Thursday, April 25, 2019

THƯỢNG ĐỈNH CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI : CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG CỦA TRUNG QUỐC (Thùy Dương - RFI / ĐIỂM BÁO)




Thùy DươngRFI
Đăng ngày 25-04-2019

Thượng đỉnh thứ hai về dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc hôm nay 25/04/2019 khai mạc tại Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều nước nâng cao cảnh giác trước các dự án của Trung Quốc.

Kế hoạch "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc.Reuters

Trong bài viết « Bắc Kinh bảo vệ dự án gây nhiều tranh cãi về những con đường tơ lụa mới », báo kinh tế Les Echos gọi thượng đỉnh lần này là chiến dịch truyền thông lớn của Bắc Kinh, nhấn mạnh đây là hội nghị thượng đỉnh để xóa mờ những mối nghi ngờ và những lời chỉ trích của quốc tế.

Có ít nhất 37 nguyên thủ nhà nước và lãnh đạo chính phủ tham dự thượng đỉnh, so với con số 29 nhà lãnh đạo tham dự thượng đỉnh đầu tiên hồi năm 2017. Đáng chú ý nhất trên « thảm đỏ » là tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ý là nước đầu tiên trong nhóm G7 tham gia siêu dự án của Trung Quốc. Phần lớn các nước Tây Âu khác chỉ cử bộ trưởng tới dự, chẳng hạn ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian của Pháp. Trong khi đó, không có đại diện cấp cao nào của Hoa Kỳ - quốc gia chỉ trích ngày càng mạnh dự án của Bắc Kinh - tham dự hội nghị.

Trung Quốc đặc biệt muốn chứng tỏ là ngày càng có nhiều nước gia nhập dự án do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng cách nay 5 năm. Theo số liệu mới nhất của Bắc Kinh, có tổng cộng 125 nước và 29 tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh trong khuôn khổ dự án, và trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước tham gia Con đường tơ lụa mới đã vượt qua con số 6.000 tỉ đô la từ năm 2013.

Mặc dù dự án Con đường tơ lụa mới được biết đến nhiều nhất ở phần lớn các nước đang phát triển, nhưng Bắc Kinh lo ngại là một số dự án lớn bị thu hẹp tại nhiều nước đối tác như Malaysia, Pakistan hay Miến Điện. Trong khi đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn về khoản tiền và kỳ hạn cho các nước đối tác vay nợ và lưu ý các quốc gia về nguy cơ nợ Trung Quốc tăng.

Les Echos kết luận là giới quan sát và các nhà ngoại giao sẽ chú ý lắng nghe bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xem Bắc Kinh có đưa ra các cam kết rõ ràng hơn trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế về các vấn đề có liên quan hay không.


Tổng thống tân cử Ukraina danh hài Zelensky không khiến Matxcơva cười
Nhìn sang châu Âu, báo Le Monde chú ý đến mối quan hệ Nga - Ukraina. Ngày 21/04/2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraina với 70% số phiếu bầu trước đối thủ là tổng thống mãn nhiệm Porochenko. Là một diễn viên hài, nhưng « Zelensky không khiến Matxcơva cười ». Đó là nhận định của báo Le Monde.

Nếu như tổng thống tiền nhiệm Porochenko vốn có sợi dây gắn kết với Liên Xô, từng phục vụ quân đội Liên Xô tại Kazakhstan, « được đúc trong cùng một khuôn » với tổng thống Nga Vladimir Putin, vì thế mà có thể chia sẻ những nét chung về văn hóa, quy tắc, lịch sử với chủ nhân điện Kremlin, thì Zelensky mới chỉ 13 tuổi vào thời điểm Liên Xô tan rã. Theo nhà báo Sylvie Kauffman, tổng thống tân cử Ukraina Zelensky sẽ mang lại cho Putin, chủ nhân điện Kremlin từ 19 năm nay, một trải nghiệm mới : Zelensky đại diện cho một thế hệ không có mối liên hệ với Liên Xô.

Zelensky nói tiếng Nga, nhưng đối với chính quyền Matxcơva, chính điều này lại khiến tổng thống tân cử Ukraina nguy hiểm cho điện Kremlin hơn là so với người tiền nhiệm. Nếu khi còn làm tổng thống, ông Porochenko đề cao tư tưởng dân tộc trong tôn giáo, quân đội và ngôn ngữ, gây chia rẽ đất nước, thì ông Zelensky lại chủ trương thắt chặt tình đoàn kết của người dân miền đông và tây, làm dịu các căng thẳng, xung đột và đặt cược vào cuộc chiến chống tham nhũng. Ai cũng biết rằng một đất nước đoàn kết sẽ hùng mạnh hơn một đất nước bị chia rẽ.

Đối với tổng thống Nga Putin, ông Zelensky là người làm ngắt mạch nối với thời Xô Viết. Zelensky là thế hệ tiếp nối cuộc Cách mạng Maidan 2014 ủng hộ Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và lật đổ vị tổng thống thân Nga. Điều đáng lo hơn nữa là Zelensky là kết quả của kỳ bầu cử theo lá phiếu đại đa số cử tri và dân chủ.

Ngay từ hôm 21/04, tại Nga, giới trẻ đã dám đặt câu hỏi tại sao điều đã diễn ra ở Kiev lại không thể xảy ra ở Matxcơva. Chắc chắn là nhiều thanh niên Belarus và Kazakhstan cũng có câu hỏi tương tự. Dường như đã cảm nhận được những thắc mắc nói trên, Zelensky, ngay tối hôm đắc cử tổng thống, đã gửi một thông điệp đến người dân các nước thành viên cũ của Liên Xô : « Tất cả đều có thể ». Theo Le Monde, đó mới là cơn ác mộng tồi tệ nhất cho điện Kremlin.

Cuộc phiêu lưu của Zelensky mới chỉ bắt đầu và có thể sẽ có những yếu tố khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ, chẳng hạn nhân tố Nga, khó khăn tài chính của Ukraina, sự thiếu kinh nghiệm của tân tổng thống, sự mù mờ trong chương trình tranh cử của Zelensky … Nhưng một số nhà quan sát lạc quan nói về niềm hy vọng thay đổi của Kiev với dàn cố vấn trẻ, có năng lực quanh tân tổng thống, những vị bộ trưởng kinh tế và tài chính Ukraina được quốc tế đánh giá cao … Kiev cũng hy vọng châu Âu sẽ giúp Ukraina thoát khỏi thời hậu Xô Viết.


Thuốc diệt cỏ có chất glyphosate vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo La Croix, rất nhiều tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh để chất diệt cỏ glyphosate bị cấm sử dụng, nhưng hoạt chất này vẫn được đa phần nông dân ưa chuộng. Trong bài viết « Glyphosate, một chất diệt cỏ vẫn còn được sử dụng ồ ạt», tác giả cho biết vào năm 2015, một năm trước khi tập đoàn Đức Bayer mua lại hãng Monsanto của Mỹ, cứ mỗi giây Monsanto kiếm được số tiền tương đương 134 euro, nhờ thuốc diệt cỏ Roundup có chất glyphosate. Trong năm đó, thuốc trừ cỏ Roundup mang lại cho tập đoàn Mỹ tổng cộng 4,3 tỉ euro, tương đương 30% doanh thu của hãng trên toàn thế giới.

La Croix nhắc lại là thuốc diệt cỏ Roundup được tung ra thị trường từ năm 1974, nhưng được sử dụng nhiều bắt đầu từ những năm 1990 khi Monsanto, nhà sản xuất giống cây trồng lớn thứ hai toàn cầu, bắt đầu bán các giống cây biến đổi gien. Theo một nghiên cứu được tạp chí Environnemental Sciences Europe công bố, từ năm 1994 đến năm 2004, lượng thuốc diệt cỏ bán được đã tăng gấp 15 lần. Trong năm 2015, Monsanto bán được 850.000 tấn thuốc diệt cỏ trên toàn thế giới, 37% là cho khách hàng châu Âu.

Năm 2015, tổ chức Y Tế Thế Giới xếp thuốc diệt cỏ chứa glyphosate là chất có thể gây ung thư, Monsanto nhiều lần bị khởi kiện, đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, những điều đó không làm tổn hại đến sự thành công của Roundup. Hồi cuối năm 2017, Ủy Ban Châu Âu, vào thời điểm quyết định triển hạn 5 năm việc cho phép sử dụng chất glyphosate, đã nhấn mạnh « đó là thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới và cả ở châu Âu ».

Pháp là một trong những nước châu Âu sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ glyphosate nhất. Từ năm 2016, cho dù chính quyền cấm sử dụng glyphosate tại các nơi công cộng và tư gia, tổng thống Macron cũng cam kết sẽ loại trừ hoàn toàn chất glyphosate từ nay đến năm 2023, nhưng sản phẩm vẫn được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Trong năm 2017, Pháp sử dụng hơn 8.600 tấn glyphosate, con số này chỉ là khoảng 7.300 tấn vào năm 2011.
Điều này đã thúc đẩy các tổ chức phi chính phủ đấu tranh. Bà Caroline Faraldo, thuộc Quỹ bảo vệ thiên nhiên và con người, nhấn mạnh là đã 9 tháng trôi qua kể từ khi chính phủ Pháp công bố kế hoạch ngưng sử dụng chất glyphosate tại Pháp, nhưng không có bước tiến quan trọng nào được ghi nhận. Vì thế, chuyên gia Caroline Faraldo đề nghị phải khẩn trương đưa việc cấm chất glyphosats vào luật.

Tuy nhiên, theo nhà báo Antoine d’Abbundo của La Croix, điều này sẽ khó được thực hiện ở các nước khác. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã từng có ý định cấm glyphosate, chẳng hạn Salvador hồi năm 2013, Sri Lanka hồi năm 2015, nhưng chính quyền các nước này đều vấp phải sự phản đối của các nhà công nghiệp và các tổ chức nông nghiệp. Họ cho rằng hiện không có bằng chứng khoa học về tính nguy hiểm của chất glyphosate.

La Croix kết luận là hiện nay, mới chỉ có Việt Nam chính thức loại glyphosate khỏi danh mục các chất diệt cỏ được phép sử dụng, kể từ ngày 10/04/2019. Từ nhiều năm nay, Việt Nam chiến đấu trên mặt trận pháp lý với Monsanto, nhà sản xuất « chất da cam », một chất độc làm rụng lá mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, khiến 3 triệu người Việt cho đến nay vẫn phải gánh chịu hậu quả.

Trang nhất các báo Pháp
Báo Le Monde quan tâm tới thời sự nước Pháp qua hàng tựa « Macron đối mặt với tính hoài nghi của người Pháp ». Tối hôm nay 25/04/2019, tổng thống Pháp sẽ có buổi họp báo đầu tiên tại điện Elysée kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo để trình bày chi tiết về các biện pháp mà ông ban hành để cải thiện tình hình nước Pháp. Theo kết quả một thăm dò ý kiến mà báo Le Monde công bố, người dân Pháp ủng hộ những biện pháp mới mà báo chí tiết lộ trong những ngày qua, nhưng không trông chờ là chủ nhân điện Elysée sẽ tạo ra một sự thay đổi cụ thể. Còn báo Le Figaro lại chú ý đến mối họa đang rình rập các nhà thờ Thiên Chúa Giáo tại Pháp : « Hơn 5.000 nhà thờ có nguy cơ biến thành đống đổ nát ».

Báo Libération dành hồ sơ đặc biệt nói về « Đội quân mật vây bắt những kẻ Hồi Giáo cực đoan ». Từ Raqqa, Syria cho đến Gottingen, Đức, một đơn vị gồm những người Syria lưu vong truy lùng những người kẻ từng là thành viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và hiện đang ẩn náu tại châu Âu.

Trong khi đó, báo La Croix hướng đến vụ tập đoàn Bayer của Đức sáp nhập công ty Monsanto và chơi chữ qua hàng tựa : « Monsanto, gánh nặng làm điêu đứng Bayer ». Những vụ kiện liên quan đến chất glyphosate đang khiến các cổ đông giận dữ và làm hỏng « cuộc hôn nhân » giữa Bayer và Monsanto. Còn báo kinh tế Les Echos đi tìm « Những lý do khiến thị trường chứng khoán thế giới có sự phục hồi ấn tượng ».






No comments:

Post a Comment