Thursday, April 4, 2019

HẠ VIỆN MỸ RA TRÁT YÊU CẦU BỘ TƯ PHÁP CUNG CẤP TOÀN VĂN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA CỦA MUELLER (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)



04/04/2019

Hôm thứ Tư, 3/4/2019, Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ chính thức ra trát yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp toàn văn kết luận điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016 và dấu hiệu cản trở tư pháp của Tổng thống Donald Trump, Reuters đưa tin.

Được thông qua với với 24 phiếu thuận (ủy viên đảng Dân chủ) và 17 phiếu chống (ủy viên Cộng hòa), trát yêu cầu này mở ra một cuộc chiến pháp lý mới, hứa hẹn nhiều kịch tính giữa Quốc hội và Nhà Trắng.

Áp lực lần này dồn lên vai Bộ Trưởng Tư pháp William Barr, người dự định sẽ công bố bản sao đã qua biên tập của kết luận điều tra dài gần 400 trang, muộn nhất là vào giữa tháng Tư này.

Trước đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện, hiện do phía Dân Chủ kiểm soát, đã cho Bộ trưởng Barr hạn định đến ngày thứ Ba để cung cấp bản kết luận điều tra nêu trên. Bộ Tư Pháp đã phớt lờ đòi hỏi này.

Sự giằng co giữa hai cơ quan này có thể sẽ dẫn tới một vụ án tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
“Nếu Bộ Tư pháp vẫn từ chối thì một thẩm phán – chứ không phải là tổng thống hay quan chức do ông ấy bổ nhiệm, sẽ quyết định xem liệu ủy ban có được xem bản kết luận hoàn chỉnh hay không”, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler nói.

Ủy ban này lo ngại rằng Bộ trưởng Barr có thể đang tìm cách che giấu chứng cứ về mối quan hệ giữa uỷ ban tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Điện Kremlin.

Nhân vật cao cấp nhất ở phía Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, dân biểu Doug Collins, chỉ trích rằng phe Dân chủ không nên yêu cầu được xem các tài liệu mà theo luật, Bộ Tư pháp không bắt buộc phải công bố ra công chúng.

Ông Collins nói rằng hành động của các đồng nghiệp đảng Dân Chủ là “cẩu thả và vô trách nhiệm”.

Bộ Tư pháp Mỹ trước nay có những nguyên tắc bảo mật. Do đó, không loại trừ khả năng Bộ trưởng Barr sẽ không đưa vào bản báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ một số thông tin như những cuộc thẩm vấn trước bồi thẩm đoàn, tài liệu tình báo và bằng chứng liên quan đến các cuộc điều tra khác.

“Hành động của phe Dân chủ thật khó hiểu vì Bộ trưởng Tư pháp đang làm chính xác những gì ông ấy tuyên bố sẽ làm: công khai nhiều nội dung nhất có thể nhưng phải tuân thủ luật liên bang và các nguyên tắc nội bộ”, ông Collins nói.

Về phía đảng Dân chủ, để chứng minh việc làm của mình là hợp lý, Chủ tịch Nadler nhắc đến một tiền lệ có tính lịch sử, đó là Bộ Tư pháp đã chuyển hàng trăm ngàn tài liệu liên quan đến cuộc điều tra bà Hillary Clinton cho Hạ viện do đảng Cộng hoà kiểm soát vào năm 2016. Trước đây, cũng có một số trường hợp các thẩm phán liên bang cho phép chia sẻ thông tin đại bồi thẩm đoàn với Quốc hội. Tiêu biểu là vào năm 1974, thẩm phán John Sirica đồng ý công bố lộ trình vụ Watergate cho Uỷ ban Tư pháp Hạ viện theo yêu cầu của công tố viên đặc biệt Leon Jaworski.

Trát lần này cũng yêu cầu công bố các tài liệu và lời khai của năm cựu trợ lý của Tổng thống Donald Trump, gồm: luật sư Nhà Trắng Donald McGahn, cố vấn an ninh quốc gia Steven Bannon, Giám đốc Truyền thông Hope Hicks, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Trợ lý luật sư Nhà Trắng Ann Donaldson, để điều tra hành vi cản trở công lý và tham nhũng.

Cá nhân Tổng thống Donald Trump ban đầu nói rằng ông để tùy Bộ trưởng Barr quyết định về việc có nên công bố toàn bộ bản báo cáo hay không. Tuy nhiên, trong vài ngày trở lại đây, ông Trump có biểu hiện gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào phía đảng Dân chủ, qua Twitter cũng như trong các cuộc phỏng vấn, nói rằng phe Dân chủ đang cố tình làm rối mọi chuyện lên để hạ bệ và luận tội ông.

Trước đó, hôm Chủ Nhật, 24/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr đã gửi báo cáo tóm tắt kết luận điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller cho Quốc hội, cho biết không có đủ bằng chứng kết luận Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga và cản trở các cơ quan tư pháp.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Barr, công tố viên Mueller cũng không loại trừ khả năng đưa ra cáo buộc ông Trump cản trở công lý khi sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey hồi tháng 5/2017, đồng nghĩa với việc vấn đề này vẫn đang còn để ngỏ. Ông Mueller cũng không đề nghị truy tố thêm bất kỳ ai.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, không có bất kỳ hành động nào của Tổng thống Trump cấu thành tội phạm cấp liên bang mà các công tố viên đặc biệt có đủ chứng cứ để chứng minh. Điều đó có nghĩa khả năng truy tố hình sự ông chủ Nhà Trắng bị bác bỏ.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra và kiện tụng khác nhằm vào Trump và những người thân cận của ông vẫn đang tiếp tục diễn ra, liên quan đến các vấn đề về kinh doanh, giao dịch tài chính, hành xử cá nhân, quỹ từ thiện, v.v. Các ủy ban thuộc Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng đang chuẩn bị một loạt cuộc điều tra khác đối với ông chủ Nhà Trắng.





No comments:

Post a Comment