Thursday, April 25, 2019

SỨC KHỎE LÃNH ĐẠO - CHUYỆN TƯ HAY CHUYỆN CÔNG? (Võ Văn Quản - Luật Khoa)




25/04/2019

“…khi Tổng thống không còn đủ khả năng thực thi quyền lực và nghĩa vụ của mình, Phó Tổng thống sẽ tiếp quản thẩm quyền này với danh nghĩa Quyền Tổng thống…” 
(Tu chính án thứ 25 – Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ)

*
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nắm giữ quyền lực của Nhà Trắng vào năm 2017 ở tuổi 71. Vì vậy, sức khỏe của ông là một vấn đề được báo chí bàn tán rất sôi nổi. Đỉnh điểm là việc một số dân biểu đảng Dân chủ bắt đầu soi mói đến sức khỏe và “sự minh mẫn” của ông xem có nên vận dụng Tu chính án thứ 25 để bắt buộc một tổng thống từ nhiệm vì lý do không đủ sức khỏe để quản trị quốc gia hay không.

Trump, đáp lại không chỉ bằng một bản báo cáo sức khỏe được công bố rộng rãi ghi nhận ông đang ở tình trạng sức khỏe “xuất sắc”, thậm chí ông còn chủ động đề nghị bác sĩ của Nhà Trắng thực hiện một cuộc kiểm tra khả năng nhận thức (cognitive exam). Đây là một loại kiểm tra không nằm trong báo cáo kiểm tra sức khỏe định kỳ của tổng thống Hoa Kỳ, nhưng được Trump vận dụng để “dọa nạt” những ai cho rằng ông không còn đủ minh mẫn để làm việc nữa.

Cuộc đấu đá chính trị này cho chúng ta hai kết luận thú vị về vấn đề công khai thông tin sức khỏe lãnh đạo tại Hoa Kỳ.

Điểm thứ nhất, sức khỏe lãnh đạo là một thông tin có thể sẽ bị soi mói. Thật ra các nhà lập pháp hay người dân rõ ràng có quyền nghi vấn và đòi hỏi loại thông tin này. Một người đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là điều người dân nào cũng kỳ vọng ở người lèo lái công việc quản trị quốc gia đầy áp lực.

Điểm thứ hai, minh bạch thông tin sức khỏe lãnh đạo là cách tốt nhất để hạn chế kiểu chính trị “tán dóc”, chính trị “trà dư tửu hậu”, và những tin đồn liên quan đến chuyện thâm cung bí sử. Đó cũng là cách để một hệ thống chính trị tỏ ra sòng phẳng với những người dân đã chọn mình làm đại diện.

Tại Việt Nam, những câu chuyện về sức khỏe lãnh đạo rất nhiều, rất phổ biến, nhưng toàn chỉ là “chuyện kể đêm khuya”. Chúng ta không biết gì cả cho đến khi chuyện đã rồi. Ngay cả ngày chết của nhiều vị lãnh đạo quan trọng của quốc gia cũng phải chờ chỉ đạo, nghị quyết mới được công bố. Cách thức làm việc này, theo tôi, không phải là một thực hành tốt nếu chúng ta hướng đến xây dựng môi trường chính trị lành mạnh, minh bạch.

Bác sĩ Nhà Trắng công bố kết quả kiểm tra sức khoẻ của Tổng thống Donald Trump, ngày 17/1/2018. Ảnh: CNN.

Vì sao cần minh bạch thông tin sức khỏe lãnh đạo

Vấn đề thông tin sức khỏe lãnh đạo được chính thức luật hóa tại Việt Nam trong Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước 2018, quy định rằng “thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” nằm trong phạm vi bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, việc phân loại và ban hành danh mục bí mật nhà nước chính thức vẫn còn phụ thuộc vào việc chính phủ tiếp nhận đề xuất từ các cơ quan nhà nước, xây dựng mô hình bảo vệ, phương pháp bảo vệ thông tin mật và chi tiết hóa trong các nghị định, thông tư hướng dẫn. Đáng tiếc là luật chỉ vừa ban hành vào tháng 11 năm 2018, nên vẫn chưa biết liệu loại thông tin liên quan đến sức khỏe của lãnh đạo cấp cao sẽ thuộc diện thông tin mật cấp độ nào, và sẽ được bảo vệ như thế nào.

Song, cho đến nay, có thể khẳng định rằng thông tin về tình trạng và vấn đề bảo vệ sức khỏe lãnh đạo đã được Việt Nam luật hóa trở thành một dạng tài liệu mật quốc gia và được bảo vệ như rất nhiều nguồn thông tin mật khác.

Thật ra đây không phải là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Trong quyển “Bên trong Kremlin của Gorbachev: Hồi ký của Yegor Ligachev”, tác giả Ligachev đã phác họa toàn cảnh tình trạng sức khỏe của các lãnh đạo Liên Xô. Theo đó, sức khỏe của lãnh đạo đảng và nhà nước luôn được xem là bí mật nhà nước và được bảo vệ hết mức. Với tư cách là một chính trị gia cấp cao trong nhà nước Liên bang Xô Viết, Ligachev phản đối cách tiếp cận trên. Ông nhận định:
“Đến cuối cùng, sức khỏe của một con người ở cấp độ chính trị này không chỉ là vấn đề cá nhân nữa. Cùng với trí tuệ, đạo đức chính trị và các tiêu chuẩn khác, sức khỏe thể chất và tinh thần của một chính trị gia sẽ là những yếu tố căn bản nhất để người đó có thể đưa ra những chính sách đúng mực, chưa nói đến việc chúng có thành công hay không”.

Ligachev còn cảnh báo, việc giữ bí mật thông tin sức khỏe của những nhà lãnh đạo sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ dưới quyền – dù là một vài cá nhân hay cả một băng nhóm chính trị – nhân cơ hội thao túng chính trường, tạo ra hiện tượng “buông rèm nhiếp chính” đáng lẽ chỉ nên xuất hiện ở thời kỳ phong kiến.

Trong một nền dân chủ, việc công khai sức khỏe lãnh đạo là nhân tố tối quan trọng để bảo đảm rằng người dân biết tường tận về tình hình của người đang nhân danh mình lèo lái quốc gia. Từ đó, các thiết chế dân chủ có thể can thiệp kịp thời khi vấn đề này gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia. Đây mới thật sự là cách mà chúng ta bảo vệ quốc gia.

Bệnh tật và cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018 đã tạo ra một hiện tượng chính trị hiếm có: sự lên ngôi của Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu cả đảng và nhà nước. Ảnh: chinhphu.vn.

Nói đi cũng phải nói lại

Cho đến hiện nay, có thể khẳng định rằng rất ít quốc gia coi sức khỏe của lãnh đạo là bí mật quốc gia. Việt Nam do đó chắc chắn thuộc nhóm số ít trong câu chuyện này. Song lại cũng vô cùng không công bằng cho Việt Nam nếu cho rằng chỉ có ở Việt Nam chuyện này mới nhiêu khê như vậy.

Ở Hoa Kỳ, dù không được xem là bí mật nhà nước, không thể tìm thấy quy định nào bắt buộc các lãnh đạo, các ứng cử viên tranh cử cho chức danh tổng thống phải công bố các tài liệu về sức khỏe của mình. Truyền thống này chỉ được hình thành vào nửa cuối thế kỷ 20. Trong Tu chính án thứ 25, khái niệm “đủ khả năng để nắm giữ chức vụ” (“being fit for office”) cũng không phải là một nguyên tắc pháp lý rõ ràng, không được định nghĩa rõ ràng và cũng không có cơ chế thực thi. Họa may, chúng ta phải chờ đến khi Tối cao Pháp viện giải thích thì mới rõ.

Không chỉ vậy, có rất nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ đã phải giấu giếm tình trạng ốm đau bệnh tật của mình để duy trì sự ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Một trong những trường hợp tệ nhất, phải kể đến bệnh tình của Tổng thống Woodrow Wilson – vị tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ.

Ông nhậm chức vào năm 1913. Ngay tại thời điểm này, nhiều bác sĩ và chuyên gia y khoa đã nhận định rằng ông chắc chắn không thể tại vị quá một năm. Nhận định này không đúng hoàn toàn, nhưng vào năm 1919, khi ông đang ở nhiệm kỳ thứ hai, bác sĩ ghi nhận ông bị méo mồm – một dấu hiệu điển hình của chứng đột quỵ. Vào một buổi sáng tháng 10/1919 – giai đoạn quan trọng để xây dựng danh tiếng cho ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ tranh cử tiếp theo – Wilson thức dậy và phát hiện mình bị liệt nửa người.

Vợ ông, bà Edith Wilson, nhanh chóng can thiệp, giữ bí mật về tình trạng sức khỏe của chồng, bảo vệ danh tiếng về sự minh mẫn, năng lực của Wilson và sự ổn định của chính quyền dưới trướng ông. Nói cách khác, Edith đang buông rèm nhiếp chính. Và người dân cả nước thì không được biết gì về chúng cho đến khi nhiệm kỳ của ông chính thức kết thúc vào năm 1921.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng người Mỹ không thích bị lừa hay bị giấu giếm. Một trong những lý do khiến tình trạng nói trên diễn ra là bởi vì Tu chính án thứ 25 chỉ được thông qua sau nhiều tranh cãi chính trị vào năm 1967, mà nguyên nhân một phần xuất phát từ vụ bê bối của Wilson xảy ra cách đó hơn 50 năm.

***
Tựu chung, quyền được biết về tình hình sức khỏe lãnh đạo, theo tôi nghĩ, nên là một quyền cơ bản của công dân. Đó không chỉ đơn giản là thông tin để có thông tin, đó là thông tin để người dân biết liệu rằng người lãnh đạo của mình có còn đủ trí lực và thể lực để đưa ra những quyết định đúng đắn hay không. Không quan tâm đến vấn đề này đôi khi để lại những hệ quả hết sức hệ trọng.

Theo nghiên cứu “Bệnh tật, Chứng mất trí nhớ và Tuyệt vọng: Những căn bệnh nghiêm trọng của Nguyên thủ Quốc gia” (Diseased, demented, depressed: serious illness in Heads of State) của David Owen, một bác sĩ – chính trị gia lừng danh của Vương Quốc Anh, ông liên kết bệnh lý của nhiều chính trị gia châu Âu với sự trỗi dậy của… Adolf Hitler.

Owen cho rằng, bệnh ung thư hay xơ cứng động mạch đều có khả năng dẫn đến trạng thái tâm lý trầm cảm, làm giảm động lực và năng lượng chính trị (chưa kể đến những đau đớn thể xác). Điều này, đương nhiên tác động tiêu cực đến khả năng đưa ra quyết sách của một nhà lãnh đạo; khiến họ có xu hướng chấp nhận “hiện trạng chính trị” (status quo) như nó đã từng; thiếu quyết đoán, không giải quyết được vấn đề và thường làm tình hình tồi tệ hơn. Các căn bệnh của Thủ tướng Anh Ramsay MacDonald, của Tổng thống Phần Lan Marshal Pilsudski hay Tổng thống Đức Paul von Hindenberg đã khiến họ bị suy giảm năng lực chính trị đáng kể, từ đó mở đường cho sự trỗi dậy của Hitler.

Nếu sức khỏe ảnh hưởng tới chính trị đến thế, việc đòi hỏi thông tin về sức khỏe của lãnh đạo quốc gia có gì sai hay không?





No comments:

Post a Comment