Thursday, May 9, 2019

BẢN TIN NGÀY 9-5-2019 (Báo Tiếng Dân)




09/05/2019

Tin Biển Đông

Malaysia chính thức phản đối tàu Việt Nam xâm phạm lãnh hải, theo VOA. Ngày 8/5/2019, Bộ Ngoại giao Malaysia trao công hàm, chính thức phản đối số lượng lớn các tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển Malaysia. Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu hồi đại sứ Việt Nam, ông Lê Quý Quỳnh, tới để yêu cầu giải thích lý do vì sao nhiều tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục xâm phạm lãnh hải của Malaysia.

Dịp này, Kuala Lumpur hối thúc Hà Nội đề ra các biện pháp cải thiện tình hình. Trong cuộc tiếp xúc, Bộ Ngoại giao Malaysia tố cáo rằng, trong thời gian từ năm 2006 tới năm 2019, “có 748 tàu Việt Nam và tất cả 7.203 người đã bị bắt giữ”.

VnExpress có bài: Những thách thức trước khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Ông Phạm Quang Vinh, cựu Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam bình luận: “Cạnh tranh giữa các nước lớn ở khu vực sẽ ở mức độ cao hơn và khó dự đoán. Dường như quá trình tái định hình trật tự thế giới vẫn tiếp diễn nhưng chúng ta không biết đường hướng là gì”. Các quy tắc và luật lệ quốc tế được xem xét ở Biển Đông sẽ là vấn đề thu hút sự chú ý lớn.

Tiến sĩ Alfred Oehlers, một chuyên gia Mỹ, bình luận về tranh chấp Biển Đông, “Việt Nam khi nêu ra bàn thảo cần thể hiện cam kết mạnh mẽ với trật tự dựa trên luật lệ và luật quốc tế. ASEAN nên thể hiện sự nhất trí về khái niệm các quy tắc quốc tế mà tất cả các bên cần tuân theo”.



Từ “Ma dzê in Vietnam” tới “Ma ke in Vietnam”

VnExpress có bài: Bộ TTTT gây chú ý khi chọn thông điệp ‘Make in Vietnam’. Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Ma dzê in Vietnam”. Đáng chú ý, slogan của diễn đàn này đã được đổi thành “Make in Vietnam”.

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, thuộc Bộ TTTT, giải thích: “Sau khi cân nhắc, chúng tôi mạnh dạn đề xuất thông điệp Make in Vietnam. ‘Make in Vietnam‘ ở đây nếu lần đầu nghe sẽ khiến nhiều người có cảm giác có gì đó sai sai, nhưng cũng chính vì thế mà nó tạo hiệu ứng truyền thông. Vì cảm thấy sai, mọi người sẽ phải đọc lại và suy ngẫm“.

Báo Thanh Niên viết: Đề xuất ‘lạ’ cho doanh nghiệp công nghệ số Việt. Theo đó, sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, với mục tiêu nâng tầm cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, “Make in Vietnam” hướng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam áp dụng công nghệ của thế giới sử dụng cho các vấn đề Việt Nam, sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.

Dù ông Phúc và thuộc hạ của ông có ngụy biện thế nào đi nữa, “Ma dzê in Vietnam” hay “Make in Vietnam” đều là cách nói sai, một cái sai chính tả, một cái sai ngữ pháp. Nếu muốn nhấn mạnh yếu tố sản phẩm tại Việt Nam thì vẫn phải nói “Made in Vietnam”. Có lẽ ông Phúc vẫn chưa hết “quê” sau vụ ông phát biểu “Ma dzê in Vietnam” nên giờ bày ra trò này để bắt người khác sai theo mình.

Mời xem lại clip, ghi lại cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu “Ma dzê in Vietnam” hồi tháng 6/2016: https://www.youtube.com/watch?time_continue=5&v=sljcWoRRkh8


Tin nhân quyền

Thầy giáo Đặng Nguyên Triết, giáo viên trường THPT Tôn Đức Thắng, Ninh Thuận, cho biết, do đăng ba status trên Facebook, nên thầy bị phạt 7,5 triệu đồng.

Trong ba status đó, chỉ một status thầy Triết viết, hai status kia được chia sẻ lại từ Facebook “Thầy Thích Trúc Thái Minh” và TS Nguyễn Ngọc Chu, nhưng tác giả của hai status này không bị các cơ quan chức năng phạt vạ, chỉ riêng thầy Triết bị phạt.

Có vẻ như luật pháp ở xứ ta nhìn mặt người để phạt vạ, sách nhiễu, vì thầy Triết là một trong những người đã từng phát động phong trào “rủ rê lượm rác“, giúp bảo vệ môi trường sạch, đẹp. Một số học sinh của thầy Triết từng bị công an mời đi “làm việc” vì tham gia nhặt rác!

Vụ gia đình có 8 người bị oan: VKSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi người bị bắt giam oan, theo báo Người Lao Động. Một gia đình có 8 người bị oan từ năm 1979 tới nay do hành động bức cung, nhục hình của công an, an ninh Tây Ninh, UBND xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, cùng với VKSND tỉnh Tây Ninh, đã tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Dũng, một trong 8 người bị oan.

Ông Nguyễn Văn Dựa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh phát biểu: “Hôm nay, tôi đứng chỗ này tha thiết mong ông Dũng đáp tạ lời xin lỗi, có lời tha thứ trong thời gian vừa qua. Sự kiện này do xin lịch sử để lại nhưng hôm nay sự xin lỗi này cũng đáng quý, có lỗi phải xin lỗi, có sai phải sửa”.


Thuế “trời ơi”

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Nhiều phản đối thu thuế đặc biệt điện thoại di động. Lý giải về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước hoa, mỹ phẩm và ĐTDĐ, UBND TP.HCM cho rằng, các loại hàng hóa nói trên là loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp, nên việc áp thuế TTĐB sẽ giúp điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Một người dân quận Phú Nhuận bình luận: “Nếu áp dụng thuế ĐTDĐ, giá điện thoại sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm cả người thu nhập thấp và người nghèo chứ không phải doanh nghiệp hay người giàu. Giá xăng, giá nước, giá điện… đều tăng, nay nếu tiếp tục tăng thuế với ĐTDĐ sẽ khiến người dân rất bức xúc”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi về đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại: “Vẽ đường” cho hàng lậu? LS Diệp Năng Bình phân tích, điện thoại là mặt hàng rất phổ biến của mọi người trong xã hội, cần được khuyến khích. Chuyện áp thuế quá nặng đối với ĐTDĐ sẽ vô hình chung tạo điều kiện cho hàng xách tay, hàng lậu tràn vào Việt Nam.

Thuế TTĐB là loại thuế gián tiếp, đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sao lại hạn chế nhu cầu làm đẹp chính đáng của nhiều người? Bài viết trích dẫn ý kiến của một độc giả: “Điện thoại di động (ĐTDĐ), nước hoa, mỹ phẩm là gần như nhu cầu thiết yếu cần phải có cho mọi người dù nghèo hay giàu…. Vật giá thì đang leo thang, bộ phận người lao động nghèo đang phải bị bủa vây đủ thứ trong cuộc sống chật vật, giờ lại thêm thuế tiêu thụ đặc biệt như này nữa thì coi như tước quyền sống cơ bản của người lao động nghèo rồi còn gì?”

VOV đặt câu hỏi về kiến nghị thu thuế TTĐB với điện thoại di động: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược? Bài viết phân tích, với mục tiêu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng nói trên để tăng nguồn thu cho ngân sách thì TP.HCM có thể thu được cái lợi trước mắt, nhưng cái hại lâu dài sẽ còn nhiều hơn. Kiểu đánh thuế này có thể sẽ “đẩy” người dân đi ngược chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khi đánh vào ĐTDĐ.

BizLive dẫn lời LS Trương Thanh Đức bình luận đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại: “Tư duy đánh thuế tận thu bất thường”. Chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, thay vì tăng thuế, “tận thu” từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Trong kinh tế thị trường thì tiêu thụ quyết định phát triển sản xuất, kinh doanh, chứ không phải là sản xuất, kinh doanh quyết định nhu cầu tiêu dùng.

Zing có bài: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại, tư duy quay lại thời bao cấp. Bài viết chỉ ra nghịch lý, 30 năm trước, khi điện thoại di động còn là thứ hàng xa xỉ mà không bị đánh thuế, đến nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu với số thuê bao ngang với dân số thì lại đi đánh thuế.

Hành động đánh thuế “tận thu” kiểu này không khác gì “muốn quay lại thời kinh tế bao cấp với khẩu hiệu tất cả cho sản xuất, chắt bóp tích lũy, vì cái gì cũng thiếu, nên cấm ăn chơi, thắt lưng buộc bụng hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng”. Một kiểu “kinh tế” ngược đời đã khiến đất nước nghèo đói trong ít nhất một thập niên sau năm 1975, dù CSVN đã tiếp thu miền Nam với đầy tài nguyên và của cải.


Điện, xăng tăng giá

Báo Đấu Thầu viết: Giá đầu vào tăng, doanh nghiệp bộn bề mối lo. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN phân tích, giá sản phẩm xi măng tăng thì người tiêu dùng sẽ giảm tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất ứ đọng sản phẩm mà tiền đầu tư, kinh doanh đi vay ngân hàng. Khi giá đầu vào sản xuất tăng lên, có doanh nghiệp sản xuất không cầm cự được buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng một số doanh nghiệp khác vẫn giữ giá dẫn đến cạnh tranh thị phần gay gắt.

VTV có bài: Giá cả hàng hóa rục rịch tăng theo giá điện, giá xăng. Giá điện, xăng đều tăng đã tác động đến phí vận chuyển nhiều loại hàng hóa, thực phẩm, nên các mặt hàng này bắt buộc phải tăng giá. Tình hình lạm phát đã thể hiện rõ trên các gian hàng ở siêu thị và chợ từ lớn đến nhỏ.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Tăng giá xăng, điện tác động tới kinh tế, xã hội thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thừa nhận, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84% vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Nhiều người cho rằng, đây vẫn là số liệu được “tô vẽ”, để lừa dân rằng chế độ vẫn kiểm soát được làn sóng lạm phát đang diễn ra.

VnEconomy dẫn lời Chủ tịch Quốc hội: Rủi ro lạm phát còn tiềm ẩn. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, với lạm phát, rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, bởi tác động của việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, giá dịch vụ y tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh với ngành nông nghiệp… “Giá dầu dự báo khó tăng đột biến, do tổng cầu của thế giới tăng chậm, nhưng trường hợp giá dầu và nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng thì áp lực lạm phát ở trong nước của chúng ta rất lớn”.

VietNamNet Xăng, điện tăng giá, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh hoãn tăng viện phí. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các địa phương chưa có Nghị quyết của HĐND về điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các đối tượng chưa tham gia BHYT thì tạm hoãn, xem xét ở thời điểm phù hợp hơn.

Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, chứ không có ý nghĩa về lâu dài. Lạm phát là hiện tượng bắt buộc phải xảy ra trong tình hình giá điện và nhiên liệu đều tăng, đồng tiền VN ngày càng mất giá. Đó là quy luật chuyển động của nền kinh tế và không có nghị quyết, chỉ đạo nào ngăn cản được cả.

Bê bối ngành y

Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa đề nghị truy tố dàn lãnh đạo VN Pharma về tội buôn bán thuốc chữa ung thư giả, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án VN Pharma đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Hùng, TGĐ VN Pharma, cùng 11 bị can về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Cơ quan tố tụng xác định, Công ty VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011 do ông Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, ông Hùng bàn với Võ Mạnh Cường, GĐ Công ty H&C, nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam. Ông Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc.

Công an mở rộng điều tra đường dây mua bán thận ‘xuyên quốc gia cho hàng trăm người, theo báo Tiền Phong. Đây là đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5/2017 và đã tổ chức mua bán thận cho khoảng 100 nạn nhân. Đến khi bị triệt phá vào ngày 21/1/2019, đường dây này đã bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.

Trong mỗi ca mua bán thận, mỗi nạn nhân bán thận được các đối tượng trong đường dây trả từ 200-210 triệu đồng. Số tiền mà nhóm này thu được từ mỗi ca bán thận thành công dao động từ 15.000 – 17.000 USD (khoảng 340-400 triệu đồng). Còn những người môi giới thành công sẽ được hưởng từ 20 đến 25 triệu đồng.


Tin giáo dục

Báo Thời Đại đưa tin: 51 thí sinh gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn tiếp tục học đại học. Đây là thông tin được chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xác nhận tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 8/5. Ông Nhạ không nói rõ các trường hợp gian lận này có bị trừng phạt thích đáng không, hay được để yên cho học tiếp. Ông chỉ nói, hiện Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý các tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Báo Thanh Niên dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình: ‘Sửa điểm hàng trăm em thì không đơn giản là một vài cán bộ địa phương’. Ông Bình cho rằng, “cần phải nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay vì đây là nhận thức coi thường hệ thống thi cử của cán bộ quản lý giáo dục và cả cán bộ quản lý ở các địa phương”.

Công an huyện Thủ Thừa, Long An vừa khởi tố, bắt tạm giam hiệu trưởng lập hồ sơ khống, VOV đưa tin. Chiều 8/5, công an tống đạt quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa, tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ. Trước đó,  ông Đức có nhiều sai phạm trong việc thanh quyết toán các khoản chi xây dựng công trình tại Trường THPT Thủ Thừa. Kết quả thanh tra phát hiện, một số chứng từ có phiếu lập khống, gây thiệt hại gần 20 triệu đồng.

Báo Thanh Niên đưa tin: Vì sao không trường nào của VN vào bảng xếp hạng tốp 400 trường đại học châu Á? Lý do đơn giản: Một nền “giáo dục” đầy những tiêu cực và sai phạm ở VN, đã dung túng để những “hạt giống đỏ” từ “đội sổ” thành “thủ khoa” trong các kỳ thi THPT, dạy thứ người ta không còn dạy, áp đặt tư tưởng và giáo điều, thì đứng bét bảng trong bất kỳ mục xếp hạng giáo dục nào, là chuyện hoàn toàn xứng đáng.



***







No comments:

Post a Comment