Monday, April 1, 2019

ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI : MỸ MUỐN TRUNG QUỐC NỚI LỎNG LUẬT AN NINH MẠNG (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)






01/04/2019

Ngày 28/3, các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ đã đề nghị Trung Quốc nới lỏng Luật An ninh mạng cứng rắn của nước này, nếu muốn đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Hai phái đoàn đàm phàn thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: NICOLAS ASFOURI/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES

Các quan chức Washington gần đây cho biết Luật An ninh mạng của Trung Quốc đang là một thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại nước này, bởi luật này yêu cầu doanh nghiệp Mỹ và các quốc gia khác phải lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở Trung Quốc và ưu tiên sử dụng thiết bị mạng của Trung Quốc hơn các thiết bị nước ngoài.

Trong các cuộc thảo luận hôm thứ Sáu, các vấn đề liên quan đến các quy định của Trung Quốc về bảo mật thông tin, chia sẻ thông tin xuyên biên giới, cũng như các lĩnh vực công nghệ cao như điện toán đám mây đã được mang ra đàm phán. Chính quyền Donald Trump thúc ép Trung Quốc nới lỏng các quy định hạn chế các công ty Hoa Kỳ đầu tư tại nước này, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn. Các quan chức Mỹ cũng thuyết phục Trung Quốc rằng những quy định ngặt nghèo như vậy thực tế không đem lại quá nhiều lợi ích cho Bắc Kinh, mà chỉ gây tổn hại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu các công ty nước ngoài rút đầu tư khỏi nước này.

Về phần mình, trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc cũng tỏ ý nhún nhường hơn trong việc đàm phán những vấn đề trước đây bị coi là không thể thoả hiệp. Các nhà đàm phán Trung Quốc khẳng định nước này sẽ cố gắng giải tỏa những vấn đề còn sót lại để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Được ban hành vào giữa năm 2017, Luật An ninh mạng là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu trong không gian mạng và tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với thông tin dữ liệu. Kể từ khi luật này có hiệu lực, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra hàng trăm quy tắc và tiêu chuẩn quản lý các sản phẩm từ phần mềm đến bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch và tường lửa, khiến cho các công ty đa quốc gia hoạt động tại nước này gặp nhiều khó khăn.

Thật vậy, các công ty và doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rằng luật này sẽ cản trở việc đầu tư, kinh doanh của họ trong tương lai ở nước này. Luật An ninh mạng yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu của mình trên các máy chủ địa phương do Trung Quốc quản lý và phải hợp tác với cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc nếu được yêu cầu. Trong nhiều trường hợp, các công ty phải sử dụng bộ định tuyến và các thiết bị, sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Các công ty bị phát hiện vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Các quy định này không lâu sau đó cũng xuất hiện trong Luật An ninh mạng Việt Nam, được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2018.

Để tuân thủ luật pháp Trung Quốc, Apple phải tuyên bố rằng họ sẽ lưu trữ dữ liệu của dịch vụ iCloud Trung Quốc tại một trung tâm dữ liệu do chính phủ tài trợ có tên Gu Fuzhou-Cloud Big Data. Trong khi đó, Skype và WhatsApp từ chối lưu trữ dữ liệu của họ tại máy chủ địa phương và chấp nhận bị cấm hoạt động ở Trung Quốc.

Ngày càng nhiều các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ, ngân hàng hoặc công ty năng lượng lo ngại việc tiếp tục cung cấp dịch vụ và đầu tư tại Trung Quốc sẽ làm lộ bí mật kinh doanh, thông tin lưu trữ tuyệt mật của các công ty và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Họ đã và đang xem xét việc rút lui khỏi Trung Quốc, tìm kiếm thị trường khác.

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được thỏa thuận giải quyết bất đồng và xung khắc thương mại trong tương lai gần.

Đối với Tổng thống Donald Trump, mục tiêu số một là phải tái lập quân bình trong cán cân thương mại với Trung Quốc và ông chủ Nhà Trắng muốn thấy kết quả cụ thể trước năm 2020, năm bầu cử tổng thống.

Trên bàn cờ, trước những đòn tấn công của Mỹ, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để giới hạn thiệt hại cũng như đẩy lùi càng xa càng tốt nguy cơ đe dọa kinh tế quốc gia và sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực. Nhưng, dường như thật khó để Bắc Kinh nhượng bộ Mỹ về Luật An ninh mạng.





No comments:

Post a Comment