Sunday, May 5, 2019

CON CHIM PHI PHI KÊU & NGÀY 30 THÁNG 4 (Nguyễn Khắc Mai - Báo Tiếng Dân)




Nguyễn Khắc Mai
05/05/2019

Mấy ngày nay, quanh ngày 30 tháng Tư, buổi sáng, ngồi trên hiên gác 3, lại nghe tiếng con chim phi phi. Nó cứ kêu từ chập sáng cho đến 9, 10 giờ thì bay đi nơi khác. Không thấy kêu nữa. Cứ một lúc nó lại kêu: phi phi, phi phi, phi phi… Tôi đặt tên cho nó như cái âm mà tôi nghe ra. Con chim này thuở nhỏ ở Huế, mẹ tôi gọi là con chim vịt. Bà kể câu chuyện y như người miệt vườn Nam bộ kể…

Ngày xưa có người đàn ông được vợ đưa cho ít tiền đi làm ăn. Ông đi đến một khu ruộng thấy một bầy vịt đang lặn hụp mò cua cá. Mấy người dân ở đó bảo là vịt của họ, nếu ông mua họ sẽ bán cho cả bầy. Ông đồng ý mua, rồi cầm cành tre có túm lá ở đầu ngọn, lội xuống ruộng định đuổi vịt về. Chẳng ngờ, đó là đàn vịt trời. Một con bay lên rồi cả đàn bay theo. Ông chạy băng qua những thửa ruộng, miệng không ngớt gọi vịt. Vít vít vịt vịt vịt… Ông mệt đứt hơi, ngã lăn ra ruộng không ngớt kêu: vít vít vịt vịt vịt. Ông chết hóa thành con chim bay khắp xứ để gọi về cái giấc mơ đang vuột khỏi tầm tay. Người nông dân đặt tên là con chim vịt.

Nhưng thưở nhỏ học cours preparatoire (lớp dự bị, còn gọi lớp tư, theo hệ thống lớp năm, đồng ấu, enfantin, lớp mà cụ Nguyễn Công Hoan gọi là lớp đầu đầy trốc, rất tanh). Rồi đến lớp Tư, Dự bị, lên lớp Ba rồi lớp Nhì, lớp Nhất, hết bậc tiểu học.) Trường tiểu học Đông Sơn Thanh hóa, cạnh chùa Đại Đồng, chung quanh rất nhiều ao chuôm. Thỉnh thoảng vào đầu mùa hạ, lại nghe tiếng chim phi phi kêu. Một hôm thầy giáo bảo, các con có muốn nghe sự tích con chim không. Rồi thầy kể.

Ngày xưa, bên châu Âu, có chiến tranh, (bấy giờ vào năm 1941, đang có Đại chiến thế giới II). Có một gia đình nọ cả cha, mẹ, anh chị em đều chết hết. Chỉ còn lại cậu con út. Cậu đi qua các chiến trường tìm cha mẹ và gào khóc thảm thiết: “Perre, mere, frere, soeur…tous sont perdus”. Nghĩa là: Cha, mẹ, anh, chị đều mất cả rồi. Mấy chữ tiếng Pháp nói nhanh nghe tựa như tiếng con chim. Cậu không ngớt kêu thương thảm thiết. Cho đến khi mệt lã chết đi, cậu hóa thành con chim bay khắp vùng tìm cha mẹ. Trong đầu óc non trẻ của tôi lờ mờ nhận ra rằng thầy đang dạy mình những chữ (cha, mẹ, anh, chị…), mà còn cho mình nghĩa của câu chuyện thương tâm và nỗi đau mất mát trong chiến tranh.

Tiếng kêu của con “phi phi” vào dịp 30 tháng tư năm nay, khiến tôi nhớ lại câu chuyện của Thầy kể cho nghe gần 80 năm trước. Con chim vịt là tư duy của một nền kinh tế nông nghiệp tự nhiên. Còn con chim bay khắp nơi để kêu lên tiếng thảm thiết sự mất mát trong chiến tranh lại đến từ một khung trời văn hóa khác. Tôi không còn nghe ra mấy tiếng phi phi nữa, mà mường tượng như nghe nó đang kêu thê thảm nơi Ô Đồng Lầm xưa của kinh thành Thăng Long, nay là Hà Nội. Cái bi kịch là Hà nội đang tự hào như là thành phố của “hòa bình”. Cớ sao tôi cứ nghe ra tiếng chim như vẫn đang kêu gọi thê thảm nỗi đau mất mát chiến tranh: Pere, mere, frere, soeur… tous sont perdus! (Cha, mẹ, anh, chị, chết cả rồi.)

Trong tư duy cổ truyền của Việt nam, chiến tranh là tàn ác, mất mát đau thương. Nguyễn Trãi nói trong Quân Trung Từ Mệnh: “Kể ra binh đao (chiến tranh) là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm… Cái họa, của việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là điều thánh nhân vẫn răn ngừa…”. Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam, nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra, phần lớn là những cuộc chiến chống quân xâm lược do các đế chế Tàu, từ Ân, Tần, Hán, Đường Tống, Nguyên, Minh, Thanh và Tàu Cộng! Vì thế lịch sử Việt Nam còn là lịch sử của chiến tranh giữ nước. Giá như Việt Nam không chiến thắng được trong những cuộc chiến ấy, cầm chắc đã là môt tỉnh của Tàu rồi.

Còn cuộc chiến kéo dài ngót một phần tư cuối thế kỷ XX vừa qua thì sao? Người bạn của tôi, anh Nguyễn Trung đã thống kê nhiều tính chất của nó. Có chiến tranh chống xâm lược và can thiệp của ngoại bang, có chiến tranh ý thức hệ, có chiến tranh ủy nhiệm, có cả nội chiến. Riêng tôi, tôi nghĩ đến hai điều.

Thứ nhất, nó là cuộc chiến huynh đệ tương tàn bi thảm nhất trong lịch sử Viêt Nam. Hàng triệu người Việt ở cả hai miền đã chết oan uổng, bị tàn tật suốt đời, hàng vạn gia đình tan nát. Những con chim phi phi đang bay khắp mọi miền, có phải là oan hồn của những em bé đã mất cả cha mẹ, anh, chị, em! Bi thảm hơn nữa là đã có ngót cả triệu người chết trong các trại cải tạo và chết trên biển cả.

Tôi vừa nhận được thư của người bạn cũ sau 60 năm không biết tin nhau. Nhưng trong niềm vui gặp lại nhau, tôi lại ngậm ngùi đau xót. Anh ấy kể, bây giờ sống yên ổn ở Mỹ, nhưng không thể nào quên được cảnh con gái bị hải tặc hãm hiếp rồi quăng xác xuống biển. Nào chỉ riêng anh bạn của tôi. Đó là thảm kịch thế kỷ của dân tộc.

Một cuộc chiến quá khốc liệt, quá đau buồn, quá thê thảm, quá mất mát. Nhưng, điều thê thảm nhất là người ta đã không thể kiến tạo cho Dân, Nước một cuộc sống nên hồn, bình yên và tử tế, sau chiến tranh. Bốn mươi năm đã trôi qua, một cuộc nhận thức có văn hóa, có lý, có tình để hòa giải, để hòa hợp, để thống nhất Dân Tộc, an ủi người đã ngã xuống bất cứ bên nào, xoa dịu vết thương, chưa diễn ra. Rồi chung tay xây đắp một tương lai Tự Do và Hạnh Phúc, mà thật sự đã có nguồn lực trong tầm tay!

Bi kịch của cuộc chiến này là kẻ chiến thắng đã đem một ý thức ngoại lai, hổ lốn và giữ cho mình một tâm thức trung cổ “được làm vua”, mà lịch sử nhân loại đã vượt lên. Kẻ chiến thắng đã áp vào Việt Nam những bài học, những mô thức đậm nét trung cổ, lạc hậu của Nga Xô, Trung Cộng, duy trì quyền lực theo một phương thức rất trung cổ: “Cỡi ngựa giành lấy nước”. Hoặc “chính quyền ở đầu ngọn súng”, như Mao xếnh xáng quan niệm. Mà nước ở đây lại là môt quan niệm không khác gì chủ nghĩa phong kiến đã trở nên phản động lỗi thời. Họ cũng quan niệm đồng nhất nước với đảng. Thế thì có khác gì các nhà vua thuở trước bên Tàu.

Điều thứ hai mà tôi cũng thường nghĩ đến khi chiêm nghiệm những bài học lịch sử cổ đại cũng như hiện đại. Đó là khái niệm “phản lịch sử”. Tôi không dùng khái niệm này với nghĩa thông thường, là phản tiến hóa hay phản tiến bộ. Khi quan sát lịch sử Việt Nam và thế giới, tôi nghiệm ra, bên cạnh cái lịch sử hiện thực, cái đã xảy ra, tôi thấy có “mặt trái” của nó. Cái mặt trái đó, thường là những ý tưởng, có khi là mầm mống manh nha của những hành động trái chiều với lịch sử đang xảy ra. Đáng tiếc, do những nguyên nhân lịch sử, xã hội nào đó, mà khuynh hướng ấy đã không thể trở thành hiện thực.

Tôi vận dụng ý niệm về phản hạt, phản vật chất để nghĩ về “phản lich sử”. Ví như trong Quân Trung Từ Mệnh, Nguyễn Trãi đã dự báo, cuộc chiến tranh xâm lược mà nhà Minh áp đặt lên nước ta sẽ hao tiền, tốn của, thiệt hại sinh linh, nhất định sẽ thất bại, vô ích. Các tướng tá nhà Minh từ bỏ cuộc chiến ấy là hơn. Nhưng tại sao cái “phản lịch sử”, là hãy từ bỏ cuộc chiến vô nghĩa ấy đi, đã không thể xảy ra.

Cuộc chiến tranh bi thảm kết thúc vào ngày 30-4 cũng thế. Xã hội Việt Nam, trong thế kỷ XX từng có tư tưởng giành Độc lập và kiến thiết Quốc gia bằng phương thức hòa bình, phi bạo lực, “bạo lực tắc tử”. Đầu thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục từng đề xướng một chiến lược Quốc gia trong “Văn Minh Tân Học Sách”. Giành và duy trì đôc lập bằng phương thức hòa bình, độc lập dân tộc đi đôi với phát triển dân quyền, xây dựng nền kinh tế có công nông thương tín hiện đại, lấy kinh tế tư nhân là chủ đạo. “Nếu người giàu có bỏ tiền ra để làm công nhiệp, thì quốc dân phải lấy đó làm điều biết ơn, cớ sao lại đem lòng kỳ thị”. (VMTHS).

Phương thức lấy kinh tế tư nhân làm chủ đạo, ra đời hơn một thế kỷ trước ở VN, nó là “phản lịch sử” của sự kỳ thị kinh tế tư nhân, mà đến hôm nay vẫn còn bị ám ảnh chưa bức phá ra được. Vào thời hiện đai, tâm thức Việt vẫn ám ảnh nhiều, vẫn còn rơi rớt tư duy Trung Cổ. Nhục nước phải rửa bằng máu, giành nước trên yên ngựa, chính quyền ở đầu ngọn súng… Quốc ca vẫn còn âm điệu trung cổ sắt máu: “Thề phanh thây uống máu quân thù”, rồi thay bằng, “đường vinh quang xây xác quân thù”.

Có một chuyện vui, gần đây, một tiến sĩ nữ đã về hưu nói, lâu nay em vẫn nghĩ, “xây xác” nghĩa là chỉ làm chúng bị thương thôi. Ai ngờ là dã man đến thế. Văn hóa Việt Nam thể hiện trong chính trị, kinh tế, nghệ thuật, xã hội… chưa tạo ra một tâm thức mới, một nhân cách mới của quốc dân! Cứ nghĩ về một nhân cách Nhật Bản hôm nay mà thêm hổ thẹn.

Sau ngày 30-4, cớ sao cái “phản lich sử” ấy đã không xảy ra: Độc lập, Thống nhất đi đôi với Dân chủ Dân quyền, kinh tế tư nhân phát triển. Văn hóa khoa học nghệ thuật, như chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, môt yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục, từng nói vào cuối năm 1945: “Nền độc lập này mà Quốc dân vừa giành lại được, chúng ta phải bảo vệ bằng những hoạt động tinh thần. Các Dân tôc chỉ trường tồn bằng khoa học và nghệ thuật”. Khoa học, nghệ thuật, giáo dục, dân trí, quan trí, vốn xã hội… vẫn còn rất ngổn ngang.

Những điều rất đạo lý, rất hợp lý, tiến bộ và hợp trào lưu chung của nhân loại, cũng đã manh nha xuất hiện ở ngay trong lòng xã hội ta… Cớ sao từ 30-4 ngày ấy, đã cách nay đến một nửa thế kỷ, nhiều điều thiên hạ đã làm được, mà chúng ta vẫn còn loay hoay gỡ rối.

Gần đây trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân, tôi vẫn nghe những đại gia kinh tế xin bộ nọ, bộ kia quan tâm lập quy hoạch cho ngành này ngành nọ phát triển. Tại sao các nhà kinh tế không tự mình hình thành quy hoạch, rồi chính quyền phải theo đó mà có chính sách luật lệ để thúc đẩy thực hiện. Phải chăng cái não trạng kinh tế chỉ huy, kế hoạch hóa vẫn còn nặng cân. Cứ nghĩ, theo một nghiên cứu của Havard, năm 1960, Việt Nam và Nam Hàn ở cùng một trình độ. Nay sau nửa thế kỷ, họ tiêu phí cả tổng đầu tư, cả thời gian đều ít hơn ta. Thế mà, họ đã là một nước công nghiệp có kinh tế, khoa học và xã hội hiện đại, thu nhập quốc dân so với ta gấp hàng chục lần. Bi kịch là ta bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại lần theo lối đoạn trường mà đi!”

Gần đây nhân đọc tiểu thuyết “Những Mãnh Rồng” của Nguyễn Minh Tường, tôi vẫn thường ao ước, giá như lặp lại những mãnh rồng còn trong nước và những mãnh có ở khắp các châu lục, sao ta lại không thể hình thành một xã hội Rồng – Tiên hiện đại, nhân văn, hài hòa, hạnh phúc.

Còn nhớ thơ Đường có bài “Đánh đuổi con chim oanh đi. Đừng cho nó véo von trên cành. Làm cho giấc mơ của ta tan vỡ. Khiến ta không thể gặp chàng ở Liêu tây”. Tôi không muốn đuổi con chim phi phi, mà cứ để cho nó kêu tha thiết trong hồn mình.

Ô Đồng Lầm, Hà Nội nhân dịp 30-4 2019

____

Vài hình ảnh đau thương trong ngày 30/4/1975:









No comments:

Post a Comment