Sunday, May 12, 2019

SAO LẠI HÓA RỒNG MÀ KHÔNG HÓA NGƯỜI? Nguyễn Ngọc Chu





Vẽ ma dễ hơn vẽ người. Nói về năm 2045 dễ hơn nói về năm 2020. Hãy nói về năm nay và năm sau. Kẻ bá vương biết giữ ý định trong đầu.

Dẫu có trăm phương ngàn kế mà không cải cách thể chế thì không thể hùng mạnh.

SAO LẠI HÓA RỒNG MÀ KHÔNG HÓA NGƯỜI?

Trước hết, ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông bộ trưởng bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng cùng các doanh nghiệp Việt Nam định hướng sang sản xuất.

Muốn hùng cường là phải tự sản xuất chứ không thể là đi gia công, không thể là thương mại, không thể là dịch vụ, càng không thể là buôn bán bất động sản.

Hai là, không nên theo nhau dùng hai từ “hóa rồng”. Biết rằng là cách ví von, nhưng tối nghĩa. Bởi vì rồng không có thật mà lại mang danh loài vật. Mình là người, đã không hóa thành tiên thì thôi chứ sao lại hóa ra loài vật? Còn nói về ý hùng mạnh, thì Việt Nam hóa rồng vậy Mỹ Đức Nhật hóa thành gì? Chưa nói khả năng hùng mạnh của Việt Nam còn là một ước mơ xa vời vợi.

Còn nữa, đồng bào ta nhiều nơi đói khổ, những quyền cơ bản của con người nhiều khi không được thực thi, vậy thì cần phải hóa người trước đã, chứ không phải hóa rồng.

Ba là, nếu có lời tư vấn là tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Rằng nghe 1000 người như tại Diễn đàn ngày 9/5/2019 vừa qua chỉ mang tính hình thức. Cùng một lúc nghe cả 1000 người thì thấy ai nói cũng hay mà cuối cùng không đọng được điều gì. Giống như mỗi người ném một hòn sỏi xuống hồ. Sóng lăn tăn một lúc rồi lịm tắt.

Nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự muốn nghe lời vàng ngọc thì chỉ chọn lấy một người phong làm “quốc phụ” “cùng ăn cùng ngủ” nghe trong nhiều ngày. Giống như Tề Hoàn Công đối đãi với Quản Trọng. Nghe thì như Tư Mã Huy với Bàng Thống – kẻ dưới đất, người trên cây – nói chuyện cả ngày không chán.

Bốn là, chìa khóa để Việt Nam hùng cường là thể chế. Dẫu có trăm phương ngàn kế mà không cải cách thể chế thì không thể hùng mạnh. Cho nên cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết, là việc đầu tiên cần làm để cho Việt Nam hùng cường.

Năm là, phải hành động chứ không hô khẩu hiệu, phải làm thật chứ không làm giả. Vậy nên, Thủ tướng phải áp đặt nhiệm vụ sản xuất cho các doanh nghiệp lớn, không cho họ đắm chìm trong buôn bán bất động sản. Vậy nên, Thủ tướng phải kiểm soát họ sản xuất, chứ không cho họ mua hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam. Có như thế may ra mới vượt qua mức thu nhập trung bình thế giới.

Vẽ ma dễ hơn vẽ người. Nói về năm 2045 dễ hơn nói về năm 2020. Hãy nói về năm nay và năm sau. Kẻ bá vương biết giữ ý định trong đầu.


---------------------------------------

XEM THÊM

Thứ Sáu, 05/10/2019 - 18:32 — canhco

Câu chuyện kinh tế Việt Nam muốn “hóa rồng” đã được nhiều người kể sau bao nhiêu năm cố gắng của nhiều chính phủ, nhưng tiếc thay những con rồng trong mộng của Việt Nam vĩnh viễn chỉ là những chú cá chép vượt vũ môn thất bại, trầy vi tróc vẩy nhưng giấc mộng hóa rồng vẫn canh cánh bên lòng không ngày nào không mơ tưởng tới.

Giấc mơ hóa rồng ấy được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập lại tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin-Truyển thông tổ chức ngày 9 tháng 5 đã quy tụ gần 1.000 đại biểu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn.

Mục đích của Diễn đàn này Thủ tướng nhấn mạnh đến sức mạnh tiềm ẩn của nền công nghệ thông tin Việt Nam và ông kêu gọi phải vực nó dậy, bơm chủ nghĩa yêu nước vào nó và chống lại viễn ảnh thu nhập trung bình của đất nước. Thủ tướng Phúc khẳng định Việt Nam sẽ hóa rồng vào năm 2035 nếu doanh nghiệp IT góp sức tạo nên luồng sinh khí mới giúp thúc đẩy cho 50.000 doanh nghiệp IT Việt Nam với doanh thu 100 triệu mỗi năm phải tăng gấp đôi trong những năm tới.

Ý Thủ tướng muốn thu nhập của các doanh nghiệp IT tăng 200 triệu, vậy là giấc mơ hóa rồng có cơ may thành công.

Người hiểu chuyện rất lo lắng về giấc mộng này. Con số 200 triệu USD không phải là lớn so với một nền kinh tế. Phát biểu của Thủ tướng phải chăng là đọc nhầm hay thằng đánh máy sai? Một điều nữa trong con số 200 triệu ấy giá trị sáng tạo, tức làm mới Hardware hay Software là bao nhiêu hay chỉ là con số của lắp ráp trong các nhà máy có tên công nghệ IT?

Đọc nguyên bài báo của Tờ Thanh Niên Online người ta không tìm thấy bất cứ một hy vọng nào về cái nền công nghệ mà Thủ tướng ca ngợi ấy. Những con số doanh thu từ doanh nghiệp IT nếu so với doanh số của các đơn vị nuôi trồng thủy sản xuất khẩu hay may mặc thì thua sút quá xa. Chúng không thể được nhân rộng lên để tìm kiếm một hướng phát triển mới để thành rồng.

Chỉ cần nhìn sang nước có nền công nghệ IT cao như Ấn Độ là thấy sức mạnh của họ. Ấn là nước có nhân viên IT ký hợp đồng với các công ty của Mỹ nhiều nhất thể giới với hình thức outsourcer. Những nhân viên này thụ đắc kinh nghiệm của những kỹ sư phần mềm giỏi nhất thế giới nhưng nhận mức lương so với người Mỹ kém xa một trời một vực. Trình độ IT của họ vượt bậc như vậy nhưng không ai khẳng định nền kinh tế thứ bảy thế giới này nhờ vào trình độ IT.

Trong khi kiến thức về IT của Việt Nam chỉ lẹt đẹt theo sau nhiều nước Đông Nam Á, kể cả Indonesia và Malaysia thì lấy đâu ra đội ngũ làm nền tảng cho sự phát triển đột phá như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gào?

Nếu thật sự mong muốn một nền kinh tế lành mạnh thì chính phủ của Thủ tướng Phúc nên xem xét kỹ lưỡng hướng phát triển nông nghiệp và sản phẩm xuất khẩu hơn là mơ mộng một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

Giáo dục là nền tảng khi đào tạo cho đất nước những kỹ sư IT thực chất có thể sáng tạo ra những phần mềm sử dụng trong Computer một cách hiệu quả và mới mẻ nhất. Đại học Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu đó thì lấy đâu ra đầu ra cho một kế sách hoàn chỉnh?

Trong khi Việt Nam là đất nước của nông nghiệp thì nhà nước lại không xem trọng những đồng ruộng phì nhiêu của đất nước để có cái nhìn đúng đắn về sức mạnh này. Cả miền Tây vẫn còn quá thiếu thốn những kho dự trữ lúa khiến người nông dân phải bán đổ bán tháo mỗi lần được mùa nhưng sụt giá vì sức tiêu thụ của thị trường nội địa quá tải.

Đã bao giờ nhà nước ngồi lại bàn về con đường huyết mạch từ TP HCM tới Cà Mau chưa? Đã 44 năm con đường ấy có đoạn vẫn như ngày chưa giải phóng, dân than quá nhà nước tìm cách trấn an bằng cách cho doanh nghiệp sân sau trúng những gói thầu BOT và tiếp tục đày ải, bóc lột túi tiền người dân.

Gạo, con tôm, cá ba sa…của Việt Nam đang giúp người nông dân qua ngày và không ai dám mơ giàu sang phú quý từ những sản phẩm mà họ đổ bao công lao ra sản xuất. Đấy chính là những con rồng thật sự của nền kinh tế nếu nhà nước biết phát triển và tiếp tay với người nông dân nâng chúng lên tầm cao mới. Giá trị thật của những kỹ sư nông nghiệp không kém gì kỹ sư IT nếu mặt bằng đóng góp của họ mang ý nghĩa phát triển đất nước hơn là chạy theo các uyển ngữ giả tạo như “hóa rồng”.

Một con rồng thật sự của nền kinh tế không chỉ một ngành nào làm ra nó mà cả xã hội phải phát triển đồng bộ thì cơ may “hóa rồng” mới thành hiện thực. Rồng gì mà bệnh nhân vào viện phải nằm chung 3 người một giường? Rồng gì mà tiền điện mỗi nhà bị móc có thể mua gạo được cho ba tháng? Rồng gì mà học sinh đi học phải đóng học phí bóc lột khiến phụ huynh của chúng đến nỗi phải làm thêm bao nhiêu việc mới đóng đủ cho con? Rồng gì mà cả một dải đất miền Trung không ai thở nổi dưới không khí do nhà máy Formosa thải ra?

Phải chăng đó là những con rồng đang bay thất thểu trên bầu trời Việt Nam đầy mơ mộng?









No comments:

Post a Comment