Monday, April 1, 2019

TRUNG QUỐC VÀ CÁC LÀNG UNG THƯ Ở VIỆT NAM (Đỗ Cao Cường)





Một số người cho rằng chỉ cần thay đổi luật đấu thầu thì sẽ hạn chế được sự bành trướng của các nhà thầu Trung Quốc. Nhưng bản chất câu chuyện không nằm ở nhà thầu, mà là sự chọn lựa mô hình quản lý nhà nước, sự phụ thuộc quá lớn vào cả thể chế chính trị lẫn nền kinh tế Trung Quốc, những món nợ khổng lồ cùng các điều khoản bắt buộc đi kèm sẽ đưa Việt Nam đến bến bờ tuyệt vọng.

Năm 2015, nhiều tờ báo trong nước đưa tin từ năm 1993 đến 2014, Việt Nam tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA (Official Development Assistance), đến năm 2018 báo chí tái khẳng định nguồn vốn ODA mà Việt Nam nhận được trong giai đoạn 1993 – 2018 vẫn là con số 80 tỷ USD, vậy là nguồn ODA viện trợ không hoàn lại vào Việt Nam trong 4 năm 2014 -2018 bằng 0.

Từ năm 1993 đến nay, cả nước có gần 3000 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi, tập trung hết vào các dự án đầu tư công, không có một quy trình đánh giá, kiểm soát nguồn vốn, giám sát độc lập, tham nhũng hoành hành nên nhiều dự án lớn bị thua lỗ nặng nề… khiến cho nhiều nước phát triển như Pháp, Đan Mạch, Canada… ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam.

Thời gian dùng “tiền chùa” hết, áp lực trả nợ cao (chỉ tính riêng năm 2015, tỷ lệ trả nợ trực tiếp chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách, đây mới chỉ là con số không đầy đủ do Bộ Tài chính đưa ra), thời gian được miễn trả gốc, lãi (ân hạn) của nhiều dự án ODA đã hết, hình thức vay tín dụng thương mại với lãi suất cao thay thế, thời gian ân hạn ít hơn nhiều. Trong khi tỷ giá Việt Nam so với ngoại tệ ngày càng chênh lệch, bộ máy công chức Việt Nam cồng kềnh, vô dụng, tiêu tốn ngân sách… không kiểm soát được tham nhũng, không có năng lực trả nợ nên đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi nguồn thu hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào việc đào bới tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô, bất động sản, rồi dầu thô sẽ hết, bất động sản sớm đóng băng.

Điều nghịch lý còn nằm ở chỗ Việt Nam bán dầu thô cho Trung Quốc rẻ hơn các nước khác, vì bị Trung Quốc điều khiển, trả tiền mặt, mua chuộc được quan chức Việt Nam, viện trợ thêm kỹ thuật, hạ tầng kém chất lượng, âm mưu cuối cùng vẫn là chiến lược một vành đai, một con đường.

Và mặc dù khai thác tài nguyên có sẵn đem đi bán nhưng vẫn lỗ, bội chi ngân sách, bằng chứng là việc thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán chủ yếu do tăng thu từ nhà, đất và dầu thô, nhưng vẫn thâm hụt gần 9 tỷ USD.

Nợ công tăng cao, với áp lực mỗi năm Việt Nam phải trả nợ vay ODA hơn 1 tỷ USD, chưa nói tới các khoản vay khác với lãi suất cao hơn, Việt Nam tìm mọi cách vay các khoản mới để trả nợ cũ (đảo nợ). Tuy nhiên, giữa năm 2017 Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ra tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam, chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5%, các đối tác khác cũng chuyển từ hình thức cho vay ODA sang vay thị trường.

Nhiều nước còn không muốn cho Việt Nam vay bởi họ nhận ra rằng các dự án công mà chính quyền Việt Nam triển khai không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích, làm ăn không đàng hoàng, không minh bạch, tiếp tay cho tham nhũng nên họ không còn muốn rót vốn.

Mặt khác, với các dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như nhiệt điệt, xi măng… họ cũng không có sẵn một nhà thầu với công nghệ giá rẻ để đầu tư, thậm chí nhiều nước đã dùng năng lượng sạch thay thế.

Trong khi Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ thâm giao, quan chức Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là kim chỉ nam, học tập Trung Quốc ở từng bước đi, có nhiều thỏa thuận bí mật đến nỗi người dân 2 nước còn không biết.

Điều khiển được các nhóm lợi ích, am hiểu văn hóa hối lộ, chia chác ở Việt Nam, Trung Quốc dễ dàng mua chuộc nhiều quan chức, Việt Nam thì vay được tiền mà không cần phải thông qua một quá trình chứng minh năng lực, kê khai minh bạch như khi vay của các tổ chức quốc tế, các nước khác, và các tổ chức quốc tế cũng không còn muốn cho Việt Nam vay.

Muốn vay thì phải dùng nhà thầu, công nghệ của Trung Quốc, có sẵn trong tay các thiết bị giá rẻ, lạc hậu, Trung Quốc kê khống giá, móc ngoặc với nhà thầu phụ, bán lại cho Việt Nam với giá cắt cổ. Các điều khoản ký kết với nhà thầu Trung Quốc không có tính ràng buộc, cố tình để mập mờ, do đã nhận tiền lại quả, lót tay, nên tất cả im lặng.

Hợp đầu ký kết có lợi cho nhà thầu Trung Quốc nhưng hủy hoại cả nền kinh tế Việt Nam. Đúng ra, theo hợp đồng nhà thầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại khi kéo dài tiến độ thi công, đội vốn, chất lượng thiết bị, công trình không đúng như cam kết ban đầu…
Vốn vay Trung Quốc có lãi suất 3% một năm, trong khi vay Hàn Quốc chỉ có 0-2%, Ấn Độ 1,75%, Nhật Bản 0,4-1,2%… mặt khác Việt Nam phải trả phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5% cho Trung Quốc… Cuối cùng, chất lượng công trình không đảm bảo, các dự án thua lỗ, số lãi, gốc phải trả cho Trung Quốc ngày càng lớn.

Làng ung thư ở Việt Nam

Dù không có phe nhóm nhưng tôi vẫn âm thầm tới nhiều nơi đồng hành cùng bà con.

Tôi đã tới nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình,… điều đáng nói các nhà máy này đều do Trung Quốc làm tổng thầu, chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn, như nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh) đội vốn tới hơn hơn 550 triệu USD , thiết bị vận hành lạc hậu, hàng ngàn người Trung Quốc làm việc trái phép trong các nhà máy, giờ là công nhân, khi cần sẽ trở thành binh lính.

Các làng ung thư quanh các nhà máy nhiệt điệt Trung Quốc này mọc theo, những cái chết cam chịu và đau đớn, trong tương lai sẽ không còn chỗ chứa tro xỉ, xỉ than thẩm thấu và phát tán nhanh các thành phần độc hại như thạch tín, chì ra môi trường nước, giết chết loài người cùng tất cả các loài sinh vật. Chính đại học Havard (Mỹ) đã công bố nghiên cứu mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than và có xu hướng tăng cao gấp nhiều lần, còn nguyên Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim phát biểu: “Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW nhiệt điện than và toàn bộ khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc. Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta”.

Tôi cũng đã tới nhà máy đạm Ninh Bình, cũng vay vốn Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công, họ đưa các thiết bị lạc hậu vào sử dụng, khiến nhà đầu tư nước khác không dám nhảy vào đầu tư, chỉ sau 4 năm hoạt động nhà máy này thua lỗ tới hơn 2.700 tỷ đồng. Nhiều người sống gần đó bị ung thư và chết theo, phần lớn đứa trẻ trong làng đều bị mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, phải đeo khẩu trang đi ngủ vì mùi quá hôi thối, trâu bò uống nước gần đó còn chết, chất amoni khó nhận biết, dễ gây ung thư cạnh nhà máy có lúc vượt từ 26 đến 1.030 lần.

Tôi cũng đã tới nhà máy thép Shengli – Trung Quốc ở Thái Bình, sau 10 năm hoạt động thì nhiều người dân thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng chết trẻ vì ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn,…

Cho nên đi theo Trung Quốc chỉ có một con đường, đó là con đường chết.








No comments:

Post a Comment