy của ông cha trong một khẳng định mang tính đúc kết “đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh”? Phải rạch ròi vì “nước với lửa”, “thơm và thối” không thể “cùng chứa trong một rọ”, cùng đựng trong một bình, để rồi nhập nhèm với luận điệu đừng làm vỡ bình để níu giữ cái quyền lực đang rệu rã cần phải cáo chung.

Điều đó không mâu thuẫn với nhận thức rõ về sự đúc kết của ông cha ta trước đây sáu thế kỷ đang cần phải bổ sung bởi những biến đổi của thời đại. Trong cuốn sách nổi tiếng Sự Kết thúc của Quyền lực (the End of Power), tác giả đã chỉ ra rằng “quyền lực đang thối nát” và đang trải qua một sự “đột biến” rất cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức đầy đủ”. Moises Naim giải thích rằng đó là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Dịch chuyển từ cơ bắp sang trí tuệ, từ phương Tây sang phương Đông, từ những nhà cai trị độc tài sang người dân, từ những tập đoàn lớn sang những công ty khởi nghiệp nhỏ. Mà vì vậy, hiểu quyền lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào là chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21.

Tác giả dự đoán tương lai còn nhiều bất trắc hơn, qua bầu cử, trưng cầu dân ý, cạnh tranh quyền lực, phân chia lại quyền lực, từ những chủ thể cũ sang những đối thủ cạnh tranh mới. Và rồi Moises Naim lập luận rằng trong kỷ nguyên “hậu bá quyền” (post-hegemonic era) “không một quốc gia nào có đủ khả năng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác một cách tuyệt đối và lâu dài. Sự kiện Hồng Kông là một minh chứng sống động cho sự thật nghiệt ngã đó. Và đó cũng là một điểm tựa về lý luận để đẩy tới cuộc đấu tranh chống lại mọi thủ đoạn của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Tập Cận Bình, vạch trần những toan tính của những kẻ cố bám giữ quyền lực gắn với lợi ích bẩn thỉu của chúng đang cam tâm cúi đầu làm chư hầu của Bắc Kinh mà ngoan cố duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ theo mô hình của Tập. Và đây cũng là điểm tựa về nhận thức nhằm đẩy tới “làn sóng thoát Trung” đang ngày càng dâng cao. Đây chính là điểm quy chiếu để đoán định ai là “quân tử”, ai là “tiểu nhân” mà ông cha ta răn dạy. Phải đập vỡ cái bình đang chất chứa những tham vọng quyền lực bât chấp mọi thủ đoạn trong cuộc thanh toán đối thủ nhằm leo lên cái ghế cao nhất, biến nhân dân thành vật lót đường cho những toan tính bẩn thỉu ấy.

Trước mắt tôi là hình ảnh cô Lam Ka Lo đang ngồi Thiền ngay trước mặt đám đông cảnh sát chống bạo động trong đêm tối. Cô được nhiều người gọi là gương mặt của phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong.

Cô nói: “Tôi dùng thiền, nhưng đó không phải cách duy nhất. Mọi người đều có thể phản đối sáng tạo và có ý nghĩa”. Vâng, mọi người đều có thể!

Ngày 16.6.2019
T. L.





No comments:

Post a Comment