Friday, June 28, 2019

BẢN TIN NGÀY 28-6-2019 (Báo Tiếng Dân)





28/06/2019

Bài Mới Nhất

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

28/06/2019

27/06/2019

*

Bản tin ngày 28-6-2019

Tin Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Nhật tiếp tục thể hiện vai trò ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Phát biểu với báo giới Nhật khi tới Osaka dự hội nghị thượng đỉnh G20, ông Phúc nói: “Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Nhật Bản vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông thời gian qua, đồng thời tin rằng Nhật tiếp tục thể hiện vai trò trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Cũng may là Nhật chưa nhờ chính phủ ông Phúc giúp bảo vệ biển Hoa Đông của Nhật (cũng đang bị Trung Quốc làm mưa làm gió), dù thời gian qua Nhật đã giúp VN bảo vệ biển Đông. Lâu nay, ông Phúc nổi tiếng là “ăn xin”, nhất là khi ông ta đề nghị Ngân hàng Thế giới tìm nguồn tài trợ không hoàn lại cho VN. Bây giờ ông Phúc còn nhờ người khác làm hộ chuyện mà mình không làm được, là bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ đất nước mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Shinzo Abe của Nhật tại Thượng đỉnh G20. Photo: VGP

Trong khi biện hộ và bênh vực Trung Quốc, ông Duterte thách Mỹ, Anh, Pháp phản đối Trung Quốc ở Biển Đông, theo báo Tuổi Trẻ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng, Mỹ đã không làm gì ngay cả khi biết kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông: “Chúng ta không thể cấm họ (Trung Quốc) vì họ khăng khăng tuyên bố rằng Biển Đông là của họ”.

Ông Duterte nói thêm: “Đây là thách thức của tôi, Mỹ, Anh, Pháp, chúng ta hãy tập hợp tại Palawan và hành động”. Mỹ vẫn đều đặn thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, Anh và Pháp gần đây cũng đưa tàu đến Biển Đông. Có những chuyện Philippines và Việt Nam phải nỗ lực, thay vì “thách thức” hay nhờ vả các nước không có quyền lợi trực tiếp ở khu vực này.

Dù vậy, ông Duterte cải chính, nói không cho tàu Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển Philippines, báo Thanh Niên đưa tin. Theo bài viết, vụ cải chính này là do áp lực từ chính quyền của ông. Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio phát biểu: “Không quan chức chính phủ nào có thể từ bỏ chủ quyền mà không được sự chấp thuận của nhân dân”, khi trước đó ông Duterte nói rằng vẫn để Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Giải mã lực lượng tàu ‘bí mật’ của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Gregory Poling, GĐ Chương trình AMTI, thuộc Trung tâm CSIS, nhận định, Trung Quốc đang tổ chức một lực lượng hải quân bí mật xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Polling cho biết: “Hình ảnh vệ tinh thường xuyên cho thấy các tàu dành gần như toàn bộ thời gian neo đậu, thường là trong các cụm lớn. Đây là sự thật, cho dù các tàu này ở trong đầm phá tại đá Xu Bi và đá Vành Khăn hay lảng vảng ở những nơi khác trong Trường Sa đi nữa”.

VOA đặt câu hỏi: Tàu mang cờ Singapore đâm chìm tàu cá Việt Nam rồi bỏ chạy? Một tàu cá của ngư dân Cà Mau đã bị đâm chìm trong vùng Vịnh Thái Lan vào ngày 22/6. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau xác nhận, tin tàu cá CM99596-TS đã bị đâm chìm khi đang hoạt động tại một địa điểm cách đảo Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau khoảng 70 hải lý về hướng Tây-Nam. “Thủ phạm đâm tàu là tàu hàng OCEAN UNICORN, số hiệu 9388780, mang cờ Singapore, đã bỏ chạy về hướng biển Thái Lan”.


Thủ tướng vui vì dân Việt được sang Nhật làm thuê

Báo Nikkei của Nhật dẫn lời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói,Thủ Tướng VN hoan nghênh visa lao động mới của Nhật Bản, VOA đưa tin. Hai nước dự kiến sẽ ký một thỏa thuận, để phía Nhật nhận người lao động Việt Nam qua chương trình visa lao động mới. Đưa dân Việt qua Nhật lao động phổ thông mà Thủ tướng Phúc cho rằng đây là lĩnh vực “đầy hứa hẹn”!

Báo Lao Động có bài: Thủ tướng nói về chính sách mở cửa với lao động Việt Nam của Nhật Bản. Ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hiện nay đạt trên 300.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh”, nhưng ông Phúc chưa thấy thế là đủ và mong muốn Nhật Bản tiếp nhận thêm nhiều người VN nữa.

Trước con số 300.000 người lưu lạc xứ người để kiếm sống, phải làm việc vất vả và sinh hoạt trong các không gian chật hẹp để có tiền gửi về VN, một số người trăn trở, nghĩ xem vì sao người VN ngày càng “rẻ”. Còn ông Phúc thì chỉ muốn có thêm nhiều người sang đó hơn nữa, để thống kê về số người thu nhập thấp ở VN giảm xuống và nhất là những người lao động này gửi ngoại tệ về Việt Nam.


Người Tàu ở Nha Trang

Báo Một Thế Giới dẫn lời lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang: Sẽ cưỡng chế các showroom xây dựng trái phép đón khách Trung Quốc. Cụ thể, UBND xã này đã có “văn bản trả lời cử tri, cho biết sẽ lập kế hoạch cưỡng chế các showroom xây dựng trái phép phục vụ khách Trung Quốc trên đại lộ Nguyễn Tất Thành và trình UBND TP.Nha Trang phê duyệt sau khi UBND tỉnh có quyết định xử lý”.

Bài báo cho biết, “các showroom này có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, ngang nhiên mọc lên và đi vào hoạt động, đón khách Trung Quốc nhưng không bị ngăn chặn ngay từ đầu”. Hàng ngàn mét vuông được dựng lên ở thanh thiên bạch nhật, nhưng ngay từ đầu, chính quyền địa phương đã không phát hiện, bây giờ mới phát hiện để cưỡng chế?


PTT Trương Hòa Bình mị dân, Chủ tịch Chung chém gió

VnExpress đưa tin: Phó thủ tướng kêu gọi ‘toàn xã hội lên án hành vi đưa, nhận hối lộ’. Ông Trương Hòa Bình thừa nhận tình trạng tham nhũng “tràn lan hiện nay do những cán bộ, công chức có phẩm chất không tốt; và một nguyên nhân khác là thói quen đưa hối lộ, lót tay vẫn còn tồn tại trong xã hội” và kêu gọi “toàn xã hội phát động phong trào lên án hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát động chống tham nhũng vặt. Ảnh: TP

Phó Thủ tướng phát động “phong trào” chống tham nhũng trong dân, trong khi những kẻ tham nhũng vẫn đang ngồi ghế lãnh đạo. Khi bị người dân tố cáo, sẽ bị chúng điều động an ninh đi sách nhiễu, đàn áp chính những người tố cáo, chúng bịt miệng báo chí, sau đó chúng còn được tòa án bao che, không xử tới nơi tới chốn?

Đất nước muốn thoát khỏi tham nhũng, cần có tam quyền phân lập, có tòa án độc lập, xử lý các vụ tham nhũng của các quan chức chính phủ và nhất là phải có báo chí tự do để phanh phui những vụ tham nhũng. Còn với cơ chế hiện tại, không tam quyền phân lập, không có tự do báo chí, hành pháp cấu kết với tư pháp, chính phủ tham nhũng, tòa án xử theo án bỏ túi, thì chống tham nhũng tới Tết Công-gô, cũng không bao giờ hết tham nhũng. Hãy trao quyền thật sự cho dân, thay vì phát động mấy cái “phong trào” chống tham nhũng vô nghĩa này.

Người dân có thể tố cáo, nhưng rồi những kẻ nhận hối lộ đôi khi không bị bắt, lại bắt người tố cáo?! Có ngay đây: ‘Dân đang chờ kết quả xử lý thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ’, theo Zing. Người dân đang chờ xem vụ này sẽ được xử lý ra sao. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thừa nhận, “số liệu bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu cá nhân đã bị xử lý, xử lý như thế nào nếu không tiếp công dân đúng quy định hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu thì không nêu ra được”.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chém gió: Hà Nội: Từng bước xây dựng văn hóa không tham nhũng trong xã hội, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Đáp lại, dân hỏi ông Chung: Mỹ Đức: Ai ‘bảo kê’ cho các lò gạch hoạt động trái phép? (kỳ 1). Ông Nguyễn Quang Tú,  Trưởng thôn Bình Lạng cho biết: “Dân đã kêu nhiều rồi, kêu lên xã, lên huyện rồi…Nhưng dân chúng tôi không có quyền gì, đã làm đơn ra huyện thì các ông lại bảo rút về”.


“Giang hồ” Alibaba: Ai “bảo kê” mà chưa bắt được?

Báo Một Thế Giới dẫn lời Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba trong video mới: ‘CEO Nguyễn Thái Luyện bị bắt hoặc chết thì Địa ốc Alibaba sẽ ra sao?’ Sau vụ phát ngôn khẳng định “người học ngu làm công an hoặc chủ tịch xã”, ông Luyện lại tiếp tục làm video, trong đó tuyên bố: “Những người ghét Alibaba chỉ có công ty đối thủ thôi. Những công ty đối thủ, họ làm không tốt. Chỉ có những anh chị phóng viên xấu, họ mới ghét công ty mình, còn những người tốt không ai ghét cả… Họ đại diện cho cái xấu, không thể nào tiêu diệt được cái tốt”.

Mặc dù lần này ông Luyện không nói thẳng như lần trước, nhưng câu từ đã có ý ám chỉ tất cả những người ngáng đường ông ta, trong đó có công an và chính quyền TP Bà Rịa – Vũng Tàu, là người xấu. Tài khoản Youtube Địa ốc Alibaba có clip ghi lại các phát ngôn mới nói trên của ông Luyện. Xem clip, có thể thấy ông Luyện vẫn rất thản nhiên, tự tin: https://youtu.be/6CpY4UXt8AU

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Dư luận chờ “ngày tàn” của CEO Công ty CP Địa ốc Alibaba đến mức nào? Theo bài viết, không ít độc giả của báo này cho rằng, ông Luyện quá xem thường pháp luật và chính quyền CSVN, ngang nhiên công kích những tay công an và chủ tịch xã, đồng thời làm dự án “ma” để thu hàng trăm tỉ của một số nhà đầu tư, nhưng đến bây giờ ông ta vẫn chưa bị “sờ gáy”.

Một độc giả chỉ ra, “chỉ có một công ty mà tác oai tác quái khắp nơi: TP HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận… sai phạm thì các luật sư đã chỉ rõ, cơ quan chức năng đã kết luận … Đề nghị Bộ Công an xử lý ngay”.

Chủ đất lấp đường nhựa, trồng sắn ở ‘khu dân cư Alibaba’ sắp bị cưỡng chế, VnExpress đưa tin. Lực lượng chức năng TP Bà Rịa – Vũng Tàu sắp cưỡng chế khu đất rộng gần 135.000 m2 ở xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ do ông Nguyễn Ngọc Sự (quê Hà Nội) đứng tên sở hữu được làm đường, xây bó vỉa, kéo điện rồi phân lô bán nền dưới danh nghĩa “dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”.

Bài báo cho biết, “hơn một năm qua, trong căn nhà rộng hàng trăm m2 được xây ở mặt tiền khu đất, hàng chục người mặc đồng phục địa ốc Alibaba túc trực dẫn người dân ở các địa phương đến xem, mua đất nền tấp nập”. Đây là nơi diễn ra vụ đụng độ giữa lực lượng cưỡng chế và nhân viên Công ty Alibaba.


Các vụ “ăn” đất

Chuyện ở Đắk Nông: Người dân bất lực đứng nhìn hàng ngàn cây công nghiệp cưỡng chế, theo trang Thương Hiệu và Pháp Luật. Vụ việc xảy ra vào ngày 11/6/2019, nhiều hộ dân ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong lên rẫy làm, thì phát hiện tại khu vực đất rẫy của mình “có rất nhiều xe của quân đội, cảnh sát và các cán bộ lãnh đạo xã Quảng Sơn và lãnh đạo huyện Đăk Glong đang thực hiện chặt phá hàng ngàn cây công nghiệp của mình”.

Mục đích của vụ cưỡng chế là để bàn giao đất cho công ty TNHH thủy điện Mê Kông II, làm quy hoạch dự án thủy điện Đăk N’Teng. Lực lượng cưỡng chế đã phá dỡ toàn bộ các cây công nghiệp trên khu đất. “Số lượng cây bị chặt phá lên đến hàng ngàn cây, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng”.

Vụ trắng tay vì dự án ‘ma’: Lấy luôn đất Nhà nước phân lô bán nền, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đó là  dự án “ma” phân lô bán nền tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM, do Công ty Angel Lina “vẽ” ra. Toàn khu vực rộng khoảng 9.600m2, “một phần đất được Công ty Angel Lina phân lô hiện đang được Công ty Dịch vụ công ích quận 12 sử dụng làm trạm trung chuyển rác của khu vực. Và một phần đất còn lại do gia đình bà Th. mượn của Nhà nước sử dụng nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Báo Pháp Luật Plus có bài: “Tác giả” 26 lô đất “ma” tại Quảng Xương được điều làm Phó GĐ Sở Ngoại vụ Thanh Hóa. Ông Nguyễn Văn Biện, GĐ Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa xác nhận, Sở đã nhận được thông báo của Tỉnh ủy về vụ điều động ông Trần Văn Công giữ chức PGĐ Sở Ngoại vụ.

Bài viết lưu ý, trong thời gian làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, ông Công đã để xảy ra nhiều sai phạm đất đai, khi ký quyết định cấp 26 lô đất ở xã Quảng Thái đứng tên 13 cán bộ và người thân.


Tin nhân quyền

Cựu luật sư phá hoại hội nghị APEC lãnh án 8 năm tù, VietNamNet đưa tin. Hôm qua, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Công Khải 8 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông  Khải vốn là công chứng viên, từ tháng 3/2017, ông Khải nhận được yêu cầu kết bạn từ Facebook “Kelly Triệu”, rủ tham gia vào tổ chức của “chú phỉnh” tự xưng Đào Minh Quân, một tay lừa bịp ở Mỹ.

Cáo trạng xác định, sau khi tham gia tổ chức trên, ông Khải “nhiệt tình” thực hiện “nhiệm vụ” do nhóm của Quân giao. Ông Khải còn “lôi kéo người khác tham gia vào tổ chức… cùng 3 đối tượng khác trò chuyện, bàn bạc việc thực hiện các hoạt động phá hoại hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam”.


***







No comments:

Post a Comment