Saturday, May 4, 2019

HAI ÔNG TIẾN SĨ LUẬT (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
03/05/2019

Ông tiến sĩ thứ nhất, Bộ Trưởng Tư Pháp William P. Barr đe Hạ Viện là có thể ông sẽ không đến thuyết trình trước Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện nếu Dân Biểu Jerrold Nadler -ông tiến sĩ thứ nhì- Chủ Tịch Tiểu Ban này, không thỏa mãn những đề nghị của ông.

Họ chưa trực tiếp nói chuyện với nhau, nhưng ông Nadler vẫn khăng khăng không chấp nhận những đề nghị của ông Barr.

Cuộc điều trần này quan hệ vì ông Barr -nếu ông đến điều trần- sẽ bị nhiều luật sư làm việc trong Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện chất vấn về nguyên nhân nào khiến ông xóa bỏ nhiều chi tiết quan trọng trong bản điều tra của Công Tố Viên Robert Mueller III.

Cuộc điều trần được dự trù tổ chức vào hôm thứ Năm mùng 2 tháng 5, 2019; ông Nadler thản nhiên thảo luận với các dân biểu thành viên của Tiểu Ban Tư Pháp về nhiều chi tiết chất vấn ông Barr, không quan tâm gì đến việc Barr cảnh cáo là có thể ông không đến.

Là một luật sư nhiều kinh nghiệm, ông Barr đã giữ chức vụ bộ trưởng tư pháp hai lần.

Luật sư Bar đang chống trát đòi điều trần tại Hạ Viện,

Và Dân Biểu Jerrold Nadler Chủ Tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện quyết liệt đòi ông Barr phải đến.

Năm 1989, ngay sau khi đắc cử, lên cầm quyền, Tổng Thống George H. W. Bush chỉ định ông Barr làm Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp, đặc trách giữ vai trò cố vấn luật pháp cho tổng thống và cơ quan hành pháp của chính phủ.

Bản biện bạch ông viết để giải thích cuộc tấn công của quân Mỹ vào Panama, bắt Tổng Thống Manuel Noriega đem về Mỹ, xử tại tòa án Mỹ, được giới luật pháp Mỹ ca tụng là xuất sắc.

Năm 1991, trong vai trò Quyền Bộ Trưởng Tư Pháp, thay thế Bộ Trưởng Tư Pháp Richard Thornburgh, từ chức để ứng cử vào Thượng Viện, Barr phải đối phó với cuộc nổi dậy của 121 tù nhân người Cuba, đang bị giam trong lao xá liên bang Talladega, trong tình trạng chờ trục xuất những người này bắt được 9 viên chức trại giam và giữ họ làm con tin để đòi chính quyền Mỹ thương thuyết.

Barr ra lệnh cho lực lượng 'giải cứu con tin' của FBI tấn công toán nổi dậy; toàn bộ 9 con tin được giải thoát, và không một người nào khác thiệt mạng.

Những chi tiết đó về Barr được nêu lên, để độc giả nhìn thấy sự khó khăn của vấn đề; mặc dù yếu thế, nhưng ông Barr -nhờ có bản lãnh- vẫn có thể tìm được cách giúp ông Trump.

Ông Nadler cũng không vừa, ông bình tĩnh trong quyết tâm đối phó với những quá đáng của Tổng Thống Trump; về khả năng luật pháp siêu việt, thành tích cứng rắn không nhượng bộ của ông Nadler cũng không kém gì ông Barr.

Tiên liệu việc các dân biểu Dân Chủ sẽ chất vấn ông Barr bằng những câu hỏi hời hợt vì không nắm vững góc cạnh luật pháp của vấn đề, ông đề nghị nhiều dân biểu Dân Chủ nhường khoảng thời gian chất vấn của mình cho các luật sư phục vụ trong Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện, mặc dù ông Barr nói ông chỉ nhận sự chất vấn của chính bản thân các dân biểu.

Về phía chính phủ, ông Barr vẫn khăng khăng đòi những thay đổi ông đã nêu lên, về phía Quốc Hội, ông Nadler tuyên bố, "Ông Barr phải tới đây sáng thứ Năm, và phải điều trần. Ông ta là nhân chứng, và nhân chứng không có quyền bảo luật sư chúng tôi phải hỏi ông ta như thế nào. Nếu ông ta không đến, chúng tôi sẽ phải làm bất cứ những gì cần làm."

Ông Nadler -Chủ Tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện- muốn bản chính của phúc trình do Công Tố Viên Robert Mueller viết và nạp cho Bộ Tư Pháp; không chấp nhận bản do ông Barr đã kiểm duyệt, bôi bỏ những điều tai hại cho tổng thống.

Điều này, ông Barr khó từ chối; chưa nói đến cuộc chất vấn mà ông cũng phải chấp nhận, vì nguyên tắc Hạ Viện có bổn phận kiểm soát việc làm của hành pháp.

Công Tố Viên Mueller liệt kê những việc làm của chính phủ tạo trở ngại cho cuộc điều tra, mặc dù ông không mệnh danh những hành động đó là tội tạo trở ngại cho cuộc điều tra. Mueller xác nhận Trump và bộ tham mưu tranh cử của ông không cộng tác với Nga trong việc Nga phá hoại cuộc bầu cử 2016.

Nadler đòi hành pháp giao nạp bản tường trình gốc -không kiểm duyệt, không bỏ bớt-đúng 10 giờ sáng thứ Tư, mùng 1 tháng 5, 2019. Ông nói nhân viên chính phủ cam kết họ sẽ giao nạp đúng giờ hẹn.

Nhiều dân biểu Cộng Hòa trong Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện cho là ông Nadler hơi quá đáng. Nadler nói, "Điều tra là trách nhiệm của Quốc Hội, nhân viên chính phủ có bổn phận phải đến, phải trả lời những câu chất vấn đặt ra cho họ." Ông không chấp nhận việc nhân chứng đặt điều kiện, đòi cuộc chất vấn diễn ra như thế nào.

Một độc giả gửi thư góp ý với tờ The New York Times:

Kính gửi ông Chủ Bút,
Tôi không đồng ý với việc mời ông William Barr tới trình bầy vấn đề 'PHÚC TRÌNH MUELLER tại hạ viện. Làm như vậy vô ích. Quần chúng đã nghe ông ta bóp méo bản PHÚC TRÌNH MUELLER nhiều lần rồi. Hạ Viện vẫn còn thích nghe ông ta bóp méo sự thật à? Hay Hạ Viện cần cung cấp cho ông ta một diễn đàn tốt hơn, nhiều người theo dõi hơn?
Một độc giả

Ông độc giả này có lý, nhưng có thể ông tiến sĩ luật Nadler tin là nhóm luật sư của Tiểu Ban Pháp Lý Hạ Viện biết cách đặt câu hỏi, khiến câu trả lời của tiến sĩ luật Barr trở thành khó tiêu hơn.

Vở tuồng đốc chiếm sân khấu đang chuyển sang màn thứ nhì, với sự xuất hiện của nhiều diễn viên hơn; ba cô cậu con lớn của tổng thống cùng ký với bố đơn kiện hai ngân hàng Deutsche Bank và Capital One, mặc dù những ngân hàng đó chưa làm gì nên tội cả.

Tội của họ chỉ là họ nhận được subpoenas đòi họ chuyển cho Hạ Viện mọi tài liệu, chứng từ, sổ sách vay mượn, liên quan đến bốn nhân vật họ Trump.

Tổng thống đứng với cậu Eric (bên trái), cô Ivanka, và cậu Donald Jr.

Bốn nguyên đơn đòi hai ngân hàng mà họ có nhiều liên hệ tiền bạc không được tiết lộ bí mật tài chánh của họ.

Màn hai hứa hẹn có thể nhộn hơn màn một; xin chờ xem cảnh nhiều ông tiến sĩ luật khác xuất hiện, vì vụ Hoàng Tộc kiện nhà băng mới chỉ là vụ kiện thứ nhất, nhưng sẽ không là vụ kiện duy nhất.





No comments:

Post a Comment