Sunday, March 31, 2019

TỪ NGƯỜI XUỐNG VƯỢN THỜI GIAN CHỈ BẰNG MỘT THẾ HỆ (Trương Nhân Tuấn)





Đâu khoảng năm ngoái, năm kia… tôi có viết bài đặt câu hỏi rằng: “Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc?“. Đặt câu hỏi vậy vì tôi không thấy “thái độ” của “Phật giáo” là gì trước những biến cố thời cuộc. Ta luôn thấy trước cổng chùa, trước bàn thờ Phật… dán câu “đạo pháp và dân tộc”. Trung ương giáo hội PGVN nhiệm kỳ 2017-2022 cũng khẳng định lý tưởng “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội”.

Vấn đề tôi đặt ra (năm ngoái hay năm kia) thái độ của Phật giáo ra sao trước các vụ Formosa, vụ Bô Xít Đắc Nông…? những vụ ô nhiễm tiêu biểu gây thảm họa lâu dài cho đất nước và dân tộc. Ta tuyệt nhiên không thấy phía Phật giáo lên tiếng một điều gì.

Ngay cả những “trí thức Phật tử” vốn xưa nay năng nổ trong việc “đánh Công giáo”, bây giờ cũng im hơi lặng tiếng. Không lẽ những tai họa kia, vì chúng là những “chủ trương lớn của đảng”, Phật giáo VN im tiếng là “chuyện phải đạo”?

Theo tôi, bạn bè Phật tử trách móc thì tôi chịu, Phật giáo VN không có “đồng hành” với dân tộc. Phật giáo VN thời xã hội chủ nghĩa đi “trong lòng đảng” và đi “bên lề” của dân tộc.

Trung ương giáo hội đặt ra tiêu chí. Tôi không hiểu các bậc “cao tăng” Phật giáo VN làm thế nào để dung hợp “đạo pháp” với “chủ nghĩa xã hội”?

Làm gì “dung hợp” được phải không? Chủ nghĩa xã hội ở đây là chủ nghĩa xã hội của Mác và Lê Nin, khác như nước với lửa các lý thuyết về “dân chủ xã hội” ở các nước Tây phương (như ở Pháp và các xứ Bắc Âu).

Tôn giáo chủ trương “duy tâm – hữu thần”. Chủ nghĩa xã hội của Mác Lê Nin chủ trương “duy vật – vô thần”. Tôn giáo chủ trương “từ bi, bác ái” trong khi chủ nghĩa XH của Mác-Lê khơi dậy lòng “hận thù giai cấp” giữa những giai cấp trong xã hội. XHCN Mác Lê-nin quan niệm “tôn giáo là thuốc phiện”. Trong một xã hội công sản như VN, làm gì có chỗ cho tôn giáo (chân chính) để cho dân chúng làm “chỗ dựa tinh thần”?

Hiến pháp qui định, đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo “nhà nước và xã hội”. Như vậy luật pháp qui định quyền lực cho đảng. Đảng có quyền can thiệp vào mọi nơi, mọi chỗ… từ mọi ngõ ngách trong tư tưởng, cho tới mọi hành động, cử chỉ, thái độ… của mọi người dân trong xã hội.

Vậy còn chỗ nào cho tôn giáo? Không còn chỗ nào hết cả! Những vụ lùm xùm chùa chiềng, đền thánh, đình miễu… từ việc “cúng vong” cho tới “lên đồng”, gọi hồn, phát ấn v.v… Tất cả đều là “nhảm nhí”, là “đồi phong bại tục”… Những chuyện này đã bị “nhà nước thực dân” diệt từ lâu. Bây giờ đảng cho “sống” lại. Mục đích là gì nếu không phải để ngu dân và móc túi người dân?

Chùa chiền, đình miễu… tất cả trở thành những nơi tuyên truyền và làm “làm kinh tài cho đảng”. Tăng ni trở thành ma tăng, ma ni… tất cả trở thành “tai mắt” của đảng.

Phật giáo VN đi trong lòng của đảng chớ không “đồng hành cùng dân tộc”. Trí thức Phật giáo cũng trở thành trí thức đảng. Vì vậy ta thấy các việc đem ông Hồ, ông Giáp, ông Đồng… (vốn là những đồ tể tay dính máu hàng chục triệu dân lành) ngồi lên đài sen của Phật không hề có tiếng nói phản đối nơi “trung ương giáo hội”.

Đem ông Hồ, ông Giáp, ông Đồng… vào chùa là là “dung hợp” được “đạo pháp” và “chủ nghĩa xã hội” hay sao ?

Không hề!

Phật giáo đã và đang ở thời “mạt pháp”, ít ra vài mươi năm rồi. Mối giềng đạo đức xã hội VN đã “rách bương”. Rách từ gia đình cho tới học đường. Rách từ chốn công đường cho tới chỗ Phật đài. Xã hội không mối giềng đạo đức, trong khi luật pháp lại nằm trong tay kẻ mạnh. Khi “sức mạnh” là “luật” thì xã hội đó không khác chi xã hội loài vật.

“Từ vượn lên người mất mấy triệu năm”? Không biết. Ta chỉ biết từ người xuống vượn thời gian chỉ bằng một thế hệ.







No comments:

Post a Comment