Monday, April 22, 2019

BẢN TIN NGÀY 22-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




22/04/2019

Tin Biển Đông

TS Trần Công Trục viết: Một số lưu ý khi giải thích và áp dụng Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ hiện nay. Vụ TQ thông báo sẽ đưa giàn khoan dầu Dongfang 13-2 đến vịnh Bắc Bộ, ông Trục lưu ý: “Kể từ sau khi Cơ quan quyền lực cao nhất của hai nước đã phê chuẩn, trong vịnh Bắc Bộ đã có đường biên giới rõ ràng, được xác định cụ thể bằng các tọa độ địa lý, hai bên đều hoàn toàn có quyền triển khai tất cả các hoạt động trong phạm vi vùng biển được phân định thuộc các quyền hợp pháp của mình”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc sắp thao diễn hải quân, vắng bóng tàu sân bay mới. Theo tin từ South China Morning Post, Hải quân Trung Quốc sẽ điều 32 tàu chiến và 39 máy bay tham gia thao diễn nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng này vào ngày 23/4, nhưng sự kiện này có thể sẽ không có sự tham gia của tàu Type 001-A, tàu sân bay “nội địa” chế tạo đầu tiên, sau khi TQ mua tàu sân bay từ Ukraine để tân trang và đặt tên là Liêu Ninh.

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Tàu sân bay nội địa Trung Quốc đi đâu? Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình của đài Phượng Hoàng, cho biết: “Có nhiều đội tàu nước ngoài tham gia, vì vậy Trung Quốc nên cho tàu chiến đang hoạt động, sẵn sàng chiến đấu góp mặt. Mục đích duyệt binh là thể hiện khả năng chiến đấu thực sự của hải quân. Type 001A vì chưa sẵn sàng chiến đấu mà chưa chính thức đi vào hoạt động”.


“Củi” ở dự án gang thép Thái Nguyên

Ngày 20/4/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt 5 cựu lãnh đạo Gang thép Việt Nam và Gang thép Thái Nguyên, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Vụ bắt giữ này là một phần trong quá trình điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng công ty Thép VN (VNS).
Cùng với quyết định bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can: Mai Văn Tinh,  cựu chủ tịch HĐQT VNS; Đậu Văn Hùng, cựu tổng giám đốc VNS; Trần Trọng Mừng, cựu tổng giám đốc TISCO; Trần Văn Khâm, cựu chủ tịch HĐQT, TGĐ TISCO; Ngô Sỹ Hán, cựu phó TGĐ TISCO.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên. Nguồn: Tuổi Trẻ

Báo Thanh Niên có bài: Đại dự án thép đội vốn 4.200 tỉ ‘đắp chiếu’. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng, được khởi động từ năm 2005. Đến tháng 7/2007, TISCO và Tập đoàn xây lắp luyện kim TQ (MCC) ký hợp đồng EPC với giá trị xấp xỉ 161 triệu Mỹ kim với cam kết hợp đồng không đổi.

Tuy nhiên sau đó, TISCO và MCC lại ký với nhau nhiều phụ lục. Đến năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng. Đến giữa năm 2013, việc đội vốn này đã được các bên liên quan chấp thuận. Đến thời điểm thanh tra là đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong khi dự án đã bị chậm tiến độ kéo dài, nên nhiều thiết bị hư hỏng.

VTC bàn về dự án hơn 8.000 tỉ đồng ‘đắp chiếu’: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang xem xét trách nhiệm. Hồi kết của một trong các “quả đấm thép” được đầu tư ngàn tỉ: Nợ phải trả của TISCO hiện là 8.568 tỉ đồng, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm đến 82% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, khả năng thanh toán hiện tại của Tisco năm 2018 chỉ bằng 0,7 lần, cho thấy doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn. Đến ngày 31/12/2018, số dư công nợ phải thu khó đòi của Tisco lên đến gần 852 tỉ đồng.

Báo cáo của HĐQT TISCO thừa nhận: “Đến đầu 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền”.

Trần Văn Khâm, cựu chủ tịch HĐQT, TGĐ TISCO. ảnh: VNN

Báo Dân việt đặt câu hỏi: Chủ tịch Gang Thép Thái Nguyên Trần Văn Khâm vừa bị bắt xây biệt thự sai phép? Trong khi Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nợ nần chồng chất, ông Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịcH HĐQT TISCO (từ năm 2009) vẫn xây biệt thự “khủng”. Báo chí nhiều lần phản ánh, ngôi biệt thự đồ sộ, cao 5 tầng của ông Khâm thi công sai so với giấy phép, nhưng đến nay công trình này vẫn tồn tại.


Lãnh đạo ngồi trên pháp luật

Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi về sai phạm ở huyện Tuy Đức, Đắk Nông: Vì sao hàng loạt lãnh đạo, cán bộ tại một huyện “dính” vào vòng lao lý? Theo đó, nhiều lãnh đạo huyện này bị kỷ luật, rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất rừng, cấp sổ đỏ trên đất công trái phép.

Bài viết lưu ý: Tháng 2/2019, VKSND tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố ông Nguyễn Thành Trí, cựu Phó Phòng TN&MT huyện và ông Nguyễn Thành An, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện vì cấp 17 sổ đỏ cho 12 hộ, cá nhân trên đất quốc phòng với diện tích 2,8ha. Nhiều người thân của các lãnh đạo huyện Tuy Đức đã được “chia” đất quốc phòng.

Báo Người Đưa Tin có bài: Hé lộ danh sách đoàn thanh tra có cán bộ bị bắt khi “làm tiền” cơ sở ở Thanh Hóa. Đó là vụ ông Nguyễn Bá Nhuần, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, là hành viên của Thanh tra tỉnh này bị Cơ quan ANĐT bắt quả tang nhận hối lộ khi về làm việc ở huyện Thiệu Hóa. Ông Nhuần thừa nhận vụ việc trên. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa rõ có bao nhiêu cán bộ của mình bị bắt, chỉ biết có 5 thành viên đoàn thanh tra về làm việc ở huyện Thiệu Hóa.


Giá xăng, giá điện tăng và lạm phát

Sau 2 lần giá xăng tăng giá trong tháng 4/2019 (ngày 2/4, giá mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/lít; ngày 17/4, mỗi lít xăng E5RON92 tiếp tục tăng thêm 1.115 đồng, xăng RON95-III tăng 1.202 đồng/lít), còn giá điện đã tăng 8,36% từ ngày 20/3, làn sóng tăng giá của các mặt hàng đã bắt đầu xuất hiện như nhiều người dự báo.

Báo Người Việt đưa tin: Ổ bánh mì, mớ rau… ở Sài Gòn tăng giá vì xăng. Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở TP HCM như bánh mì, các loại rau, các loại thịt, chả, gia vị… đã bắt đầu tăng, bởi vì cước phí vận chuyển, thu mua các loại nông sản, thực phẩm không thể không tăng do tác động từ giá xăng.

Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chả sạch Quang Hậu ở quận Tân Phú, cho biết, vụ giá điện đã “giáng đòn” quá nặng lên doanh nghiệp sản xuất, nay thêm giá xăng tăng vọt, khiến nhà sản xuất không thể không tăng giá bán.

Báo Thanh Niên viết: ‘Choáng váng’ vì giá xăng tăng. Bà Nguyễn Thùy Trang, chủ một đại lý thuốc thú y tại TP Biên Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay giá cước gửi hàng về các đại lý ở huyện là 25.000 đồng/thùng, sau lần tăng giá xăng vào đầu tháng 4, nhà xe tự động tăng lên 30.000 đồng/thùng, tức 20% giá cước: “Sáng 18/4, khi gửi 50 thùng hàng cho khách về Bà Rịa-Vũng Tàu, nhà xe báo giá cước 33.000 đồng/thùng, tức tăng tiếp 10% nữa. Trong một tháng giá cước vận chuyển tăng 30%”.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, GĐ Công ty dịch vụ vận tải Kim Phát, nói: “Trung bình mỗi chuyến đi tăng thêm khoảng 1 – 1,5 triệu đồng, lên hơn 15 triệu đồng/xe/chuyến thì DN cũng vẫn lỗ. DN vận tải hàng hóa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn”.

Tiến trình tăng giá xăng từ cuối năm 2018 đến nay. Nguồn: Thanh Niên

Báo Lao Động đặt câu hỏi về tác động của chuyện giá xăng tăng 4.000 đồng/lít: Cước vận tải tăng theo? Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, chuyện giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải, bởi giá xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.

TS Cấn Văn Lực lý giải, giá xăng VN phải tăng vì giá xăng thế giới vẫn đang duy trì đà tăng: “Năm nay, nếu không giữ quỹ bình ổn xăng dầu thì rất có thể giá xăng sẽ tăng vọt, tác động mạnh đến lạm phát”.

Báo Người Lao Động có bài: Hàng hoá nhích theo giá xăng dầu. Bên cạnh thông tin về hàng loạt loại hàng hóa tăng giá đã được các báo trên khẳng định, bài viết bàn đến tác động của giá xăng tăng với các tài xế taxi. Một tài xế taxi truyền thống tại TP HCM cho biết, hai đợt tăng giá xăng vừa qua làm ông tốn thêm cả trăm ngàn đồng mỗi ngày, trong khi mức  cước vẫn giữ nguyên, khiến thu nhập của ông mỗi tháng giảm tới hơn 3 triệu đồng.

Giá xăng đã tăng mạnh, nhưng nhiều người dự đoán từ bây giờ đến cuối năm, giá xăng ở VN sẽ còn tăng nữa. Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Mỗi lít xăng ‘cõng’ hơn 56% thuế, phí? Theo đó, hàng loạt loại thuế, phí, như thuế môi trường, kèm theo giá xăng, đã tạo nên động lực tăng giá cho loại nhiên liệu thiết yếu này. Mỗi lít xăng RON95 (giá bán lẻ hiện nay là 21.380 đồng) có tổng chi cho các khoản thuế phí, trích lập quỹ dự phòng, lợi nhuận định mức, chi phí vận hành… hơn 50%, là 12.064 đồng.


Tin giáo dục: Vẫn loay hoay với gian lận

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về vụ nâng điểm con quan: Nhận điểm tặng có là nhận hối lộ? LS Đỗ Hải Bình cho rằng, có nhiều hình thức đưa hối lộ và hối lộ bằng điểm số cho con em các quan chức cũng là một cách thức: “Trước cơ quan điều tra, người nhận hối lộ có quyền không thừa nhận và quả thực, nếu không có chứng cứ thì khó mà xử lý. Tuy nhiên, việc đưa hối lộ thì đã rõ. Không ai tự dưng đi nâng điểm một cách ‘khơi khơi’ cũng không ai rảnh đưa hối lộ mà người nhận không biết gì”.

Báo Giáo Dục VN có bài: Chuyện “điểm lạc” vào nhà quan, nhà giàu. Bài viết dùng từ “điểm lạc” vì vẫn chưa có phụ huynh nào thừa nhận họ đã dùng quyền lực hoặc tiền bạc tác động để con em họ được nâng sửa điểm, tất cả đều cho rằng có “ai đó” giúp mà không nói. Điều lạ là “phụ huynh nói không biết chuyện nhập điểm của con mình nhưng thử hỏi nếu không có số báo danh, không có tên tuổi, địa chỉ thì sức mấy những cán bộ khảo thí và giáo viên tham gia Hội đồng thi có thể can thiệp được điểm của con mình?”



VnExpress có bài: Tranh luận cách xử lý thí sinh sau vụ gian lận ở Hòa Bình, Sơn La. Nhiều người dân cho rằng, cách xử lý các thí sinh gian lận vẫn không công bằng, nhiều trường hợp bị phát hiện nâng sửa điểm nhưng do điểm thật vẫn đủ chuẩn đậu nên thí sinh gian lận không bị thôi học. Một số trí thức “lề đảng” phản bác lại và cho rằng các trường ĐH đã làm đúng quy định.

ThS Phạm Thái Sơn, cán bộ thuộc ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho rằng, “nhiều thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia nhưng lại vào đại học bằng con đường xét học bạ thì việc buộc thôi học các em là điều không thể, bởi không có quy định. Việc xét tuyển vào đại học đều phải làm theo quy chế, không thể cảm tính”. Nếu vậy thì bản thân quy chế này đã đầy cảm tính.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Giáo viên tố cáo việc nâng điểm hàng loạt môn cho học sinh lớp 12 ở TP.HCM. Theo đó, một nhóm GV Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP HCM vừa tố cáo việc sửa điểm và nâng điểm hàng loạt môn cho học sinh lớp 12 của trường này, trong đợt kiểm tra giữa học kỳ 2 năm học 2018-2019 diễn ra từ ngày 11 đến 13/3.

Bài viết lưu ý trường hợp của học sinh T, lớp 12A9 đạt điểm cao ở các môn thi trắc nghiệm nhưng bài thi thực tế của em không được như vậy. Do đã nghi ngờ từ trước, nhóm giáo viên âm thầm theo dõi, chụp lại bài làm của T. khi em vừa làm bài xong và đối chiếu với bài thi đã được chấm, rồi phát hiện bài thi của học sinh này đã được nâng sửa điểm.


Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm

Tác giả Âu Dương Thệ viết: Nguyễn Phú Trọng ưu ái Formosa. Theo bài viết, ngay trong tháng 4/2016, giữa lúc cao điểm của thảm họa môi trường đầu độc biển miền Trung do Formosa gây ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiểm tra dự án Formosa Hà Tĩnh. Tuy  nhiên, trái với mong đợi của nhiều người, ông Trọng không những làm ngơ thảm họa môi trường, mà còn đánh giá cao dự án này:

“Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp rất chăm chú và ngưỡng mộ thành quả kinh doanh của FHS. Trong dịp này tuyệt đối từ Nguyễn Phú Trọng tới các nhân vật cao cấp trong phái đoàn không ai đả động một câu hỏi nào với Ban giám đốc Formosa đến thảm khốc cá chết hàng loạt”.

Trang Môi Trường và Đô Thị đưa tin: Cá chết hàng loạt, bốc mùi dọc bờ biển Đà Nẵng do nước xả thải. Hơn 3 ngày qua, người dân sống gần cửa xả Phú Lộc, khu vực giáp ranh giữa quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, phát hiện rất nhiều cá rô phi chết hàng loạt và xếp lớp 2 bên bờ kênh Phú Lộc và trên bờ biển kéo dài cả trăm mét. Tình trạng cá chết xuất hiện đã nhiều ngày, khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý để tránh ô nhiễm.

Xác cá chết la liệt dọc 2 bên bờ kênh Phú Lộc. Nguồn: MTĐT


***








No comments:

Post a Comment