Friday, April 19, 2019

NHỮNG CON SỐ "BIẾT NÓI" VỀ MỘT NỀN GIÁO DỤC BĂNG HOẠI (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
20/04/2019

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Toàn cảnh vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Bài viết thống kê: Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 cán bộ về các tội danh khác nhau, liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh miền Bắc, trong đó Sơn La có 8 người, Hòa Bình có 3 người và Hà Giang có 5 người, hầu hết là cán bộ GD&ĐT, cùng một số cán bộ công an.

Tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận ở 3 tỉnh này là 222 thí sinh. Trong số này có 6 thủ khoa, á khoa các trường đại học lớn được nâng từ 15 đến 27 điểm. Vẫn còn 37 thí sinh gian lận chưa được xác định.



Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Gian lận thi cử Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang: Tỉnh nào nâng điểm bạo tay nhất? Xét về số lượng thí sinh được nâng sửa điểm thì tỉnh Hà Giang hiện đứng đầu bảng với 114 thí sinh, tiếp đến là tỉnh Hòa Bình 64 thí sinh và tỉnh Sơn La là 44 thí sinh. Với “tiêu chí” số điểm nâng tuyệt đối thì Hà Giang vẫn đứng đầu, có thí sinh của tỉnh này tổng điểm được tăng gần 30 điểm.

Ở Sơn La, trong số 44 thí sinh được nâng điểm có nhiều thí sinh đến từ những gia đình có “lý lịch đỏ”. Đa số những thí sinh này đều đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường khối công an nhân dân, quân đội nhân dân và đã trúng tuyển.

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục phanh phui danh tính các thí sinh gian lận: Dấu hiệu bất thường 6 thí sinh ở Hát Lót cùng được nâng điểm vào các trường công an. Theo đó, ngày 19/4, có nguồn tin cho biết, trong số 25 thí sinh Sơn La gian lận vừa bị các trường công an trả về, có 6 thí sinh cùng địa chỉ cư trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. “Cả sáu thí sinh còn có điểm chung là đều được sửa nâng điểm hai môn toán, lịch sử và điểm lịch sử sau khi được sửa đều rất cao, từ 9,5 điểm trở lên, cá biệt còn có hai điểm 10 môn lịch sử”.

Từ dấu hiệu bất thường này, bài viết đặt nghi vấn về khả năng có đường dây “chạy điểm” vào các trường công an đang hoạt động ở thị trấn Hát Lót. Còn người dân thì từ lâu đã bàn bán về các đường dây “chạy” vào cả trường công an, quân đội.

Các lãnh đạo, quan chức liên quan vẫn đang được dung túng

Trang Gia Đình và Xã Hội đặt câu hỏi: Gian lận điểm thi vì sao phải họp kín? Theo đó, ngày 23/4 sắp tới, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội sẽ có cuộc họp kín với Bộ GD&ĐT, cùng với Bộ Công an, để các quan chức ngành giáo dục “không ngần ngại nói ra hết những vướng mắc nên sẽ không mời báo chí”.

Trong bài có đoạn: “Sao phải họp kín nhỉ? Là câu hỏi của nhiều người quan tâm đến vụ việc đình đám nói trên. Công khai để nhân dân có niềm tin vào pháp luật, ai sai tới đâu thì xử tới đó. Làm quan khi sai phải xử như thứ dân tại sao lại có sự e dè?”

Zing dẫn lời LS Đặng Văn Cường phân tích dấu hiệu phạm tội của phụ huynh ‘xin’ nâng điểm cho thí sinh. Theo LS Cường, “nếu có căn cứ chứng minh phụ huynh hoặc người thân thí sinh đã có tác động (đưa, hứa hẹn) vật chất (tiền bạc, tài sản…) hoặc tác động phi vật chất (hối lộ tình dục, hứa tăng lương, hứa thăng chức, khen thưởng…) nhằm làm cho người có chức vụ quyền hạn sửa điểm, nâng điểm cho con cháu họ thì đó là hành vi đưa hối lộ”. Con em những người này cũng có thể là đồng phạm.

Báo Tiền Phong đưa tin: Giữa ‘tâm bão’ gian lận thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nghỉ phép 8 ngày. Sáng 19/4, tại trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, hàng loạt lãnh đạo Sở này đều đóng cửa, đi vắng. Văn phòng GĐ Sở – ông Hoàng Tiến Đức, PGĐ Sở – ông Hoàng Nguyễn Duy Hoàng và Chánh văn phòng – Trần Văn Trọng đều đóng kín cửa.

Bà Lương Thị Bích Hiền, Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết về danh sách thí sinh gian lận ở tỉnh này: “Danh sách này được đóng dấu mật của Bộ GD-ĐT gửi nên Ban Giám đốc giao cho các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn nào của Sở thì phòng ban đó mới được xem. Sở GDĐT cũng chưa xác định được các thí sinh được nâng điểm là con các phụ huynh nào”.

Trong khi đó, báo Dân Trí dẫn lời một lãnh đạo tỉnh Sơn La: “Chúng tôi chưa có danh sách cán bộ “dính” vụ nâng điểm thi”. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La khẳng định: “Đến giờ phút này chúng tôi chưa nắm được danh sách con em cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018”. Còn bà Hiền thì đã nói danh sách thì có, chỉ là bị đóng dấu “mật”.

Người nói có, kẻ nói không, dấu “mật” bị dùng tùy tiện để che giấu vết nhơ của các quan chức, một vụ gian lận điểm thi nhưng về bản chất không khác gì một vụ tham nhũng, người dân hiểu rằng “con đen” của họ không thể bằng “con đỏ” của các lãnh đạo.

Các trí thức “lề đảng” và đảng viên lão thành tiếp tục trả lời phỏng vấn báo chí, khẳng định, phải xử mạnh tay những người liên quan vụ sai phạm. Báo Thanh Niên viết: Phải loại bỏ cán bộ ‘mua’ điểm cho con. Infonet có bài: Thay ngay lãnh đạo, cán bộ sửa điểm cho con để địa phương trong sạch.

Tuy nhiên, họ nói ra vẻ hùng hồn, “liêm chính” là một chuyện, đảng của họ có chịu làm như những gì họ rao giảng hay không lại là chuyện khác. Người dân thì thấy rõ rất nhiều quan chức, thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi vẫn đang được dung túng.

VnExpress có bài: Nhiều sinh viên bất bình vì mất cơ hội cho người gian lận điểm. Bài viết chia sẻ tâm sự của một thí sinh nhiều lần thi vào Học viện An ninh Nhân dân nhưng không đậu, “khi thông tin về 222 thí sinh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La gian lận liên tục xuất hiện trong hai tháng qua khiến Hùng bất bình. Một lần nữa, em tiếc vì bỏ ra quá nhiều công sức và thời gian cho một kỳ thi có quá nhiều bạn được nâng điểm”.






----------------------------------------------

BBC Tiếng Việt
19 tháng 4 2019

Nhiều thí sinh có cha mẹ là quan chức tại tỉnh Hòa Bình không đủ điểm để thi đại học, nhưng nhờ được sửa điểm mà thành thủ khoa, á khoa.

Dư luận Việt Nam thời gian này nóng lên vì vụ sửa điểm thi được cho là tai tiếng nhất từ trước tới nay tại tỉnh miền núi Hòa Bình.
Có tổng cộng 140 thí sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình bị phát hiện được sửa điểm, trong đó có 44 em ở Sơn La.

Đa số học ngành quân đội, công an
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy một số lớn các thí sinh được sửa điểm hiện đang học tại các trường quân đội và an ninh. Trong đó nhiều em 'đỗ' thủ khoa, á khoa, theo Tuổi Trẻ.
Thí sinh D.A.T có điểm thi thực ba môn toán, lý, hóa là 3,6; 2; 3,75 điểm. Sau đó, D.A.T được 'tặng' thêm tới 20,95 điểm, trở thành Thủ khoa Trường Sĩ quan phòng hóa.
Thí sinh Đ.T.G chỉ đạt 10 điểm cho ba môn thi, trong đó sinh học đạt 1,5 điểm, ngoại ngữ chỉ 3,8 điểm. Điểm của Đ.T.G sau đó được nâng lên thành 27,95 , trở thành Thủ khoa Học viện Hậu cần.
Thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự được nâng thêm 18,7 điểm, trong khi điểm thực tế chưa tới 10.
Thí sinh N.T.L. và L.Đ.K.L. được nâng thêm tương ứng 9,65 điểm và 10,9 điểm, trở thành hai Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân.
Thí sinh Phương Thảo, Thủ khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội, cũng bị phát hiện nâng điểm và đã tự thôi học.
Thí sinh N.H.H.Đ được 'cho thêm' tới 18,8 điểm, trở thành Á khoa Học viện Hậu cần.
Kinh khủng hơn, thí sinh đứng top 3 điểm đầu vào cao nhất trường Sĩ quan lục quân 1 được 'cho không' tới 26,45 điểm. Điểm ban đầu của thí sinh này là vật lý 0, hóa học 0, toán 1.
Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đang điều tra vụ việc này. Trong khi đó, các trường công an đã trả 25 thí sinh phát hiện nâng điểm về lại tỉnh Sơn La.

Bố mẹ là quan chức
Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ, trong số 44 thí sinh bị phát hiện nâng điểm ở Sơn La, có 21 em có bố mẹ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh.
Ví dụ, thí sinh được nâng điểm nhiều nhất có số báo danh 14000430, được nâng tới 25 điểm. Thí sinh này có bố là công an tỉnh Sơn La và mẹ là cán bộ trường Tiểu học và THCS Quyết Tâm, TP Sơn La.
Thí sinh số báo danh 14000764 có được nâng 23,35 điểm. Bố thí sinh này là cục trưởng Cục thống kê tỉnh Sơn La và mẹ là trưởng phòng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật.
Hai thí sinh được nâng điểm ít nhất là 3 điểm, có em bố là phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La.
Các thí sinh còn lại đều có bố mẹ làm cán bộ nhà nước và giữ các chức vụ khác.

Mạng xã hội nói gì?
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người trở nên nổi tiếng sau vụ việc chống gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012, chia sẻ trên Facebook cá nhân về trải nghiệm của ông trong lần trông thi ở THPT Nam Lương Sơn- Hòa Bình năm 2014.
"Tôi nhận được tin từ phụ huynh học sinh và giáo viên trường đó, rằng nhà trường thông báo thu 300 ngàn đồng/học sinh để bồi dưỡng cán bộ coi thi."
"Tôi đành nhờ người chụp hộ cái tờ thông báo nộp tiền chống trượt 300 ngàn đồng, đóng dấu đỏ hẳn hoi của trường và lên kế hoạch thực hiện như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang 2012)."
"Phía ngoài, tôi cùng 2 bạn trẻ nữa với máy quay zoom X50 chĩa vào tận nơi. Quay được 4 môn/6 môn thì nhóm bên ngoài chúng tôi bị lộ. Công an huyện ào ra vây chúng tôi, khiến 3 người chúng tôi phải rời vị trí thật nhanh."
"Hậu quả là một loạt cán bộ bị kỷ luật. Họ gọi cho hiệu trưởng trường tôi (THPT Thường Tín- tôi chuyển đến sau vụ tố cáo tay hiệu trưởng Lê Xuân Trung ở THPT Vân Tảo) than vãn là cả cái tỉnh này khổ vì ông Khoa."

Đỗ Việt Khoa

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng cho rằng "nên cấm thi 2 năm đối với những học sinh gian lận vừa qua. Đây là quy chế thi, cần tôn trọng. Những học sinh đã gian lận, lại không trung thực tự rút lui khi bị lộ, vẫn cố tình nhập học, thì càng đáng bị đình chỉ."
Facebooker Hồng Hoàng viết: "Chuyện của ngày hôm nay là bạn thí sinh nào đó thi đại học, được 1 điểm 3 môn (Toán 1, Lý 0, Hóa 0), nhưng được nâng 26,45 điểm và trở thành thủ khoa. Mọi người nên vui vì may là bạn ý thi trường Sĩ quan Lục quân 1. Chứ nếu bạn ý thi trường Y thì ...... toàn dân chắc tự khỏi bệnh luôn không ai dám mắc bệnh."
Facebooker Hà Phan: "Còn rất nhiều trường hợp nâng điểm khác trong số 44 thí sinh được cơ quan điều tra xác định trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La. Hầu hết trong số này là con em của cán bộ ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La, ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, Văn phòng tỉnh ủy, con em một số gia đình buôn bán có "máu mặt" tại Sơn La… Nâng đủ vào ĐH đc rồi, dốt lại còn đòi làm thủ khoa! Tham quá thể."









No comments:

Post a Comment