Saturday, June 22, 2019

BẢN TIN NGÀY 22-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




22/06/2019

Tin Biển Đông

Bài viết sặc mùi tuyên truyền trên báo Đất Việt: Ngư dân liên kết trên biển, không ngán tàu Trung Quốc. Mục đích nhằm động viên ngư dân tiếp tục “ra khơi bám biển” thể hiện ngay từ đầu bài, sau một số vụ tàu Trung Quốc rượt đuổi hoặc đe dọa, cướp tài sản của các tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả cố tình không hiểu rằng Trung Quốc nước lớn, người đông, không thể so sánh ngư dân Việt với “dân quân biển” Trung Quốc về số lượng.

Hơn nữa, dù ngư dân Việt liên kết lại, hành nghề theo nhóm, thì vũ trang, khí tài của các tàu “dân quân biển” Trung Quốc, chắc chắn chiếm ưu thế hơn (trừ khi hải quân Việt Nam chấp nhận phát súng cho ngư dân VN). Lẽ ra các lực lượng cảnh sát biển hay tuần duyên VN phải nhận trách nhiệm “bám biển”, sao lại đẩy cho ngư dân?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo về hiểm họa trong yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, VnExpress đưa tin. Ông Duterte phát biểu về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông: “Tôi muốn hỏi Trung Quốc rằng chúng ta là bạn, nhưng việc Bắc Kinh tuyên bố quyền sở hữu cả một vùng biển có đúng đắn không”.

ASEAN bàn chuyện thương mại, biển Đông, theo báo Người Lao Động. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN dự kiến diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan trong hai ngày 22 và 23/6, trong đó chủ đề thương mại và biển Đông là nội dung đứng đầu chương trình nghị sự. Chuyện đàm phán COC và vụ tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines hôm 9/6, có khả năng cũng được mang ra thảo luận tại hội nghị này.

Tàu sân bay Mỹ và chiến hạm Nhật tiếp tục tập trận ở Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, tiếp tục tập trận chung ở Biển Đông lần thứ 2 chỉ trong vòng 10 ngày. Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản xác nhận thông tin này, nhưng không nói rõ địa điểm tập trận.

Trước đó, 2 tàu này đã tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 10-12/6. Sau đó, tàu JS Izumo cùng tàu khu trục JS Murasame cập cảng quốc tế Cam Ranh để thăm Việt Nam. Còn tàu USS Ronald Reagan tiến ra biển Philippines, nhưng rồi quay trở lại Biển Đông để tiếp tục tập trận với tàu JS Izumo, gần như đúng lúc có thông tin từ phía Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang triển khai tàu sân bay Liêu Ninh ra Biển Đông.


EVN lãi khủng, nhưng gạt và móc túi dân

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: EVN lãi hơn 6.800 tỉ đồng trong năm 2018. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, dài 24 trang, của EVN công bố, trong trang 10 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này là hơn 9.076 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 6.818 tỉ đồng.

Nhà báo Nguyễn Đức viết: Tập đoàn EVN lừa cả Nhân dân, Thủ tướng. “Tại kì họp Quốc hội tháng 6-2019, ĐBQH Dương Quang Thành- chủ tịch EVN báo cáo tập đoàn gặp nhiều khó khăn, lỗ… nên việc tăng giá điện là đúng quy định. Hồi tháng 3-2019, trước khi tăng giá các tổng, phó tổng EVN lên báo đài kêu than sẽ phá sản nếu không tăng giá điện. Vừa tăng giá điện, mấy ông EVN đã bỏ túi 20.000 tỉ đồng“.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của EVN. Ảnh chụp màn hình của nhà báo Nguyễn Đức

Báo Đất Việt có bài: EVN treo lại khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 7.707 tỷ đồng. Trong năm 2018, “EVN ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 7.700 tỷ đồng và phát sinh chi phí lãi vay gần 19.000 tỷ đồng. Các chi phí khác của EVN cũng đội lên nhiều so với năm 2017”. Như chi phí bán hàng năm 2018 hơn 6.700 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 13.300 tỷ đồng, tăng khoảng 10,2% so với năm 2017.

Phó Tổng giám đốc EVN chống chế: “EVN có số dư nợ vay rất lớn, vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn, để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai”. EVN kinh doanh điện độc quyền, bán điện giá cao, lại còn được Chính phủ và các bộ ngành ưu ái mà vẫn lỗ, thì nên để cho tư nhân làm.


Vụ thanh tra vòi tiền

Báo Đất Việt bàn về vụ thanh tra gặp khó ở Vĩnh Phúc: Nói ngược. Trước đó, khi đoàn thanh tra mới của Bộ Xây dựng tiếp tục về làm việc ở huyện Vĩnh Tường, thay thế cho đoàn thanh tra cũ đã bị bắt và khởi tố, cán bộ huyện này nói không còn hồ sơ để cung cấp cho đoàn thanh tra mới. Ông Vũ Đức Kim, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường lại bác bỏ thông tin này.

Theo đó, “mặc dù tài liệu, hồ sơ liên quan tới 29 xã thuộc diện thanh tra đã bị niêm phong, chuyển cho Công an tỉnh Vĩnh Phúc lưu giữ, song theo ông Kim mỗi một dự án phải có nhiều bộ hồ sơ, chứ không chỉ có một bộ”.

VTC dẫn lời LS Trần Xuân Tiền phân tích vụ khởi tố đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ: Bà Nguyễn Thị Kim Anh đối mặt mức án cao nhất 15 năm tù. LS Tiền phân tích: “Để xem xét trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, cần phải xác định rõ: đưa tiền để làm gì, để nhận được cái gì, có vòi tiền không… Những vấn đề này để chứng minh bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh có phải là nhận hối lộ hay không?”

Theo LS Tiền, “với hành vi nhận 68 triệu đồng của kế toán UBND xã Tân Tiến và 91,5 triệu đồng của công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, theo Điểm c Khoản 2 Điều 354 BLHS 2015, thì bà Kinh Anh nhận mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Sẽ công khai kết luận thanh tra ở Vĩnh Phúc. Bài báo cho biết: “Đoàn thanh tra mới với các thành viên từ cấp phó phòng trở lên, là đội ngũ thanh tra viên tinh nhuệ. Hiện tại, đoàn thanh tra tùy thuộc vào tình hình đi về trong ngày hoặc ở lại địa bàn… xem lại kết quả thanh tra cũ và tiến hành thanh tra vấn đề mới đoàn trước chưa làm” và sẽ sớm công khai với báo chí kết luận thanh tra.


Lời nói dối ở Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Báo Dân Việt có bài: Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị trần tình về “lùm xùm gian dối”. Vụ hội này bị tố cáo cung cấp thông tin khống của hơn 400 hài cốt liệt sĩ, ông Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, nói: “Nếu Bộ căn cứ cơ quan, đơn vị tỉnh Quảng Trị để khẳng định Hội báo cáo với Thủ tướng không đúng tại sao Bộ không cho đối thoại?… Đề nghị lãnh đạo Bộ đi thực tế, Hội sẽ trực tiếp chỉ rõ từng trường hợp mà Hội đã tìm kiếm”.

Ông Lê Xuân Tánh – Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Ngọc Vũ/ DV

Trước đó, đại tá Trần Ngọc Long, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 48 – Thạch Hãn, “đại diện Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 báo cáo với Thủ tướng đã thông tin, tìm kiếm, cất bốc hơn 400 hài cốt liệt sĩ, tuy nhiên thực tế không có hài cốt nào được tìm thấy”.

VOV đặt câu hỏi: Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị vi phạm về quản lý tài chính? Theo bài viết, ông Tánh không chỉ kê khống hơn 430 hài cốt liệt sĩ, mà còn dựa danh nghĩa Chủ tịch Hội để đi khắp nơi kêu gọi, vận động tài trợ, song việc chi tiêu đặt ra những thắc mắc. Ông Tánh và một số cá nhân khác “đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 1,8 tỷ đồng. Hơn 1 tỷ đồng trong số tiền này được chi phục vụ Đại hội với nhiều khoản chi khiến nhiều người nghi ngờ”.

Ông Nguyễn Minh Kỳ, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Việc báo cáo tìm kiếm, cất bốc, quy tập hơn 400 hài cốt liệt sĩ là điều phi lý. Thế thì ai là người báo cáo, ai là người quyết định đó là những người nói dối, là hoàn toàn dối trá. Ông Tánh làm văn bản xin lỗi Chính phủ thế sao được, phải có truy cứu trách nhiệm theo luật”.


Bất ổn ở các dự án khu đô thị, biệt thự

Dự án 110 biệt thự khu Nam Sài Gòn bị đình chỉ thi công, VnExpress đưa tin. Chiều 20/6, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thông báo về vụ sai phạm tại dự án Green Star Garden của Công ty Hưng Lộc Phát ở phường Phú Mỹ, quận 7. “Chủ đầu tư bị cho là sai phạm – chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã xây dựng”.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2018, nhưng đến ngày 22/5/2019, UBND quận 7 và thanh tra xây dựng mới lập biên bản sai phạm đối với chủ đầu tư và đình chỉ thi công. Nhưng phía Công ty Hưng Lộc Phát cho rằng, dự án được miễn giấy phép xây dựng bởi khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Võ Văn Hoan phân tích vụ xây ‘chui’ 110 biệt thự ở quận 7: Chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều sai. Ông Hoan nói, “về phía đơn vị quản lý, UBND quận 7 và Sở Xây dựng phối hợp, thỏa thuận chưa đạt thống nhất chung, thiếu quyết đoán, xử lý còn e dè khiến việc theo dõi, quản lý có sai sót”. Cho nên, UBND TP HCM giao cho UBND quận 7 và Sở Xây dựng “rà soát, kiểm điểm các cá nhân, đơn vị sai phạm, đề xuất hướng kỷ luật lên UBND TP trong thời gian sớm nhất”.

Trong mấy sai phạm liên quan đến biệt thự, khu đô thị, dân cư kiểu này, một số người bình luận: Nếu là người không có “ô dù” thì chỉ cần mang một bao xi măng không phép ra, đã bị cán bộ đến “hỏi chuyện”. Trong khi ở đây xây cả trăm căn biệt thự trái quy định từ giữa năm 2018, đến nay mới bị xử lý, thì chắc chắn phải có người “bảo kê”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: ‘Dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành’, vì sao phải bị cưỡng chế?  Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đã diễn ra vụ hàng chục nhân viên tập đoàn Alibaba chống cưỡng chế đất, xác nhận, đã ký quyết định cưỡng chế công trình, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tại 15 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 19 và 10, tọa lạc thôn Tân Tiến, xã Châu Pha.

Bài báo cho biết, đây là khu dân cư “lụi” rộng hơn 10 ha, “được làm đường nhựa, phân lô, trồng trụ điện. Mặt tiền dự án có một nhà tiền chế bằng khung sắt, tường bê tông và kính cường lực rộng hơn 500 m2”. UBND thị xã Phú Mỹ và UBND xã Châu Pha đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản đối với các vi phạm ở đây.

Chuyện ở Long An: Hàng loạt sai phạm tại các dự án xây dựng khu dân cư, theo báo Dân Trí. Đó là dự án Khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc – Hoàng Gia (HomeLand Gold) và Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường tại huyện Đức Hòa. Hai dự án này bị khách hàng phản ánh, có sự không minh bạch về pháp lý “và gài bẫy nhiều nhà đầu tư. Hiện, khách hàng tại hai dự án trên đã tiến hành gửi đơn kêu cứu đến UBND tỉnh Long An”.

Cụ thể, ở dự án Homeland Gold, “dù chưa được phép mở bán nhưng công ty Thiên Phúc đã ký nhiều hợp đồng chuyển nhượng cho người dân trái luật”. Còn tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường, “công tác kê biên bồi thường đất đai và tài sản gắn liền với đất cho người dân đã chậm tiến độ 3 tháng so với tiến độ ghi trong Quyết định chủ trương đầu tư”.



Cập nhật tin biểu tình ở Hồng Kông

Sáng 21/6/2019, hàng ngàn người dân Hồng Kông biểu tình, bao vây trụ sở cảnh sát, yêu cầu hủy bỏ dự luật dẫn độ, gây ra các cuộc xuống đường của người dân Hồng Kông lớn nhất từ trước tới nay.

Người Hồng Kông biểu tình vây quanh trụ sở cảnh sát. Ảnh: WP

Cũng hôm qua, bà Teresa Cheng, Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông đưa ra lời xin lỗi về dự luật. Bà Cheng viết trên website của Bộ Tư pháp Hồng Kông: “Liên quan đến những tranh cãi và tranh chấp trong xã hội phát sinh từ cuộc xung đột trong vài tháng qua, là thành viên của chính phủ, tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới tất cả mọi người ở Hong Kong. Chúng tôi hứa sẽ có một thái độ chân thành và khiêm tốn nhất để chấp nhận những lời chỉ trích và cải thiện cách phục vụ công chúng“.

Hôm 19/6/2019, mặc dù bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên bố tạm hoãn dự luật dẫn độ, hành động này nhưng vẫn không thỏa mãn yêu sách mà những người biểu tình đòi hỏi: Đó là phải xóa bỏ hoàn toàn dự luật này và bà Lam phải từ chức.

Cũng hôm 19/6, Bộ trưởng An ninh Hồng Kồng John Lee đã đưa ra lời xin lỗi, liên quan tới dự luật này, theo Hồng Kông Free Press. Ông Lee nói với các nhà lập pháp hôm thứ Tư: “Tôi là một trong những người chịu trách nhiệm sửa luật – dĩ nhiên, tôi cũng chịu trách nhiệm. Tương tự như Đặc khu trưởng, tôi xin lỗi vì đã gây ra các cuộc đối đầu xã hội, xung đột và sợ hãi“.


***






No comments:

Post a Comment