Sunday, June 23, 2019

CÁI ÔM CUỐI CÙNG (Phạm Đoan Trang)





Là cái ôm này của tôi với bác - nhà giáo Phạm Toàn, người trí thức đáng kính của phong trào dân chủ Việt Nam, ông giáo già vui tính của hàng nghìn học sinh-sinh viên qua nhiều thế hệ, dịch giả tài hoa của “Nền dân trị Mỹ” và nhiều tác phẩm khác, đồng sáng lập viên - biên tập viên - nhà báo độc lập xuất sắc của Bauxite Việt Nam, nhà cải cách giáo dục tiên phong với nhóm Cánh Buồm...

Tôi chẳng bao giờ nói đủ, viết đủ về bác. Có vài lần tôi “gạ” bác viết hồi ký, vì tôi thấy sẽ quá phí phạm nếu một con người như bác mất đi, đem theo vô vàn ký ức và trải nghiệm của dân tộc. Chẳng hạn như bác từng là một trong những học sinh ở lại thủ đô chiến đấu giáp lá cà với lính Pháp trong 60 ngày đêm của Hà Nội năm 1946. Bác có lẽ cũng là nhà văn-dịch giả duy nhất “sống sót” qua các đợt thanh trừng văn nghệ sĩ trí thức mang tên Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại. Bác từng trải qua những năm tháng cô đơn tuyệt đối, khi mà “bạn bè xung quanh bị bắt đi tù sạch, còn trơ lại mỗi mình”. Chán đời, tuyệt vọng, Phạm Toàn uống thuốc ngủ tự tử nhưng không chết, có thể do thuốc ngủ... rởm. Không thể tưởng tượng một con người vui vẻ, tràn ngập tình yêu như thế lại có lúc tự tử.

Sau những năm tháng dạy học trên miền núi, Phạm Toàn trở về thủ đô, tiếp tục sự nghiệp trồng người. Thời bao cấp, “thầy Toàn” cũng làm đủ nghề để sống như ai, từ nuôi lợn, nấu sữa đậu nành, đến đọc sách thuê ở thư viện (đọc rồi tóm tắt lại, viết vào một mẩu giấy gắn vào sách để các độc giả được biết sơ nội dung sách trước khi mượn). Chiều chiều, đi làm về, ông lại cởi trần quần đùi, ôm đàn guitar chơi hết “Suối Mơ”, “Thiên Thai” đến Serenade... Cả khu tập thể trố mắt. Trong bối cảnh cả nước mặc đồng phục thì sống một cách lãng tử như nghệ sĩ thế là “dị” lắm.

Năm 2007, ở tuổi 75, ông là dịch giả của cuốn sách đồ sộ ngàn trang “Democracy in America” mà để xuất bản được, ông đã khéo léo chuyển ngữ từ “Democracy” (dân chủ) thành “dân trị”, tuy không hoàn toàn đồng nghĩa với “dân chủ” nhưng vẫn đúng bản chất của khái niệm này và mở ra nhiều hàm ý mới cho phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam.

Ở tuổi 77, ông sáng lập nhóm Cánh Buồm. Gọi là “nhóm” nhưng tính tổ chức, nhóm hội không phải là một đặc điểm quan trọng của nó. Cánh Buồm thực chất đại diện cho một đường lối giáo dục mới, một phương pháp mới nhằm giúp học sinh tự tổ chức việc học của mình, tự học, tự tư duy và tóm lại, thoát khỏi nền giáo dục nhồi sọ để thành người.

Cũng năm ấy (2009), ông sáng lập và là một trong các biên tập viên, cây bút chính của Bauxite Việt Nam   - trang web đầu tiên kết nối trí thức người Việt trong và ngoài nước trong nỗ lực phản biện chính sách, mở mang quan trí, dân trí. Thời đó ở Việt Nam, Facebook chưa phổ biến; Bauxite Việt Nam cùng với Ba Sàm là hai trang báo độc lập hiếm hoi với lượng view có lúc lên tới 1 triệu/ngày.

Bây giờ các blogger hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam hay nói tới chuyện “làm truyền thông” trên nền Facebook và YouTube. Ít người biết rằng thời 2009-2010, ông giáo Phạm Toàn đã là một nhà báo độc lập cực kỳ xuất sắc; một mình ông gần như dẫn dắt chiến dịch truyền thông về vụ án của TS. Luật Cù Huy Hà Vũ.

Ông luôn nhanh nhạy, đi trước thời đại, tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Chính ông chứ không ai khác, là người nói với tôi vào cuối năm 2011 rằng “phải tìm cách quốc tế hoá cuộc chiến đấu này cháu ạ, làm báo cáo tố cáo chúng nó, gửi Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác. Chứ nếu chỉ dựa vào nội lực trong nước, chúng nó chả sợ đâu”.

Năm 2009, tôi bị bắt giam 9 ngày. Bây giờ nhìn lại thì thấy chuyện chẳng có gì, nhưng khi đó, với tôi, nó là một biến cố khủng khiếp, làm toàn bộ thế giới của tôi trước đó sụp đổ. Tôi cũng trải nghiệm trạng thái cô đơn tuyệt đối như bác Toàn năm nào: Nhiều đồng nghiệp nhìn thấy tôi là bỏ chạy từ xa, cắt hết liên lạc điện thoại, email... Giới hoạt động dân chủ ngày đó cũng không mấy người để ý đến tôi - một phóng viên lề phải bị công an bắt trong một vụ việc đầy mập mờ, bưng bít.

Dù sao, trong những ngày tháng đen tối ấy, vẫn có những người không bỏ rơi tôi, và một trong số đó là bác Phạm Toàn. Tôi đến gặp ông, run run, lo sợ. Sợ ông xem thường, sợ ông bận quá chẳng có thời gian tiếp tôi. Suy cho cùng thì tôi là ai chứ, chỉ là một phóng viên quèn, và giả sử có bị tù luôn chăng nữa thì cũng chỉ là một trong hàng trăm người dân thấp cổ bé họng đi tù ở đất nước này vì đã làm điều gì đó khiến nhà cầm quyền không hài lòng. (Mà điều gì thì cũng chẳng ai biết).

Nhìn thấy tôi, ông ôm choàng tôi vào lòng, xoa đầu, vỗ vào lưng mấy cái: “Con chó con. Con chó con nhé”. Trong đời, tôi chưa nghe ai nói những lời ấy một cách âu yếm, đầy yêu thương lại hóm hỉnh như vậy. Nhưng có nghĩa là ông biết tôi từ trước khi tôi tới gặp ông, và kể cả không biết thì cách đối xử của ông cũng đầy ấm áp đến mức tôi quên hết mặc cảm và sợ hãi.

Tình bạn vong niên giữa ông giáo già và “con chó con” bắt đầu từ đó, tháng 11/2009. Mười năm qua là bao nhiêu biến động, nhưng tôi luôn có bác. Hai năm ở nước ngoài, tôi luôn lo sợ có chuyện gì xảy ra với bác; có ba người khiến tôi canh cánh lo nhất suốt thời gian hai năm đó là “mẹ, bác Toàn, và chú Bạt”.

Đôi khi tôi thấy mình giống bác Toàn một cách kỳ lạ, gần như giống đủ thứ, trừ chuyện giới tính và một điểm nữa là làm gì, tôi cũng thua xa bác - một người chưa từng có bằng đại học. Tôi chỉ biết mỗi tiếng Anh, thêm chút xíu tiếng Tây Ban Nha (đủ để hát), còn bác sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi chật vật chơi guitar không xong trong khi bác chơi cả piano, violin, guitar và mandoline. Bác dịch, viết cả triết học, chính trị, tâm lý học lẫn thơ văn, kịch... còn “con chó con” chỉ loay hoay với những thứ kiến thức bình dân kiểu “for dummies”, chẳng bao giờ viết hay dịch nổi câu thơ nào.

Con người tài năng, tài hoa là thế nhưng vô cùng khiêm nhường. Mỗi lần tôi đề nghị bác viết hồi ký, bác lại đáp trả bằng một cái lườm: “Thôi, không có hồi ký hồi kiếc gì cả, người ta cười cho”. Bị gạ quá, bác lại thoái thác kiểu: “Ừ thì để khi nào tao làm xong hết bộ sách Cánh Buồm từ lớp 1 đến lớp 12 đã, để hết việc đã”. Mà bác thì có bao giờ hết việc. Phạm Toàn chính xác là một con nghiện công việc (workaholic); ông làm việc mười mấy tiếng mỗi ngày, với một niềm yêu thích, say mê như trẻ con xem tivi (và bây giờ là Ipad) vậy.

Đôi khi tôi phải tự hỏi, nền giáo dục thời Pháp thuộc có điều gì khiến nó tạo ra cả một thế hệ những trí thức như vậy? Và tôi cũng nhận thấy một khoảng đứt gãy rất lớn từ thế hệ của bác đến chúng tôi bây giờ...

Khi tôi phục xuống bên giường ông, ông ôm lấy tôi. Căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khiến ông yếu quá rồi, không nhận ra tôi nữa. Khi mọi người nhắc: “Đoan Trang về thăm ông Toàn kìa”, mắt ông sáng lên, rồi ông cau mặt lại: “Về làm gì. Nguy hiểm. ‘Nó’ bắt thì sao?”.

“Thì kệ nó”. Tôi ôm lấy ông và khóc nức lên. Con người mà cả đời chỉ biết thương yêu và bảo vệ, nâng đỡ người khác, con người mà cả đời làm việc và cống hiến với một niềm đam mê nồng nhiệt, con người mà cả đời đi tiên phong và không hề biết nịnh, biết sợ cường quyền... Con sư tử của một thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng...







No comments:

Post a Comment