Friday, June 21, 2019

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI DƯỚI THỜI TRUMP : TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC? (Brett McGurk - Foreign Afairs)




Brett McGurk  -  Foreign Afairs  
Đỗ Đặng Nhật Huy lược dịch

Trong bài phát biểu “Chính sách ngoại giao từ nguồn cội” tại Viện Claremont hôm 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn lời cựu Tổng thống John Quincy Adams để lý giải cho thứ “chủ nghĩa hiện thực” trong chính sách ngoại giao dưới thời Trump, thứ mà các chính quyền tiền nhiệm của George W. Bush và Barrack Obama không có. Năm 1821, ông Adams, khi ấy cũng là Ngoại trưởng, đã viết rằng Mỹ “không đi ra nước ngoài tìm quái vật để tiêu diệt. Mỹ là người bảo trợ cho tự do và độc lập của tất cả”.

Theo ông Pompeo, chính sách ngoại giao của Trump dựa trên truyền thống tốt đẹp này của thế hệ lập quốc Hoa Kỳ, nhấn mạnh “chủ nghĩa hiện thực, tự kiểm soát, và tôn trọng”. Pompeo cho rằng Trump “không có ý định dùng vũ lực để phổ biến mô hình Hoa Kỳ”. Thay vào đó, Trump muốn Hoa Kỳ trở thành một hình mẫu. Ông nói “Sự hấp dẫn khó cưỡng của mô hình Mỹ là thứ mà tôi quảng cáo hằng ngày”. Ông cũng trích dẫn lời tiên dự của Tổng Thống Geogre Washington rằng nền dân chủ Hoa Kỳ cuối cùng sẽ nhận được “sự tán thành, yêu mến, và đón nhận của mọi quốc gia vốn xa lạ với nó”.

Đây chính là mô hình ngoại giao mà chính quyền Trump cần, Pompeo nói. Chúng ta không đi tìm quái vật để tiêu diệt. Chúng ta cần làm mới mình ở nhà, và lãnh đạo thông qua làm “gương”.

Bài phát biểu của Pompeo, nếu bỏ qua một vài khiêu khích đảng phái, đã vạch rõ chính sách ngoại giao dựa trên chủ nghĩa hiện thực và cách tiếp cận “cẩn tắc” đối với lợi ích của Mỹ. Nó cho thấy Trump, một cách cẩn trọng, đã cố gắng hạn chế sự dàn trải sức mạnh ở nước ngoài. Ông nói: “Mỹ sẽ không còn phiêu lưu trong các cuộc chiến mù mờ về mục tiêu”. Tiếp tục trích dẫn lời Washington, ông nói Trump đang xây dựng các liên minh dựa trên “nhân bản và lợi ích” nhằm phục vụ các lợi ích cơ bản của Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Trump gần đây dường như không hề theo sát những “tiên đề” mà ông Pompeo vạch ra. Một sự trở về với chính sách ngoại giao “nguyên bản” của Hoa Kỳ sẽ rất được trông đợi, và sẽ nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng. Song, trên thực tế, đội ngũ Cố vấn An Ninh Quốc gia của Trump có vẻ như đang làm điều ngược lại.

Bài kiểm tra thực tế

Từ sau vụ 11/9, Washington đã theo đuổi những mục tiêu đối ngoại lớn khó có thể được đáp ứng được bởi bất kỳ mức độ đầu tư hợp lý nào, chứ đừng nói đến một mức độ mà người dân Mỹ có thể chấp nhận. Tổng thống Bush (con) tiến hành các cuộc chiến với mục tiêu ban đầu cụ thể (lật đổ Taliban ở Afghanistan và Sadam Hussein ở Iraq) nhưng rồi lún sâu vào chiến dịch kéo dài nhằm “dân chủ hóa” những xã hội mà các nhà làm chính sách Hoa Kỳ ban đầu không hề hiểu rõ. Ngày nay, tuy Iraq có thể được xem là một thành công, song ít có người Mỹ nào cho rằng cái giá phải trả là xứng đáng. Tổng thống Obama đặt ra một mục tiêu tham vọng – “thay đổi chế độ” – ở Syria và Libya mà không hề cân nhắc kỹ lưỡng bước đi, cái giá phải trả, và quan trọng nhất, là tương lai của các nước này. Ngày nay, Bashar al-Assad vẫn là Tổng thống Syria còn Libya trở thành một đống hỗn độn.

Nghe Pompeo nói, người ta có thể cho rằng Hoa Kỳ đã hoàn thành các mục tiêu lớn về “thay đổi chế độ” và biến đổi xã hội. Bài phát biểu của ông cho rằng đã đến lúc Mỹ kiểm soát những tiềm năng của mình và chuẩn bị cho thời kỳ cạnh tranh nước lớn chống lại Nga và Trung Quốc. Không như sếp của ông, Pompeo không hề e ngại khi thẳng thắn: “Chế độ Putin thẳng tay giết hại những người chống đối và xâm lược các nước láng giềng” và “Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giam cầm hơn 1 triệu người Hồi Giáo Trung Quốc trong các trại lao động, cũng như sử dụng ép buộc và tham nhũng như là công cụ chính trong chính sách đối ngoại”. Ông cho rằng hai nước này “có ý định làm xói mòn quyền lực Hoa Kỳ” và rằng Washington không nên “xa rời thực tế” khi đối phó hai nước này.

Nhưng sự nhấn mạnh chủ nghĩa hiện thực và kiềm chế này lại không hề phản ánh chính sách đối ngoại của ông Trump. Trump có thể không hề hay biết rằng kể từ khi John Bolton trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia vào năm ngoái, chính quyền của ông đang dần trở lại với con đường “thay đổi chế độ”, lần này là ở tận ba nơi: Venezuela, Syria và Iran.

Ở Venezuela, chính quyền đặt mục tiêu cho một kế hoạch một mất một còn – lật đổ Maduro (Maduro must go) – mà không hề có một kế hoạch xác đáng nào ngoại trừ cấm vận và vài dòng tweet. Cấm vận là công cụ hiệu quả nếu thực hiện các mục tiêu chính trị hạn chế, nhưng chưa bao giờ thành công trong việc “thay đổi chế độ”. Với mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi ngày Maduro còn nắm quyền, Mỹ càng trở nên mất uy tín, đặc biệt khi so với Nga và Trung Quốc, những người bảo trợ cho Maduro. Cái mà Nhà Trắng cho là một mục tiêu dễ dàng giờ đây trông như một cuộc đấu tranh kéo dài, với rất ít cơ hội cho Washington. Tháng trước, ông Pompeo đe dọa can thiệp bằng quân đội nếu Maduro từ chối từ chức; nhưng ở viện Claremont, ông không hề nhắc đến Venezuela, còn Trump được cho là không còn mặn mà với kế hoạch thay đổi chế độ ở Venezuela.

Ở Syria, mục tiêu của Mỹ đang trở nên quá lớn và vô lý, nếu xét việc Washington đầu tư ít cho mục tiêu này trong khi ông Trump lại liên tục tỏ ý “rút lui toàn bộ” khỏi Syria. Các quan chức Mỹ gần đây xác nhận rằng mục đích của Mỹ ở Syria bao gồm loại bỏ “mọi lực lượng do Iran lãnh đạo” và hoàn thành một tiến trình chính trị không ồn ào nhằm buộc tội ông Assad. Cả hai mục tiêu đều khó đạt được trên thực tế, kể cả khi huy động một lực lượng quân đội lớn đến Syria – điều mà Washington sẽ không làm.  Do đó ông Trump đang làm lợi cho chính Trung Quốc và Nga.

Còn ở Iran, chính quyền Trump thậm chí không có được một đường hướng thống nhất. Pompeo từng  tuyên bố muốn Iran trở thành một “đất nước bình thường” và đưa ra 12 yêu cầu đối với Iran (sau đó bổ sung thêm yêu cầu thứ 13) mà không một chuyên gia nào trông đợi Iran có thể hoàn thành. Còn Bolton vào tháng trước cảnh báo lãnh tụ Khamenei, ngay sau cuộc kỉ niệm 40 năm Cách mạng Iran, rằng “ông ta sẽ không còn nhiều dịp kỷ niệm nữa để tận hưởng”. Trái lại, Trump ngỏ lời muốn thiết lập đường dây điện đàm với các lãnh đạo Iran và được cho là đã trao cho Iran một số điện thoại riêng của Nhà Trắng thông qua Thụy Sĩ. Với việc dường như không ai đảm trách chính vấn đề Iran, kết quả thấy được là một chính sách cấm vận không nhận được ủng hộ từ các đồng minh, một “đường dẫn” không rõ ràng để Iran ngồi vào bàn đàm phán; bởi vì không ai, kể cả người Iran, biết họ sẽ đàm phán về cái gì. Khi không có triển vọng đàm phán, việc nâng cao áp lực trở thành mục tiêu chính, dẫn tới các nỗ lực chống lại các áp lực đó từ Iran và thậm chí nguy cơ xung đột.

Sự đồng thuận mới ?

Trump không thích bị xem là yếu đuối, nhưng đó chính là điều mà chính sách ngoại giao của ông mang lại vào lúc này. Trong một cuộc trao đổi gần đây, cựu Ngoại trưởng Geogre Shultz, một cựu Thủy quân Lục chiến 98 tuổi, nói: “Khi tôi được giao súng, quy định đầu tiên là không được chĩa súng vào ai nếu không sẵn sàng bắn”. Bài học này khi áp dụng vào đại chiến lược là ngưng đề ra các mục tiêu quốc gia mà ta không có khả năng hoặc không muốn thực hiện.

Chiến lược tốt đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải biết chọn lựa các mục tiêu, gắn với nguồn lực sẵn có, và xây dựng ý tưởng nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực đó. Nhìn từ tiêu chuẩn này, chính sách ngoại giao của Mỹ đến thời điểm này là “phi chiến lược”, khi nó liên tục đề ra các mục tiêu khó có thể đạt được. Kết quả là chiến thuật ngắn hạn phải thế chỗ cho chiến lược dài hạn.

Nhiều nhà quan sát Mỹ cho rằng thế giới sẽ tốt hơn nhiều nếu Maduro, Assad và Khamenei được thay thế bởi những người “thân thiện” với Mỹ hơn. Song, hy vọng vào một sự thay thế như vậy là rất khác so với việc đưa hy vọng đó trở thành chính sách quốc gia và hành động mù quáng để thực thi nó. Chính sách “thay đổi chế độ” là vô cùng tốn kém, kéo dài, và bất định. Nó hiếm khi hoàn thành mục tiêu đề ra, và nếu có, thì cũng phải trả giá rất đắt.

Người dân Mỹ dường như rất sáng suốt trong vấn đề này. Trump, cũng như Obama, ra tranh cử với lời hứa hạn chế can thiệp quốc tế, và chẳng có ứng viên Dân chủ nào vào năm 2020 tới đây nhấn mạnh “thay đổi chế độ” hay can thiệp quân sự ở nước ngoài. Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Phát triển Hoa Kỳ cho thấy mặc dù người Mỹ không theo chủ nghĩa biệt lập, họ muốn các nhà lãnh đạo tập trung vào việc xây dựng đất nước và “can dự có kiểm soát” trên toàn cầu. Một công thức như vậy là rất “ăn khớp” với bài phát biểu của ông Pompeo, mặc dù nó tương phản với cách chính quyền Trump đang thể hiện hàng ngày.

Trong “Bức điện dài” nổi tiếng gửi từ Moskva vào năm 1947, George Kennan đặc biệt nhấn mạnh “nội tình” của cả Mỹ và Liên Xô để làm rõ chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô. Để các chiến lược quốc tế thành công, ông viết, chúng phải dựa trên “điểm gặp nhau giữa các chính sách đối nội và đối ngoại”. Sự thành và bại của một chiến lược quốc tế “dựa trên sức khỏe và khí lực của xã hội chúng ta”.

Nội dung bài phát biểu của ông Pompeo – một chính sách đối ngoại dưa trên sự khiêm nhường và tự kiểm soát – dù trái với ý định của Pompeo, có thể sẽ hướng tới sự đồng thuận lưỡng đảng mới về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Đây chính là điểm “tương giao” giữa chính sách đối nội và đối ngoại: một đường lối dựa trên xây dựng sức mạnh trong nước, cân bằng giữa phương tiện và mục tiêu, thận trọng khi dùng vũ lực, và thắt chặt quan hệ với các đồng minh cùng đối phó với Nga và Trung Quốc. Ông Trump và các cộng sự luôn cho rằng mình là người bảo vệ của chính sách này, nhưng ông dường như đang mất kiểm soát đối với đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia, còn những dòng tweet ngẫu hứng của ông cùng với sự thiếu thảo luận hoặc quy trình chiến lược khiến cho một chính sách nhất quán trở nên xa vời. Kết quả là các đối thủ của Washington đang ngày một tự tin, còn các đồng minh thì bối rối, các liên minh chao đảo, và “sức khỏe và khí lực” của Mỹ thì suy giảm từng ngày.

Chính sách ngoại giao của Trump đến lúc này là một sự hỗn loạn, không phải sự thận trọng và tự kiểm soát như Pompeo vạch ra và được đông đảo người dân Mỹ yêu cầu. Sẽ là cơ hội lớn cho những ai muốn tranh cử tổng thống vào năm 2020 nếu họ thách thức chính sách đối ngoại của Trump và nắm bắt lấy sự đồng thuận đang lên này, đồng thời vạch ra một vai trò sáng suốt hơn cho Hoa Kỳ trên trường quốc tế, theo đúng lời của Pompeo: “hiện thực, tự kiểm soát, và tôn trọng”.

Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ có thể hợp tác trên sự đồng thuận ấy. Và nếu họ thành công, nước Mỹ sẽ là rất mạnh.

*
Brett McGurk là giảng viên tại Đại học Stanford và là một nhà ngoại giao kì cựu. Ông từng là Đặc phái viên của cả hai Tổng thống Obama và Trump tại Liên minh Quân sự Quốc tế chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIL, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng về các vấn đề Iran và Iraq, và là Cố vấn đặc biệt cho Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama.

Nguồn: Brett McGurk, “American Foreign Policy Adrift”, Foreign Affairs, 05/06/2019.






No comments:

Post a Comment