Wednesday, May 29, 2019

MỘT TỶ CỦA DÂN, MỘT TỶ CỦA HỌ (Nguyễn Tiến Tường)





1. Một tỷ của dân, nhiều lắm. Tôi tin đại bộ phận nhân dân cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay cũng chưa bao giờ được sờ vào một tỷ. Nhân dân không có nổi tiền thuê xe, phải quấn xác vào chiếu vắt vẻo sau xe máy chở về nhà. Nhân dân trọng bệnh, nằm dài chờ chết.

Khổ quá! Khổ đến cả điệu cười cũng chát chúa. Tôi làm báo, tôi sống, đi qua bao nhiêu thân phận. Đến cả con chữ “của nhà trồng được” thôi mà cũng phân vân, giúp người này vô tình bỏ rơi người khác, day dứt vô cùng.

Nhân dân đương nhiên cũng có người giàu. Nhưng giàu có nước mắt người giàu. Giàu có đi kèm với địa vị đâu. Gặp quan chức cũng phải khom lưng xuống. Làm được một đồng, bẻ vụn ra chuồi ông này một ít, bà kia một miếng. Cũng cay cực muôn phần.

Vì vậy rồi mất đi niềm tin, mất đi lòng nhân. Cứ nhìn đất nước bây giờ mà chua xót. Mạnh ai người ấy sống, chẳng ai tin ai. Sống cùng quẫn bí bách rồi lấy cái chết làm giải thoát. Án mạng kinh thiên động địa xảy ra đều đặn. Nhiều đến nỗi tôi không dám đọc.

2. Hạ tầng như vậy để phục vụ thượng tầng yếu kém quản trị nhưng tham lam vô độ, suy đồi đến mức không còn từ ngữ nào diễn tả nổi. Trong mơ ước của cá nhân tôi, tôi mong muốn một xã hội mà quan chức phải giàu. Giàu một cách công khai, minh bạch dựa trên sự đóng góp cho quốc gia, cho nhân dân.

Còn hơn giả nghèo giả khổ, miệng leo lẻo luận cương nhưng ăn của dân đến tàn mạt, không chừa nước cặn. Dân bó chiếu về đất thì quan chức có chục tỷ đã giàu sụ, đã không trung thực với thu nhập barem rồi. Đằng này ăn trăm tỷ nghìn tỷ cứ như con nít chơi đồ hàng.

Ăn xong thì nhìn nhau, so bì để ăn tiếp. Chẳng bao giờ nhìn vai áo nhân dân mà biết xấu hổ. Quan chức không từ dân mà ra, không lẽ rạch trời rơi xuống? Cả cha mẹ mình cũng là nông dân hoặc mấy đời bị bức hiếp. Họ mạc xung quanh hẳn cũng có người chân lấm tay bùn. Vơ vét của nhân dân trơn trắng để vinh thân phì gia, mỗi lúc soi gương không thấy nhột lương tâm hay sao?

Ăn trăm tỷ nghìn tỷ, quăng ra vài tỷ mua điểm. Mua cái bằng để lót sẵn đường cha truyền con nối. Hoặc tôi bế con anh đặt chỗ này, anh bế cháu tôi đáp lễ chỗ kia. Bờ xôi ruộng mật xí phần chia nhau. Làm gì có cửa cho nhân dân, cho hiền tài.

Mua điểm một tỷ, mua chức vài tỷ. Ấm cái ghế rồi thì bắt đầu gỡ gạc kiếm lời. Lại ăn tàn ăn mạt. Suất giáo viên vài trăm triệu thì giáo dục làm sao chất lượng? Suất công an đứng đường cả tỷ bạc thì luật lệ nào nghiêm minh? Ăn của dân một đồng, phá quốc gia thêm vài đồng.

Khủng hoảng thi cử ấy, không đơn thuần là khủng hoảng giáo dục. Nó là khủng hoảng chế độ!

3. Thế mà đại biểu Quốc Hội nói là con số của dư luận. Con số này là lời khai của bị can thì nó là tình tiết của vụ án. QH phải tạo áp lực tư pháp tìm bằng chứng để làm rõ, điều tra tin nhắn, cuộc gọi, ghi chép ghi âm… để làm rõ trắng đen. Từng có người “nổ” nghiệp vụ điều tra VN giỏi nhất thế giới.

Thay vì giám sát, áp lực để an dân, bảo vệ chế độ thì lại mang sự thật gắn vào miệng nhân dân. Để chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì. Tư duy ngang phản động!

Một tỷ để Quốc Hội họp một ngày. 125 triệu mỗi giờ, hơn hai triệu mỗi phút. Trong cái kham khổ của nhân dân. Bấm bụng chi ngần ấy tiền, nếu không hy vọng nhận lại lời vàng ý ngọc từ đại biểu, thì không lẽ để mua chuyện hoang đường?

Ấy thế mà đại biểu đi họp lấy nghị trường làm chỗ ngủ, bàng quan chính sự, sống chết mặc bây. Kẻ thì cố sống cố chết ve vuốt, bảo vệ quan chức. Kẻ thì mặt trơ trán bóng mượn kiếm QH để truy bức cá nhân, đánh đấm lợi ích. Lại có kẻ mang cây thuốc, mang rượu vào lobby, sặc mùi cơ hội. Mỗi lần hội họp, lòng dân lại đau thêm một nỗi. Đại biểu tâm huyết, thương dân thì bé mọn, lọt thỏm giữa một rừng man trá.

Một tỷ, nhiều lắm. Nó là ước mơ của muôn dân. Nhưng nhân dân sẽ không bao giờ thấy được một tỷ vì công dân sinh ra đã mất hai tỷ. Một cho quan chức suy đồi và một cho phường chèo bạc bẽo.

Ngay cái thời phải thờ vua nuôi chúa, có lẽ nhân dân cũng khổ đến thế này là cùng!






No comments:

Post a Comment