Thursday, April 25, 2019

BẢN TIN NGÀY 25-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




25/04/2019

Tin Biển Đông

VOA đưa tin: Tư lệnh hải quân TQ ‘cam kết’ vì Biển Đông ‘hòa bình, hữu nghị’. Ông Thẩm Kim Long, người đứng đầu lực lượng Hải quân TQ, công kích các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ: “Tự do hàng hải là một khái niệm được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nó không nên được sử dụng làm cái cớ để xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia duyên hải”.

Trang Viet Times có bài: Mỹ điều tra ngăn chặn việc Trung Quốc lách luật, sử dụng vệ tinh Mỹ. Mặc dù chính phủ Mỹ cấm bán vệ tinh cho TQ, nhưng nước này đã khéo léo lách luật, lợi dụng 9 vệ tinh địa tĩnh của các Công ty Boeing và Công ty vệ tinh SSL của Tập đoàn Công nghệ không gian Maxar Technologies để “làm việc” cho họ trong việc bảo đảm thông tin liên lạc với binh lính mà họ chiếm giữ các đảo ở Biển Đông.

Malaysia không thảo luận song phương với Trung Quốc về Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Ngày 24/4, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah khẳng định, nước này sẽ không thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông theo hình thức song phương với TQ. Ông Saifuddin tiết lộ, chính phủ TQ đang muốn bàn về các vấn đề an toàn và an ninh ở Biển Đông trong các cuộc gặp chính thức.

BBC có bài phỏng vấn PV Derek Phạm: Phóng viên Mỹ gốc Việt nói gì về chuyến đi Trường Sa? Ông Derek Phạm nói về hoạt động xây đắp của VN ở Biển Đông: “Khi đoàn đến đảo Đá Tây, tôi nghe có tiếng động và bụi của gạch đá, nhưng không thể biết rõ đó là họ đang xây cất hay tu sửa gì. Vì khu vực đó không ai được vào bên trong, và tôi cũng ngạc nhiên khi báo chí trong nước ít nói đến những công trình này. Tuy vậy, việc tôi ghi hình những công trình nhà đa năng đó thì không gặp phải sự cấm cản nào”.


Sự thật về bức ảnh Mỹ Lai đã được trả lại sau 5 thập niên

Báo Tuổi Trẻ bàn về bức ảnh ‘anh che đạn cho em’ ở Mỹ Lai: bức ảnh trở về với sự thật. Đó là bức ảnh chụp một bé trai che đạn cho em gái trong vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968, được chú thích là cả hai nhân vật bị bắn chết, đã được bộ máy tuyên truyền CSVN tận dụng trong năm thập niên qua. Tuy nhiên, hội đồng khoa học Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mới đây đã phải công nhận rằng hai anh em trong bức ảnh này còn sống.

Ông Trần Văn Đức cho biết, “lúc lần đầu tiên nhìn thấy phần chú thích là Trương Bốn che đạn cho Trương Năm và cả hai bị lính Mỹ bắn chết, tôi lập tức phản ảnh với giám đốc khu chứng tích Sơn Mỹ rằng: ‘Đây là bức hình tôi ôm em Hà nằm tránh đạn trên đường về nhà ngoại khi vụ thảm sát xảy ra’. Nhưng chẳng ai ghi nhận cả”.

Ông Ronald (trái) và ông Đức (phải) tại đúng vị trí bức ảnh được chụp năm xưa. Ảnh: TRẦN MAI/TT


Giá điện tăng, xăng tăng: Người dân tiếp tục bị “móc túi”

VnExpress đưa tin: Khách hàng ‘sốc’ vì hóa đơn tiền điện tăng vọt. Một người dân ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết, số tiền gia đình cô phải trả trong tháng 4/2019 tăng lên tới gần 1,3 triệu đồng, trong khi tháng trước nhà này chỉ dùng 688.000 đồng:

“Lục lại hóa đơn để so sánh, tôi thấy tháng này nhà tôi chỉ tăng có 100 kWh nhưng không hiểu điện lực tính thế nào mà tiền điện tăng gấp đôi. Gọi điện hỏi tổng đài thì chỉ được nhận trả lời là do giá điện tăng”. Nhiều người dân trên cả nước cũng bị tính tiền điện tăng hơn nhiều lần so với trước thời điểm giá điện tăng, chỉ không chỉ các gia đình ở TP HCM.

Báo Dân Trí có bài: Hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao vì những nguyên nhân này. Theo bài viết, nguyên nhân chính là tại… thời tiết và người dân, thời tiết khắc nghiệt khiến người dân bật máy điều hòa nhiều hơn nên dùng nhiều điện hơn. Một gia đình sử dụng 200 kWh điện trong một tháng thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 3, gia đình này bình thường chỉ phải trả khoảng 402.000 đồng, nhưng khi sản lượng điện tiêu thụ của gia đình này tăng lên 300 kWh thì tiền điện lên tới 768.000 đồng.

Cách giải thích trên chỉ áp dụng được với các gia đình phải trả hóa đơn gấp 2-3 lần, chứ không lý giải được nhiều trường hợp phải trả tiền điện gấp 4-5 lần. Ngành điện độc quyền ở VN tìm cách “móc túi” dân một cách hợp pháp bằng mọi cách.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa dịch vụ đồng loạt tăng theo giá điện, xăng dầu, theo VOV. Bài báo đưa tin, đến thời điểm này, dù chưa qua tháng 5/2019, giá cả của hầu hết các dịch vụ, hàng hòa thiết yếu đều tăng theo giá điện và giá xăng. Các tiểu thương xác nhận, diễn biến tăng giá của các loại thực phẩm, các tài xế cho biết họ buộc phải tăng giá cước, phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, PCT Hiệp hội da giày, túi xách VN cho biết: “Việc tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu tạo ra sự bị động rất lớn cho nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị giảm bớt lợi nhuận bởi nhiều đơn hàng đã được ký kết từ trước, nay do chi phí tăng cao, muốn đàm phán lại hợp đồng rất khó khăn”.


Sai phạm đất đai

Báo Thanh Niên đưa tin: Cho thuê 8.000 m2 đất vàng trái quy định cũng chỉ ‘nghiêm túc rút kinh nghiệm’. Bài nói về sai phạm ở khu đất 18.000 m2 mặt đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, được cho thuê làm showroom ô tô sai quy định. UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao của Liên minh HTX VN cho biết: “Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã có kiểm điểm nhưng việc cho thuê đất không gây thiệt hại về vật chất gì cho các bên liên quan. Số đất này không sử dụng đúng quy định, nay đã được thu hồi thì đó là chuyện bình thường”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Dân trồng rừng thì bị nhổ, giám đốc chiếm đất rừng được đền tiền tỉ? Người dân xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, khi trồng rừng trên diện tích đất xâm chiếm đã bị nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 nhổ trụi. Ngược lại, GĐ Công ty Đường 9 làm cả trang trại thênh thang trên đất rừng thì không bị xử lý, lại còn được nhà nước đền bù số tiền gần 2 tỉ đồng.

Bà Hồ Thị Gái mua lại diện tích đất trồng rừng rộng hơn 1ha ở khu vực Khe Tre rồi bị đe dọa, cho biết: “Rừng tràm của tôi ở gần trang trại của ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Cty Đường 9. So với trang trại đó, rừng của tôi chẳng là gì cả. Biết là đất gia đình đang làm nằm trong sổ đỏ của lâm trường, nhưng ông Thái cũng chiếm đất, thì làm sao bắt tôi trả lại được”.

Cây tràm của bà Gái bị người của Cty Đường 9 nhổ trụi. Ảnh: HG/LĐ

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Ai đang lấn sông Sài Gòn? Bài báo đưa tin, tính đến cuối tháng 4/2019, có 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, trong đó có đến 76 công trình đã hoàn thành, được 13 doanh nghiệp đưa vào sử dụng. Đứng đầu bảng danh sách lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở Riverside – khu A với 13 công trình chỉ cách mép nước 7,5 m. Xếp thứ 2 là Công ty Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m.

Trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn nói trên có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ, nhưng từ thời điểm ban hành quyết định cho đến nay, trải qua nhiều năm, các công trình lấn sông vẫn chưa bị cưỡng chế.


Đạo đức băng hoại

Báo Dân Trí đưa tin từ Cà Mau: 7 năm xử lý rác, phát hiện… 300 xác thai nhi (!) Theo đó, Công ty Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh này về việc hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại Nhà máy xử lý rác thải. Từ khi nhà máy này đi vào hoạt động (tháng 5/2012) đến nay đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi. Theo tờ trình, đến nay, quỹ đất không còn chỗ để tiếp tục chôn cất thai nhi, trong khi nếu hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Công an Cà Mau nói gì về vụ 300 xác thai nhi chôn ở nhà máy rác? Đại tá Trương Ngọc Danh, PGĐ Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, chưa từng nghe báo cáo về thông tin này trước đây và lưu ý rằng pháp luật đã quy định, nếu phát hiện thai nhi có hình dạng, phải báo ngay cơ quan chức năng, cơ quan công an để tổ chức khám nghiệm, dù thai nhi bị cha mẹ từ bỏ hay do bất kỳ vấn đề nào khác.


Gian lận điểm thi

Diễn biến mới vụ gian lận điểm thi: Khởi tố thêm 3 nữ giáo viên chấm thi ở Hòa Bình, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 GV, là các thành viên tổ chấm thi môn tự luận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Đó là các bị can Nguyễn Thị Thu Loan, GV Trường THPT Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung, GV Trường THPT Ngô Quyền; Bùi Thanh Trà, GV Trường THPT Lương Sơn, ở thị trấn Lương Sơn.

Các giáo viên này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các giám khảo khác thực hiện chấm thi tự luận môn ngữ văn trái Quy chế thi THPT quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tỉnh Hòa Bình.

Sau khi phủ nhận có cháu được nâng điểm, Phó Chủ tịch Hoà Bình bất ngờ nói: Đó là cháu vợ, theo báo Tổ Quốc. Đó là vụ cháu ruột của ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình trong danh sách 64 em được nâng sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018. Khi được hỏi lần đầu, ông Cửu khẳng định không có cháu ruột nào tham gia kỳ thi này và cũng không có người cháu nào có tên như thí sinh gian lận, nhưng giờ ông lại nói: “Đó là cháu vợ. Thực sự chúng tôi không hề biết gì về việc cháu được nâng điểm”.


Thêm tin giáo dục

Báo Người Lao Động đưa tin: Hiệu trưởng nhận suất chạy làm giáo viên lãnh 14 năm tù. Theo đó, ngày 24/4, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Bê, cựu hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, ông Bê đã nói dối nhiều người rằng, có thể “chạy” ghế GV cho họ để chiếm đoạt số tiền gần 1,6 tỉ đồng.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Hiệu trưởng nhận tiền chạy việc giáo viên rồi “biếu” lãnh đạo huyện? Khi được hỏi sử dụng số tiền 1,6 tỉ trên vào việc gì, ông Bê khai tiêu xài cá nhân khoảng 1 tỉ đồng và đưa một số quan chức tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Có một số người mà bị cáo Huỳnh Bê khai đã đưa tiền như ông Trần Đức Lanh, cán bộ của UBMTTQ VN tỉnh Đắk Lắk và ông Trần Hữu Thái, Trưởng Phòng Nội vụ huyện.

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Đạo đức xuống cấp hay luật pháp lung lay? Chỉ trong tháng 3, tháng 4/2019, một loạt sự kiện cho thấy “tiến trình” băng hoại đạo đức xã hội VN như thể đã được “tăng tốc”, học sinh hành hung nhau đến đổ máu, quay clip làm nhục nhau, rồi GV xem trường học như nơi thỏa mãn dục vọng, “thả dê” với đồng nghiệp và thậm chí với cả học sinh của mình.


Bê bối ngành y

Hàng loạt Bác sĩ, điều dưỡng hầu tòa vì trục lợi bảo hiểm ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, theo báo Người Đưa Tin. Chiều 24/4, TAND tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với nhóm bị cáo là các cựu bác sĩ, điều dưỡng tại BV này.

Nhóm bị cáo gồm 3 BS là Tô Thanh Huyền, cựu Phó trưởng Khoa nội tổng hợp BVĐK tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Thị Thanh Hải, cựu Trưởng Khoa sơ sinh, Nguyễn Thanh Hường cựu Phó trưởng Khoa sơ sinh cùng 5 điều dưỡng đồng phạm, bị kết tội lập, nâng khống số ngày điều trị của các hồ sơ bệnh án để lấy thuốc và vật tư y tế rồi đem bán.

Công an thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh vừa bắt 2 kẻ làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai, VTC đưa tin. Công an đã khởi tố Hà Lương Thường và Lê Thị Tỵ về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hai đối tượng này đã tham gia vào đường dây làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của BV Bạch Mai cho các công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Hàng trăm giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai bị làm giả. Sau khi khám xét nơi ở của Thường, lực lượng chức năng thu giữ 70 giấy khám sức khỏe; 46 giấy ra viện; 13 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và 15 giấy chứng nhận nằm viện. Còn tại nơi ở của Tỵ, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ 30 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, 29 giấy chứng nhận nằm viện, 8 giấy khám sức khỏe giả.


***





No comments:

Post a Comment