Monday, March 4, 2019

TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH LÀ GÌ? (Steve Tsang - Project Syndicate)





Steve Tsang  -  Project Syndicate
Biên dịch: Tăng Gia Phong | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 04/03/2019 by The Observer

Vào tháng 10/2017, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa vào Điều lệ Đảng một học thuyết chính trị mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Trong bối cảnh một Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng đang là một nhân tố lãnh đạo toàn cầu, người ta dễ bác bỏ học thuyết này như là một sự tuyên truyền mang tính đảng đã lỗi thời. Nhưng làm vậy sẽ mang lại những rủi ro nguy hiểm.

Năm tháng sau khi Điều lệ Đảng được thay đổi, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, đồng nghĩa với việc trừ khi có một biến động chính trị lớn, Tập Cận Bình – người vẫn khỏe mạnh, cường tráng ở tuổi 65 – có thể duy trì chức vụ chủ tịch nước thêm 20 năm nữa. Học thuyết cùng tên với ông vì thế sẽ định hình sự phát triển và cách Trung Quốc tham gia vào toàn cầu trong nhiều thập niên tới, và có lẽ là xa hơn nữa.

Theo một nghĩa nào đó, việc đưa tên và tư tưởng của Tập Cận Bình vào Điều lệ ĐCSTQ mang đến cho ông địa vị ngang hàng với Mao Trạch Đông – người cha lập quốc của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng như Đặng Tiểu Bình – kiến trúc sư của tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc. Đây cũng là hai nhà lãnh đạo duy nhất được đề cập đến trong Điều lệ Đảng. Điều đó, cùng với sự bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, khiến nhiều người lập luận rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao.

Nhưng, cho dù có thật như vậy đi nữa, điều này cũng không có nghĩa là Tập đang cố gắng khôi phục lại chế độ toàn trị kiểu Mao. Mặc dù Tập có một cách nhìn tích cực hơn nhiều về quá khứ của Trung Quốc dưới thời Mao so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ sau Đặng Tiểu Bình, nhưng ông ta không phải là một người theo chủ nghĩa Mao.

Thay vào đó, cách tiếp cận về phương thức quản trị của Tập Cận Bình gần giống với Lưu Thiếu Kỳ – Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Mao, người hết lòng với Chủ nghĩa Lê-nin và đã tích hợp một số tư tưởng Khổng Giáo một cách chọn lọc để xây dựng một nhà nước độc đảng theo kiểu Trung Quốc. Với Lưu, Đảng là then chốt; ngược lại, với Mao, sau cùng thì Đảng có thể không phải là không thể thiếu được, như đã được chứng minh trong cuộc Cách mạng Văn Hóa – cuộc cách mạng mà trong đó bản thân Lưu Thiếu Kỳ cũng là nạn nhân. Không giống Mao Trạch Đông, người yêu thích sự hỗn loạn, Tập Cận Bình có cùng khát vọng với Lưu Thiếu Kỳ về thực thi sự kiểm soát thông qua ĐCSTQ, bộ máy mà ông ta kỳ vọng sẽ lãnh đạo – và ứng dụng Tư tưởng Tập Cận Bình vào trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, dân sự và học thuật.

Sự tương phản với Đặng Tiểu Bình thậm chí còn sâu sắc hơn. Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình được định hình bởi chủ nghĩa thực dụng và sự thử nghiệm nhằm xác định lối tiếp cận hiệu quả nhất đối với hiện đại hóa. Trong thập niên 1980, thậm chí từng có thời gian ngắn Đặng Tiểu Bình cân nhắc đến khả năng tách ĐCSTQ ra khỏi Nhà nước, tuy nhiên ông đã từ bỏ ý nghĩ trên sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Dù sao thì Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm – Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – đã tiếp tục mở cửa Trung Quốc với phương Tây, đồng thời sẵn lòng chấp nhận sự truyền bá trong giới hạn của một vài tư tưởng tự do. Đây không phải là điều Tập Cận Bình ủng hộ, khi những cam kết liên tục về cải cách triệt để bị phủ mờ bởi sự tái định nghĩa về những gì mà cải cách nên mang lại.

Tập Cận Bình xem các thử nghiệm chính trị hoặc giá trị tự do không phù hợp với Trung Quốc, đồng thời chối bỏ dân chủ hóa, xã hội dân sự, và nhân quyền phổ quát. Cải cách triệt để đồng nghĩa với củng cố kiểm soát ĐCSTQ, thông qua “chiến dịch chống tham nhũng”, cũng như kiểm soát quần chúng, bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Tập Cận Bình hy vọng rằng nền chuyên chế kỹ thuật số này sẽ ngăn các tư tưởng tự do và dân chủ không được bén rễ và truyền bá, ngay cả khi Trung Quốc duy trì sự kết nối với phần còn lại của thế giới. Công dân Trung Quốc có thể hưởng tự do trong tiêu dùng và đầu tư, nhưng không phải trong một xã hội dân sự hoặc tham dự vào các cuộc thảo luận công dân.

Điều hòa mâu thuẫn giữa việc mở cửa với quốc tế và kiểm soát nhà nước là điều tối quan trọng với Tập Cận Bình nếu muốn đạt được một mục tiêu chính trong học thuyết của ông: “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”. Một mặt, điều này đòi hỏi phải khơi gợi chủ nghĩa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, để quần chúng đi theo sự ưu việt của ĐCSTQ và bản thân Tập Cận Bình. Những ai không đáp ứng được sự kỳ vọng này sẽ có thể bị giám sát và thậm chí bị gửi đến các trại cải tạo, giống như tại Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn (hoặc nhiều hơn) người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đang bị giam giữ.

Mặt khác, làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại đồng nghĩa với việc thể hiện quyền lực và vai trò lãnh đạo trên vũ đài thế giới. Sau nhiều thập niên tuân theo chỉ thị “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình tin rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến.

Một cách để Tập hy vọng tăng cường vị thế toàn cầu của Trung Quốc là bằng cách đảm bảo rằng đất nước sẽ luôn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Vì lý do đó, chính phủ hỗ trợ hết mình cho các công ty hàng đầu quốc gia trong các lĩnh vực tiên tiến, như được quy định trong Chiến lược “Made in China 2025” – điều mà các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Hoa Kỳ, cho là không công bằng. Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ đang nhắm đến Huawei – tập đoàn đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác tại bất kỳ quốc gia nào khác trong thời hiện đại.

Việc Canada quyết định tuân theo yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính Huawei – vì cáo buộc gian lận và vi phạm nhiều lần lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, trong mắt Tập Cận Bình là không tôn trọng vị thế và lợi ích của Trung Quốc, và do đó đáng phải đáp trả tương xứng. Trung Quốc nhanh chóng giam giữ hai công dân Canada với cáo buộc “tham gia vào các hoạt động gây nguy hại an ninh quốc gia Trung Quốc”, và kết án tử hình một công dân Canada vì buôn lậu ma túy.

Mục tiêu của Tư tưởng Tập Cận Bình không phải là nhằm khởi động một cuộc chiến tranh lạnh với phương Tây, hoặc nhằm xuất khẩu mô hình chính trị Trung Quốc. Mà hơn hết, Tập Cận Bình muốn gia tăng uy quyền của nhà nước độc đảng này – cùng với mô hình chủ nghĩa chuyên chế của riêng ông ta – tại Trung Quốc, bao gồm cả việc đảm bảo rằng người dân Trung Quốc sẽ không được tiếp xúc với các tư tưởng dân chủ – tự do. Hiểu được điều này là rất quan trọng nếu thế giới muốn can dự hiệu quả với một Trung Quốc đang trỗi dậy ghê gớm.

-----------------

Steve Tsang là Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London.

Nguồn: Steve Tsang, “What is Xin Jinping Thought?”, Project Syndicate, 05/02/2019.






No comments:

Post a Comment