Monday, March 4, 2019

NHỮNG ĐIỀU CHƯA THẤY (Mai Quốc Ấn)





Người Việt nặng cảm tính, ít trọng khái niệm nên các thông số môi trường khô khan ít khi lấy động được đám đông. Nhưng nếu xâu chuỗi lại các tác động của ô nhiễm thì có lẽ là một câu chuyện khác mà ở đó, không chỉ đám đông mà các chính trị gia cũng phải quan tâm và thay đổi.

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra tại Việt Nam có đến 98% dân số đang bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 (bụi mịn) cao hơn mức khuyến cáo của WHO. Những bệnh như tim mạch và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nó chiếm tới 80% số ca tử vong sớm liên quan đến bệnh này tại Việt Nam. Tiếp theo đó là các bệnh về phổi và ung thư phổi.

So với các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn về an toàn không khí của WHO thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) năm 2017 nhiều lần vượt ngưỡng. Cụ thể, tại Hà Nội có 99 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 257 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO; tại TPHCM có 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 222 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

Những điều này cho thấy tiêu chuẩn quốc gia về an toàn không khí (lẫn các chỉ số an toàn khác) là thấp nhiều so với mặt bằng chung thế giới. Và ô nhiễm dạng phơi nhiễm chính là cách tích tụ bệnh tật rất từ từ, rất rộng, hậu quả cũng rất rất lớn.

Không phải là chuyện “trời kêu ai nấy dạ”. Càng chẳng phải “sống chết có số”. Những quan niệm lỗi thời ấy bị khoa học bẻ gãy về luận cứ với các phát hiện sự liên quan giữa ô nhiễm với các bệnh có nguy cơ tử vong cao. Lấy ví dụ về bệnh tiểu đường- một bệnh dị truyền và liên quan đến chế độ ăn uống, thì nay đã có nghiên cứu chứng minh ô nhiễm không khí cũng gây ra tiểu đường.

Một máy lọc không khí chỉ giúp “pha loãng” thứ không khí ô nhiễm trong phòng. Một khẩu trang chống bụi PM2.5 chỉ bảo vệ tạm người dùng khi đi chuyển trên đường. Đó không phải là vấn đề gốc cần giải quyết trước thực trạng ô nhiễm hiện nay!

Ngăn chặn bằng chính sách đối với việc nhập công nghệ lạc hậu tạo ra các nguồn thải, trồng lại rừng và thay thế chôn lấp rác bằng công nghệ tái chế mới xử lý được vấn đề.

Nhưng vấn đề đầu tiên không phải tiền đâu để nhập công nghệ hiện đại hay công nghệ tái chế rác. Mà ở cách hệ thống chính trị này nhận định ra sao về phát triển. Những bản báo cáo đẹp về thu hút đầu tư, phát triển GDP mà “quên” các hậu quả về ô nhiễm chỉ có tác dụng tô điểm nhiệm kỳ của chính trị gia trước Đại hội Đảng XII (đầu năm 2021).

Quá trình “rút sợi dây kinh nghiệm” ấy chỉ tạo ra một số tỉ phú, triệu phú đô la và cũng tạo ra vô số các bệnh tật do ô nhiễm, nhiều cái chết bởi bệnh tật do ô nhiễm. Nếu nhìn xa hơn, các khoản “lãi vay” mang tên bệnh tật, tăng gánh nặng bảo hiểm y tế, giảm cơ hội cạnh tranh cá nhân lẫn cạnh tranh quốc gia sẽ khiến đất nước suy yếu. Kể cả yếu tố nhạy cảm là an ninh quốc phòng không thể không tính đến những núi chất thải sẽ bị kẻ thù “lạ mà quen” bắn vào và phát tán ra sao theo gió, theo nguồn nước…

Trên thực tế, đất nước đang suy yếu và không có một nghiên cứu toàn diện nào để đánh giá ngưỡng chịu đựng về ô nhiễm của quốc gia. Các bản báo cáo giàu tính từ hay các sáo ngữ của chính trị gia trước Quốc hội không chút tác dụng nào để giảm thiểu được ô nhiễm.

Tôi không ngại đưa ra dự đoán về nguyên nhân có thể chấm dứt chế độ hiện hữu chính là hậu quả của ô nhiễm phát tác không kềm lại được. Cảnh báo này không đồng nghĩa với bảo vệ chế độ mà vẫn từ nỗi lo lớn hơn: thoái hoá giống nòi.

Đó là một quá trình vô cùng đáng sợ!

Quá trình ấy sẽ không dừng lại bởi cách mà chúng ta thờ ơ với suy nghĩ “trời kêu ai nấy dạ” như đã nhắc ở trên. Quá trình ấy vẫn cứ đau đớn bởi sự thiếu thông tin của người dân và thiếu minh bạch của quan chức. Quá trình ấy cũng chính là hiện thực hóa những điều chưa thấy hoặc thấy nhưng im lặng, thờ ơ của hôm nay.

Chưa thấy, thì rồi cũng bắt buộc phải thấy thôi…

Chú thích: Các hội viên phụ nữ xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc tích cực tham gia mô hình “Biến rác thải thành thẻ BHYT”. Một diểm sáng đáng ghi nhận dù những điểm sáng như thế còn quá ít tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: Phụ nữ Việt Nam)







No comments:

Post a Comment