Wednesday, May 1, 2019

HỘI NGHỊ PARIS 2019 : MỘT TIẾP CẬN HOÀN TOÀN MỚI VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 30-04-2019

Đa dạng Sinh học – « rường cột của sự sống trên Hành tinh » - đang lâm nguy. Sự diệt vong nhanh chóng của các loài sinh vật đe dọa sự tồn tại của nhân loại, cũng tương tự như việc Trái đất bị hâm nóng. Đại diện 132 quốc gia và nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc IPBES họp tại trụ sở UNESCO, Paris, trong tuần lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, tìm phương hướng cứu nguy.

Tại hội nghị toàn thể lần thứ 7 của nhóm IPBES (Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services) ở Paris, lần đầu tiên báo cáo Đa dạng Sinh học toàn cầu được thảo luận. Điểm đặc biệt đáng chú ý là, để đối phó với tình trạng « báo động đỏ » về Đa dạng Sinh học, nhóm IPEBS đề xuất một cách tiếp cận hoàn toàn mới (1), mở đường cho các biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều, tương thích với nguy cơ diệt vong nhanh chóng của các giống loài, mà nhiều người gọi là « cuộc Đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6 ».

***

« Tiếp cận hoàn toàn mới » của giới khoa học quốc tế về Đa dạng Sinh học là gì ?

Báo cáo của nhóm IPBES, về tình trạng Đa dạng Sinh học toàn cầu, là kết quả của ba năm làm việc, với sự tham gia của hơn 150 nhà nghiên cứu từ khoảng 50 quốc gia, cùng các đóng góp của 250 chuyên gia khác trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, và kinh tế - xã hội. Báo cáo được sử dụng làm cơ sở cho các thảo luận.

Điểm đáng chú ý là cơ quan liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học đưa vấn đề « các dịch vụ sinh thái » mà Thiên nhiên cung cấp cho con người trở thành trọng tâm của cách tiếp cận mới. Theo ông Robert Watson, lãnh đạo IPBES, « cho đến nay, chúng ta chủ yếu chỉ nói đến Đa dạng Sinh học từ quan điểm môi trường », còn « giờ đây, chúng ta nhấn mạnh đến việc Thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với việc sản xuất thực phẩm, nước sạch, đối với dược phẩm, cũng như sự đoàn kết của các xã hội ». Điều đó có nghĩa là sức khỏe của Thiên nhiên nói chung, hay các loài động thực vật sống trên hành tinh này nói riêng, liên quan trực tiếp đến vận mạng của nhân loại.

Nhóm IPBES sẽ phải đề xuất các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn đà hủy diệt của các hệ sinh thái, của Đa dạng Sinh học, bởi đây không chỉ là bảo vệ Thiên nhiên hoang dã, mà bảo vệ chính sự sống còn của loài người.

Trong tiếp cận mới này, các nhà khoa học thiên về khái niệm « các dịch vụ do các hệ sinh tháimang lại » hơn là khái niệm « các đóng góp của Thiên nhiên cho các xã hội con người ». Khái niệm các dịch vụ sinh thái - bao hàm những gì mà sinh giới mang lại cho con người (về các nguồn nguyên liệu, về các « dịch vụ thụ phấn » của côn trùng, mà 75% sản xuất nông nghiệp phụ thuộc, về nước, về chất lượng không khí…) - nhấn mạnh đến việc « các đóng góp này không chỉ thuần túy mang tính vật chất, mà còn mang cả ý nghĩa văn hóa và xã hội, có nghĩa là đóng góp cho hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người », như giải thích của bà Anne Larigauderie, chuyên gia về mối quan hệ giữa Đa dạng Sinh học và Biến đổi Khí hậu, thư ký của nhóm IPBES. Giá trị như vậy là vô cùng lớn lao, và không phải bao giờ cũng có thể quy đổi được thành tiền.

Bảo vệ các hệ sinh thái, Đa dạng Sinh học bằng tri thức của xã hội công nghiệp với các công nghệ tiên tiến không đủ. Đây là lần đầu tiên một báo cáo toàn cầu trong lĩnh vực này nhìn nhận một cách hệ thống các kiến thức, các tiếp cận cũng như những điều ưu tiên theo quan niệm của các cộng đồng bản địa (2).

Kết quả nào đáng chú ý trong bản báo cáo của IPBES ?

Đây là lần đầu tiên kể từ 15 năm nay, cộng đồng quốc tế điểm lại một cách chi tiết về tình trạng Đa dạng Sinh học trên Trái đất kể từ Millennium Ecosystem Assessment (Đánh giá Hệ sinh thái Thiên nhiên kỷ) năm 2005. Tuy nhiên, đáng chú ý đây là lần đầu tiên có một đánh giá quy mô về Đa dạng Sinh học mang tính liên chính phủ (tương tự như công việc của nhóm GIEC trong lĩnh vực Khí hậu), tạo cơ sở cho việc hình thành một nền tảng nhận thức chung, dựa trên đó sẽ diễn ra các đàm phán quốc tế. Nhóm IPBES, được thành lập năm 2012, hồi năm ngoái đã công bố một số báo cáo khu vực về tình trạng Đa dạng Sinh học.

Báo cáo lần này nhấn mạnh đến việc có từ 500.000 đến một triệu giống loài sinh vật có nguy cơ bị diệt vong trong những thập niên tới, trên tổng số 8 triệu loài trên Trái đất, mà con người biết đến. Hiện tại, khoảng một phần tư trong số 100.000 giống loại được nghiên cứu đang trên đường diệt vong, do áp lực của việc mở rộng, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, săn bắt, khai thác tài nguyên cạn kiệt, các hoạt động gây ô nhiễm nói chung, hay Biến đổi Khí hậu (3).

Báo cáo cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số nguyên nhân cùng lúc gây ra hai mối đe dọa chủ yếu với nhân loại : Khí hậu bị hâm nóng và các hệ sinh thái bị hủy diệt. Đó là việc phá rừng làm nông nghiệp cùng với các phương thức canh tác nông nghiệp, bị điểm mặt như là thủ phạm chính, chịu trách nhiệm khoảng một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời cũng gây các tổn hại trực tiếp cho các hệ sinh thái.

Nhiều kết luận hay dự báo của bản báo cáo dài khoảng 1.700 trang này trùng với các cảnh báo được nhiều nhà khoa học đưa ra trong những năm gần đây. Cuối năm 2017, hơn 15.000 khoa học gia, trên tạp chí BioScience, đã đưa ra báo động về tình trạng « hủy diệt môi trường», khiến các hệ sinh thái không còn đủ khả năng để duy trì « những rường mối của sự sống ». Chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ, số lượng các cá thể sinh vật thuộc các loài động vật có vú, chim chóc, bò sát hay cá, đã sụt giảm khoảng một phần ba. Cùng lúc đó, diện tích rừng trên toàn cầu mất đi 12 triệu km², tương đương 20% diện tích trước đó. Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) cuối năm ngoái đưa ra con số còn đáng sợ hơn : số lượng động vật có vú sụt giảm đến 60% từ năm 1970.

Báo cáo của IPBES cũng đề ra nhiều cải cách, đòi hỏi một thay đổi thực về lối sống của cư dân trên hành tinh, nên rất có thể sẽ dẫn đến các kháng cự còn lớn hơn là cuộc chiến chống Biến đổi Khí hậu (5).

Vì sao hội nghị tại Paris về Đa dạng Sinh học cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019 này là quan trọng ?

Đây được coi là chặng cuối của tiến trình kiểm điểm về thực trạng Đa dạng Sinh học toàn cầu, và cũng là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng đến một quan niệm và quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế, với cái đích trực tiếp là một Thỏa thuận về Đa dạng Sinh học toàn cầu.

Hội nghị Paris 2019 đang diễn ra được coi là cái mốc khởi đầu cho các phối hợp quốc tế hướng đến thượng đỉnh tại Trung Quốc cuối năm tới 2020. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ đạt được một Thỏa thuận về Đa dạng Sinh học tương tự như Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP 21) trong lĩnh vực Khí hậu.

Kết thúc hội nghị tại Paris, ngày thứ Bảy, 04/05, đại diện các nước sẽ phải thông qua một văn bản đồng thuận, dài khoảng 30 trang, tổng hợp các thông điệp chính. Văn bản này sẽ được công bố ngày 06/05. Cho dù không mang tính « cưỡng chế », văn bản mang tính chính trị này sẽ là cơ sở định hướng đàm phán trong các bước tiếp theo.

Hiện tại chưa rõ nội dung văn bản chung cuộc sẽ bao gồm những gì, nhưng theo bộ Ngoại Giao Pháp, văn bản này sẽ phải là « một báo động ở cấp tối đa, báo động đỏ » (5). Bởi, nếu không có các hành động quyết liệt, cuộc Đại diệt chủng của các giống loài lần thứ 6 sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài thập niên tới. Và khác với các lần trước, lần này « thủ phạm » của cuộc Đại diệt chủng chính là một trong các loài sinh vật trên Trái đất : Con người.

*
Ghi chú :

1. « ‘‘Alerte rouge’’ sur la perte mondiale de la biodiversité », Le Monde, ngày 29/04/2019.

2. « Un rapport mondial mesure l’impact des changements de la biodiversité », RFI, ngày 29/04/2019.

3. Theo báo cáo mới nhất của GIEC, nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C, số lượng diệt vong các loài động vật có xương sống tăng gấp hai, côn trùng tăng gấp ba, thực vật tăng gấp hai so với kịch bản tăng quá 1,5°C. Nếu nhiệt độ tăng quá 2°C, 92% rạn san hô - được mệnh danh là «linh hồn của biển cả » - sẽ biến mất.

4. Về nạn sinh vật diệt vong do Khí hậu hâm nóng, xem bộ phim « Our planet » : « Thiên nhiên tráng lệ - thảm họa cận kề », phần cuối trong bài RFI ngày 13/04/2019.

5. « La destruction de la biodiversité menace l’Homme autant que le climat », France 24, ngày 29/04/2019.






No comments:

Post a Comment