Saturday, April 20, 2019

BẢN TIN NGÀY 20-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




20/04/2019

Tin Biển Đông

VOV đưa tin: Mỹ và Nhật phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngày 19/4/2019, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ đã diễn ra cuộc họp Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản, nội dung tập trung vào sự phối hợp giữa Mỹ và Nhật Bản để ứng phó với môi trường an ninh khu vực đang biến chuyển.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo sau đó: “Chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.


Cán bộ suy thoái

Công an vừa bắt quả tang một cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ, theo báo Tuổi Trẻ. Người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, khoảng 15 giờ ngày 18/4 tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, công an tỉnh bắt quả tang một cán bộ thanh tra tỉnh đang nhận tiền từ đối tượng bị thanh tra, danh tính cả 2 người không được tiết lộ.

Cán bộ thanh tra bị bắt giữ là thành viên đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang thanh tra về quản lý thu chi ngân sách và đầu tư xây dựng tại huyện Thiệu Hóa. Còn người đưa hối lộ là một cán bộ công tác tại huyện này.

Báo Lao Động đưa tin: “Xẻ” đất quốc phòng cho người nhà, nguyên trưởng phòng vào tù tội. VKSND tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định khởi tố và lệnh bắt để tạm giam đối với Lang Văn Khang, cựu Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo đó, ông Khang đã “tham mưu” để ông Đỗ Thành An, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và ông Nguyễn Thành Trí, PGĐ của cơ quan ông An, xác nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực đã được quy hoạch làm đất quốc phòng, cho 12 người nhà  của ông An và ông Trí để UBND huyện ký duyệt.

Trục lợi hàng tỷ đồng, một kế toán được chuyển sang làm… thanh tra, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Ngày 19/4, Đại tá Phan Thanh Tám, PGĐ Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Văn phòng công an tỉnh này vừa bắt tạm giam ông Phan Trung Dũng, cán bộ Thanh tra huyện Chư Pưh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến sai phạm khi ông Dũng còn làm kế toán Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh.

Sai phạm của ông Dũng bị phát hiện từ đầu tháng 2/2018. Ông này cùng hai nữ cán bộ đồng phạm đã lập chứng từ khống, giả chữ ký để chiếm đoạt 2,8 tỉ đồng, rồi làm phiếu chi giả để chiếm đoạt khoảng 3,1 tỉ đồng. Sau khi trục lợi hàng tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước, ông Dũng được chuyển sang làm cán bộ Thanh tra huyện Chư Pưh.



Công an “nhân dân” xâm hại nữ sinh

Báo Người Việt đưa tin: Hiếp dâm tập thể nữ sinh, thượng tá công an chỉ bị án 3 năm tù. Ngày 19/4, TAND TP Thái Bình tuyên phạt Phạm Văn Lam, cựu phó phòng Cảnh Sát Kinh Tế, ba năm tù về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Mức án quá nhẹ so với hành vi xâm hại tình dục tập thể đối với nữ sinh mới 14 tuổi.

Bài viết lưu ý, đây là phiên xử kín. Trước khi tòa tuyên án, lực lượng công an cấm người dân và các nhà báo “lề đảng” sử dụng mọi thiết bị quay phim, chụp hình, cũng như  không cho ai tiếp cận HĐXX.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao xử kín cựu thượng tá công an giao cấu nữ sinh lớp 9? LS Nguyễn Viết Giao giải thích: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Trường hợp này là do nạn nhân chưa đến 18 tuổi.

Nhìn chung, phản ứng của hầu hết độc giả trên các báo “lề đảng” cho phép bình luận đều là sự thất vọng trước các ngành chức năng VN, xử quá nhẹ tay tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, rồi thất vọng trước hệ thống tòa án loay hoay với việc xác định các hành vi ấu dâm.


Tin nhân quyền

Một nhà báo ở Cần Thơ bị Chủ tịch Hội Nhà báo làm công văn nhắc nhở vì dám ‘phàn nàn’ ngành công an trên Facebook, báo Một Thế Giới đưa tin. Nhà báo T.H.H, thường trú tại Cần Thơ và đang công tác tại báo Đ, có cơ quan chủ quản ở Hà Nội, xác nhận, ông bị ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ, gửi công văn đến cơ quan chủ quản, đề nghị nhắc nhở vì viết status trên Facebook phàn nàn việc Công an TP. Cần Thơ thời gian gần đây ít cung cấp thông tin cho báo chí:

“Status của tôi, lời lẽ dù có châm biếm đôi chút, nhưng nội dung chủ yếu muốn đề cập đến việc Công an TP.Cần Thơ thời gian gần đây ít cung cấp thông tin cho báo chí, kể cả các vụ án vừa phá được… Và status này cũng xóa sau đó chưa đầy 1 giờ, vì anh em góp ý, và tôi nghĩ, có lẽ ngành này cũng có lý do tế nhị nào đó. Nhưng Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ vẫn ‘hăng hái’ gửi công văn nhắc nhở”, nhà báo H cho biết.


Dự án lấn cửa sông Hàn

Trang Giáo Dục và Thời Đại đặt câu hỏi về dự án lấn cửa sông Hàn (Đà Nẵng): Có ảnh hưởng đến dòng chảy? KTS Hồ Duy Diệm, cựu Trưởng ban quy hoạch TP Đà Nẵng, giải thích: “Vào mùa mưa khi nước từ thượng nguồn đổ xuống, nước thủy triều từ biển dâng lên sẽ khiến lưu lượng nước tăng lên nhiều lần, vận tốc nước chảy cũng mạnh lên nhiều lần, khi đó mặt cắt ngang dòng chảy phải tăng cao lên. Nhưng nếu đắp bờ lấn sông thì mặt cắt nhỏ đi, lúc này sẽ xảy ra hiện tượng bờ sông đối diện sẽ bị đào phá để đủ mặt cắt ướt. Hoặc nước sẽ dâng cao tràn ngược cống và gây ngập phía thành phố”.

Mâu thuẫn xung quanh dự án lấn sông Hàn: Thanh tra chỉ ra sai phạm, chủ đầu tư nói không sai, theo VTC. Bài viết lưu ý: Từ tháng 9/2017, Dự án BĐS Marina Complex xâm phạm sông Hàn đã bị Sở Xây dựng, UBND quận Sơn Trà cho dừng thi công do công trình này chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng một phần kè bao và san nền dự án.

Chủ đầu tư dự án nói: “Đoạn kè 730m/6.000m của chúng tôi thi công hoàn toàn không lấn sông, không làm ảnh hưởng dòng chảy. Chúng tôi chỉ thi công tiếp tục để hoàn thành theo các thiết kế đã được thẩm định, nối tiếp đoạn kè Nhà nước đã thi công hơn 5.200m”.


Vinamilk vs báo Giáo dục Việt Nam

Tuần trước, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, đã gửi đơn yêu cầu ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, điều tra báo Giáo dục Việt Nam, về hơn 100 bài báo với chủ đề sữa học đường, đăng trên báo này. VTC dẫn lời bà Mai Kiều Liên: ‘Sẽ làm đến nơi đến chốn việc bôi nhọ thương hiệu Vinamilk’.

Bà Liên cho rằng, Vinamilk làm đúng nên không có gì phải sợ: “Vinamilk có bộ phận pháp chế và sẽ làm đến nơi đến chốn việc bôi nhọ thương hiệu Vinamilk. Không phải ai cứ muốn nói gì là nói được. Vinamilk là thương hiệu quốc gia, động đến Vinamilk là động đến thương hiệu quốc gia”.

Trước đó, ngày 17/4, báo Giáo Dục VN có bài: Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường. Theo bài viết, chuyện Vinamilk bổ sung thêm 14 chất khác vào sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường là trái Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường. Bài viết công kích sở GD&ĐT TP Hà Nội đã thông đồng với Vinamilk.


Vụ thu phí người nuôi bệnh

Vụ BV đa khoa Thủ Đức thu 30.000 đồng/ngày đêm/người đến thăm nuôi bệnh nhân, Infonet đặt câu hỏi: Thu phí chăm nuôi bệnh nhân để giảm quá tải bệnh viện? Giám đốc BV này lý giải: “Thực trạng an ninh trật tự tại bệnh viện khá phức tạp do có nhiều nhóm người cho thân nhân người bệnh thuê ghế bố, dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau trong bệnh viện để giành quyền lợi. Bên cạnh đó, tình trạng mất cắp điện thoại, xe gắn máy xảy ra thường xuyên”.

Không thu được tiền của thân nhân, Sở Y tế TP.HCM quy định mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nuôi bệnh, theo báo Một Thế Giới. Sở Y tế TP HCM họp và thống nhất, đối với các dịch vụ tiện ích tối thiểu phục vụ người bệnh, thân nhân người bệnh như nhà vệ sinh, nước rửa tay, xà bông rửa tay, nước uống, thang máy, nơi sạc điện thoại và các tiện ích khác có trong cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì không thu phí. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện chỉ được 1 người nuôi bệnh.


Tin giáo dục

Báo Trí Thức Trẻ đưa tin: 2 nữ sinh lớp 4 bị 4 nam sinh cùng lớp chọc ghẹo rồi đánh phải nhập viện tâm thần kiểm tra. Hiệu trưởng Đỗ Thị Xuân của Trường tiểu học Lương Thế Vinh, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng 16/4, nữ sinh T.N.A bị một học sinh nam chọc nên quay sang đánh bạn này. Thấy vậy, 3 học sinh nam khác đã xông vào đánh em A. và một học sinh nữ chơi cùng với A. là T.N.N.D.

Sau khi sự việc xảy ra, em A. được gia đình đưa đến BV Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra dấu hiệu bất thường về tâm lý và em D. cũng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để kiểm tra sức khỏe. Mẹ em A cho biết, hiện em này đã ổn định sức khỏe.


Vụ Eximbank làm mất tiền gửi khách hàng

Trong phiên xử phúc thẩm ngày 19/4/2019, TAND cấp cao TP HCM kết luận, Eximbank phải trả thêm cho bà Chu Thị Bình hơn 115 tỉ đồng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Vụ doanh nhân Chu Thị Bình bị mất  245 tỉ đồng gửi ở Eximbank, phiên tòa sơ thẩm trước đó đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Thủy, là người đã giúp cựu PGĐ Eximbank TP HCM Lê Nguyễn Hưng hợp thức hóa việc rút tiền của bà Bình, 4 năm 6 tháng tù, đồng thời buộc Eximbank tất toán 245 tỉ đồng cùng 103 tỉ đồng tiền lãi phát sinh cho bà Chu Thị Bình.

Sau đó, Eximbank đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị xem xét lỗi của bà Bình đối với thiệt hại xảy ra. Nay tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Thủy, đồng thời buộc Eximbank phải trả hơn 115 tỉ đồng gồm lãi phát sinh của 245 tỉ đồng tiền gốc và lãi phạt chậm thanh toán.

Báo Thanh Niên có bài: Eximbank gặp khó khăn huy động vốn sau 2 vụ mất tiền gửi. Báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank vừa thừa nhận, ngân hàng này bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ tiền gửi “bốc hơi”, là vụ doanh nhân Chu Thị Bình mất 245 tỉ và vụ 6 khách hàng gửi tiền ở phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh, bị mất tổng cộng 50 tỉ đồng. “Toàn hệ thống đã gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, hoạt động tín dụng cũng bị liên đới do phải duy trì thường xuyên chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng”.


***







No comments:

Post a Comment