Monday, March 25, 2019

THỦ TƯỚNG TÂN TÂY LAN JACINDA ARDERN : MỘT LÃNH TỤ (tổng hợp)




Lê Phan
March 23, 201

Vào một ngày Thứ Sáu an lành bình thường, vào lúc giữa trưa, tín đồ Hồi Giáo tụ tập cầu kinh ở một đền thờ ở Christchurch, New Zealand. Vài phút sau, một thanh niên bước vào cửa tay quơ một khẩu súng máy. Mặc dầu thấy rõ khẩu súng hung hăng quơ trước mặt, một trong những người có mặt – một ông cụ người Afghanistan – đã chào đón “Welcome, brother.”

Rồi tay súng bắt đầu bắn.

Nỗi đau đớn của cuộc tấn công vang dội không những trên toàn cõi New Zealand mà trên cả toàn thế giới. Nó có vẻ như là một chỉ dấu rằng, hầu như ở mọi nơi, một sự gì đó đã thay đổi. Và vì sự hiện diện ở mọi nơi của truyền thông xã hội, người ta có thể thấy hình ảnh trực tiếp từ một tay tự nhận mình là da trắng cực đoan giết chết 50 người ở ngay một nơi thờ phượng.

Nghi can là một người Úc, và nạn nhân đến từ nhiều quốc gia kể cả Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Jordan và Somalia. Thành ra khi Thủ Tướng Jacinda Ardern xuất hiện để đọc một lời tuyên bố vài giờ sau đó, không phải chỉ có New Zealand nghe điều bà nói.

“Rõ ràng là vụ này chỉ có thể diễn tả là một cuộc tấn công khủng bố.”

Qua việc nhanh chóng và quyết liệt diễn tả vụ giết người như là “một cuộc tấn công khủng bố,” bà Ardern đã cho thấy một ý thức và nhận xét sự việc là nhiều người cảm thấy ngần ngại sử dụng chữ khủng bố khi kẻ tấn công là da trắng, ngay cả khi cuộc tấn công rõ ràng bị chính trị thúc đẩy.

Sự việc bà công nhận niềm lo sợ và sự đau buồn của cộng đồng Hồi Giáo không chỉ có vậy. Bà ôm những nạn nhân ở Christchurch, đội một khăn choàng đầu màu đen như một cử chỉ giản dị để tỏ lòng tôn trọng; bà cho dân chúng một khẩu hiệu chung “Họ là chúng ta.” Và khi đọc diễn văn trước Quốc Hội lần đầu tiên một vài ngày sau, bà đã đưa ra một tuyên bố nhỏ nhưng táo bạo khi mở đầu bài diễn văn với lời chào Hồi Giáo “As-Salaam Alaikum.”

Và bà tiếp tục kết hợp sự bộc lộ cảm thông với những hứa hẹn luật lệ cụ thể và thay đổi văn hóa. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công bà loan báo sẽ có luật mới giới hạn quyền sở hữu súng. Chỉ năm ngày sau vụ thảm sát bà đưa ra dự luật cấm súng tự động và súng tấn công.

Và từ ngay bài diễn văn đầu tiên, bà đã chinh phục không những New Zealand mà còn cả thế giới.

Trên tờ Guardian ở Anh, cây bút Suzanne Moore viết “Martin Luther King nói lãnh tụ thực sự không tìm đồng thuận nhưng tạo nặn đồng thuận. Ardern đã uốn nắn đồng thuận, chứng minh hành động, cưu mang và đoàn kết. Khủng bố thấy khác biệt và muốn tiêu hủy. Ardern thấy khác biệt và muốn tôn trọng nó, ôm lấy nó và liên hệ với nó.”

Nhà bình luận Ishaan Tharoor trên Washington Post viết “Ardern đã trở thành bộ mặt của nỗi đau khổ và bi ai của đất nước mình, và quyết tâm của họ.”

Nhà bình luận Annabel Crabb viết trên website của Australian Broadcasting Corp rằng “đã bị đối diện với cái tin tệ hại nhất mà một lãnh tụ có thể nhận được. Bà Ardern đã chưa bước một bước sai nào cả.”

Trên tờ tạp chí gia đình Marie Claire Australia, nhà bình luận Grace Back nói đúng nhất “Một lãnh tụ trông sẽ phải như vậy.”

Lời ca tụng không phải chỉ đến từ các nhà báo, nhà bình luận. Phát ngôn nhân Mohammad Faisal của Bộ Ngoại Giao Pakistan nói là bà Ardern đã “Chinh phục trái tim của người Pakistan.” Ở Hoa Kỳ, Trung Tâm King – một tưởng niệm cho Mục Sư Martin Luther King – tweet rằng “Có một lãnh tụ với tình thương đang được trưng bày ở New Zealand.”

Ở chính New Zealand, một nhà báo của đài BBC nghe được “chính lời của bà – chúng ta là một, họ là chúng ta” được gia đình nạn nhân dùng để nói với nhà báo. Ngay lãnh tụ đảng Quốc Gia Đối Lập, bà Judith Collins, cũng nói với Quốc Hội là thủ tướng “vượt bực.”

Một nhà phân tích chính trị ở New Zealand, ông Colin James, kể lại với BBC News là đã từng trải qua nhiều thời gian với bà, ông không ngạc nhiên trước những lời ca tụng. Ông bảo “Bà cương quyết, nghiêm chỉnh, tích cực và nắm vững. Và một điều tôi thường nói – không có một tế bào xấu tính nào trong cơ thể mình, nhưng bà không phải dễ bị lung lạc. Nó là một tập hợp ít khi thấy.”

Khi bà mới bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử năm 2017, bà thường được so sánh với Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada và Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp. Nó quả có phần đúng, cả ba đều tiến bộ, tham vọng và trẻ. Bà Ardern mới 37 tuổi khi nhậm chức. Đã có nhiều những lời nói quá về bà khiến cho đã có cái danh từ “Jacindamania” (tức là phát điên vì Jacinda), khiến một số lo ngại là bà chỉ có bề ngoài không có thực chất.

Trong khi so sánh tiếp tục, chúng chỉ cho thấy bà đã trở thành một khuôn mẫu. Nhà bình luận Sushil Aaron viết trên tờ New York Times là bà “đang trở thành một phản đề tiến bộ cho đám đông những người hùng cánh hữu… mà sự nghiệp tiến mạnh với luận điệu thiếu tự do và bài Hồi Giáo.”

Một thí dụ rõ ràng là lời yêu cầu của bà với Tổng Thống Donald Trump, vốn hỏi bà Hoa Kỳ có thể giúp gì và được trả lời “Cảm tình và tình thương cho mọi cộng đồng Hồi Giáo.”

Và diễn tả đơn giản của bà với nhận xét của Thượng Nghị Sĩ Fraser Anning của Úc đổ tội cho cuộc tấn công này là vì di dân, bà nói “Thật hổ thẹn.”

Hình ảnh của một bà Ardern thành thật tìm cách an ủi nạn nhân ngày sau cuộc tấn công đã tương phản với các lãnh tụ chính trị trong những trường hợp tương tự. Nhà báo Sana Saeed của đài Al Jazeera viết là “không nhớ Trudeau có một lòng nhân đạo sâu xa đến thế cho nạn nhân của vụ thảm sát ở đền thờ Hồi Giáo ở Quebec năm 2017,” và thêm là cựu Tổng Thống Barack Obama không đến thăm nạn nhân của vụ bắn vào đền Oak Creek Gurdwara ở Wisconsin năm 2012 (Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama đi thay).

Ông bình luận gia James giải thích “thường người ta coi thường bà vì bà hấp dẫn và nói những điều đúng. Nhưng bà còn có nhiều điều đáng kính nể hơn – và bà đã chứng minh điều đó trong mấy ngày qua đến một mức mà còn ít người có thái độ đó hơn trước nhiều.”

Nó biểu lộ qua ngay cả tuyên bố của bà về tay súng: “Hắn ta tìm nhiều thứ qua hành động khủng bố, nhưng một hành động mà sẽ làm hắn nổi tiếng – đó là lý do tại sao quý vị sẽ không bao giờ nghe tôi nhắc đến tên hắn.” Bởi vì bà ý thức ngay là với chuẩn bị đeo camera trên người và truyền trực tuyến, kẻ khủng bố thèm được sự chú ý qua hành động của mình. Không nhắc đến tên hắn chính là hình phạt hắn không muốn nhất. (Lê Phan)


----------------------------------------------------------


Nguyễn Đạt Thịnh
Saturday, 23/03/2019

Hôm thứ Sáu, 15 tháng Ba, 2019, anh Brenton Harrison Tarrant, 28 tuổi, người da trắng, giết 50 tín đồ Hồi Giáo tại hai thánh đường Hồi Giáo Christchurch, New Zealand (Tân Tây Lan); chưa đầy một tuần sau, bà Thủ Tướng Jacinda Ardern của nước này công bố lệnh cấm bán mọi loại súng trận bán tự động, mọi loại băng đạn chứa đựng quá nhiều đạn, mà Tarrant đã sử dụng trong cuộc tàn sát.

Bà Ardern tuyên bố, "Người Tân Tây Lan chúng ta không giết người; thông thường cảnh sát Tân Tây Lan không đeo súng. Nước Tân Tây Lan không bỏ ra bạc tỉ để võ trang quân đội. Tân Tây Lan chúng ta dùng tiền để tài trợ một nền y tế lành mạnh, một hệ thống giáo dục đầy đủ. Tân Tây Lan chúng ta không chủ trương võ trang nguyên tử. Vài tiếng đồng hồ trước cuộc tàn sát vô nghĩa vừa xẩy ra, thiếu nhi Tân Tây Lan chúng ta còn xuống đường đòi bảo vệ khí hậu trong lành bình thường."

Chỉ trong một câu đó, bà Ardern nói lên được niềm hãnh diện của một nước nghèo; mà chỉ riêng quyết định cấm bán súng bừa bãi, ban hành 6 ngày sau ngày súng bị sử dụng gây tội ác, bà Ardern chứng minh quyền lực của bà hữu hiệu hơn quyền của cả hải vị tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump, một ông chủ trương cho bán súng thả giàn, dù súng đã bắn chết hàng trăm người Mỹ và vài chục đứa trẻ, học sinh lớp Một; ông kia đòi kiểm soát việc bán súng.

Bà Ardern chưa đầy 40 tuổi.

Nữ thủ tướng Jacinda Ardern (Getty Images)

Tôi nghe mà thèm đến Tân Tây Lan, thèm sống trong cái xã hội hiền hòa đến mức cảnh sát không cần đeo súng, học sinh đi học miễn phí, người bệnh được chăm sóc free.

Thử so sánh luật mua súng tại Mỹ và tại Tân Tây Lan -tại Mỹ người mua súng chỉ qua một cửa ải: có tư pháp lý lịch tốt, tốt như anh sát nhân Tarrant trước phút anh bóp cò súng tiểu liên giết 50 người di dân.

So sánh luật Mỹ & luật Tân Tây Lan

Tại Tân Tây Lan, tư pháp lý lịch mới chỉ là bước thứ nhất; còn 5 bước nữa phải làm, người cần súng mới có quyền mua súng.

Phương cách giản dị mà hữu hiệu bà Jacinda Ardern giải quyết vụ khủng bố tại thành phố Christchurch, khiến bà trở thành khuôn mặt và tiếng nói tượng trưng cho Tân Tây Lan. Bà không hề chỉ thị người Tân Tây Lan phải yêu thương, che chở người tị nạn, bà chỉ đích thân làm hành động yêu thương và che chở đó; bà không tuyên bố tự do tín ngưỡng, bà chỉ đích thân đến thăm thánh đường Kilbirnie Mosque của Hồi Giáo

Bà không hề chỉ thị cho người Tân Tây Lan phải yêu thương, che chở người tị nạn, bà chỉ đích thân làm hành động yêu thương và che chở đó. (Getty Images)

Bà không tuyên bố tự do tín ngưỡng, bà chỉ đích thân đến thăm thánh đường Kilbirnie Mosque của Hồi Giáo. (Getty Images)

Bí quyết 'đích thân làm những việc mình muốn mọi người cùng làm' giúp bà giải quyết cả những thách thức lớn chưa thể hiện thành hành động; điển hình là việc bà Ardern đến thăm thánh đường Kilbirnie Mosque hóa giải nguy cơ kiến trúc đó có thể bị đốt, hay bị phá hoại.

Không chỉ riêng người Tân Tây Lan, mà nhiều người Mỹ, người Âu cũng ca ngợi thái độ chấp nhận khác biệt, yêu thương nhân quần của bà Jacinda Ardern đến mức tạo thành phong trào "Jacindamania," dựa theo first name Jacinda của bà.

Báo chí phổ biến 4 điều nên biết về Ardern: MỘT là bà rất trẻ -39 tuổi- vị thủ tướng trẻ nhất của Tân Tây Lan tính từ năm 1850; HAI là bà có một kinh nghiệm chính trị khá dài: 20 năm. Ngay những năm chót học đại học bà cũng đã tham gia chính trị; BA là bà là vị nữ thủ tướng thứ 3 của Tân Tây Lan; và BỐN là mặc dù chỉ là một đảng viên đảng Lao Động, chưa giữ chức vụ đảng trưởng đảng này, bà đã đắc cử làm thủ tướng Tân Tây Lan.

Truyền thông thế giới đánh giá cao thái độ chủ động của bà Ardern sau vụ khủng bố mang tính chất kỳ thị cả về tín ngưỡng lẫn sắc tộc.

Trả lời câu hỏi của truyền thông về quan điểm của bà đối với anh sát nhân Tarrant, bà Ardern giản dị đáp, "Anh ta chỉ là một tội đồ; những người bận tâm đối với ảnh là cảnh sát và quản ngục."

Thái độ của bà Ardern, ra vẻ không quan tâm đến kẻ sát nhân, mang dụng ý không tạo hào quang cho anh Tarrant, khiến đám trẻ vô ý thức không thấy việc giết người là cách giúp chúng trở thành nổi tiếng.

Việc không đánh bóng kẻ sát nhân là thái độ của một chính khách học giả, nhưng bằng cấp cao nhất của bà Ardern chỉ là cử nhân về khoa giao tiếp với quần chúng; bà tốt nghiệp trường University of Waikato.

Bà hứa với quốc hội Tân Tây Lan là bà sẽ tránh không nói đến tên anh sát nhân Tarrant, để mọi người quên lãng anh ta sau tiếng súng cuối cùng tại thánh đường Christchurch; ít người để ý việc bà không yêu cầu thành viên quốc hội tránh né việc làm vô ý thức đó; bà chỉ hứa chính bản thân bà sẽ tránh né.

Biện pháp kiểm soát súng hôm thứ Sáu 22/3/2019, cũng không phải là thành tích của bà Ardern, mà là quyết định của toàn thể 'chúng ta' -những người thường dân Tân Tây Lan, những chính khách quốc hội Tân Tây Lan, theo khẩu khí của bà thủ tướng.

Bà Ardern nói, "Chúng ta quyết định cấm những khẩu súng đã sử dụng trong cuộc tàn sát tuần trước; quyết định đó là để bảo vệ chúng ta, để duy trì sự an toàn của chúng ta."
Không ai thấy cái tôi của bà thủ tướng đâu cả.

Bà thảo luận đến việc cảnh sát mua lại những khẩu tiểu liên M16, AK47 đã bán cho quần chúng; giá cả được quyết định hợp lý, cách mua lại súng thoải mái, tự do không hơi hướm gì đến việc giải trang cưỡng bách.

Người Mỹ yêu hay không yêu súng cũng không tin là bà thủ tướng Tân Tây Lan có thể thành công dễ dàng như vậy. Súng đã giết 27 người Mỹ và búp bê Mỹ từ năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook, Conn., giết 49 người tại Orlando night club năm 2016, giết 58 người yêu nhạc tại Las Vegas năm 2017, giết l7 học sinh tại trường trung học Parkland, Fla., năm 2018, mà hội NRA (Nationam Riffle Association ) vẫn ung dung chung tiền giúp các chính khách ứng cử và tái ứng cử.

Họ không tin là chỉ nhờ tính khiêm nhường và kinh nghiệm 20 năm hoạt động chính trị mà bà Ardern có thể giải giới những người Tân Tây Lan đang võ trang.

Người viết bài thảo luận này cũng không tin và rất lo cho bà Ardern.






No comments:

Post a Comment