Wednesday, April 24, 2019

PHÓNG VIÊN MỸ GỐC VIỆT NÓI GÌ VỀ CHUYẾN ĐI TRƯỜNG SA? (Ben Ngô - BBC)




Ben Ngô
BBC Tiếng Việt
24 tháng 4 2019

Một phóng viên người Mỹ gốc Việt chia sẻ với BBC trải nghiệm "mắt thấy tai nghe" của ông sau chuyến thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Lính gác trên đảo Núi Le A, Trường Sa.  DEREK PHAM

Hàng năm, Việt Nam thường tổ chức các chuyến đi thăm Trường Sa dành cho phóng viên các báo đài, Việt kiều với mục đích tuyên truyền về biển đảo quê hương và quốc phòng.
Trong chuyến đi như vậy gần đây nhất, diễn ra vào trung tuần tháng 4/2019, khởi hành từ cảng Cam Ranh, có sự hiện diện của ông Derek Phạm, phóng viên kênh Nửa Vòng Trái Đất TV, cơ quan truyền thông có trụ sở tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ.

Trả lời BBC sau khi chuyến đi vừa kết thúc, ông Derek Phạm nói:

"Trong buổi họp đoàn hơn 250 người trước chuyến đi thì ban tổ chức chỉ dặn dò tôi hai điều: Một là đừng chia sẻ hành trình sẽ đi thăm các đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa trước khi chuyến đi kết thúc. Điều này cũng khá dễ hiểu cũng như họ cũng nói rõ lý do là vì muốn bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cả đoàn."
"Hai là họ yêu cầu phóng viên tôn trọng và không chụp hình và đi vào những nơi có biển cấm. Dĩ nhiên là một phóng viên, tôi tôn trọng những yêu cầu đó của ban tổ chức. Ngoài ra thì tôi không phải ký bất kỳ giấy tờ hay cam kết gì."

Phóng viên Derek Phạm tại nhà giàn DK1 ở Trường Sa.  DEREK PHAM

BBC: Ông có phải cam kết hay giao ước tường thuật chuyến đi này thế nào với giới chức Việt Nam?
Phóng viên Derek Phạm: Nếu nói về tuyên truyền, anh hãy hỏi ngược lại là họ có mấy trăm tờ báo và đài trong nước liệu họ có cần một kênh truyền thông Nửa Vòng Trái Đất TV còn non trẻ ở hải ngoại để làm điều đó không.
Khi quyết định nhận lời mời đi chuyến này, tôi có hai mục đích. Thứ nhất với riêng cá nhân, tôi xem đây là một cơ hội tốt để tôi hiểu rõ hơn về Biển Đông. Tôi biết nếu như mình không làm báo chắc chắn sẽ không đến lượt mình có được vinh dự có được một suất đi, điều mà ngay cả đồng nghiệp của tôi trong nước còn đùa là họ ghen tỵ vì họ làm báo lâu năm cũng chưa có cơ hội.
Nhờ đi chuyến này mà tôi thấy tận mắt các đảo đá ngầm và đảo chìm là như thế nào. Khí hậu ở đó phải nói là rất khắc nghiệt.
Bàn ghế, đồ dùng hay cửa ở các đảo chúng tôi đi ngang qua ở đâu cũng bị muối biển hòa quyện với không khí làm cho tay ai cũng thấy khó chịu khi chạm vào.
Thứ hai về khía cạnh công việc, tôi muốn khán thính giả của mình sẽ thấy được những gì mà tôi truyền tải đến với họ một cách gần gũi nhất.

BBC: Liệu ông đã có cách tiếp cận nào về các thông tin cho rằng Việt Nam tiến hành xây cất trên các đảo ở Trường Sa? Theo như ông thấy, vụ xây cất đảo có phải là yếu tố cấm kỵ trên các báo ở Việt Nam?
Phóng viên Derek Phạm: Về việc xây cất trên đảo thì tôi thấy là họ có làm điều đó, cụ thể là những ngôi nhà đa năng để cho binh lính làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi trong đó. Hai công trình mà tôi thấy được xây dựng gần đây nhất là nhà đa năng ở đảo Tốc Tan B hoàn thành năm 2014 và nhà giàn DK1 hoàn thành năm 2016.
Ngoài ra khi đoàn đến đảo Đá Tây, tôi nghe có tiếng động và bụi của gạch đá, nhưng không thể biết rõ đó là họ đang xây cất hay tu sửa gì. Vì khu vực đó không ai được vào bên trong, và tôi cũng ngạc nhiên khi báo chí trong nước ít nói đến những công trình này. Tuy vậy, việc tôi ghi hình những công trình nhà đa năng đó thì không gặp phải sự cấm cản nào.

Nhà đa năng trên đảo Núi Le A mới được xây dựng những năm gần đây. DEREK PHAM

BBC: Ông có tìm hiểu tại sao các bài báo về các chuyến thăm Trường Sa trên các báo Việt Nam thường là "trăm bài như một", với những tình tiết và nhân vật giống nhau đến kỳ lạ?
Phóng viên Derek Phạm: Để phỏng vấn những người làm việc ở tại các đảo mà chúng tôi đi qua, chỉ có những người chức vụ cao nhất hoặc chính trị viên trên đảo trả lời báo đài. Những câu trả lời mà phóng viên nhận được có thể nói tóm gọn là "thuộc bài" và giống nhau.
Cho nên, tôi không ngạc nhiên khi báo đài trong nước họ đưa tin cũng như kiểu trăm bài như một. Vì vậy, sau khi phỏng vấn hai người chỉ huy ở hai đảo thì sau đó tôi không phỏng vấn những người đứng đầu ở các đảo khác nữa.

BBC: Chi tiết ấn tượng nhất mà anh gặp trên đảo trong chuyến đi Trường Sa là gì?
Phóng viên Derek Phạm: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi này là việc sinh hoạt trên tàu hoàn toàn khác với ngoài đất liền. Chúng tôi được thông báo ăn, ngủ và đánh thức mỗi sáng qua chiếc loa nối từ đài chỉ huy của tàu kiểm ngư KN-490.
Mọi sinh hoạt không khác gì lịch trình của một người lính, và chín ngày lênh đênh trên biển hoàn toàn không có Internet. Nhưng bù lại, tôi gặp gỡ được nhiều người, và học hỏi được nhiều điều từ những đồng nghiệp của tôi.
Theo tôi nghĩ ngoài mục đích mang hơi ấm đất liền tới tận đảo xa, những chuyến đi như thế này những hình ảnh mà những người Việt kiều chụp và lưu giữ lại làm kỷ niệm cũng sẽ là những bằng chứng để Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với những hòn đảo này.
Tôi đánh giá đây là một cách làm khôn khéo của Việt Nam.

Binh lính trên đảo Sơn Ca. DEREK PHAM

BBC: Theo cảm nhận của ông, liệu Việt Nam hiện có chào đón tất cả các phóng viên báo đài tiếng Việt ở hải ngoại về tác nghiệp?
Phóng viên Derek Phạm: Tôi chỉ mới về Việt Nam tác nghiệp trong vòng một năm qua. Theo như tôi thấy thì việc phóng viên ở nước ngoài được cho phép tác nghiệp ở Việt Nam khó mà không khó. Điều quan trọng nhất mà Việt Nam xét duyệt là tiêu chí hàng đầu là "sạch", nhất là với phóng viên người Việt ở nước ngoài.
"Sạch" ở đây có thể hiểu là nếu người phóng viên đó không dính dáng đến đảng phái hay tổ chức nào, cũng như làm đúng bổn phận của một người làm truyền thông thì tôi nghĩ Việt Nam không có cớ gì khép cửa lại với những phóng viên đó.

Một công trình mới được sửa chữa trong những năm gần đây ở Trường Sa. DEREK PHAM

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) hôm 8/4 cho hay Việt Nam đã chiếm hữu 49 tiền đồn trải rộng trên 27 vị trí quanh quần đảo Trường Sa và đang tiếp tục nâng cấp các công trình ở đây.

Thời điểm đó, trả lời BBC, Giáo sư Carl Thayer nói:

"Tôi không cho rằng có nước nào sẽ phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam, và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này."
"Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực."
"Mà giả như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử nói xem những cái mà Trung Quốc đang tiến hành là gì?"

*
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        






No comments:

Post a Comment