Sunday, March 3, 2019

GIÁ TIỀN THUỐC CAO, MỘT VẤN ĐỀ NAN GIẢI (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
March 2, 2019

Giá thuốc càng ngày càng đắt ở Mỹ nơi có một nền y khoa đứng nhất thế giới nhưng có nền y tế thấp nhất so với các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến. Đầu năm 2019 giá thuốc tăng 7% thay vì giảm, trong khi cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đang tìm cách giải quyết vấn đề nan giải phức tạp.

Giá thuốc tăng ở Mỹ vì không bị chính quyền kiểm soát khác với các quốc gia Úc, Canada và Anh nơi hàng tiêu thụ như máy vi tính, quần áo không bị kiểm soát nhưng giá thuốc bị kiểm soát để sản phẩm công ích đến với người dân.

Ở Hoa Kỳ thương lượng giá thuốc tùy thuộc vào hàng ngàn chương trình của hãng bảo hiểm, thương lượng riêng, trong khi chương trình Medicare của chính phủ cho người già trên 65 tuổi phải chịu luật liên bang, cấm chương trình không được thương lượng giá hay tự quyết định thuốc nào sẽ được chương trình trả. Trái lại, phải trả tất cả các loại thuốc nào đã được cơ quan FDA (thuốc và thực phẩm) chấp thuận an toàn cho bệnh nhận chứ không cần chứng tỏ thuốc nào có hiệu quả hơn.

Gian lận của các đại dược phòng trong mấy năm qua vì tiêu chuẩn của FDA này đã gây ra tiếng vang trong dư luận Hoa Kỳ. Năm 2014, 1,000 viên Sovaldi chữa lành viêm gan C trong 12 tuần của hãng thuốc Gilead Science giá $84,000. Năm 2015, Martin Shkereli nhà đầu tư Wall Street mua công ty chế thuốc Daraprim trị bệnh ký sinh trùng tăng giá một viên thuốc từ $13 lên $750 (Shkereli đang ở tù). Năm 2016, một cây viết Epipen chữa chứng sốc vì dị ứng của hãng Mylan bán giá $284 tăng vọt 600% so với giá từ năm 2007. Từ năm 2008 đến 2016 giá thuốc mới ra trung bình tăng gấp đôi so với giá thuốc cũ, tăng nhanh hơn lạm phát, một số lớn bệnh nhân không có tiền mua thuốc.

Năm 2016 trong mùa tranh cử tổng thống, ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton đã đặt vấn đề giá vài loại thuốc tăng quá mức, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump cũng nói “các hãng thuốc đã trốn tránh được tội ác” nhưng sau một năm nhậm chức giọng của Tổng Thống Trump đã nhẹ xuống hơn bớt tấn công các đại dược phòng, một trong những lý do là vì ảnh hưởng của Bộ Trưởng Y Tế Alex Azar – ông này là cựu chủ tịch chi nhánh Hoa Kỳ của hãng Eli Lilly.

Đầu Tháng Giêng, 2018, trong bài diễn văn đọc trước quốc hội, Tổng Thống Trump hứa sẽ giảm giá thuốc, thuốc sẽ giảm qua sự cạnh tranh của nguyên tắc kinh tế thị trường. Hồi cuối Tháng Tư ông nói với báo chí là các đại công ty dược phòng sẽ tình nguyện giảm giá trong hai tuần, trong khi các chủ tịch công ty này lại nói là họ hoàn toàn không biết điều này. Sau đó bị áp lực của tổng thống ,ba hãng Pfizer, Novatis và Merck hứa sẽ giữ không tăng giá đến cuối năm.

Cuối Tháng Mười, 2018, trước bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, Bộ Trưởng Y Tế Azar tuyên bố “giá thuốc cao là trở ngại lớn nhất” cho dân Mỹ nhưng không nói đến giải pháp, trong khi các ứng cử viên Dân Chủ đặt vấn đề giá thuốc lên hàng đầu của chương trình tranh cử.

Dân chúng ghi nhận thiện chí của hai đảng cầm quyền nhưng kỹ nghệ dược phòng là một lực lượng vận động hành lang mạnh nhất thủ đô. Trong hai năm cầm quyền, Tổng Thống Trump với đảng Cộng Hòa nắm đa số cả hai viện, giá bảo hiểm và giá thuốc tăng cao hơn hai năm trước, muốn giải quyết vấn đề ông không thể chỉ tay đổ tội cho đảng Dân Chủ. Giá thuốc, cũng như hệ thống y tế Hoa Kỳ vô cùng phức tạp với luật lệ điều hành, cơ quan FDA, bảo hiểm y tế tư, bảo hiểm y tế công Medicare cho người già, Medicaid cho người nghèo nằm trung gian giữa bệnh nhân và hệ thống phân phối, một hệ thống dễ bị kỹ nghệ thuốc giật dây.

Năm 1847, Hội Y Khoa Hoa Kỳ AMA được thành lập, các bác sĩ sáng lập viên đặt luật lệ đạo đức y học: “Biên toa thuốc hay cấp bằng sáng chế không ích lợi cho bệnh nhân và giá trị nghề nghiệp là một sự ngu dốt làm mất danh dự nghề y.” Các hãng thuốc thời đó tự theo tiêu chuẩn đạo đức này của AMA.

Năm mươi năm sau trận nội chiến Hoa Kỳ, thương mại thuốc bùng rộ với các công ty dược phòng mới như Parke Davis, Eli Lilly. Luật bản quyền năm 1870 cho phép các công ty bảo vệ sản phẩm trên thị trường bằng cách giữ tên thuốc riêng cho mình trong khi giữ bí mật hóa chất chế tạo thuốc. Bác sĩ, dược sĩ và các hội đạo đức y học đã không đồng ý với luật bản quyền này kể cả bí mật chế tạo thuốc lẫn giá thuốc cao gấp đôi giá thuốc của dược sĩ ngoài dược phòng có thể chế tạo.

Các hãng thuốc lớn càng ngày càng nhiều, cạnh tranh tăng giá thay vì giảm. Các đại công ty bắt đầu lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (RND, Research and Development) như công ty Parke Davis. Tình hình càng ngày càng bất lợi cho bác sĩ, dược sĩ và với các đại dược phòng.

Bằng sáng chế là chuyện đương nhiên cho buôn bán. Các hãng hóa học như Bayer (Đức) chế thuốc Aspirin đi vào thị trường Hoa Kỳ. Các hãng này từ trước không bị ngăn trở vì bác sĩ, dược sĩ hay các tiêu chuẩn đạo đức của hội AMA. Các bác sĩ từ đó dần dần công nhận sáng chế và bản quyền như là dấu hiệu đánh giá phẩm chất và sự tin cậy của thuốc. Năm 1906 đạo luật về thuốc và thực phẩm nhằm bảo vệ an toàn cho bệnh nhân và giới tiêu thụ đòi hỏi hãng thuốc phải cho biết các chất trong thuốc nhưng lại bảo vệ bí mật cho các dược phòng để tránh cạnh tranh.

Năm 1912, Hội AMA sửa lại “nguyên tắc đạo đức y học” nhằm cho phép bác sĩ giữ bằng sáng chế miễn sao có ích lợi cho bệnh nhân. Các đại học y dược cũng sáng chế thuốc trong các phòng thí nghiệm trong trường nhằm mục đích ích lợi cho quần chúng, tiền thâu được từ bằng sáng chế được đóng vào quỹ giảng huấn, nhưng từ đó quyền lợi công và tư giữa y khoa và thương mại trong chiến tranh chống bệnh tật bắt đầu lẫn lộn. Năm 1980 đạo luật Bayl-Dole cho phép các chương trình nghiên cứu đại học nhận tiền liên bang được cộng tác với các kỹ nghệ dược phòng theo mục đích thương mại!

Trong thập niên 1950, giải pháp kinh tế thị trường dùng thuốc hóa chất chung (Generic) để cạnh tranh với thuốc hiệu (Brand name), hai loại thuốc có cùng chất và tác dụng giống nhau, bị các hãng thuốc chống đối. Các đại công ty vận động 40 tiểu bang ra luật cấm các nhà thuốc bán bất cứ thuốc nào khác hơn thuốc hiệu.

Năm 1965, chương trình Medicare và Medicaid thay đổi kêu gọi dùng thuốc chung nếu được, các chương trình bảo hiểm tư cũng như HMO cũng cổ động theo, đến năm 1984 tất cả 50 tiểu bang kể cả D.C. ra luật dùng thuốc chung thay thuốc hiệu.

Sau cơn khủng hoảng thuốc Thalidomide (Tây Đức) gây quái thai, quốc hội bắt buộc thuốc phải được FDA công nhận an toàn và hữu hiệu. Kỹ nghệ thuốc chung được dịp phát triển khi bệnh nhân thấy khi thuốc được FDA chấp thuận thì thuốc hiệu đắt tiền cũng giống như thuốc rẻ tiền có tên hóa chất chung.

Đạo luật Hatch (TNS Cộng Hòa) – Waxman (dân biểu Dân Chủ) ra đời năm 1984 giúp thuốc chung cạnh tranh với thuốc hiệu. Năm 2003 quốc hội cho ra đời chương trình Medicare part D (thuốc cho bệnh nhân ngoại chẩn). Năm 1984 thuốc chung chiếm 19%, năm 2006 với chương trình thuốc 90% bệnh nhân già dùng thuốc chung với giá từ 80% đến 90% rẻ hơn thuốc hiệu.

Thập niên 1980 ra đời loại thuốc sinh hóa mới như thuốc có chất kháng thể dùng chữa ung thư như Herceptin và Humira. Các thuốc sinh hóa điều chế đắt tiền và khó chế tạo nếu các công ty chế tạo không cho biết phương pháp. Các kỹ nghệ tuy vậy cũng có cách thay thế bằng thuốc chung gọi là thuốc tương tự (Biosimilars). Năm 2009 quốc hội ra đạo luật bảo vệ bằng sáng chế của các thuốc sinh hóa đến 12 năm thay vì 7 năm.

Kỹ nghệ thuốc hiệu đánh lại kỹ nghệ thuốc chung qua nhiều chiến thuật, giảm giá thuốc sau khi bằng sáng chế hết hạn, quảng cáo tuyên truyền cho rằng thuốc hiệu tốt hơn, không bán tự do ra ngoài thị trường, không cho biết bí mật điều chế, thưa các hãng thuốc cạnh tranh để kéo dài thời gian độc quyền. Hiện nay có trên 200 loại thuốc hiệu không có loại thuốc chung tương tự.

Năm 2017 cựu dân biểu Waxman (qua đạo luật Hatch-Waxman nói trên) đã làm bản tường thuật sau khi xem xét tất cả nguyên nhân từ kỹ nghệ thuốc, chương trình Medicare, Medicaid, cựu chiến binh VA bảo hiểm tư, nhà thuốc… đã cho thấy liên hệ giữa các yếu tố và nguyên nhân giá thuốc đắt tăng hoài là vì nạn độc quyền thuốc, kinh tế thị trường thất bại không đưa đến cạnh tranh.

Các hãng thuốc chế thuốc mới nay trung bình độc quyền 13 năm. Các hãng khi chế thuốc mới tự đặt giá cao. Kỹ nghệ dược phòng đã thành công không cho chương trình Thuốc Phần D thương lượng cho bệnh nhân Medicare mặc dù số toa thuốc cho người trên 65 tuổi trung bình 29%-35% mỗi năm. Thương lượng cho bệnh nhân nằm trong tay các công ty tư có liên hệ đến các công ty dược phòng qua các chương trình giảm giá hay bồi hoàn tiền thuốc một phần.

Kỹ nghệ thuốc bào chữa cho giá thuốc cao “nhờ giá trị của thuốc mà bệnh nhân, bệnh viện, chính quyền, chủ nhân các hãng xưởng đã tiết kiệm vì thuốc hiệu nghiệm giúp thời gian chữa trị ngắn.” Các công ty thuốc nói là họ cần lợi tức để bù lại tiền nghiên cứu lên đến $2.6 tỷ cho mỗi phát minh nhưng theo báo cáo Waxman giá thuốc không liên hệ nhiều đến tổn phí chế thuốc và quảng cáo của các hãng thuốc cũng bằng tiền nghiên cứu phát minh.

Có nhiều giải pháp đề nghị giảm giá thuốc. Ông Waxman kêu gọi Medicare Phần D được thương lượng trực tiếp với các đại dược phòng. Tổng Thống Trump hồi Tháng Mười, 2018, đã ký đạo luật lưỡng đảng hủy bỏ luật cấm không cho dược sĩ bán thuốc cho bệnh nhân biết có thuốc không được bảo hiểm chấp thuận nhưng rẻ hơn.

Cả hai ông Trump và ông Waxman đều không đề cập đến vấn đề lớn giá thuốc được định khi thuốc mới ra và trong thời gian độc quyền. Chính sách “Mỹ trên hết” của Tổng Thống Trump hiện nay nhằm áp lực chính phủ các nước ngoài tăng giá thuốc. Sau chiến thắng của đảng Dân Chủ ở Hạ Viện hồi Tháng Mười Một, ông Trump kêu gọi cộng tác của bà Nancy Pelosi nhưng chương trình của ông vẫn không đánh vào các đại công ty.

Các dự luật của Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders cho Medicare quyền thương lượng giá với các hãng thuốc, cho bộ trưởng y tế quyền lấy lại bằng sáng chế độc quyền nếu giá thuốc quá cao. Dân Biểu Elijah Cumming (Dân Chủ), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát và Cải Tổ Hạ Viện, mở cuộc điều tra các hãng thuốc về vấn đề định giá. Các giải pháp này lại bị chỉ trích là xã hội chủ nghĩa!

Giải pháp nhập cảng thuốc từ Canada là giải pháp nóng mới nhất được cả Tổng Thống Trump (Cộng Hòa) và Thượng Nghị Sĩ Sanders (Dân Chủ) ủng hộ, các ông xem là giải pháp dễ nhất để giải quyết giá thuốc cao ở Mỹ.

Chính quyền Canada phản đối vì họ sợ thị trường thuốc sẽ bị xáo trộn, giá thuốc sẽ lên cao vì thiếu thuốc. Cơ quan FDA Hoa Kỳ chống vì lý do an toàn cho bệnh nhân. Năm dự luật ở Quốc Hội hiện nay kể cả dự luật B97 của ông Sanders nhằm cho phép nhà thuốc tây và giới bán sỉ ở Hoa Kỳ mua thuốc Canada được FDA công nhận.

Dân Biểu Elijah Cumming đưa dự luật cấm các hãng thuốc Hoa Kỳ trả đũa các nhà thuốc tây Canada bán thuốc cho bệnh nhân Mỹ. Một vấn đề khác là các nhà thuốc Canada không thể nhận toa thuốc của các bác sĩ Mỹ, bệnh nhân phải cần chữ ký của các bác sĩ Canada đồng ký toa thuốc từ Mỹ.

Chính phủ và hội dược sĩ Canada cũng chống vì hiện nay giá thuốc ở Canada cao nhất so với các nước Âu Châu, chỉ rẻ hơn Mỹ. Bộ Trưởng Y Tế Alex Aza cũng chỉ trích giải pháp mua thuốc từ Canada vì sợ thuốc không cùng tiêu chuẩn Mỹ.

Thăm dò quần chúng cho thấy giải pháp Waxman đang được đa số ủng hộ. Nhiều dân biểu cả hai đảng cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ có quyền lợi dính liền với các đại dược phòng, liệu họ sẽ nghe tiếng nói của dân hay tiếng nói của các đại công ty? (Việt Nguyên)







No comments:

Post a Comment