Wednesday, May 8, 2019

CẢI CÁCH GIÁO DỤC TIẾP TỤC XÂY NHÀ TỪ NÓC? (Nguyễn Hồng Phúc - VNTB)




09/05/2019

(VNTB) - Ông bà ta hay nói “xây nhà từ nóc” là để ám chỉ những người chỉ lo những thứ phía trên mà quên đi gốc rễ phía dưới, làm kiểu đó thì rất dễ bị sụp đổ và không phát triển bền vững. Thế nhưng một công ty xây dựng ở Canada đã thử nghiệm xây thành công một tòa nhà 10 tầng từ nóc xuống vào năm 2016. 

Tất nhiên là họ sẽ phải đào móng và xây tầng trệt trước, nhưng sau đó làm nóc ngay. Nóc sau đó được nhấc dần lên và chèn các tầng ở giữa vào. [https://youtu.be/Qy9iQficZmw].


Giáo dục của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng tham vọng tương tự, vì tin rằng đã có một nền móng vững chãi được ghi rõ trong Điều 3.1, Luật Giáo dục 2005: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”. Mục tiêu giáo dục cũng được xác định rõ là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (Điều 2, Luật Giáo dục).

Trong nhiều tài liệu tuyên truyền của cơ quan Tuyên giáo đảng, báo chí được yêu cầu khi viết về đề tài giáo dục, cần cổ súy theo hướng “đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ cán bộ, trí thức và những người lao động có tri thức, có tay nghề, có đạo đức cách mạng và tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đồng thời với đó là việc giáo dục thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho toàn thể nhân dân; đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng, quan điểm xét lại, cơ hội, những luận điệu xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta”. (Trích một tài liệu của Học viện Hành chính Quốc gia, tác giả là Trương Quốc Chính, hàm thạc sĩ).

Không chỉ là vấn đề tuyên truyền, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành một Nghị quyết số 29-NQ/TW, có tên rất dài dòng: “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua. tạp chí xây dựng đảng giới thiệu toàn văn nghị quyết”. [http://bit.ly/2J7EDMg].

Nghị quyết 29-NQ/TW, có đoạn: “Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên. Bảo đảm các trường học có chi bộ; các trường đại học có đảng bộ. Cấp ủy trong các cơ sở giáo dục-đào tạo phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ giáo viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường”.

Như vậy có thể nói rằng nếu như trong trường hợp các cải cách giáo dục thời gian qua không thành công, thì trách nhiệm ở đây có nguyên nhân là sự áp đặt của những người nhân danh đảng cộng sản Việt Nam, qua những bắt buộc trong giáo dục: lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; bảo đảm các trường học có chi bộ, các trường đại học có đảng bộ

Tính cho đến nay, giáo dục Việt Nam (không kể giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa) đã trải qua 4 lần cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979, 2013. Tuy nhiên, nhìn vào các cuộc cải cách giáo dục này, người ta vẫn thấy cung cách quản lý hành chính giáo dục chưa bao giờ là nội dung trọng tâm hay nội dung lớn. Các nội dung được quan tâm đến trong các cuộc cải cách giáo dục đó thường sẽ vẫn là tái cơ cấu hệ thống trường học, mở rộng mô hình trường, thay đổi chương trình - sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học.

Nói một cách khác, tại sao không chấm dứt việc vận hành hệ thống giáo dục phải là những đảng viên cộng sản?. Cơ chế tổ chức và chế tài hạn chế quyền lực của các cơ quan hành chính giáo dục đứng đầu là bộ phụ trách về giáo dục, vì sao vẫn phải chịu sự ‘lãnh đạo toàn diện’ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng?. 

Hệ lụy tất yếu, là với hệ thống hành chính giáo dục kiểu cấp trên sẽ ra các chỉ thị và đề ra, thực thi chính sách chủ yếu dựa trên các báo cáo và con số. Chất lượng giáo dục của trường học được biểu đạt hóa bằng con số cụ thể như tỷ lệ học sinh khá giỏi, giáo viên giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp, các cuộc “thi đua” và “phong trào”... 

Kết quả là trường học bị biến thành cơ quan hành chính và thụ động thay vì nhà trường phải khai mở và phát triển tối đa các cá nhân học sinh có nhân cách riêng biệt, phong phú. 

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn từng kể rằng, “những năm 1955 – 1958, tôi học cấp II Chu Văn An. Trường ở ngay cạnh Chủ tịch phủ. Hễ có các vị quan khách nước ngoài tới thăm, xe đưa từ sân bay Gia Lâm về Ba Đình, là bọn tôi được lệnh bỏ học, ra đứng đường để hoan nghênh các vị khách quý. Ở các địa phương việc huy động thầy trò vào các công việc gọi là công ích, là công tác chính trị của địa phương, càng phổ biến. Người ta tự coi mình đương nhiên có quyền can thiệp vào mọi việc của nhà trường. Còn những việc như thế, làm hại đến chất lượng giáo dục ra sao, thì không ai cần biết”.

Đến nay thì mọi chuyện vẫn vậy. Lễ tang ông Lê Đức Anh vừa qua, Hà Nội cũng huy động học trò ra đường để tiễn đưa linh xa. Trước đó nữa là vụ chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) buộc các cô giáo đi ‘tiếp rượu’ ở Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra từ ngày 12/8 - 14/8/2016, thì khi được chất vấn ở Nghị trường Quốc hội, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tỉnh bơ trả lời, nguyên văn: “Đây không phải là một trường hợp của Hồng Lĩnh, trong thực tế cũng có nhiều trường hợp mà cán bộ địa phương vì vui vẻ thôi, đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín”. 

Thời điểm phát biểu coi các cô giáo là 'trò vui' đó, ông Phùng Xuân Nhạ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Bí thư Ban cán sự Đảng. [http://bit.ly/2Vny26T]





No comments:

Post a Comment