Monday, March 4, 2019

TRUMP - KIM THẤT BẠI : VIỆT NAM 'RÔNG CẢ NĂM' ? (Phạm Chí Dũng)




05/03/2019

Đầy cay đắng vào phút chót, cú sụp đổ thình lình của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm 2019 rất có thể sẽ gây tác động chẳng mấy hay ho cho những gì còn lại của mối quan hệ Việt - Mỹ.

Việt Nam kỳ vọng đến mức nào?

Trước cuộc gặp Trump - Kim, phần lớn giới quan sát chính trị Việt Nam và cả quốc tế đã dự đoán quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù sẽ trở nên nồng ấm hơn sau cuộc gặp này, với điều kiện là cuộc gặp phải thành công và mang lại chí ít vài kết quả khả quan về giải giới hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Cứ nhìn vào cái cách ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị của ông ta đôn đáo chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đặc biệt là khâu bảo vệ an ninh và thẳng tay canh chặn tất cả những người bất đồng chính kiến, cộng thêm một chiến dịch tuyên truyền ồ ạt cho cả hai hình ảnh Donald Trump, Kim Jong Un và đặc trưng bởi ‘tự sướng Việt Nam’, hình ảnh Trọng hai tay mình nắm hai tay Trump và cười tươi hết cỡ như thể bạn quý lâu ngày không gặp…, cho thấy Trọng và giới quan chức chóp bu trong đảng kỳ vọng đến thế nào về một kết quả - nếu không đạt được một thỏa thuận giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân thì cũng được cam kết bởi lãnh đạo Triều Tiên về tiến trình loại bỏ một phần loại vũ khí này, mà ngay trước mắt sẽ giải tỏa một số bãi thử hạt nhân. Nếu kỳ vọng đó được đáp ứng, không cần mô tả thêm là giới lãnh đạo Việt Nam sẽ được nở mặt nở mày đến thế nào.
Khi đó, Trump nói riêng và có thể cả nước Mỹ nữa - đối tác quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam - sẽ xem Việt Nam như một địa chỉ may mắn cho công cuộc hòa bình thế giới và lấy điểm chính trị cho Trump, chưa kể việc nơi đây là một trong những xứ sở an toàn nhất trên thế giới đối với các tổng thống Mỹ.

Cũng khi đó, Nguyễn Phú Trọng và một số cấp dưới của ông ta như Bộ trưởng công an Tô Lâm, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể tự tin và mạnh miệng hơn để ‘gợi ý’ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về những chuyến ‘thăm và làm việc’ của lãnh đạo Việt Nam tại Mỹ trong năm 2019. Theo đó, quốc gia mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ cần có một cuộc đón tiếp chính thức và cực kỳ tôn trọng dành cho Nguyễn Phú Trọng - người mà giờ đây khác xưa rất nhiều khi không chỉ là tổng bí thư mà dễ bị giới chính khách phương Tây xét nét về vị thế ‘không chính danh’ khi xem xét các nghi thức ngoại giao để đón tiếp, mà đã trở thành chủ tịch nước và suy ra là nguyên thủ quốc gia…, theo đúng não trạng ‘mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ’ của ông Trọng sau khi ông ta được Tổng thống Mỹ Barak Obama trải thảm đỏ tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7 năm 2015.

Chưa hết. Một thành công dù không trọn vẹn tại cuộc gặp Trump - Kim sẽ khiến vị thế của giới cộng sản Việt Nam trở nên lung linh hơn trong mắt Donald Trump, bất kể vị tổng thống này đã không dưới một lần tuyên bố chống chủ nghĩa xã hội và loại trừ chủ nghĩa này khỏi thế giới. Bởi khi đó và nằm trong sách lược của Trump, Mỹ sẽ cần Việt Nam hơn, cần Việt Nam để thuyết phục một Kim Jong Un bảo thủ và cứng đầu chịu thực hiện giai đoạn ‘quá độ lên chủ nghĩa xã hội’ bằng cơ chế ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ chỉ có ở Việt Nam - lối ra gần như duy nhất mà Kim phải đi theo trong bối cảnh khẩu phần lương thực đầu người ở Bắc Triều Tiên đã từ lâu rơi vào mức báo động nguy hiểm và đang có hàng triệu người chịu nguy cơ chết đói…

Nhưng đổ vỡ Trump - Kim đã phá vỡ phần lớn những kỳ vọng trên của Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông ta.

Điềm báo ‘rông cả năm’

Ngay sau đổ vỡ là một cuộc họp báo ngắn ngủi rồi ra thẳng sân bay. Cái lối chia tay lạnh tanh của Trump với ‘nhà trọ Hà Nội’ như phát ra một điềm xấu cho quan hệ Mỹ - Việt trong ngắn hạn: trong thực tế và mặc dù tự đánh bóng không ít, Việt Nam cũng chẳng hơn gì Singapore - nơi mà Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên đã diễn ra vào tháng 6 năm 2018 mà chẳng đạt được kết quả đáng kể nào ngoài chuyện ‘Kim hứa, Trump gật’, để từ đó đến Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội đã chẳng có bất kỳ thực tế nào được chứng tỏ là Bắc Triều Tiên chịu giải giáp kho vũ khí hạt nhân.

Bởi Trump đã quyết định rời Việt Nam sớm vài tiếng đồng hồ so với lịch trình sau đổ vỡ trên, đã chẳng nghe nói gì về những ‘cuộc gặp song phương Việt - Mỹ’ để bàn thêm về các khía cạnh an ninh, ngoại giao và đặc biệt là giao thương kinh tế.

Mà như vậy, món nợ ‘công bằng và đối ứng’ mà Trump treo trên đầu những quốc gia bị xem là ‘gây hại cho nước Mỹ’ vẫn còn nguyên đó, tức lời đe dọa của Trump về việc sẽ chế tài Việt Nam nếu nước này không tự tìm cách cắt giảm con số xuất siêu lớn đến 35 tỷ USD vào thị trường Mỹ (năm 2018) - một nguồn máu cực kỳ quý giá để hô hấp cho cơ thể đã lụi tàn của đảng CSVN - vẫn còn nguyên giá trị, kèm thêm nỗi bực dọc từ tính cách thất thường và khó lường của Trump.

Thế còn phản ứng của Việt Nam sau cú sụp đổ Trump - Kim ra sao?

“Hành động của Thủ tướng đã “ghi điểm lớn” với Tổng thống Trump”, “Vị thế, vai trò của Việt Nam được lãnh đạo Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, “Báo quốc tế ca ngợi ‘chiến thắng ngoại giao’ của Việt Nam sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều”“Dù kết quả Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên ra sao thì Việt Nam vẫn là người chiến thắng!”… là tựa đề những bài báo nhà nước xuất hiện ngay sau khi Nhà Trắng thông báo bữa trưa Trump - Kim bị huỷ, Tổng thống Mỹ về thẳng khách sạn sau hội đàm, còn hãng tin Bloomberg đưa tin: Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sụp đổ mà không đạt được thỏa thuận nào.

Chỉ có vài tờ báo hé môi thảng thốt về ‘nỗi buồn Việt Nam’.

Trong khi đó, không còn ai nhắc tới “Việt Nam: Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế” - một tựa đề bán trời không văn tự của ‘báo đảng’ Thanh Niên hiện ra trong những ngày Bộ Chính trị tất bật chuẩn bị tiệc ăn mừng ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.
Có vẻ điềm báo ‘rông cả năm’ đang ứng với mặt trận đối ngoại Việt Nam.

Vào đầu tháng 2 năm 2019, giới chóp bu Việt Nam đã bị một cú sốc nặng trong lúc tưởng như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) đã cầm chắc trong tay mà không phải trả cái giá nào về vi phạm nhân quyền: Hội đồng châu Âu dựa vào một trong những cơ sở là bản kiến nghị của 18 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và quốc tế về sự khẩn thiết hoãn EVFTA do Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng mà chưa có bất kỳ cải thiện nào có thể chứng minh được, đã làm đúng theo yêu cầu này. Đó là vụ ‘rông lần đầu’.

Khác hẳn với ‘thành công rực rỡ’ tại Hội nghị APEC (Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm 2017 mà dù sao cũng mang lại kết quả CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, thay TPP) được ký kết với Việt Nam dù không có Mỹ, sự có mặt lần thứ hai của Donald Trump ở Việt Nam có lẽ đã để lại trong ông ta một ấn tượng không an toàn, nếu không muốn nói là bất an. Còn Bộ Chính trị Việt Nam thì phải đón nhận thất vọng sâu sắc thứ hai liên tiếp sau sự kiện EVFTA bị hoãn trong cùng tháng.

Cứ đà này thì hẳn 2019 sẽ ‘rông cả năm’ cho thành tích đối ngoại của chính thể độc đảng…



No comments:

Post a Comment