Wednesday, May 29, 2019

BẢN TIN NGÀY 29/05/2019 (Báo Tiếng Dân)




29/05/2019

Tin Biển Đông

Phi công Hải quân Australia bị tàu Trung Quốc chiếu tia laser khi đang diễn tập tại Biển Đông, RFA đưa tin. Trong chuyến đi từ Việt Nam sang Singapore, phi công Euan Graham trên tàu chiến HMAS Canberra của Hải quân Australia cho biết, các phi công Hải quân Australia đã bị tàu Trung Quốc chiếu tia laser khi đang diễn tập trên Biển Đông. Hành động này khiến các phi công phải hạ cánh để bảo đảm an toàn.

Theo nhân chứng Euan Graham, chiến hạm Canberra của Australia bị một tàu chiến của Trung Quốc đeo bám theo và một tàu cá TQ chiếu tia laser. Ông Euan Graham đặt nghi vấn, rằng phải chăng “đó là dạng sách nhiễu có phối hợp ngày càng nhiều của lực lượng dân quân biển Trung Quốc”.

Thông Tấn Xã VN đưa tin: Tàu hộ tống phòng không Forbin của Pháp thăm hữu nghị TP.HCM. Sáng 28/5, tàu hộ tống phòng không Forbin thuộc Lực lượng Hải quân Pháp, do đại tá Thomas Frioli chỉ huy, đã cập cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị TP HCM từ ngày 28/5 đến 3/6.

Chuyến thăm này nằm trong Kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt – Pháp 2019, mục đích “thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương nói riêng, củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược” giữa hai nước nói chung.


Vòng lẩn quẩn “đầu tư công”

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Chính phủ muốn điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công. Chính phủ VN và một số ĐBQH đề nghị, QH quyết định tổng mức đầu tư, còn Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch được QH thông qua. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Tôi hình dung nếu QH làm việc này thì rất nặng nề và chúng tôi muốn việc đó giao cho Chính phủ. Chính phủ phải làm, chịu trách nhiệm trong khung mà QH đã quyết, còn QH làm chức năng giám sát”.

VOV dẫn câu hỏi của một số ĐBQH: Sửa Luật Đầu tư công chỉ mang tính “chữa cháy“? ĐBQH Nguyễn Đức Kiên phân tích, Dự luật Đầu tư công mới vận hành được hơn 3 năm, vẫn chưa làm tốt nhiều quy định về vốn đầu tư trung hạn, thì không thể nói tới những việc khác. Nên chuyện sửa luật chỉ là hình thức “chữa cháy” chứ không thể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các năm khác.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh lưu ý, để phê duyệt, triển khai một dự án đầu tư công, ngoài Luật Đầu tư công còn cần tới Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… Vốn chỉ là giai đoạn đầu. “Theo Luật Đầu tư công, tất cả công trình đều phải được đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm. Khi triển khai phải lập trình tự từ dưới lên trên và được chốt trong khung kế hoạch đó”.

VTC dẫn lời một Đại biểu Quốc hội: Tôi rất chạnh lòng khi nói Luật Đầu tư công là một tội đồ. ĐBQH Trần Thị Dung phát biểu: “Tôi cũng là người được bấm nút thông qua dự án Luật Đầu tư công, như đại biểu Kiên nói là một thành tích thời điểm đó, đến bây giờ cho đó đấy là tội đồ. Như đại biểu Xuyền nói Luật Đầu tư công là một tội đồ dẫn đến cản trở những hoạt động hiện nay, làm ách tắc những vấn đề hiện nay liên quan đến đầu tư công không giải quyết được”.

Lĩnh vực đầu tư công ở VN là “miếng bánh” để các cấp từ trên xuống dưới xâu xé, “chấm mút”… nên mới có những công trình trăm tỉ, ngàn tỉ nhưng hoạt động được vài tháng, nửa năm đã xuống cấp, hư hỏng, càng sửa hay nâng cấp thì càng hư nặng. Bây giờ các ĐBQH muốn sửa Luật Đầu tư công, cũng chỉ là diễn trò cho dân xem.


Muốn xây dựng TP thông minh, cần phải có Chủ tịch biết liêm sỉ

Chiều 27/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp Thị trưởng Stockholm, báo Hà Nội Mới đưa tin. Trong buổi gặp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mời gọi doanh nghiệp Thụy Điển đồng hành xây dựng thành phố thông minh. Để xây dựng được thành phố thông minh, cần có chủ tịch thành phố có chút liêm sỉ, biết giữ lời, không gạt người dân thành phố, như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã từng lừa gạt người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao tặng quà lưu niệm cho bà Anna Konig Jerlmyr – Thị trưởng TP Stockholm. Ảnh: KTĐT

Người dân Đồng Tâm đang níu áo ông Chung đây: Dân Đồng Tâm tuyên bố ‘cuộc đấu trí mới’ với chính quyền, theo BBC. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, cựu Bí thư và Chủ tịch xã Đồng Tâm, nói rõ: “Ông Nguyễn Đức Chung luôn luôn lươn lẹo, bóp méo sự thật, vừa đá bóng, vừa thổi còi…. Hoàn toàn quan liêu, xa rời quần chúng, coi dân như cỏ rác, coi thường những người khiếu nại, tố cáo“.

Còn anh Lê Đình Công, con của ông Kình, cho biết: “Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội nói tới đây sẽ cho bộ đội về xây dựng trên đất Đồng Tâm. Tôi thì cho rằng bộ đội sẽ không ủng hộ đâu. Còn nếu cố tình đưa Viettel về lấy đất thì dân Đồng Tâm sẵn sàng hy sinh giữ đất. Nhà nào ở Đồng Tâm cũng đã trang bị đầy đủ rồi, sẽ không bắt giữ người như năm 2017 nữa đâu mà chắc chắn sẽ đổ máu”.


“Ăn của dân không chừa thứ gì”

Vụ cấp dưới bị tố nhận 12 tỉ “chạy” dự án: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói “nếu vi phạm sẽ chuyển sang công an”, theo báo Người Đưa Tin. Ngày 28/5, bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chính thức trả lời thông tin 2 cán bộ bộ này bị tố cáo nhận 12 tỷ đồng để “chạy” dự án: “Nếu xác định cán bộ có vi phạm sẽ lý theo luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, đình chỉ tất cả mọi chức vụ. Nếu sai phạm nghiêm trọng hơn thì có thể chuyển các cơ quan liên quan như công an”.

Trước đó, Phó giám đốc trung tâm bác bỏ việc nhận 12 tỉ “chạy” dự án, báo Đấu Thầu đưa tin. Ngày 27/5, ông N.V.B, PGĐ Trung tâm thông tin, dữ liệu Biển và Hải đảo Quốc gia, cùng ông Đ.N.T, cấp phó của ông B đã bác bỏ nội dung tố cáo 2 ông này nhận 12 tỉ đồng để “chạy” trúng thầu 2 dự án đang gây ồn ào dư luận. Tổ xác minh đã trao đổi và yêu cầu ông B và ông T giải trình bằng văn bản đối với từng nội dung mà lãnh đạo Công ty Thiên An tố cáo, phản ánh.

Báo Công Lý có bài: Rút ruột ngân sách hàng tỷ đồng, 3 cán bộ kiểm lâm đổ vào cá độ bóng đá. Ngày 27/5, TAND tỉnh Phú Yên tuyên xử bị cáo Huỳnh Ngọc Tuấn, cựu kế toán Chi Cục kiểm lâm tỉnh án tù chung thân, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nguyên, cựu thủ quỹ mức án 8 năm tù về tội tham ô tài sản, bị cáo Phan Văn Công, cựu Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh, 2 năm 6 tháng tù treo, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2015 đến tháng 10/2017, Tuấn và Nguyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chiếm đoạt công quỹ hơn 5,8 tỉ đồng. Họ lấy số tiền này để đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và tiêu xài cá nhân.

Diễn biến tiếp tục làm rõ sai phạm tại HTXNN Đồng Xung, huyện Ứng Hòa: Lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Ngày 16/7/2018, UBND huyện Ứng Hòa ban hành văn bản, đề cập đến vụ Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tân, ông Hoàng Chí Hiếu cùng một số cán bộ lập khống hồ sơ cấy lúa Kim Cương 111 vụ Xuân và vụ Mùa năm 2017 tại HTXNN Đồng Xung, để rút tiền của Nhà nước.

Đến ngày 13/5/2019, UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục ban hành kết luận về một số sai phạm tại HTXNN Đồng Xung từ năm 2008 – 2018, như: Ngày 23/12/2011, Chủ nhiệm HTXNN Đồng Xung Ngô Văn Quyết ký hợp đồng khống gây thất thoát gần 34 triệu đồng.


Cập nhật vụ án “logo vua xe”

Vụ ‘logo xe vua’: Cựu CSGT Công an Đồng Nai ngừng ‘kêu oan’, theo báo Tiền Phong. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 28/5 tại TAND cấp cao TP HCM, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân, cựu cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị tòa tuyên án tù trong vụ “logo xe vua” đã chấp nhận thụ án 8 năm. Trước đây, đường dây của Chân cung cấp logo dán làm “mật hiệu” nhận diện, để các xe dán logo này được TTGT, CSGT “du di”.

Các đồng phạm của Chân đã đã bán được khoảng 15.000 lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng. Một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ cho CSGT. Có đối tượng đưa hối lộ 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.


Vụ bệnh nhi 13 tuổi bị xâm  hại khi chụp X-quang

Công an huyện Quỳnh Nhai, Sơn La vừa bắt khẩn cấp cán bộ viện bị tố hiếp dâm bệnh nhi 13 tuổi tại phòng chụp X-quang, báo Tiền Phong đưa tin. Kỹ thuật viên Mùa A Chớ đã bị công an bắt giữ khẩn cấp. Trước đó, chiều 21/5 tại Khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, Chớ chụp X-Quang phổi cho nữ bệnh nhi 13 tuổi, rồi bảo bệnh nhi này đi vào phòng phía trong, chốt cửa, sau đó yêu cầu cháu bé cởi quần và thực hiện hành vi hiếp dâm.

Báo Đất Việt cập nhật tình hình nạn nhân vụ hại đời nữ bệnh nhi 13 tuổi: Bé bỏ ăn uống. Cha của bé gái bị kỹ thuật viên BV đa khoa huyện Quỳnh Nhai hiếp dâm cho biết: “Tâm lý của cháu luôn bất ổn kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay. Tôi thương cháu quá mà không biết làm thế nào để cháu có thể ổn định trở lại. Cháu không chịu ăn uống và cũng không muốn nói chuyện với ai. Thi thoảng cháu lại khóc…”


Tin giáo dục

Công an quận 10, TP HCM vừa triệt phá thành công đường dây làm giả con dấu bằng cấp, chứng chỉ quy mô lớn, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Công an quận 10 xác nhận, họ đã bàn giao các nghi can trong đường dây làm giả con dấu bằng cấp, chứng chỉ quy mô lớn cho Công an quận Bình Thạnh tiếp tục xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, khoảng tháng 4/2019, có nguồn tin tố cáo của dân về chuyện một nam thanh niên thường xuyên đi tới khu vực bưu điện quận 10, với nhiều biểu hiện nghi vấn. Công an theo dõi thì phát hiện nam thanh niên này thường xuyên tới gửi các bằng cấp, chứng chỉ… của nhiều trường đại học, cao đẳng nghi là giả.

Báo Thanh Niên bàn về đường dây làm bằng giả quy mô tại TP.HCM: ‘Quy trình’ giả từ A đến Z. Theo đó, đường dây này do đối tượng Nguyễn Văn Duy, ở quận Bình Thạnh, trực tiếp cầm đầu và mua các thiết bị máy móc để làm giả con dấu. Sau đó, Duy thiết kế các mẫu phôi bằng giống như các trường đại học, cao đẳng và giả con dấu, giả chữ ký của các hiệu trưởng trường mà khách yêu cầu.

Báo Người Lao Động đưa tin: Đã xác định người làm lộ đề thi ở Bình Thuận. GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, người làm lộ đề thi học kỳ II môn văn là một Phó phòng đang công tác trong ngành giáo dục tại địa phương. Trước ngày diễn ra kỳ thi, người này dựa vào mối quan hệ với giáo viên một trường THPT ở TP Phan Thiết, nên đã chuyển đề thi môn văn cho GV này xem trước. Đến lượt GV này đưa đề thi cho một học sinh lớp 12 của mình, rồi học sinh này đưa đề thi lên mạng xã hội.


Dịch tả heo và ám ảnh thực phẩm bẩn

Dịch tả heo tiếp tục lây lan ở miền Nam, đến lượt Đồng Tháp công bố dịch tả heo châu Phi, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Chiều 28/5, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định công bố bệnh dịch tả heo châu Phi hiện diện trên địa bàn tỉnh. Dịch xảy ra từ ngày 22/5, tại các huyện Tân Hồng, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung, thành phố Sa Đéc. Trước đó, dịch tả heo châu Phi đã tràn vào “thủ phủ” nuôi heo của miền Tây Nam Bộ là Cần Thơ.

VnExpress đưa tin: Xe tải chở lợn mắc dịch tả châu Phi bán dạo 2 ngày ở Quảng Nam. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam nhận được tin, một xe tải chở heo đậu tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh có dấu hiệu dịch bệnh.

Trên xe có 34 con heo sống, 5 con đã chết và có triệu chứng lâm sàng của dịch tả heo Châu Phi, giấy niêm phong trên xe đã bị tháo gỡ. Tài xế khai báo được thuê chở heo từ Bắc Ninh đến một lò mổ ở Quảng Ngãi, sau đó không liên lạc được chủ hàng nên tài xế dừng xe, tháo giấy niêm phong để bán heo.

Vụ xe chở lợn nhiễm dịch tả từ Bắc Ninh đến Quảng Nam: Giữa đường đã bán 111 con, theo báo Tiền Phong. Bài viết lưu ý, xe chở heo nói trên có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhưng đã hết giá trị. Số lượng heo theo giấy kiểm dịch tại nơi kiểm dịch gốc là 150 con heo thịt, nhưng thời điểm kiểm tra chỉ còn 39 con. Số heo còn lại đã được tài xế bán trên đường di chuyển.

Báo Lao Động có bài: Kho thịt heo bốc mùi hôi thối chờ bán làm… lạp xưởng. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hậu Giang phát hiện số lượng lớn thịt heo không rõ nguồn gốc, đang bốc mùi hôi thối tại một ngôi nhà ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tủ, thùng xốp, chứa nội tạng, chân, da, đuôi heo đã biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối. Chủ nhà khai nhận, họ đem số thịt này “về dự trữ, khi có ai đặt mua thì bán. Riêng thịt heo nái thì lóc bán cho những cơ sở làm lạp xưởng”.


***











No comments:

Post a Comment