Monday, May 27, 2019

VỀ VIỆC CANH, CHẶN NGƯỜI HOẠT ĐỘNG & ĐẤU TRANH Ở VIỆT NAM (Nguyễn Vũ Bình)




Thứ Bảy, 05/25/2019 - 11:34 — nguyenvubinh

Những người hoạt động môi trường, hoạt động từ thiện và hoạt động nhân quyền cũng như người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam ngoài việc phải đối diện với việc bắt bớ, giam cầm, tù đày và đánh đập còn phải chịu một hình thức đàn áp rất thô thiển, đó là việc họ bị canh, chặn tại nhà của mình khi nhà cầm quyền thấy có bất cứ sự việc, hay dấu hiệu nào mà họ cho rằng cần ngăn cản và cấm đoán. Việc ngăn cản bằng hình thức canh, chặn ở nhà người hoạt động, đấu tranh đã có từ rất lâu rồi. Nhưng thời gian gần đây, tần suất canh, chặn của nhà cầm quyền diễn ra liên tục, dày đặc và hoàn toàn không có dấu hiệu nào được thay đổi hoặc cải thiện. Ngoài việc tần suất canh, chặn nhà người đấu tranh ngày một gia tăng, còn có lý do việc canh, chặn này chưa được các tổ chức nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và người đấu tranh quan tâm đúng mức. Nên cần có sự lên tiếng cho sự việc vi phạm quyền con người rất thô thiển nhưng nghiêm trọng này.

     Vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn mở cửa nhà mình ra, và thấy 3-5 người trong đó có một cảnh sát khu vực và mấy người an ninh, dân phòng đã đứng, ngồi sẵn quanh nhà, gần cửa nhà bạn. Đối với một số ít người, những người có thể đi khỏi nhà và vài ba nhân viên an ninh đi theo cận kề, luôn không quên hỏi cô, chú, anh, chị đi đâu đấy? Tuyệt đại đa số là chỉ đi được chợ gần nhà trong những sinh hoạt tối thiểu. Có những lần bạn biết lý do an ninh canh, chặn cửa nhà bạn, nhưng có những ngày bạn chịu, không thể biết đó là ngày gì và có việc gì? Bạn nhắn tin hỏi những bạn bè cũng hay bị canh, chặn như bạn, nhưng họ cũng không hiểu đang có chuyện gì xảy ra, và cũng không hiểu tại sao bị canh, chặn như bạn… khổ sở nhất là những người có công việc thường xuyên, như dạy học hoặc đi giao hàng, bán hàng, đưa đón con nhưng không đi được, ngồi lên xe nổ máy đi thì ba bốn thanh niên xúm vào giữ lại. Đã có nhiều video clip quay lại cảnh xô đẩy, cãi vã giữa người bị canh chặn và lực lượng an ninh.

     Phần lớn những người bị canh, chặn là những người hoạt động năm ba năm trở lại đây. Có thể họ hoạt động nhiều năm hơn nhưng mới bị canh, chặn chỉ vài ba năm trở lại. Nhưng ở Việt Nam, có những người bị canh, chặn rất lâu năm, hơn 30 năm gần 40 năm như bác sỹ Nguyễn Đan Quế, linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Phan Văn Lợi… Người viết bài này cũng vinh dự được canh, chặn từ năm 2007 đến nay, bắt đầu từ những cuộc tuần hành đòi công lý của giáo dân Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên.

     1/ Mục đích của nhà cầm quyền khi thực hiện việc canh, chặn người đấu tranh

     Có hai loại hình canh, chặn của nhà cầm quyền đối với người đấu tranh. Canh, chặn cá nhân riêng biệt và canh, chặn phần lớn người hoạt động, đấu tranh liên quan đến một sự việc cụ thể.

     Đối với việc canh, chặn cá nhân riêng biệt, mục đích là cô lập, ngăn chặn và giám sát cá nhân thực hiện việc giao lưu, kết nối và các hoạt động của họ. Trường hợp này, cá nhân có thể bị canh, chặn dài ngày, thường diễn ra gắt gao, căng thẳng. Có thể có những ví dụ sau. Khi ở tù, tôi đã được linh mục Nguyễn Văn Lý kể về chuyện nhà cầm quyền quản thúc ông Nguyễn Hộ, là lão thành cách mạng nhưng sau đã phản tỉnh. Ông là lãnh đạo Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ. Câu chuyện kỳ quặc đến mức tôi không bao giờ quên. Linh mục Nguyễn Văn Lý kể, gia đình ông Nguyễn Hộ ở trong một căn biệt thự, khi ông phản kháng lại chế độ cộng sản, nhà cầm quyền đã bố trí một tiểu đội công an, vào sinh sống, sinh hoạt trong trong ngôi nhà biệt thự của Ông hai năm. Sau đó, họ rút ra xây dựng một chòi canh gác ngay tại cổng nhà Ông…

     (còn nữa)
Hà Nội, ngày 25/5/2019
N.V.B

*
*

Chủ Nhật, 05/26/2019 - 11:22 — nguyenvubinh

     …

     Trường hợp thứ hai là cá nhân người viết bài này. Ngày 21/7/2002, sau khi gửi Bản Điều trần về tình trạng Nhân quyền Việt Nam tới quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã bị bắt và bị đưa về thẩm vấn tại Sở công an Hà Nội. Sau đó, tôi đã bị cưỡng ép làm việc liên tục hai tuần, sáng đi tối về. Sau hai tuần làm việc, tôi bị canh nhà cho tới tận khi bị bắt khởi tố chính thức, đó là từ đầu tháng 8 đến ngày 25/9/2002. Như vậy, thời gian làm việc và bị canh giữ là hơn 2 tháng. Gần đây có trường hợp nữ nhà báo Phạm Đoan Trang cũng cũng liên tục bị canh, chặn tại nhà nhiều ngày và nhiều đợt. Còn rất nhiều trường hợp canh, chặn riêng biệt không thể đếm xuể. Như vậy, mục đích của nhà cầm quyền trong trường hợp canh, chặn cá nhân cụ thể, riêng biệt là rõ ràng: ngăn chặn, vô hiệu hóa và giám sát cá nhân trong một giai đoạn nhất định.

     Trường hợp canh, chặn phần lớn người hoạt động và đấu tranh có mục đích khác với canh, chặn cá nhân riêng biệt. Đó chủ yếu là việc ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động có tính chất kết hợp của những người đấu tranh. Có thể có những mục đích cụ thể sau đây.

     -  Ngăn cản, ngăn chặn và vô hiệu hóa những hoạt động phản kháng trực tiếp của những người hoạt động và đấu tranh. Đó chính là việc canh nhà người đấu tranh trong những cuộc xuống đường, biểu tình, tưởng niệm… đó là hoạt động thường xuyên của nhà cầm quyền trong vòng mấy năm trở lại đây. Các cuộc biểu tình muốn có số lượng người đông đảo tham gia, đều phải có những việc như kêu gọi, công bố thời gian và địa điểm… khi an ninh nắm được thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình, nhà cầm quyền đã triển khai ngay việc canh chặn người hoạt động, đấu tranh để vô hiệu hóa các cuộc biểu tình vừa được phát động. Gần đây, ngoài việc canh, chặn tại nhà người biểu tình, những người hoạt động, công an còn triển khai người tại các điểm nóng biểu tình để bắt nốt những người chưa bị chặn, hoặc thoát ra khỏi sự canh, chặn. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, hầu như không có cuộc biểu tình, xuống đường, hoặc tưởng niệm nào của giới đấu tranh được thực hiện.

     -  Ngăn chặn những hoạt động giao lưu, kết nối, hội họp của những người hoạt động và đấu tranh. Không chỉ biểu tình những người tranh đấu mới bị canh, chặn mà cả những hoạt động giao lưu, hội họp, kết nối những người đấu tranh cũng bị canh, chặn. Đó là các buổi giao lưu của một nhóm, kỷ niệm thành lập các tổ chức xã hội dân sự (ví dụ: FC No_U; Hội anh Em Dân Chủ; Hội Nhà báo Độc lập…); đó là những cuộc đón những người tù nhân lương tâm mãn hạn tù trở về. Ví dụ gần đây nhất là ngày 05/5/2019, anh Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là anh Ba Sàm) mãn hạn tù trở về. Những người hoạt động và tranh đấu ở Hà Nội đã bị canh, chặn 2 ngày và 1 đêm; thậm chí, việc bắt người và đàn áp người đấu tranh, dân oan có khi được lên kế hoạch và những người ở gần, trong khu vực dự tính đàn áp hoặc có liên đới những người sắp bị đàn áp cũng đều bị canh, chặn. Gần đây nhất, những người đấu tranh ở Hà Nội bị canh, chặn do việc nhà cầm quyền quyết định đàn áp, đánh đập và bắt giữ gần 20 người lái xe phản đối việc thu phí vô lý ở trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Việc này mãi về sau những người bị canh, chặn mới hiểu ra được.

     -  Ngăn chặn những nhà hoạt động, đấu tranh gặp gỡ các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các cơ quan nhân quyền quốc tế, các phái đoàn nghị sĩ quốc hội, các phái đoàn ngoại giao các quốc gia quan tâm tới nhân quyền Việt Nam. Trong việc này, ngay cả thân nhân những tù nhân lương tâm, những người không thuộc giới đấu tranh cũng bị ngăn chặn, canh nhà hoặc chặn trên đường đi…

     Ngoài những mục đích cụ thể nêu trên, ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động tập thể của giới đấu tranh, nhà cầm quyền cũng gây sự ức chế, khó khăn cho những người hoạt động. Rất nhiều người đã không được đi tới nơi làm việc hàng ngày của mình, nhiều người không đi làm ăn, kinh doanh được vì bị ngăn, chặn ở nhà. Có cô giáo dạy đại học không thể đến lớp để giảng cho sinh viên, đã nhiều lần quay video clip trực tiếp việc ngăn chặn này. Có người kinh doanh, đưa đón con đi học cũng không được ra khỏi nhà liên tục quay video clip trong những ngày bị canh, chặn…

     (còn nữa)
Hà Nội, ngày 26/5/2019
N.V.B

*
*
Thứ Hai, 05/27/2019 - 11:14 — nguyenvubinh

   …

     2/ Nhìn nhận, đánh giá về việc canh, chặn nhà người hoạt động và đấu tranh Trước hết và trên hết, đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam trên một diện rộng và quy mô lớn. Hàng trăm người bị vi phạm quyền tự do đi lại, đó là quyền tự do cơ bản của con người. Nhà cầm quyền hành xử vô pháp luật, tái diễn nhiều lần mà chúng ta chưa có cách gì để hạn chế và ngăn chặn việc này. Đây là góc độ pháp lý việc làm ngang trái của nhà cầm quyền.

     Dưới góc độ đấu tranh, chúng ta biết rằng, việc canh, chặn nhà những người đấu tranh là một khâu, một công đoạn, một thủ đoạn của nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động của giới đấu tranh. Trong một loạt hành động đàn áp giới bất đồng chính kiến như: theo dõi, sách nhiễu, đánh đập, giam giữ, khởi tố, truy tố, bỏ tù… thì việc canh, chặn nhà người đấu tranh là công đoạn cuối cùng, để ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động cụ thể. Và điều này được lặp đi lặp lại với cách thức rất thô thiển, trắng trợn nhưng đã vô hiệu hóa khá thành công các hoạt động của giới đấu tranh.

     Trong một loạt các biện pháp và thủ đoạn để ngăn chặn những người hoạt động và giới đấu tranh, việc canh, chặn nhà của người đấu tranh nếu nhìn qua, và dưới góc độ cá nhân thì đó là việc đơn giản so với những việc như sách nhiễu, đánh đập và bắt bớ. Nhưng tác hại của việc canh, chặn trong hoạt động chung của phong trào dân chủ lại rất lớn. Chúng ta không thể tổ chức được các cuộc xuống đường, biểu tình; không giao lưu kết nối thực hiện công việc chung được; không gặp gỡ được những phải đoàn ngoại giao, các tổ chức nhân quyền trong những dịp quan trọng. Như vậy, dưới góc độ cá nhân bị đàn áp, thì việc bị canh, chặn không phải quá nghiêm trọng nhưng dưới góc độ chung, đấu tranh của phong trào dân chủ, biện pháp canh, chặn nhà người đấu của nhà cầm quyền gậy hại rất lớn cho phong trào, điều này ít người nghĩ tới và lên tiếng.

     Xét về tâm lý, đối với những người hoạt động và đấu tranh, việc bị canh, chặn một vài ngày, thậm chí vài ba lần một tháng cũng không so sánh được với việc bị đánh đập, bắt giữ hoặc sách nhiễu khác, nên cũng ít ai đặt vấn đề cho sự việc này trong các lần tố cáo vi phạm nhân quyền của chế độ. Tức là việc lên tiếng cá nhân trong sự việc canh, chặn vi phạm nhân quyền này mọi người nghĩ là việc nhỏ, so với những việc vi phạm khác của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, loại việc này có hai đặc điểm có thể sử dụng tố cáo vi phạm nhân quyền hiệu quả hơn nhiều việc khác. Đó là, bằng chứng vi phạm rất rõ ràng (thông qua những video clip của những người bị canh, chặn và những bức ảnh), và việc vi phạm trên quy mô lớn, hàng trăm người cùng một lúc ở một thành phố lớn.

     Đối với các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, đảng phái ở hải ngoại, trong các tố cáo nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền có đề cập tới nhưng cũng chỉ là phần phụ thêm của các nội dung khác. Điều này cũng không khó hiểu lắm. Ưu tiên lớn nhất từ trước tới nay của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các tổ chức người Việt hải ngoại là việc lên tiếng để cứu giúp những trường hợp bị đàn áp nặng nề như tù đày, giam cầm, đánh đập hoặc sách nhiễu nặng nề. Tuy nhiên, tần suất của những đợt canh, chặn ngày càng dày đặc, và các hoạt động công khai có tính chất kết hợp trong phong trào dân chủ đi xuống rõ rệt trong thời gian gần đây đáng để chúng ta suy nghĩ về một thủ đoạn vô hiệu hóa người đấu tranh của nhà cầm quyền Việt Nam.

     Trong khi đang viết bài viết này, tôi rất vui vì vừa có một văn bản lên tiếng phản đối chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại. Văn bản được lưu hành trên không gian mạng, cá nhân tôi và nhiều người đã ký để phản đối việc này. Ngoài việc lên tiếng chung của giới đấu tranh phản đối xâm phạm quyền con người, tôi còn rất vui vì qua sự việc này, phong trào dân chủ đã bắt đầu quan tâm và lên tiếng cho những công việc đấu tranh chung của những người đấu tranh, giới bất đồng chính kiến, chứ không chỉ giới hạn trong việc lên tiếng để cứu giúp những người bị đàn áp như trước nữa./.

Hà Nội, ngày 27/5/2019
N.V.B







No comments:

Post a Comment