Friday, April 26, 2019

BẢN TIN NGÀY 26-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




26/04/2019

Tin Biển Đông

Ngày 25/4/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận thông tin 10 đảo nhân tạo ở Biển Đông, truyền thông trong nước đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng xác nhận với báo chí rằng, VN đang tiến hành các công việc duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất trên 10 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhằm “phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế”.

Bà Hằng khẳng định, chuyện này “hoàn toàn bình thường và hợp pháp theo luật pháp quốc tế, phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường, không làm phức tạp thêm tình hình”.

Trong buổi hội kiến với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sáng 25/4 ở Bắc Kinh, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, theo trang Đầu Tư Tài Chính VN. Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, hai bên cần có tiến triển về phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ vào năm 2020, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng COC thực chất, có hiệu lực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ông Phúc khẳng định, VN hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, mặc dù “sáng kiến” này đã bị nhiều chuyên gia cảnh báo là chiến lược bành trướng bằng quyền lực mềm của TQ.

VOA đưa tin: Dân mạng phẫn nộ việc TQ tung cảnh thảm sát Gạc Ma để tuyên truyền. Bài viết bàn về đoạn video được đưa lên trang chính thức của Bộ Quốc phòng TQ với hình ảnh mà các nhà hoạt động trong nước tin là binh sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát trên đá Gạc Ma.

Nhà hoạt động Lê Thăng Long bình luận: “Đặc biệt nghiêm trọng là trong phần mở đầu có quay lại cảnh sát hại 64 chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma và năm 1988 và một số hình ảnh Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.


Lê Đức Anh qua đời: Vẫn chưa có chương trình lễ tang

Gần 4 ngày sau khi cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời, đảng và nhà nước vẫn chưa có chương trình tổ chức tang lễ. Ông Trọng là người đứng đầu Đảng và Nhà nước thì đang bị bệnh nặng, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đang đi công cán bên Tàu. Vẫn không rõ khi nào tổ chức tang lễ cho cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

RFA đặt câu hỏi: Hùm chết để da, Lê Đức Anh để lại cái gì?Một trong các “di sản” của ông Lê Đức Anh còn được lưu lại trong cuốn “Gạc Ma vòng tròn bất tử”, quyển sách viết về sự kiện 64 chiến sĩ Hải quân bị Trung Quốc thảm sát trong vụ cưỡng chiếm Gạc Ma.

Trong sách trích dẫn lời nhân chứng còn sống sót, cho rằng, có lệnh cấp trên không được nổ súng. Thiếu tướng Lê Mã Lương không nói rõ là ai, nhưng mọi người đều hiểu “cấp trên” nào mà to đến mức buộc lính VN trở thành “bia tập bắn” cho TQ.

Một “di sản” khác nữa của ông Lê Đức Anh là Hội nghị Thành Đô, gắn liền với lập luận: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc”. Kết quả là đất nước, người dân VN đang bị Trung Quốc đầu độc và mất dần đất đai vào “đồng minh” duy nhất của chế độ CSVN.

Ngay cả trang Nông Nghiệp VN, một báo “lề đảng”, cũng có bài về “công lao” kiến thiết quan hệ Việt – Trung sau năm 1991 của ông Lê Đức Anh: ‘Mở lối’ bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Bài viết dẫn lại lời ông Đức Anh nói với đại sứ TQ Trương Đức Duy như sau:

“Tôi điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nói rằng Trung Quốc giúp Việt Nam về cách mạng nói chung, về quân sự nói riêng là rất quan trọng… Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra”, mặc kệ 10 năm máu người Việt chảy ở biên giới Việt – Trung.


Vụ đánh bạc ngàn tỉ: Chánh Thanh tra Bộ 4T bị bắt

Sau 2 tướng công an, đến lượt chánh thanh tra Bộ TT-TT bị bắt vì ‘bảo kê’ đánh bạc ngàn tỉ, báo Thanh Niên đưa tin. Theo đó, chiều 25/4, trong quá trình điều tra giai đoạn 2 đường dây đánh bạc ngàn tỉ, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ TT-TT, về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bài báo cho biết, ông Đặng Anh Tuấn đã lợi dụng chức vụ là Chánh Thanh tra  Bộ TT-TT, không tham mưu để Bộ trưởng chỉ đạo xử lý đường dây kịp thời, ông Tuấn còn ký phiếu trình số 63/Ptr-Ttra, ngày 8/6/2017 đề xuất Bộ trưởng Bộ TT-TT cho dừng hoạt động của đoàn kiểm tra mà không có kết luận xử lý, dẫn đến hoạt động của game bài Tip.Club không được ngăn chặn.

Ông Đặng Anh Tuấn, chánh Thanh tra Bộ 4T, bị bắt. Ảnh trên mạng


Cán bộ lộng hành

Báo Một Thế Giới đưa tin: Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo làm rõ vụ cán bộ để người nhà ‘làm càn’. Vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Văn Hòn, ở phường 1, TP Bạc Liêu, đã gửi đơn khiếu nại hơn 20 năm qua về việc gia đình ông bị thu hồi đất nhưng không có quyết định bồi hoàn.

Ngày 14/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi tiếp công dân với ông Hòn. Trong khi gia đình ông Hòn chờ cơ quan chức năng giải quyết, bỗng dưng đêm 5/12/2018, ông Nguyễn Văn Thuận, em ruột Đội trưởng Đội QLTTĐT của Phòng QLĐT TP Bạc Liêu cùng 40-50 người lạ mặt lén lút vào phá rào lưới B40, khiêng nhà tiền chế làm sẵn dựng lên đất của gia đình ông Hòn. Sau nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng không được, ngôi nhà tiền chế dần trở thành nhà cấp 4 trên đất của ông Hòn.

Báo Đất Việt dẫn lời cán bộ huyện xây biệt thự khủng: ‘Không lấy tiền dân’. Ông Võ Ngọc Khoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, Quảng Trị, cam đoan: “Căn nhà tôi đang ở đã được chuyển đổi và có sổ đỏ rồi. Để sửa chữa, sắm sửa được vào căn nhà như hiện nay là nhờ vào sự chắt chiu của cả 2 vợ chồng. Thời tôi có công ty xây dựng tôi còn làm ăn, liên kết với một số công ty khác chứ không có chuyện lấy tiền của dân mang về xây nhà đâu”.

Bài viết lưu ý, lúc còn làm Chủ tịch UBND xã Triệu Đại, ông Khoa đã tiến hành giao đất ở, đất kinh doanh, cho thuê ki ốt tại chợ Thuận và thu tiền chờ làm thủ tục giao đất của người dân trái quy định của Luật Đất đai, thu được số tiền sai phạm gần 4 tỉ đồng.


Tin nhân quyền

Hôm 24/4/2019, người dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tổ chức lễ kỷ niệm 7 năm họ đã sát cánh cùng nhau chiến đấu để giữ đất. Vào ngày 24/4/2012, hàng ngàn cảnh sát chống bạo động đã được huy động để trấn áp 1244 hộ dân tại ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang. Người dân ở ba xã nói trên không chấp hành lệnh cưỡng chế của chính quyền, đã đứng lên chống trả quyết liệt.

LS Trần Vũ Hải là người đã tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân Văn Giang từ những ngày đầu khi vụ việc xảy ra. Nhân dịp kỷ niệm 7 năm, LS Hải đã được mời tới tham dự, phát biểu cảm nghĩ. Mời xem clip lễ kỷ niệm 7 năm ngày Văn Giang bị cưỡng chế đất:

Còn nhớ, hai nhà báo của VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long đã bị công an đánh hội đồng khi tham gia tác nghiệp trong vụ cưỡng chế này. Nhưng cuối cùng thì những viên công an tham gia hành hung hai nhà báo đã không bị xử lý hình sự, trong đó có một người là thượng úy Đặng Quang Hoàng chỉ bị cách chức.

Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng viết: Sáng 24/4, bà con Văn Giang tổ chức buổi kỷ niệm 7 năm đấu tranh chống cưỡng chế trên đất của họ. “Mấy năm qua, cứ tưởng cuộc đấu tranh của bà con Văn Giang đã hoàn toàn thất bại. Đang từ gần một ngàn ba hộ dân phản đối cướp đất, sau nhiều năm, giờ chỉ còn ba trăm hộ vẫn kiên cường đòi đất”.

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm đặt câu hỏi: Đồng Tâm vẫn chưa yên? Ông Ấm cho biết, 18 giờ tối 25/4, khi bật TV ngay kênh VTV1 thì thấy nhà đài thông báo: “Thanh tra chính phủ thanh tra và kết luận về vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm và kết luận: Kết luận trước đó của thanh tra Hà Nội là đúng thẩm quyền và chính xác…”

Ông Ấm phân tích, để chỉ ra quyết định của TTCP là không ổn, vì chuyện thanh tra Hà Nội thanh tra vụ Đồng Tâm vốn đã không đúng thẩm quyền, 208 ha đất chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng quản lý làm sân bay, nay thành phố Hà Nội muốn thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải xin ý kiến bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, Chính phủ đồng ý giao cho Hà Nội thì Hà Nội mới có quyền giao cho Viettel.

Phản ứng của người dân Đồng Tâm: Người dân lại tuyên bố quyết đổ máu giữ đất sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận đất quốc phòng, theo RFA. Ông Lê Đình Công, đại diện cho người dân Đồng Tâm, cho biết: “Thực tế Thanh tra Chính phủ cưỡi ngựa xem hoa, không về thực địa, không cùng nguyên đơn để kiểm tra và đối thoại về tất cả các văn bản giấy tờ. Quyết định thu hồi đất 113 của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười chúng tôi có đủ cả, chỉ có thu hồi 47,36 ha. Quyết định 386 của UBND tỉnh Hà  Sơn Bình là chỉ có bàn giao 47,36 ha cho Quốc phòng”.


Báo chí ở VN phục vụ cho ai?

Báo chí chính là cái tay nối dài của lực lượng công an, theo trang An Ninh Thủ Đô. Thiếu tướng, PGS TS Bạch Thành Định, nói về vai trò của báo chí hiện nay: “Báo chí chính là cái tay nối dài của cơ quan công an. Đặc biệt là báo chí trong ngành công an như Báo An ninh Thủ đô, báo CAND, có vai trò rất quan trọng, là những người lính tiên phong trên mặt trận đấu tranh bảo vệ ANTT trên địa bàn Thủ đô và đất nước”. Báo chí sử dụng tiền thuế của dân, sao không phục vụ dân, lại phục vụ cho công an?!

Bên cạnh đó, báo chí “lề đảng” được giao “nhiệm vụ” quen thuộc: Báo chí cần tăng cường đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc, VOV đưa tin. Người dân ngày càng không tin báo “lề đảng” nên lượng người tìm đọc các thông tin “xấu, độc” ngày càng nhiều, vì các thông tin đó chỉ “xấu, độc” với đảng CSVN chứ không “xấu, độc” với dân. Các báo “lề đảng” ngày càng bị chê, để cho báo mạng làm chủ. Một số PV “lề đảng” thừa nhận, phiên bản giấy của tờ báo họ làm việc còn tồn tại được là do các cơ quan nhà nước đặt mua.


Sư hổ mang đe dọa phật tử

Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch HĐTS TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hải Phòng cho biết, đã kỷ luật sư trụ trì bị tố dọa thả chó cắn nát mặt phật tử, VietNamNet đưa tin. Thành hội Phật giáo Hải Phòng hứa sẽ có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh sư Thích Bản Phúc, trụ trì chùa Trung Hành, là người bị phật tử tố cáo dọa thả chó cắn người đến chụp ảnh ở chùa.

Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm, ông Định Văn Khánh cho biết, miếu và chùa Trung Hành là một tổ hợp văn hóa của địa phương. Trước khi sư Phúc về làm trụ trì chùa này, mọi việc rất tốt đẹp, sau đó thì: “Sư Phúc thường xuyên mắng dân, cấm đoán bà con vào chùa thì rất khó chấp nhận. Chúng tôi đề nghị Thành hội Phật giáo Hải Phòng xem xét tư cách trụ trì của vị sư này”.

Trước đó, VTC đưa tin vụ hai phụ nữ bị sư trụ trì dọa thả chó cắn: Sư vừa uống bia vừa trần tình với phóng viên. Ngày 22/4,  bà Lê Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng, xác nhận vụ hai phụ nữ đến chùa lễ Phật, thấy cảnh đẹp nên dùng điện thoại chụp ảnh, liền bị sư Thích Bản Phúc buông những lời khiếm nhã, dọa thả chó cắn.

Bà Hiên cho biết thêm, trong buổi làm việc với đoàn cán bộ quận, sư Phúc chỉ nói về chuyện có một số phật tử đến chùa mặc trang phục chưa phù hợp với nơi chùa chiền. Bài viết cung cấp hình ảnh cho thấy sư Phúc ngồi gác chân, miệng uống bia trong lúc tiếp PV.

Trong khi trả lời phóng viên báo chí, sư thầy Thích Bản Phúc vừa nói chuyện vừa uống bia. Nguồn: VTC


Hàng ngàn người chen lấn xin visa đi Hàn Quốc

Giữa cái nắng nóng trong tháng 4, hàng ngàn người Việt xô đẩy, chen lấn để được vào lãnh sự quán Hàn Quốc xin visa. Mặc dù lãnh sự quán Hàn Quốc thông báo đăng ký nộp hồ sơ xin visa 5 năm trên mạng, nhưng sáng 25/4 đông nghẹt người dân kéo đến văn phòng visa mới ở 302 Cầu Giấy, Hà Nội, chen lấn để được vào xin visa.



Tin giáo dục

Báo Lao Động có bài: Cán bộ công an ở Hòa Bình lên tiếng về việc con được nâng 9,65 điểm. Bài viết bàn về trường hợp thí sinh N.T.L, có cha là cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, L được nâng điểm 3 môn Toán, Lịch sử và Ngoại ngữ. Tổng số điểm được nâng là 9,65.

Ông T, cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình, bố của thí sinh L nói, gia đình đã biết việc con mình có tên trong danh sách được nâng điểm thi. Tuy nhiên, ông phủ nhận chuyện tác động để nâng điểm thi cho con. Ông nói: “Tôi đã nhận được văn bản của Bộ Công an và đang chuẩn bị cùng với các gia đình khác để có ý kiến … Nếu không biết vì sao con mình được nâng điểm thì cũng phải có báo cáo”.

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi về “Vết nhơ giáo dục” – người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?Bài viết nhận định, “nếu không tồn tại những đường dây, những nhóm người có chức, có quyền và có tiền thao túng quá trình thi”, thì liệu bản danh sách các thí sinh gian lận có được đóng dấu “mật” không? Dấu “mật” bị lợi dụng trong các đại án kinh tế – chính trị như Mobifone mua AVG, dự án làm đường ngàn tỉ ở Thủ Thiêm, bây giờ còn xuất hiện cả trong các vụ bê bối của ngành giáo dục.

Thêm vụ bạo lực học đường ở Cần Thơ: Học sinh lớp 6 bị đánh hội đồng, theo báo Pháp Luật TP HCM. Một nhóm khoảng chục học sinh lớp 7, Trường THCS An Thới, đánh hội đồng một học sinh lớp 6 cùng trường. Trong nhóm các học sinh hành hung có 4 “chị đại” thường xuyên bắt nạt học sinh các lớp. Hiệu trưởng trường đã làm việc với phụ huynh và xử lý kỷ luật đình chỉ học 1 tuần đối với 12 học sinh liên quan.

Tuy nhiên, Chi hội trưởng Phụ huynh của trường cho rằng xử lý quá nhẹ, không thể răn đe và ngăn chặn được tình trạng bạo lực đã và đang diễn ta tại đây. Các “chị đại” này còn hăm dọa sẽ lôi con của Chi hội trưởng ra sân vận động để xử trong thời gian tới.


***







No comments:

Post a Comment